Tác giả Lương Vũ Sinh nói về “Thất kiếm”...

Tác giả Lương Vũ Sinh nói về “Thất kiếm”...
Tông sư dòng tiểu thuyết “Tân Võ Hiệp” Lương Vũ Sinh là người không biết võ thuật, thế nhưng dưới ngòi bút của ông đã có đến hơn 10 triệu chữ mô tả về những chuyện bóng đao ánh kiếm.
Tác giả Lương Vũ Sinh nói về “Thất kiếm”... ảnh 1

Mới đây nhất, bộ phim “Thất kiếm” cải biên từ tiểu thuyết “Thất kiếm hạ Thiên Sơn” của ông đã được chọn để trình chiếu mở màn cho Liên hoan phim Venice, một lần nữa phim kiếm hiệp TQ lại được trưng hiện trước công chúng điện ảnh thế giới, và gợi lên ký ức về lão nhà văn Lương Vũ Sinh bấy lâu đang sống ẩn danh tại châu úc.

Lương Vũ Sinh là tiểu thuyết gia võ hiệp trứ danh của Hồng Kông, tên thật là Trần Văn Thống. Ông sinh năm 1922 tại Mông Sơn, Quảng Tây, từng làm nghề báo và ngoài tiểu thuyết võ hiệp ông còn viết các tác phẩm “Tân thoại lịch sử TQ”, “Văn nghệ tân đàm”…

Vào thập kỷ 60 ở thế kỷ trước, Lương Vũ Sinh đã cùng Kim Dung giương cao ngọn cờ tiểu thuyết võ hiệp tân phái, chủ trương “Hiệp là hóa thân trí tuệ và phẩm giá của những người lao khổ lớp dưới”, xây dựng nghĩa hiệp trên cơ sở chính nghĩa, tôn nghiêm và yêu dân, vứt bỏ màu sắc hận thù và khuynh hướng khát máu của dòng võ hiệp cựu trào, Kim Dung còn đưa ra tinh thần “vì nước vì dân hành đại hiệp”.

Nhân vật võ hiệp của Lương Vũ Sinh luôn mang đậm màu sắc đạo đức, chính tà được tách biệt nghiêm khắc, mỗi tác phẩm đều có bối cảnh lịch sử rõ ràng, và tình tiết được xây dựng khéo léo, nghiêm cẩn và tài tình.

Có người cho rằng tiểu thuyết họ Lương hơi bị “nhạt vị”, nguyên nhân có thể là do ở ông luôn giữ một thứ thái độ “chính thống” của văn nhân, ông từng nói: Tôi cũng từng mắc bệnh “ly kỳ”, nhưng “ly kỳ” không chủ đạo tác phẩm của tôi, không phải phong cách của tôi.

Lương Vũ Sinh đánh giá vị trí của mình trong dòng tiểu thuyết võ hiệp: Khai phong khí giả Lương Vũ Sinh; phát dương quang đại giả Kim Dung (người khai sinh mở mang là Lương Vũ Sinh; kẻ phát huy rực rỡ là Kim Dung - ND).

Xin lược trích cuộc trả lời PV báo chí mới đây của ông:

Trước đây Lương tiên sinh hẳn đã được xem những  phim khác của Từ Khắc (đạo diễn phim “Thất kiếm”), ấn tượng của tiên sinh thế nào?

Tôi biết đạo diễn Từ Khắc, ông ta cũng biết tôi, không lạ gì nhau, nhưng cho tới nay vẫn chưa từng gặp mặt. Mấy hôm trước, qua một cuộc điện thoại dài, ông ấy mời tôi sang Hồng Kông.

Phim ông làm rất đẹp, người đã xem “Thất kiếm” đều nói phim quay rất đẹp. Phim “Bạch mao ma nữ truyện” của tôi trước kia do Trương Quốc Vinh và Lâm Thanh Hà diễn, từng được giải lớn tại Liên hoan phim quốc tế Paris.

“Thất kiếm” quay còn đẹp hơn, có cả cảnh tuyết trên Thiên Sơn. Tôi tin ở nghệ thuật của ông ta. Tôi có ấn tượng là phim ông ta làm rất buông mở cho trí tưởng tượng, đó cũng là thứ một nghệ thuật.

Có nghĩa là cho tới nay ông vẫn chưa xem “Thất kiếm”?

Đúng vậy, chưa xem.

Vậy hẳn ông đã xem kịch bản điện ảnh của “Thất kiếm”?

Cũng chưa.

Ông đã không muốn xem hay họ không đưa ông xem?

Không ai đưa tôi xem. Họ cần nhanh, cần chạy đua gấp với thời gian, hãng phim nào cũng vậy cả.

Nhiều nhà bình luận cho rằng “Thất kiếm hạ Thiên Sơn” là “Ruồi Trâu” của phương Đông, Lương tiên sinh nhìn nhận ra sao nhận xét này? Khi sáng tác “Thất kiếm hạ Thiên Sơn” phải chăng ở một mức nào đấy ông đã chịu ảnh hưởng của trào lưu tư tưởng văn nghệ phương Tây thế kỷ 19?

Tôi viết “Thất kiếm hạ Thiên Sơn” vào giữa thập niên 50, thời đó có 2 cuốn tiểu thuyết làm cả TQ say đắm, một là “Ruồi Trâu”, và cuốn kia là “Thép đã tôi thế đấy”.

Có người nói rằng  “Thép đã tôi thế đấy” là bản “Ruồi Trâu” của Liên Xô. Cả 2 cuốn sách này đều có ảnh hưởng đến tôi. Khi ấy nhà văn lớn Rômanh Rôlăng của Pháp có viết cuốn “Johan.Klistov”, và nhân vật Kim Thế Di đầy phẫn uất khinh bạc trong “Vân hải ngọc cung duyên” của tôi chính là chịu ảnh hưởng của “Johan.Klistov”, dù phải xúc phạm và gây hấn với xã hội, cũng quyết giữ lấy sự tự do cho tinh thần của mình.

Hồi ấy Rômanh Rôlăng đã ngoài 70 tuổi, sau khi đọc “Thép đã tôi thế đấy” ông đã thân chinh viết thư cho N. Ôxtroxki để cảm ơn nhà văn trẻ tuổi đã viết nên cuốn sách khích lệ và nâng tầm thế giới tinh thần con người đến thế.

Lúc ấy tôi nghĩ, tiểu thuyết võ hiệp của tôi phải được viết ra với một thế giới quan, một thang giá trị và một quan điểm sử học mới. Tôi muốn viết một cuốn “Ruồi Trâu” của TQ, hoặc “Ruồi Trâu” phương Đông.

Nhưng làm sao dung hòa được TQ với phương Tây? Phương Đông với phương Tây vốn có những khác biệt rất lớn. Vấn đề này mà nói kỹ thì quá dài dòng, nhưng có điểm này rất quan trọng.

Trong “Thất kiếm hạ Thiên Sơn” của tôi, không chỉ có những cái ảnh hưởng từ văn hóa phương Tây, mà cũng còn có cái thuộc thuần túy TQ…

"Ruồi Trâu" trong “Thất Kiếm” cũng có 2 mặt của nó, ở nhân vật Lăng Mạt Phong và Dịch Lan Châu đều có bóng dáng "Ruồi Trâu". Ở Lăng Mạt Phong đã thể hiện mâu thuẫn giữa Ruồi Trâu với Giêma, còn ở con người Dịch Lan Châu thì xung đột giữa Ruồi Trâu với đức cha đã được thể hiện dữ dội.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.