Người Hàm Rồng cuối cùng

Người Hàm Rồng cuối cùng
TP - Không biết trong chồng chất những phim Ta, Tàu, Tây bây giờ, có bao nhiêu người còn nhớ đến Người Hàm Rồng thuở ấy?

Thuở ấy tức là năm 1967, Người Hàm Rồng như là minh chứng cụ thể sinh động của Việt Nam chiến đấu và chiến thắng cả ở  trong nước và quốc tế với nhiều giải thưởng (Bông sen vàng - LHP 1968); Giải thưởng Giô-rít I-ven (Đức).

Người Hàm Rồng cuối cùng ảnh 1
Ông Lê Lâm

Tìm người Hàm Rồng cuối cùng   

Lấn bấn với ý nghĩ ấy, tôi thử làm một chút trắc nghiệm. Trong lớp lớp nhà cửa san sát mênh mông của khu tập thể quân đội Nam Đồng, tôi gõ ngẫu nhiên vào một cánh cửa. Một chàng trai và một thiếu phụ lấp ló. Không biết.

Chếch mấy dãy nữa hỏi thăm một cựu sĩ quan (sau mới biết người đàn ông dáng vậm vạp ấy là một đại tá), ông mang máng hình như trong khu này có nhà quay phim hay nhà báo quân đội chi đó có cái tên như thế nhưng không biết ở khu nào?

Lại  chệch đi hai dãy tiếp. Một ông già khó đoán tuổi có cái cười ẩn sau bộ ria À Lê Lâm quay phim Quân đội. Nhà ở gần đây, dãy C, số 17.

Vậy là tôi đã tìm thấy Lê Lâm, đại úy Lê Lâm đạo diễn phim Người Hàm Rồng của Xưởng phim Quân đội (QĐ).

Chả có chút gì hao hao giữa ông già sắp bát tuần tóc bạc trắng  dáng xương xương và nhanh nhẹn này với ảnh chàng đại úy trẻ trung in trong một kỷ yếu các nhà làm phim QĐ?

Trong kỷ yếu, địa chỉ chỉ ghi vắn tắt Lê Lâm đạo diễn phim QĐ, Nghệ sĩ ưu tú (Đợt I) Khu tập thể QĐ Nam Đồng.

Chuyện một tẹo, hơi giật mình nhưng thấy có chút chi đó gặp may. Nhóm làm phim Người Hàm Rồng 4 người (kịch bản nhà văn Hoàng Văn Bổn, đạo diễn Lê Lâm. Các tay máy cừ khôi Lê Văn Bằng hy sinh tại Mặt trận Đông Hà, Quảng Trị; Vương Đức Cừ thì mất sau năm 1975).

Nhà văn Hoàng Văn Bổn với những cuốn sách làm bần thần tuổi thơ của nhiều người như Trên mảnh đất này, Tướng Lâm Kỳ Đạt... đã biệt với dương thế mấy năm nay khi đang ở cương vị Chủ tịch Hội Văn bút (Đồng Nai).

Duyên nợ từ một chiến sĩ tự vệ thành ở làng Thổ Quan, Hà Nội rồi thành công nhân  ở xưởng quân giới Việt Bắc, chả  qua trường lớp đào tạo nào được tuyển vào Đoàn văn công Tổng cục Hậu cần, ông kiêm đủ thứ vừa đàn hát, sáng tác ca khúc và trở thành một trong không nhiều thành viên đầu tiên của xưởng phim quân đội (1960). 

Rồi trở thành đạo diễn từ một người có chút ít năng khiếu văn nghệ, đối với ông là cả một câu chuyện dài. Lòng say mê nghệ thuật, mà cụ thể là điện ảnh đã khiến Lê Lâm vượt thoát bao gian nan để trở thành một đạo diễn gạo cội của Xưởng phim QĐND.

Hai mươi bộ phim là con số không nhiều, nhưng ông đã có được rất nhiều Bông sen vàng, bạc với Quanh địa ngục Cồn Tiên, Cồn cỏ anh hùng; Chặng đường trên Điện Biên.

