Từ tháng Năm: Có thể lại cắt điện luân phiên

Từ tháng Năm: Có thể lại cắt điện luân phiên
TP - Hàng loạt dự án điện bị chậm tiến độ trong khi lưu lượng nước về các hồ thủy điện ở mức thấp kỷ lục khiến ngành điện đối mặt thiếu điện nặng. Từ tháng 5 tới, có thể tái diễn chuyện cắt điện luân phiên.

Đến cuối tuần qua, mực nước tại Thủy điện Tuyên Quang đã xuống ở mức báo động, còn 96 m, cao hơn mực nước chết 6m và chỉ đủ cho 1 tổ máy phát điện.

Ở Thủy điện Hòa Bình, mực nước xuống còn 104,5 m và chỉ có 2 tổ máy phát điện. Đáng lo ngại nhất là ở Thác Bà, mực nước còn 43 m, giảm 6m so với cuối tháng 3 và đang dần tiệm cận mực nước chết.

“Lưu lượng nước về các hồ chứa sẽ tiếp tục giảm trong những ngày tới. Theo quy luật từ giữa tháng 5 sẽ có lũ tiểu mãn. Với tình hình này, khoảng 22 - 5 mới có lũ tiểu mãn.

Với lượng nước ở các hồ chứa xuống thấp và nhu cầu sử dụng điện dự báo gia tăng mạnh do thời tiết nóng lên vào tháng 4, tháng 5, tình hình cung ứng điện sẽ đặc biệt căng thẳng” - TS Lan Châu cho biết.

Số liệu quan sát cho thấy khoảng 5 tháng nay ở khu vực Tây Bắc không có đợt mưa lớn nào trong khi nước từ thượng nguồn sông Đà bị chia sẻ do sự phát triển của nhiều công trình thủy điện mới.

Nhiều nhà máy chậm tiến độ

Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết ngành điện đang lo chạy công suất cho những tháng tới. Khả năng thiếu điện vào những tháng tiếp theo dự báo hết sức căng thẳng do năm nay tình hình khô hạn được đánh giá khốc liệt nhất trong 100 năm trở lại đây.

Từ tháng Năm: Có thể lại cắt điện luân phiên ảnh 1
Hồ thủy điện Hoà Bình cạn, chỉ còn hai tổ máy hoạt động - Ảnh: Hồng Vĩnh

Đợt nắng nóng sớm tại miền Bắc vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3 vừa qua làm phụ tải tăng cao, trong khi lượng điện mua từ Trung Quốc bị giảm 100 triệu KWh từ tháng 3-2010.

Cùng đó, khí PM3 cấp cho cụm nhà máy điện Cà Mau chỉ đạt 3,5 triệu m3/ngày, giảm gần một nửa so với bình thường.

Trong khi đó, Bộ Công Thương cho biết, theo báo cáo cuối năm 2009, dự kiến trong năm 2010 có 14 nhà máy điện lớn vào vận hành với tổng công suất lắp đặt 3.335MW.

Từ tháng Năm: Có thể lại cắt điện luân phiên ảnh 2  Chúng tôi kêu gọi nhân dân ủng hộ bằng cách tắt, không sử dụng các thiết bị không cần thiết để tiết kiệm điện. Trường hợp bất khả kháng phải cắt điện, ngành điện sẽ có thông báo cho khách hàng trước 5 ngày đối với điện sinh hoạt và trước 7 ngày đối với điện sản xuất Từ tháng Năm: Có thể lại cắt điện luân phiên ảnh 3 - Đại diện EVN cho biết

Tuy nhiên, tiến độ thực tế vận hành của một số nhà máy tiếp tục chậm so với kế hoạch. Điển hình tổ máy 3 của nhà máy thủy điện Sê San 4 (công suất 1x120MW) bị chậm 2 tháng. Hai tổ máy của nhà máy nhiệt điện Sơn Động (công suất 2x110MW) dự kiến vận hành trong quý I nhưng mới có 1 tổ máy vào hoạt động.

Thủy điện Bản Vẽ dự kiến cả 2 tổ máy công suất 2x150MW vận hành trong quý I nhưng đến giờ các tổ máy vẫn nằm im do không có nước để chạy. Nhà máy thủy điện Cửa Đạt, dự kiến tổ máy 1 công suất 48,5MW sẽ vận hành trong quý I và tổ 2 vào quý II cũng đang bị lùi thời hạn.

