Cựu bộ trưởng và nhà văn bên lễ hội Hàm Rồng

Cựu bộ trưởng và nhà văn bên lễ hội Hàm Rồng
TP - Đêm Lễ hội  mừng 45 năm trận đầu quân dân Hàm Rồng đánh thắng có trọng tâm là  Chương trình nghệ thuật sân khấu hóa Hàm Rồng - bản anh hùng ca bất tử. Không khí xúc động bao trùm, nhiều giọt nước mắt rơi. 
Cựu bộ trưởng và nhà văn bên lễ hội Hàm Rồng ảnh 1
Một góc Lễ  hội 45 năm chiến thắng Hàm Rồng. Ảnh: Mai Xuân Tùng

Ngó sang thấy nhà văn Chu Lai, tác giả kịch bản của chương trình, mũ mềm lính tùm hum ngồi thu lu. Cách đó  không xa là gương mặt đầm đìa nước mắt của nguyên Trung đội trưởng dân quân làng Nam Ngạn, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động  - Thương binh & Xã hội Nguyễn Thị Hằng.

Cựu bộ trưởng, cựu nữ trung đội trưởng dân quân Nam Ngạn

Nhớ bữa lang thang trong làng Nam Ngạn, thấy phía bên trái chùa Mật Đa là nhà của người trung đội truởng dân quân Nguyễn Thị Hằng. Ngôi nhà cũ kỹ nay đã được sửa sang khang trang, chủ bây giờ là người mà bà Hằng gọi bằng dì ruột.

Mãi tôi mới nhận ra nếp nhà đã được cải tạo này. Lại chợt nhớ thêm chất Thanh xởi lởi của người thủ trưởng cũ  (bà Hằng nguyên là Bí thư T.Ư Đoàn) mà mình đã vài lần đi công tác cùng.

Cái lần đi đến một cuộc họp có cả anh Nguyễn Tiên Phong (nguyên Bí thư T.Ư Đoàn, đã mất) đến một cuộc họp.  Xe đang chạy, chị Hằng vỗ vào vai anh Phong nói: “Anh cho em xuống chửa cái tài liệu này”.  Người  xứ Thanh thường  phát âm  dấu “ngã’’ ra “hỏi’’ và ngược lại.

Anh Nguyễn Tiên Phong (người anh ruột của cô Lê Đỗ Thị Ninh, vợ đầu nhà thơ Hữu Loan, người con gái trong Màu Tím Hoa Sim) vốn  vui tính, bật cười  “tôi để ý từ sáng đến giờ cô chửa mấy lần rồi đấy nhỉ!’’. Nghe vậy, chị Hằng cười phá lên rất hồn nhiên.

Lại nhớ, hồi bao cấp, một bận đi công tác vô miền Trung, xe qua Thanh vào tầm cơm trưa. Việc thì vội, khi ấy tiền nong đâu sẵn mà ghé hàng ghé quán! Chị  Hằng bảo rẽ qua nhà chị ăn cơm. Anh em cùng đi đều  ái ngại, non mười người thế này, lại chưa báo trước, lo cho được bữa cơm phải mất vài tiếng, với lại phiền cho gia đình... Chị cười bảo chớ ngại! Xe quành vào chỗ rẽ lối cầu Hàm Rồng. Bước vô cổng, chị kêu tướng lên: “Mẹ ơi đi vay cho con mấy nồi cơm. Bọn con phải đi bây chừ...’’.

Cả nhà chị rộn rịp một lúc, chỉ mươi lăm phút sau, bốn nồi cơm dư cho mười người ăn lần lượt được bê đến. Lại có cả một nồi cá kho, hai nồi canh rau. Cả bọn vừa thi thút ăn vừa bật cười theo chị “ vay của mấy nhà bà con. Họ nấu sau chậm một tẹo nhưng ta không lỡ họp với lại lỡ đường. Quê mình ai có khách đột xuất thường bà con có khi chả phải ruột thịt chỉ là hàng xóm cũng thăm nom xúm vào lo bữa cơm cho khách!’’.