Đêm 30-3-1965 năm ấy, ông Lâm cứ xuýt xoa, phải là tin tình báo nhanh nhạy của trên thì mới biết được ý đó của bọn Mỹ nên đã kịp thời cử tổ làm phim QĐ đón lõng sớm trước như thế?

Dự trận Hàm Rồng đầu tiên nhưng những mét phim của trận đầu ấy, phần thì tãi cho những chương trình thời sự, phần thì dùng làm tư liệu lưu trữ. Phải đến những lần đi sau nữa, tổ làm phim mới quyết định phải làm thứ chi đó ra tấm ra món đối với Hàm Rồng.

Sống lại ký ức

Trong câu chuyện ông Lâm có vẻ khoái với cung cách làm việc của nhà văn Hoàng Văn Bổn. Với Hàm Rồng không chỉ là những thước phim sao chép về nhiều khía cạnh ác liệt của những trận đánh. Hàm Rồng phải như một hình ảnh thu nhỏ của miền Bắc XHCN. Có cả sản xuất, chiến đấu.

Có sự phối hợp tác chiến nhịp nhàng ăn khớp của các lực lượng bảo vệ cầu và dân quân tự vệ. Có hơi thở thường nhật của đời sống người dân cấy lúa làm màu tăng gia.

Có hình ảnh của các cháu nhà trẻ mẫu giáo trong bom đạn và nơi sơ tán. Hàm Rồng như một bức tranh toàn cảnh của chiến tranh nhân dân, hình ảnh bộ đội thanh niên dân quân, các cụ phụ lão, các vị sư sãi... sao cho điển hình lẫn nhuần nhuyễn!

Ông Lê Lâm giở ra một bọc ni lông. Ông chậm chạp tãi ra bao thứ quý giá... Không biết có phải ông hiện độc quyền những tấm ảnh trích ra từ những mét phim quay những ngày trận mạc ấy không nhưng lần đầu tôi được chiêm  ngưỡng hình ảnh cô dân quân Nguyễn Thị Hằng trẻ trung đang ghìm khẩu súng trường nhằm vào lũ cướp trời.

Người Hàm Rồng cuối cùng ảnh 2
Cô dân quân Nguyễn Thị Hằng trong phim

Hình ảnh cô dân quân Ngô Thị Tuyển với hai hòm đạn trĩu trên vai gấp đôi trọng lượng cơ thể thì nhiều người đã chiêm ngắm, nhưng cái cảnh cô dân quân Nam Ngạn ấy quần xắn cao đang cấy lúa ven chân cầu Hàm Rồng thì có lẽ hơi bị hiếm?

Một chuyện thú vị liên quan đến tấm ảnh cô dân quân giải giặc lái qua cầu Hàm Rồng. Ông Lâm cho biết con gái của cô dân quân trong ảnh khi xem phim đã nhận ra mẹ mình khi đang làm nhiệm vụ như thế...

Mãi sau người ta mới biết cô dân quân đó tên là Thơm, người ở xã Hoằng Anh, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa.

Hai tháng trời bám trụ tại hang Mắt Rồng ngay sát trận địa C4, C5 ác liệt. Cấp bậc cao nhất tổ làm phim khi đó, Lê Lâm là đại úy, Hoàng Văn Bổn, trung úy. Hai quay phim, trung úy và thiếu úy. Tổ làm phim được cưu mang giúp đỡ của các lực lượng bảo vệ cầu như bộ đội pháo phòng không, Công an nhân dân dân quân Nam Ngạn, Yên Vực.

Hành nghề chủ yếu là chiếc máy quay CônVat phim 35mm cổ lỗ sĩ bấy giờ nhưng khi ấy là niềm tự hào của hết thảy mọi người.  Lúc đó cả ngành  Điện ảnh quân đội có 6 chiếc máy quay phim CO 350mm của Liên Xô nhưng đoàn làm phim Người Hàm Rồng được ưu tiên 1 chiếc.

Hai sự kiện mà Lê Lâm nhớ nhất khi đưa được những mét quay quý vào phim là hình ảnh giải giặc lái Mỹ qua cầu Hàm Rồng. Bữa đó lực lượng bảo vệ cầu bằng mấy loạt đạn đã  bắn cháy một máy bay Mỹ. Tên giặc lái vội bung dù. Lê Lâm được biết hiếm khi máy bay rơi tại chỗ mà cách Hàm Rồng cũng phải khá xa.

