Viện trưởng Viện Toán: 'Ít ai dám theo đuổi khoa học'

Viện trưởng Viện Toán: 'Ít ai dám theo đuổi khoa học'
TPO - Thời buổi mà các chuyên gia kinh tế, GĐ các ngân hàng, CEO của các công ty...luôn được săn đón thì những nhà khoa học lại vẫn thầm lặng bên công trình nghiên cứu của mình. Họ dễ bị coi là những "gã khờ, tài giỏi mà không hợp thời".

Chúng tôi tìm đến GS. TSKH Ngô Việt Trung - Viện trưởng Viện Toán - để hiểu hơn về một lớp "kẻ sĩ" ngày nay.

Viện trưởng Viện Toán: 'Ít ai dám theo đuổi khoa học' ảnh 1 Con số 20 triệu USD đầu tư cho KH quá nhỏ bé so với nền kinh tế Việt Nam hiện nay nếu chúng ta biết rằng, vừa qua, Nhà nước đã chi hơn 5 triệu USD để rải nhựa lại một phần cầu Thăng Long. Mới so sánh như vậy đã đủ để lý giải tại sao hiện nay ít ai dám theo đuổi khoa học Viện trưởng Viện Toán: 'Ít ai dám theo đuổi khoa học' ảnh 2

GS Ngô Việt Trung

Thưa GS, ông có thấy buồn không khi HS bây giờ, trong đó có nhiều em giỏi Toán, cứ thích đổ xô thi vào Tài chính, Kinh tế, Ngân hàng mà không phải là Khoa học?

- Tôi không thấy buồn mà ngược lại thấy điều đó bình thường. Vì HS giỏi toán là có tư duy tốt, nếu đi vào tất cả các ngành sẽ làm xã hội phát triển.

Tuy nhiên, nếu khoa học (KH) cơ bản mà không có người theo thì rất đáng lo cho tương lai của đất nước. Sẽ thật đáng trách nếu có người yêu KH, có năng lực thực sự mà phải bỏ đi làm nghề khác để sinh nhai. Lỗi ở đây, trước hết là về chính sách.

Xin GS cho biết cụ thể hơn?

- Tôi vừa đi tham quan một số viện KH ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Chính phủ các nước này đều có những chính sách ưu tiên phát triển KH cơ bản.

Ví dụ ở Hàn Quốc: có Viện KH &CN Hàn Quốc là cơ sở nghiên cứu đứng đầu về KH&CN với khoảng 700 nhân viên, kinh phí hàng năm khoảng 150 triệu USD. Con số đó của Viện KH&CN Việt Nam với gần 3000 nhân viên là khoảng 20 triệu USD.

Như vậy, họ gấp ta khoảng 30 lần. Con số 20 triệu USD đầu tư cho KH quá nhỏ bé so với nền kinh tế Việt Nam hiện nay nếu chúng ta biết rằng, vừa qua, Nhà nước đã chi hơn 5 triệu USD để rải nhựa lại một phần cầu Thăng Long. Mới so sánh như vậy đã đủ để lý giải tại sao hiện nay ít ai dám theo đuổi khoa học.

Vậy Viện KIST đã đóng góp thế nào vào sự phát triển của Hàn Quốc?

- Năm 1967, Viện KIST được thành lập từ đội ngũ những nhà khoa học giỏi nhất của nước này. Lúc đầu, đã có nhiều ý kiến phản đối vì mức lương cao của họ nhưng Tổng thống Park Chung Hee vẫn quyết tâm xây dựng viện. Chính KIST là nơi đã vạch ra kế hoạch phát triển công nghệ thép và sau này là công nghệ đóng tàu giúp công nghiệp Hàn Quốc phát triển. 

Hiện nay họ tập trung nghiên cứu những công nghệ mũi nhọn cho tương lai như công nghệ nanô, người máy, năng lượng thân thiện, v.v…

Nhưng nhiều người bây giờ không ý thức được vai trò của KH cơ bản, nên cứ coi chúng là lý thuyết suông, viển vông?

- Đúng thế. Không phải ai cũng hiểu rằng: Kinh tế và KH ứng dụng muốn phát triển được thì phải dựa vào KH cơ bản.

Hơn nữa, khi sản phẩm của chúng ta muốn cạnh tranh trên thị trường mà không phải hạ thấp giá nhân công thì phải đổi mới công nghệ sản xuất. Từ đó, phải có điều khiển tự động, tối ưu hóa…mà để làm được những điều này thì phải phát triển Toán cũng như KH cơ bản.

Trước kia, trong gian khổ, chúng ta vẫn có những nhà KH tài giỏi, tâm huyết?

- Trong kháng chiến chống Pháp, chúng ta vẫn thành lập các trường học trong chiến khu, kể cả ở cấp bậc đại học để đến khi hòa bình lập lại chúng ta có thể xây dựng ngay một hệ thông giáo dục và đào tạo hoàn chỉnh. 

Trong chiến tranh chống Mỹ, chúng ta cử những người giỏi nhất đi du học ở nước ngoài trong tất cả các ngành để đến khi thống nhất đất nước đội ngũ này trở thành các cán bộ chủ chốt trong tất cả các lĩnh vực kinh tế. Rất nhiều nhà lãnh đạo hiện nay đã từng du học ở Đông Âu thời kỳ đó.

Còn bây giờ, chúng ta vẫn chưa có những chính sách thích hợp để xây dựng một đội ngũ cán bộ KH cho tương lai.

Vậy theo GS, chúng ta cần làm gì để thu hút được nhiều người giỏi làm KH?

- Đó là chính sách đãi ngộ và môi trường làm việc. Nhà KH phải có thu nhập cao xứng đáng với khả năng để họ yên tâm nghiên cứu. Môi trường làm việc phải thực sự lành mạnh, kích thích tự do, sáng tạo.

Là người thành công trong KH, GS có lời khuyên gì với các bạn trẻ?

- Tôi nghĩ, xã hội nào rồi cũng sẽ trả lại giá trị thực cho KH. Nếu bạn trẻ nào say mê KH thì phải kiên trì theo đuổi, rồi sẽ có kết quả tốt, được xã hội tôn trọng.

Nhiều khi, được làm cái mình say mê đã là hạnh phúc rồi. Không có nhiều người trong xã hội hiện nay có được sự may mắn đó đâu!

Xin cảm ơn GS!

Hoàng Tuân
Thực hiện

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG