Cuộc đua tăng lãi suất huy động vốn

Cuộc đua tăng lãi suất huy động vốn
TP - Trong khi Chính phủ yêu cầu các ngân hàng kéo lãi suất cho vay xuống dưới 15%, nhưng khi chưa giảm được thì nhiều ngân hàng lại đua nhau tăng lãi suất huy động, cao nhất tới 11,99%/năm. Điều gì đang diễn ra sau cuộc đua này?

>> Bắt đầu cuộc đua lãi suất huy động

Cuộc đua tăng lãi suất huy động vốn ảnh 1
Ảnh minh họa

Sau ngân hàng Á Châu,  một loạt các ngân hàng khác ra thông báo tăng lãi suất huy động. Ngày 15-4, TiênPhongBank điều chỉnh lãi suất huy động VNĐ cao nhất 11,50%/năm ( kỳ hạn 3 tháng trở lên) và 11,42%/năm với khách hàng gửi tiết kiệm điện tử trên 1 tỷ VNĐ.

OceanBank tăng lãi suất ở tất cả các kỳ hạn. Mức lãi suất cao nhất lên đến 11,49%/năm. Habubank và SHB cũng tạo sự chú ý khi công bố mức lãi suất huy động VND tiết kiệm bậc thang cao nhất với 11,99%/năm kỳ hạn từ 3 tháng trở lên... Lý do tăng lãi suất huy động được đại diện các ngân hàng giải thích, để thu hút người gửi tiền.

Tăng lãi suất huy động, làm sao kéo được lãi suất cho vay xuống 14-15%/năm, theo yêu cầu của Chính phủ? Đại diện một số ngân hàng vẫn khẳng định, nếu khéo co kéo, tiết kiệm chi phí thì mức chênh lệch từ 2-2,5%, ngân hàng vẫn có lãi và chấp nhận được.

Tuy nhiên, theo thành viên HĐQT một Ngân hàng thương mại cổ phần, nguyên nhân sâu xa của cuộc đua lãi suất là do các Ngân hàng đang bị hạn chế huy động trên thị trường liên ngân hàng 2 (thị trường cho vay giữa các ngân hàng), nên phải huy động lãi suất cao để bù vào, đảm bảo tính thanh khoản.

Theo ông Đào Trọng Khanh, Tổng giám đốc TienPhongBank, các ngân hàng huy động vốn từ nhiều nơi nhưng quan trọng và ổn định nhất vẫn là từ dân cư và tổ chức kinh tế, hay còn gọi là thị trường 1. Nếu ngân hàng nào biết kiềm chế tăng trưởng nóng, triển khai nhiều hoạt động nghiệp vụ ở thị trường 1, ngân hàng đó phát triển bền vững. 

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, sự cho vay thái quá khiến khá nhiều ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản, dẫn tới lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có thời điểm vọt tới hàng chục phần trăm/năm, dẫn đến nguy cơ mất ổn định hệ thống. Vì vậy, động thái Ngân hàng Nhà nước thanh tra thị trường liên ngân hàng 2 của cơ quan quản lý thời điểm này là cần thiết.    

Được biết, ngày 15-4, lãi suất bình quân qua đêm trên thị trường liên ngân hàng ở mức 7,05%/năm, có xu hướng cao hơn những ngày đầu tuần trước đó.

Theo các ngân hàng, mức tăng này chủ yếu do tác động đến từ tăng lãi suất thị trường 1.

Một đại diện của Ngân hàng Nhà nước đã từ chối khéo khi Tiền Phong hỏi về động thái tăng lãi suất cũng như kết quả thanh tra mà Ngân hàng Nhà nước đang tiến hành.

MỚI - NÓNG