Và lần trong nhóm báo chí tháp tùng chuyến thăm Bungari của Thủ tướng Phan Văn Khải mùa thu năm 2000, ở chỗ ăn sáng tại thủ đô Sophia hôm ấy, chị Hằng kể tôi nghe một chuyện.

Tối hôm trước, chị được báo có khách. Chị nghĩ mình đâu có người nhà ở xứ này? chắc là khách làm việc. Khi gặp khách, chị ngạc nhiên sững sờ nhận ra bà Sabova, nguyên Bí thư Trung ương Đoàn TNCS  Dmitrov vốn là chỗ quen biết với nhiều cán bộ Đoàn của Việt Nam! Bà Sabova nước mắt lưng tròng...

Hai người ôm lấy nhau. Trước đó bà Sabova biết chị Hằng trong đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang thăm Bungari qua đài, báo. Hai người ôn lại những lần gặp gỡ làm việc với nhau, nhắc nhiều đến những kỷ niệm thời gian cùng làm công tác Đoàn. 

Bà Sabova mang theo cả một tập album ảnh ghi lại những lần gặp những kỷ niệm một thời... Tất nhiên vào năm 2000 ấy, do thời thế đổi thay, bà Sabova đã làm một việc khác kể kiếm sống...  Nhưng bà bộc bạch rằng những năm tháng đẹp ấy vẫn lúc nào cũng tươi rói sống động trong ký ức.

Nghe bà cựu Bí thư T.Ư Đoàn TNCS Dimitrov bộc bạch mà thấy thương!  Bà rất muốn sang thăm Việt Nam để gặp lại bạn bè mà chưa có điều kiện, chính xác là không có tiền! Khác với vẻ xởi lởi thường ngày,  kể lại với tôi chuyện ấy, chị Hằng buồn lắm. Chị cứ day dứt là chưa biết cách gì để giúp bà Sabova được đây?

Câu chuyện trên đường về của chuyến đi ấy cứ dài mãi ra về bà Sabova rồi thoắt chợt những ngày máu lửa Hàm Rồng Nam Ngạn... Chị Hằng nói trận ngày 26-5-1965 là trận ác liệt nhất.

Cựu bộ trưởng và nhà văn bên lễ hội Hàm Rồng ảnh 2
Bà Nguyễn Thị Hằng

Khi ấy chị Hằng là trung đội trưởng dân quân nữ đã bị thương vào vai vì mảnh bom. Thời bom đạn qua, nhưng hiện giờ còn lắm việc phải bàn phải làm... Chị Hằng bộc bạch sự ái ngại hoàn cảnh nhiều chị em trong trung đội dân quân nữ khá éo le gian nan mà ngay cả chị cũng chưa giúp gì được.

Thương tật trong trận chiến 26-5 khá nặng. Tôi không rõ với vết thương ấy, chị Hằng có được giám định để xếp hạng thương tật không nhưng cứ thấy những việc công cứ cuốn chị đi, nói đúng hơn là lên ào ào. Thoát chết là may mắn. May mắn hơn lại được can dự vào một cơ chế, một guồng máy để mà được giao để mà phải gánh  đến lắm việc...

Sau khi vào quân đội, chị Hằng trở thành đại biểu Quốc hội trẻ nhất ở tuổi 27 (năm 1971). Năm 1974, đang ở cương vị Bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa, chị được điều chuyển ra Hà Nội làm Bí thư T.Ư Đoàn.

Có lẽ trong mặt bằng cán bộ nữ, hiếm một người liên tục là Trung ương ủy viên của Đảng các khóa VI, VII, VIII, IX; Đại biểu Quốc hội các khóa IV, V, VI, VII, XI. Một ĐBQH được can dự vào 3 thời kỳ: chiến tranh, hòa bình thống nhất và thời kỳ đất nước hội nhập có lẽ cũng hơi hiếm?

