'Cuộc chiến' Wolfram

'Cuộc chiến' Wolfram
TP - Khảo sát thăm dò là hoạt động thuần túy khoa học để làm rõ chất lượng, trữ lượng quặng Wolfram Sa Thầy (Kon Tum) và những khoáng sản có ích đi kèm. Thăm dò chỉ tốn kém, chưa sinh lợi, vậy sao hàng chục DN giành nhau xin thăm dò Wolfram?

Sau khi có bản đồ địa chất năm 2006, không rõ từ nguồn tin nào, tháng 7-2006, Cty CP khoáng sản Việt Nam biết được mỏ Wolfram Sa Thầy nên đã làm tờ trình xin UBND tỉnh Kon Tum xin thăm dò khai thác.

Lãnh đạo tỉnh ngỡ ngàng về thông tin này, bởi lâu nay Vườn quốc gia Chư Mom Ray thênh thang không một bóng người, nằm sâu giáp biên giới Campuchia bỗng dưng có nguồn tài nguyên khổng lồ.

Theo ước tính của Cty CP khoáng sản Việt Nam, trữ lượng mỏ tại đây không dưới 300.000 tấn, hàm lượng đa kim khoảng 5%, thuộc loại cao nhất thế giới.

UBND tỉnh Kon Tum nhóm họp các sở ngành liên quan bàn giải pháp tháo gỡ về mặt pháp lý để Cty CP Khoáng sản Việt Nam được khai khoáng trong Vườn quốc gia Chư Mom Ray-1 trong 4 vườn quốc gia cả nước được công nhận là di sản ASEAN.

Ngày 12-10-2006 và ngày 12-9-2007, UBND tỉnh Kon Tum có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ cho phép Cty CP Khoáng sản Việt Nam được thăm dò Wolfram ở tiểu khu 663 xã Mô Ray-Sa Thầy.

Theo tài liệu lưu giữ tại Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, khu vực khoáng sản Wolfram tại xã Mô Ray, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum nằm trong diện tích đã được lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1/50.000 nhóm tờ Kon Tum năm 2006 và được điều tra kết hợp ở tỷ lệ 1/10.000 trên diện tích 15km2.

Kết quả điều tra cho thấy đây là khu vực có nhiều triển vọng khoáng sản Wolfram, trong đó đã phát hiện 2 đới khoáng hóa gồm 9 thân quặng.

Các thân quặng có kích thước thay đổi rất phức tạp, hàm lượng WO3 từ dưới 1% đến hàng chục phần trăm, tài nguyên dự báo khoảng 5.630 tấn WO3.

Vì tiểu khu này là phân khu rừng đặc dụng nằm trong vườn quốc gia nên lúc đầu Bộ NN&PTNT không đồng ý. Đến ngày 1-11-2007, UBND tỉnh Kon Tum tiếp tục có công văn (số 2318UBND-NL) gửi Thủ tướng xin chuyển đổi mục đích sử dụng tiểu khu 663,  lần này Bộ đã đồng ý và tham mưu cho Thủ tướng.

Đến ngày 03-12-2007, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kết luận Đồng ý cho chuyển 1.686 ha rừng đặc dụng tại tiểu khu 663 thuộc Vườn quốc gia Chư Mom Ray sang rừng sản xuất.

Hai tuần trước khi có công văn 2318, ngày 15-10-2007 tại tỉnh Kon Tum xuất hiện một doanh nghiệp hoàn toàn mới xin thăm dò Wolfram: Cty CP Khai khoáng Hòa Phát - SSG.

Tại tờ trình số 45 ngày 15-10, Cty CP Khai khoáng Hòa Phát - SSG hứa sẽ trích 10 tỷ đồng hoặc 10% lợi nhuận sau thuế hằng năm từ việc khai thác, chế biến quặng Wolfram để hỗ trợ cho quỹ phúc lợi của tỉnh. UBND tỉnh Kon Tum lập tức đồng ý. Điều này đồng nghĩa với việc loại bỏ doanh nghiệp khác, dù chưa biết Chính phủ có đồng ý hay không việc cho chuyển đổi rừng đặc dụng.

Sau này khi mọi việc vỡ lở, Cty CP Khoáng sản Việt Nam kêu cứu rằng, công của họ phát hiện, tham mưu cho tỉnh Kon Tum, tốn kém rất nhiều nhưng việc làm của lãnh đạo tỉnh Kon Tum thiếu minh bạch, nếu công khai  lựa chọn nhà đầu tư vào mỏ Wolfram này, Cty CP Khoáng sản sẵn sàng chi 15 tỷ đồng hoặc hỗ trợ 15% lợi nhuận hằng năm cho tỉnh... Tuy nhiên, mọi việc đã an bài.

