Festival Trái cây Việt Nam: Kỳ vọng vươn xa

Festival Trái cây Việt Nam: Kỳ vọng vươn xa
TP - Ngày 19 - 4, tại thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang), Festival Trái cây Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức. Lần đầu tiên, những hoa thơm quả ngọt mọi miền đất nước cùng hội tụ trong một cuộc tôn vinh hoành tráng; cùng với nó là sự kỳ vọng cây trái Việt Nam vươn xa hơn.

Lần đầu tiên, xứ sở được coi là vương quốc trái cây Việt Nam tổ chức một sự kiện hoành tráng và sôi nổi: Festival Trái cây Việt Nam lần thứ nhất. Theo ban tổ chức, hơn 2.000 tấn trái cây các loại tham gia phục vụ cho

Festival với hơn 20 loại trái cây khác nhau từ 20 tỉnh, thành được trưng bày, giới thiệu tại hội chợ lần này như vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), quýt Hà Nội, thanh long Hoàng Hậu, Bình Thuận đến các loại trái cây đặc sản của các tỉnh ĐBSCL như ổi không hạt, mận An Phước, sầu riêng Ngũ Hiệp...

Ông Huỳnh Đức Huệ ở khu du lịch sinh thái vườn làng bưởi Tân Triều, xã Tân Bình (Vĩnh Cửu, Đồng Nai) xởi lởi: “Lần đầu tiên nghe người làm ra cây trái được tôn vinh, mừng lắm. Đến đây cũng là hội ngộ để chia sẻ kinh nghiệm và giới thiệu trái cây của mình với bạn bè”.

Ông Huệ cho biết: Làng bưởi Tân Triều là thương hiệu nổi tiếng lâu nay nhưng vì nhiều lẽ chưa mở rộng được thị trường nên ông xem festival như là một cơ hội.

Ông Nguyễn Văn Ngàn, Chủ nhiệm HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Châu Thành, Tiền Giang) thì cho biết: HTX đến với festival chủ yếu để chia sẻ kinh nghiệm nâng cao giá trị cho trái cây. Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim là một thương hiệu nổi tiếng nhờ xây dựng thành công tiêu chuẩn Global GAP (nông nghiệp sạch tiêu chuẩn toàn cầu).

HTX hiện có 55,3 ha vú sữa được trồng theo tiêu chuẩn Global Gap, với năng suất đạt khoảng 400 tấn/năm và sẽ mở rộng diện tích trồng vú sữa xuất khẩu lên 100 ha trong thời gian tới.

Từ đầu năm đến nay, HTX đã xuất khẩu gần 10 tấn vú sữa Lò Rèn Global Gap sang thị trường các nước Anh, Canada, nhiều doanh nghiệp đặt hàng xuất sang các thị trường khác nên không đủ hàng để bán.

Festival Trái cây Việt Nam: Kỳ vọng vươn xa ảnh 1

Kỳ vọng vươn tầm

Festival Trái cây Việt Nam lần thứ nhất đặt ra câu hỏi làm thế nào để nâng tầm cây trái Việt Nam? Thực tế sản xuất manh mún, thiếu khoa học và yếu kém về quảng bá là một rào cản lớn nhiều năm qua.

Bộ NN&PTNT cho biết, hiện nay nhiều loại trái cây đặc sản của Việt Nam và ĐBSCL đã có mặt trên thị trường hơn 50 quốc gia trên thế giới, nhưng hình thức mua bán nhỏ lẻ, chưa có thương hiệu nổi tiếng và mang tính đặc trưng để gây được ấn tượng đối với các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng về một nền sản xuất trái cây hàng hóa quy mô lớn.

Gần đây, nông dân cả nước hào hứng với các mô hình Viet GAP, Global GAP... nhưng vẫn nhỏ lẻ. Vừa qua Bộ NN&PTNT đã công bố quy hoạch từ năm 2010 vùng ĐBSCL sẽ bắt đầu xây dựng vùng chuyên canh các loại cây ăn trái đặc sản rộng 300.000 ha với sản lượng khoảng 3 triệu tấn trái/năm đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn, chất lượng phục vụ xuất khẩu, chế biến và tiêu thụ nội địa, đồng thời ước tính trong giai đoạn này các tỉnh sẽ cần hơn 1.000 tỷ đồng vốn đầu tư để xây dựng nhà kho, lắp đặt thiết bị bảo quản trái cây đạt tiêu chuẩn quốc tế và các nhà máy chế biến trái cây xuất khẩu.

MỚI - NÓNG