Chỉ trong quý I - 2010 đã có khoảng 450MW công suất bị chậm tiến độ so với dự kiến từ đầu năm, điều này gây nguy cơ thiếu điện trầm trọng trong mùa khô 2010.

Cục Điều tiết Điện lực nhận định, trong các tháng mùa mưa (tháng 7, 8), nếu các nguồn điện mới vào đúng tiến độ, tăng thêm cho hệ thống tới 1.600 - 1.750MW và không có sự cố nguồn điện, ngành điện sẽ đáp ứng được nhu cầu sử dụng.

Còn nếu tình hình vận hành không tin cậy, nhiều sự cố, như xảy ra với các nhà máy điện Quảng Ninh I, Cẩm Phả, Uông Bí trong thời gian qua, sẽ gây thiếu hụt điện trong các tháng cao điểm mùa hè tới, đặc biệt các tháng 5 và 6.

Để đối phó với tình hình thiếu điện, ngành điện dự kiến nhập khẩu trong mùa khô 2,17 tỷ kWh và cả năm 2010 khoảng 4 tỷ kWh.

Ngoài ra EVN sẽ hợp tác chặt chẽ với Tập đoàn Dầu khí và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản huy động tối đa công suất các nhà máy điện của hai tập đoàn để đáp ứng tối đa cho nhu cầu phụ tải điện trong mùa khô.

Hãy dùng đèn ngốn ít điện

Theo TS Vật lý Nguyễn Văn Khải - một trong những người đầu tiên khởi xướng tiết kiệm điện, khởi xướng sử dụng đèn hiệu suất phát quang cao, tuổi thọ dài, an toàn, cho biết, tiết kiệm điện dễ nhất chính là bằng cách sử dụng ánh sáng hợp lý, chính là học cách tiết kiệm năng lượng qua cách sử dụng đèn chiếu sáng.

Thậm chí, có thể đạt hiệu quả tiết kiệm 20% điện năng tiêu thụ so với bình thường nếu biết dùng đèn tiết kiệm hợp lý. Hầu hết các công trình đều sử dụng bóng điện với hiệu suất thấp, không an toàn và đa phần những nơi đó đều rơi vào các công sở, cơ quan.

Như đã tư vấn trong vấn đề chiếu sáng cho nhiều nơi, TS Khải – Giám đốc Trung tâm Tư vấn Đèn Tiết kiệm Điện năng&Dung dịch Điện hoá - chia sẻ, những nơi rộng từ 10m2 trở lên, nên sử dụng đèn T8, 36W có tuổi thọ 20 ngàn giờ chiếu sáng. Những nơi nhỏ hơn, tuỳ theo kích thước để sử dụng những đèn compact khác nhau.

Có nhiều nơi, diện tích khoảng 20m2, chỉ cần một đèn 7,2W, diện tích khoảng 30m2, sử dụng hai đèn 7,2 W là đủ lượng sáng. Còn đối với nơi hay sử dụng để đọc sách, học tập, sử dụng đèn LED 3,6 – 5,4 W là đủ.

Thực tế cho thấy, người nghèo là đối tượng tiết kiệm điện nhiều hơn, và gia đình là nơi tiết kiệm điện nhiều hơn thay vì ở các cơ quan, công sở. Tại xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội, nhân dân sử dụng đèn hiệu suất phát quang cao hoặc đèn compact T8; T5.

Kết quả, lượng điện tiêu thụ giảm một nửa so với lúc họ dùng đèn halogen, đèn T10, chất lượng phát quang kém, lại tốn điện.

Nên chăng, từ sang năm trở đi, mỗi lần đến chiến dịch Giờ Trái Đất, chúng ta phát động sử dụng đèn tiết kiệm năng lượng, các nguồn sáng sạch như đèn không thủy ngân, đèn T8, T5, compact.

Khuyến khích nghiên cứu, sản xuất và sử dụng các nguồn năng lượng sạch cho các nguồn sáng hiệu suất cao, thân thiện môi trường, tiết kiệm điện.

MỚI - NÓNG