Trong kỳ làm bộ trưởng phải lo quản những lĩnh vực quan trọng lao động, thương binh và xã hội, chị Hằng từng phải đối mặt với những chất vấn có thể gọi là căng thẳng trước diễn đàn Quốc hội. Vẫn thấp thoáng cái cười cùng chất giọng xởi lởi như dạo nào của bà bộ trưởng đã làm không khí dịu đi nhiều lắm.

Lại những tưởng sau khi rời chức Bộ trưởng, chị được nghỉ ngơi nhưng rồi trên các phương tiện truyền thông lại thấy chị bươn bả đây đó với chức danh Chủ tịch Hội Dạy nghề Việt Nam.  Với cái tâm lý nhà nhà muốn làm thầy, người người không muốn làm thợ thì cá nhân bà Chủ tịch cùng hệ thống dạy nghề nước mình xoay xỏa chắc cũng phải gian nan lắm lắm?

Thôi làm chi thì làm, dẫu ở bất cứ cương vị gì, cầu cho vẻ xởi lởi cùng nụ cười thiên bẩm của o dân quân làng Nam Ngạn Nguyễn Thị Hằng năm ấy như một thứ hành trang quý giá may mắn cho suốt cả cuộc đời?

Một Chu Lai chiến hữu

Mùa đông năm 1965, một trung đoàn tân binh  rải dọc ở các làng giáp ranh hai huyện Thạch Thành và Vĩnh Lộc của tỉnh Thanh để huấn luyện đi B. Một đơn vị của trung đoàn ấy đã ở 7 tháng trời trong cái làng Lon quê tôi rậm rịt tre pheo, muỗm quéo. Tổ “tam tam’’ đóng quân tại nhà tôi là ba chàng trai Hà Nội. Trong đó có một người thấp đậm, tóc loăn xoăn má phúng phính nhưng sáng ra lại thấy mờ xanh những vệt chân râu mới cạo.

Mẹ tôi nói “anh này hỗn râu...’’. Cái anh “hỗn râu’’ được bọn trẻ trong làng mê tít, bởi ngoài tài kể chuyện, nhất là chuyện Hà Nội, khi ấy với chúng tôi cứ vời vợi xa, lại còn hát khá hay bằng cái giọng trầm khàn. Một lần tôi thấy anh “hỗn râu’’ ấy khóc.

Mà khóc tức tưởi. Ai dỗ cũng chẳng nín. Nước mắt nước mũi đầm đìa, mắt đỏ ngầu, ngó kinh lắm... Đó là lần bốn chiếc F.105  Thần sấm sét phát hiện một đám ma ở làng Hoành, làng Giành diễu dọc sông Mã sát với làng tôi. Chúng thay nhau bổ nhào cắt bom phóng rốc két gần nửa giờ đồng hồ.

Cả đại đội tân binh được lệnh án binh bất động trong khe núi sau  làng tuyệt đối  không được nổ súng để giữ bí mật nơi đóng quân.  Anh “hỗn râu’’ cứ nức nở “trời ơi, chúng bổ nhào trông to như cái thuyền mà đành ghìm súng nằm im xem chúng giết đồng bào mình. Đ. mẹ chúng nó chứ...”.

Trận oanh tạc ấy đã làm chết ngót trăm thường dân vô tội của hai làng...  Bảy tháng sau, tôi không biết anh “hỗn râu’’ cùng đơn vị đi những nơi nào về phía chiến trường.  Gần hai mươi năm sau, tôi đã gặp lại anh “hỗn râu’’ ngày ấy ở Hà Nội. Đó là nhà văn Chu Lai!

...Đâu như dạo tháng 6 tháng 7 năm ngoái, Chu Lai rên rẩm trong một lần gặp rằng có một kịch bản lễ hội đang khiến ông hóc! Ấy là kịch bản về Lễ kỷ niệm 45 năm quân dân Hàm Rồng - Nam Ngạn trận đầu đánh thắng! Sau đó là những lần gặp nhau loáng thoáng ở xứ Thanh. Chu Lai lại rên rằng ông đang đi thực địa như ông nói là mấy tháng nay cày nát cả đất Hàm

Rồng Nam Ngạn gặp vô khối người nhưng chả được mấy hột chữ trong đầu! Gần tới dịp kỷ niệm, tôi được biết 28 trang kịch bản Hàm Rồng, bản anh hùng ca bất tử (có sự hợp tác với nhà văn Kiều Vượng xứ Thanh) gồm 3 chương Huyền thoại Núi Rồng / Mắt rồng lửa / Rồng thiêng cất cánh đã hoàn thành.