Lường trước được thế rồi nhưng khi quyết có một cảnh quay máy bay rơi và bắt giặc lái các anh phải cơ động bằng xe ô tô hàng chục cây số. Nhưng chỉ quay được cảnh máy bay rơi xuống đất tan tành đang bốc khói còn cảnh bắt giặc lái thì không thực hiện được.

Không biết tên giặc lái này đã lái chiếc dù dạt vào xứ nào? Hỏi thăm dân thì mỗi người chỉ một hướng khó xác định. Cả nhóm chán nản quay về. Sáng sớm hôm sau,  tổ làm phim bị đánh thức dậy đột ngột. Người ta báo cho các anh chuẩn bị máy để quay một cảnh đặc biệt.

Cảnh đặc biệt ấy, mãi sau này mới biết đó là sáng kiến của một vị Bộ trưởng, ông Phan Trọng Tuệ. Ông Bộ trưởng hôm ấy đi công tác vào tuyến lửa Khu Tư qua Hàm Rồng đã trực tiếp chứng kiến chiến công của quân dân bảo vệ cầu. Và câu chuyện  nuối tiếc buồn bực không quay được cảnh bắt giặc lái của tổ làm phim quân đội đã lọt đến tai ông.

Sở dĩ ông biết được là do lúc đi thăm đội cầu 19-5 kiên cường luôn túc trực bám trụ cầu Hàm Rồng để khắc phục sự cố đảm bảo cho cầu thông suốt, ông Bộ trưởng đã nghe anh em kể lại. Không biết ông đã làm những gì để thương lượng với Tỉnh đội, Huyện đội Thanh Hóa nhưng một việc hy hữu đã diễn ra trên lộ trình áp giải tên giặc lái Mỹ là có đoạn dẫn giải nó qua cầu Hàm Rồng.

Chính vì thế, những thước phim quý giá, cảnh tên giặc lái cao lênh khênh, hai dân quân một nam một nữ ghìm súng dẫn qua cầu. Trên đầu viên phi công là những ánh lửa hàn của đội công nhân 19-5 sửa chữa cầu lóe sáng đã bay đi khắp năm châu bốn biển trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước khốc liệt!

Người Hàm Rồng cuối cùng ảnh 3
Cảnh trong phim tài liệu Người Hàm Rồng

Rồi nữa, cái cảnh hàng chục cột nước quanh cầu Hàm Rồng tung cao ngất khi Mỹ thả bom chệch cầu trong phim Người Hàm Rồng gây ấn tượng rất mạnh cho người xem. Có những cột nước cao hơn cả đỉnh núi Ngọc.

Không phải hình ảnh đóng thế hay kỹ xảo của phim trường thời buổi hiện đại này đâu mà tổ làm phim đã phải chong máy trên trận địa đồi C5 trong một trận đánh ác liệt của giặc Mỹ xuống cầu Hàm Rồng.

Anh em trong tổ làm phim đã phải trần mình giữa đạn bom mà quay như thế! Ăn ý giữa kịch bản cùng đạo diễn nên phần nhạc trong Người Hàm Rồng Lê Lâm đã chọn và láy đi láy lại giai điệu trong một ca khúc về xứ Thanh mang âm hưởng dân ca Hò sông Mã của Hoàng Đạm, khi đó đang là giảng viên trường âm nhạc mãi tận Bắc Giang.

Còn người  thể hiện lời bình là phát thanh viên trứ danh của Đài TNVN lại là người Thanh Hóa, Nguyễn Văn Thuận tức Việt Khoa.

... Ông Lâm đang soạn ra một số ảnh thời trận mạc để dùng làm quà vô Thanh. Ông là khách mời danh dự tham dự Lễ kỷ niệm 45 năm trận đầu Hàm Rồng chiến thắng kèm bài thơ ông soạn sẵn Qua hơn bốn chục mùa xuân/ Vui mừng gặp lại người thân Hàm Rồng/ Nhớ thời bom đạn mịt mùng/ Vượt muôn gian khó ta cùng đứng lên…

Kỳ cuối: Chào Sông Mã anh hùng

MỚI - NÓNG