Cẩn trọng với cao hổ nấu từ xương lợn, bò

Cẩn trọng với cao hổ nấu từ xương lợn, bò
TP - Cao hổ cốt (có giá vài chục triệu đồng một lạng) thực tế phần lớn đều là cao hổ dỏm! Một chuyên gia về động vật học, có mặt trong hầu hết các vụ nấu cao hổ bị phát giác, khẳng định.

Là chuyên gia về thú ăn thịt, GS Phạm Trọng Ảnh, Chủ tịch Hội Động vật Việt Nam, là khách mời thường xuyên của lực lượng cảnh sát môi trường mỗi khi bắt được các vụ vận chuyển, buôn bán thú hoang dã hoặc các vụ nấu cao hổ. Điều GS Ảnh thấy cần lên tiếng nhất là hiện nay, nhiều người đang bỏ hàng chục triệu đồng đi lùng cao hổ cốt thật với mục đích chữa bệnh, nhưng phần lớn đều bị lừa.

“Tôi từng đi giám định vài trăm vụ nấu cao thì phải tới hơn 70% các trường hợp là xương hổ giả” - GS Ảnh nói. Các vụ còn lại, theo GS, tỷ lệ xương hổ, nếu có, cũng rất ít.

Cách đây ít lâu, cảnh sát môi trường phát giác một vụ nấu cao hổ ở quận Đống Đa, Hà Nội. Nhưng khi GS Ảnh tới nơi, xem xét và phân tích thì ra kết quả là xương báo chứ không phải xương hổ.

Hổ vốn được giá hơn báo. Sở dĩ đầu nậu cao hổ cốt phải biến báo thành hổ vì xưa nay người ta chỉ nói tới cao hổ, mua cao hổ chứ chưa ai nói về cao báo bao giờ.

Báo được bơm nước hoặc thạch vào người để làm phồng lên và nặng hơn. Một con báo có trọng lượng 40kg, sau khi được bơm nước và thạch trọng lượng tăng gấp đôi, tới 80- 90kg. Tiếp đó, báo được tẩy lông bằng hóa chất rồi lấy màu đen vẽ lên các lằn ngang, vậy là thành hổ.

Một thủ đoạn nữa hay được các đầu nậu cao hổ dùng đến là hô biến các loại xương thú thành xương hổ bằng công nghệ đẽo, gọt, mài, uốn... Năm 2009, ở Thái Nguyên lực lượng chức năng bắt được một vụ nấu cao hổ. Nhưng khi GS Ảnh đến giám định thì ra xương gấu.

Trước Tết 2010, C36 cũng mời GS Ảnh đi giám định một vụ nấu cao hổ khác. Người nấu cao cho biết trong nồi có chừng 30kg xương hổ. Với tỷ lệ pha chế như vậy, một lạng cao sau khi nấu xong có giá 20 triệu đồng.

Tuy nhiên, khi đổ xương ra để giám định thì không có một dấu vết nào của xương hổ. Chỉ có một vài mẩu nhỏ nghi là xương hổ nhưng khi đem về giám định ADN thì hai năm rõ mười, tất cả đều là hổ dỏm. Trong nồi thực ra chỉ toàn xương lợn, bò, sơn dương.

Cao hổ bị trộn thuốc Tây

Theo các nhà khoa học, cao hổ cốt là một trong những chế phẩm đông dược quý hiếm và rất đắt tiền. Do đó, dù đắt nhưng nhiều người, nhất là các “đại gia”, vẫn không tiếc tiền bỏ ra lùng cho được cao hổ.

Tuy nhiên, dẫu đúng là cao hổ thật thì không phải ai cũng dùng được. Theo y học cổ truyền, loại cao này có tính nóng và trợ dương khá mạnh nên những người có thể chất hoặc bị mắc các chứng bệnh thuộc thể âm hư hỏa vượng biểu hiện bằng các triệu chứng người gầy, hay có cảm giác nóng trong hoặc sốt về chiều, hay có cơn bốc hỏa, đầu choáng mắt hoa, tai ù tai điếc, lòng bàn tay và bàn chân nóng... thì không được dùng. Những người bị tăng huyết áp cũng cấm chỉ định dùng cao hổ.

Theo GS Ảnh, một số kẻ xấu không ngần ngại trộn thuốc Tây vào cao để tạo ra cảm giác “thần dược”. Các loại thuốc Tây được dùng trộn vào cao hổ thường là thuốc chống viêm, giảm đau mạnh.

Những người viêm khớp khi bôi loại cao này vào thấy có tác dụng nhanh, tưởng là cao xịn, nhưng dùng liên tục một thời gian có thể gây nhờn thuốc, kháng thuốc, thậm chí bệnh nặng hơn vì viêm sưng mà không được chữa trị tận gốc ngoài việc giảm đau.

MỚI - NÓNG