Anh em văn nghệ xứ Thanh kể lại, buổi Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa ngồi duyệt kịch bản kiêm lời bình lần cuối, nhiều người xúc động, mắt rân rấn nước... Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi thậm chí bật dậy, ra ngoài một lúc.

Cựu bộ trưởng và nhà văn bên lễ hội Hàm Rồng ảnh 3
Nhà văn Chu Lai

Nhưng vẫn chưa xong. Chu Lai phải đối mặt với nhiều tình huống,  hóc nhất là nhiều ý kiến cho rằng Lễ hội 45 năm... phải được thực hiện vào ban ngày để Không quân tham gia. Trận đầu đánh thắng có sự góp công xuất sắc bắn rơi 4 máy bay Mỹ của các biên đội Phạm Ngọc Lan, Trần Hanh lần đầu xuất trận mà bỏ đi được ư? Trong khi đó Chu Lai khăng khăng phải thực hiện vào ban đêm. Lễ hội phải tận dụng được lợi thế được hiệu ứng của laze của kỹ thuật 3D này khác vv... Nếu không Chu Lai sẽ xin rút lui!

Cũng căng nhưng rồi cũng ổn.  Nhờ sự khéo léo, tóm lại là cái tài của tác giả kịch bản và đạo diễn (NSUT Mai Tư, Phó GĐ Sở VHTT Thanh Hóa), sự kiện Không quân Việt Nam tham chiến trong trận đầu đánh thắng được thể hiện trong kịch bản khá là hợp lý.

Cũng bõ cho những là lao lực lẫn lao tâm của Chu Lai và các cộng sự khi thấy cảnh lúc buổi lễ kết thúc, trong hào quang của các cỡ pháo hoa bung ra trong trời đêm Hàm Rồng, có một thứ hào quang khác vây quanh tác giả kịch bản lẫn đạo diễn. Người ta đã ào đến quanh Chu Lai.

Tốp sinh viên Đại học Hồng Đức hò nhau dô tá tô tà tung cái thân hình vốn thấp nhỏ nhưng vậm vạp của Chu Lai lên. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết giọng như lạc đi khi ôm lấy vai Chu Lai cũng là nhân thể giới thiệu với mọi người Chu Lai là chiến hữu của tôi. Hồi ở miền Đông Nam Bộ chúng tôi đã biết nhau

(Chợt nhớ hồi là Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé, ông Sáu Phong Nguyễn Minh Triết đã gợi ý cho Chu Lai những cuốn sách về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng. Nghe đâu thời gian thực hiện Ăn mày dĩ vãng cũng là thời gian Chu Lai tá túc lâu lâu ở chỗ ông Sáu Phong Nguyễn Minh Triết). 

Dám chắc những vòng ôm xiết của người khác giới đối với nhà văn Chu Lai không lạ? Nhưng động thái đồng cảm thân thiết như là bản năng như là tất yếu đêm nay của người cựu nữ trung đội trưởng dân quân làng Nam Ngạn Nguyễn Thị Hằng với Chu Lai như một thứ phần thưởng hiếm hoi?

Vốn ngang thẳng lại có kiểu hoạt ngôn pha lẫn bặm trợn nhưng khẩu khí Chu Lai có vẻ như trầm như khàn hơn ở một chỗ vắng trước mấy cái micro Hàm Rồng đã truyền lửa cho tôi... Tôi, tôi đã cố nhưng không thể trả hết món nợ của tôi với đất xứ Thanh từng cưu mang tôi những ngày đầu ra trận...

Xứ Thanh tiết Thanh Minh

MỚI - NÓNG