Vì sao?

Ngày 20-5-2008 Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: “Đồng ý về nguyên tắc việc thăm dò khoáng sản Wolfram tại tiểu khu 663 xã Mô Ray huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. UBND tỉnh Kon Tum lựa chọn doanh nghiệp có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện”.

'Cuộc chiến' Wolfram ảnh 1
Một điểm quặng Wolfram lộ thiên ở Chư Ya kei-Mô Ray

Trước đó Bộ Công Thương, Bộ TN&MT khi tham mưu cho Chính phủ trong việc cho phép thăm dò Wolfram cũng nhấn mạnh yếu tố năng lực và kinh nghiệm của chủ đầu tư.

Ngày 28-4-2008, Bộ TN&MT có công văn nêu rõ: Để đầu tư có hiệu quả, tránh rủi ro trong quá trình thăm dò, đề nghị UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo sở TN&MT hướng dẫn chủ đầu tư tổng hợp tài liệu địa chất đã có, xác định cụ thể diện tích thăm dò; kiểm tra xem xét kỹ các vấn đề liên quan đến khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, đặc biệt là việc khoanh định cụ thể diện tích rừng đặc dụng đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi thành rừng sản xuất và có phương án bảo vệ nghiêm ngặt rừng lõi quốc gia cũng như có kế hoạch phục hồi rừng đã chuyển đổi sau khai thác; thẩm định năng lực, kinh nghiệm tổ chức cá nhân có nhu cầu thăm dò...

Những chỉ đạo và khuyến cáo như trên đều không hiệu quả, bởi từ cuối năm 2007 UBND tỉnh Kon Tum đã chọn Cty CP Khai khoáng Hòa Phát - SSG thăm dò, khảo sát quặng Wolfram Sa Thầy để phục vụ việc khai thác, chế biến về sau.

Theo văn bản tự giới thiệu của ông Chu Quân - Giám đốc Cty CP Khai khoáng Hòa Phát - SSG, Cty này được thành lập ngày 25-6-2007, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Sở KH&ĐT tỉnh Kon Tum cấp; vốn điều lệ 30 tỷ đồng.

Cơ cấu cổ đông sáng lập gồm: Tập đoàn Hòa Phát đóng góp 40% vốn. Tập đoàn Hòa Phát đã có công ty chế tạo thiết bị khai thác mỏ hoạt động hơn 15 năm nay, đã chế tạo hàng nghìn thiết bị khai thác mỏ cho thị trường Việt Nam và xuất khẩu.

Cổ đông sáng lập thứ 2 cũng giữ 40% vốn điều lệ là: Cty CP địa ốc và xây dựng SSG, là một trong những công ty hàng đầu Việt Nam về kinh doanh bất động sản. 20% vốn điều lệ còn lại thuộc nhóm cổ đông địa phương.

Như vậy 3 nhóm cổ đông sáng lập Cty CP Hòa Phát - SSG đều không có kinh nghiệm trong việc khai khoáng. Như bản tự giới thiệu, Tập đoàn Hòa Phát chỉ là nhà chế tạo thiết bị khai khoáng chứ không phải đơn vị trực tiếp khai thác mỏ.

Lãnh đạo tỉnh Kon Tum giải thích việc lựa chọn doanh nghiệp này là cam kết của ông Chu Quân rằng sẽ trích 10 tỷ đồng hoặc 10 % lợi nhuận sau thuế hằng năm để hỗ trợ cho quỹ phúc lợi của tỉnh.

Nhiều người cho rằng: nếu 10 tỷ đồng tương đương 10% lợi nhuận sau thuế thì lợi nhuận hằng năm của việc khai thác mỏ Wolfram phải hàng trăm tỷ đồng; nếu minh bạch đấu thầu khai thác mỏ, tỉnh Kon Tum chắc chắn không chỉ thu lợi 10%.

Tuy nhiên dư luận ở Kon Tum đồn đoán rằng, chính nhóm cổ đông địa phương chiếm giữ 20% vốn điều lệ mới là ẩn số quyết định việc này.

--------------

Còn nữa

Huỳnh Kiên

MỚI - NÓNG