Xấu hổ cũng là tình cảm cách mạng

Xấu hổ cũng là tình cảm cách mạng
TP - Bài thơ Trăng nghẹn của Hoài Tường Phong có những câu thơ thế này: Đồng bằng quê hương tôi nhiều cái nhất ngậm ngùi/ Sản lượng lúa nhiều, vùng cá ba sa lớn nhất/ Đầu tư văn hoá thấp và khó nghèo cũng nhất/ Và cũng dẫn đầu, những cô gái lấy chồng xa...

>> 'Trăng nghẹn' vắng mặt tại Lễ trao giải
>> Cần Thơ: Sẽ trao giải cuộc thi thơ 'Trăng nghẹn'
>> Những cuộc thi chán ngán
>> Vụ 'Trăng nghẹn': Không mới nhưng lạ, hiếm

Bài thơ Trăng nghẹn làm tôi nhớ bài thơ Đưa em về nhận mặt quê hương của Lê Viết Tường viết vào những năm 80.

Đưa em về nhận mặt quê hương nhận những mặt người/ Đây khuôn mặt người cậu tôi già trước tuổi/ Suốt đời cặm cụi/ Con cái có đứa nào học hết cấp ba/  Con cái có đứa nào đỏ đắn nước da/ Những đứa lớn theo cha suốt ngày ngoài ruộng/ Đứa theo trâu, đứa cày, đứa cuốc/ Đứa ở nhà trần truồng mũi dãi lê thê (...)/ Em có buồn không khi nhìn những người thân tôi/ Những khuôn mặt suốt đời/ soi mình trong bùn nước/ Giá mà em đọc được/ Những khuôn mặt cuộc đời (...)/ Quê hương tôi nghèo và buồn đến nhường kia/ Em xuống bếp và cầm con cúi/ Thổi bùng lên và nhen bếp củi/ Em sẽ hiểu một phần buồn tủi của quê hương/ Những con cúi rơm cháy hết đêm trường (...)/ Đưa em về nhận mặt quê hương/ Đáng lẽ tôi sẽ chọn đưa em về trong niềm vui ngày hội/ Nhưng sợ lòng mình giả dối/ Bởi khuôn mặt mọi người sẽ làm bộ dễ thương/ Đưa em về nhận mặt quê hương/ Xin đừng trách tôi đưa em về nhằm ngày mưa dữ/ Khi đường vào làng có những vũng bùn đất đỏ/ Có lũ đỉa ngo ngoe đánh được hơi người/ Nếu thật lòng, em ở lại cùng tôi/ Cùng những con người đầu tắt mặt tối/ Sau cơn lũ ta đắp đường sửa lối/ Để khuôn mặt mọi người trong ngày hội thật hơn/ Để đêm dài thôi chua xót từng cơn/ Để hoa khế thôi rưng rưng màu tím/ Để câu hát mừng bông lúa chín/ Lại xôn xao trong mỗi trái tim người...

Bài thơ Trăng nghẹn của Hoài Tường Phong được Ban Giám khảo trong một cuộc thi thơ chấm giải nhất, nhưng rồi tác giả bị vận động rút khỏi giải, rồi bị loại khỏi giải nhất, và loại hẳn ra khỏi danh sách đoạt giải. Lý do là bài thơ u ám, không phù hợp.

Bài thơ Đưa em về nhận mặt quê hương của Lê Viết Tường không biết có bị đánh giá là buồn u ám hay không, nhưng thuở ấy sinh viên chuyền nhau chép vào sổ tay. Rồi sau đó một tờ báo của T.Ư Đoàn đăng lại.

Tình cảm và trách nhiệm của tuổi trẻ với quê hương được đánh thức theo những cảm xúc như thế. Để rồi tiếp theo đó là những năm tháng tuổi trẻ hào sảng lên đường trong những Ánh sáng văn hoá hè. Rồi rúng động Mùa hè xanh. Rồi cao trào Mùa hè tình nguyện trong cả nước, cho mãi đến hôm nay...

Có những sự thật không thể né tránh. Có những nỗi buồn rực rỡ để làm bệ phóng của trách nhiệm, làm thăng hoa những khát vọng đổi thay. Tuổi trẻ sẽ ứng xử thế nào nếu ta nói với họ quê nhà hôm nay không còn khó khăn và nghèo đói?

Có bạn sẽ không tin, và có bạn sẽ tin, không phải vì cả tin, mà đôi khi chỉ để ru ngủ thói vô trách nhiệm. Lẽ nào kẻ biếng lười không tận dụng lý do để lót ổ cho sự vô cảm yên giấc?

Tôi biết có nhiều người né tránh sự thật bởi sợ xấu hổ vì những thành quả kém cỏi ở địa phương mình. Điều này thật xa lạ với tuổi trẻ khi chúng ta khuyến khích nhau sống chính trực và nói lời ngay thiệt.

Đó là lý do mà Tiền Phong, tờ báo của thanh niên, của tuổi trẻ, đã lên tiếng từ đầu cho trường hợp bài thơ Trăng nghẹn. Không chỉ vì bài thơ, mà vì một lề thói tư duy có hại trên đường đổi mới và phát triển.

Marx nói: “Xấu hổ là loại hình nổi giận hướng vào bên trong, nếu như cả một dân tộc biết xấu hổ thì nó sẽ mang sức mạnh của một con sư tử thu mình lại để chuẩn bị phóng tới” (Toàn tập Marx - Engels, NXB Sự thật tập 1, tr.487).

Nếu như những người có trách nhiệm ở địa phương biết xấu hổ vì sự kém cỏi ở địa phương mình thì nhiều vùng đất trù phú hào sảng của đất nước đã sớm cất cánh.

Bác Hồ luôn dặn cán bộ phải Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Liêm đi liền với Sỉ. Sỉ là sự xấu hổ. Xấu hổ là đặc điểm thuộc bản tính người. Biết xấu hổ để điều chỉnh thân tâm cho tốt hơn trong đời sống và trong tư cách quản lý.

Vậy xấu hổ cũng là tình cảm cách mạng. Cớ sao phải né tránh?

MỚI - NÓNG