Báo chí điện tử sẽ trở thành kênh thông tin đối nội, đối ngoại hàng đầu

Báo chí điện tử sẽ trở thành kênh thông tin đối nội, đối ngoại hàng đầu
(TPO) Với nội dung phong phú, nhạy bén, các báo điện tử thời gian qua đã nhiệt tình ủng hộ sự đổi mới, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu lãng phí… phục vụ đắc lực sự nghiệp đổi mới, hiện đại hóa đất nước.

Báo Tiền Phong điện tử ra đời ngày 9/1/2005. Sau chưa đầy 1 năm hoạt động, Tienphong Online đã nhanh chóng đứng vào hàng ngũ 5 tờ báo có bạn đọc nhiều nhất VN, trở một thành tờ báo có uy tín và sức phát triển nhanh nhất trong làng báo điện tử thời gian qua. Hàng loạt các diễn đàn, giao lưu trực tuyến, bàn tròn trực tuyến nóng hổi và nghiêm túc trên nhiều lĩnh vực của cuộc sống do Tienphong Online tổ chức đã thực sự thu hút được một số lượng lớn độc giả trong và ngoài nước tham gia. Ngoài ra, Tienphong Online cũng là một trong những tờ báo thường xuyên tường thuật trực tuyến nhiều sự kiện chính trị - xã hội đáng quan tâm của đất nước. Gần đây nhất là cuộc tường thuật trực tuyến từ tâm bão số 7 – Hậu Lộc, Thanh Hóa. Báo Tiền Phong điện tử đã và đang trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của hàng triệu độc giả trong và ngoài nước mỗi giờ, mỗi ngày qua.

Sáng qua(6/10) tại Huế, Bộ VHTT và Ban Tư tưởng Văn hóa TƯ tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 52/CT-TW (ngày 22/7/2005) của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát triển và quản lý báo điện tử ở nước ta. Đồng chí Hồng Vinh, Uỷ viên TW Đảng - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tư tưởng Văn hoá TW (TTVH TƯ) đã chủ trì hội nghị.

Tính đến 9/2005, nước ta có 73 tờ báo, trang báo điện tử được Bộ Văn hóa -Thông tin cấp phép hoạt động. Theo thống kê của các nhà cung cấp dịch vụ, lượng truy cập bình quân mỗi ngày trên các báo điện tử địa phương từ 3.000 đến 10.000 lượt và từ 200.000 trở lên với một số tờ báo điện tử ở Trung ương.

Đánh giá về lực lượng báo chí điện tử tại VN, báo cáo của Ban TTVH TƯ chỉ rõ, đến nay nước ta đã hình thành hệ thống báo điện tử khá đông đảo, giàu sức vươn lên. Với lợi thế cập nhật thông tin liên tục, dung lượng thông tin đồ sộ, không phụ thuộc vào khoảng cách, thời gian… đã khiến báo điện tử trở thành một trong những phương tiện hiện đại, đầy lợi thế để tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, phản ánh nguyện vọng của nhân dân và là công cụ thông tin, giáo dục, giải trí tiện ích.

Với hơn 2 triệu người VN đang sinh sống, học tập tại nước ngoài, báo điện tử còn là phương tiện để bà con nắm bắt thông tin chính xác, kịp thời về quê hương, hiểu và gắn bó hơn với quê hương,  trở thành chiếc cầu nối VN và thế giới. Với nội dung phong phú, nhạy bén, các báo điện tử thời gian qua đã nhiệt tình ủng hộ sự đổi mới, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu lãng phí… phục vụ đắc lực sự nghiệp đổi mới, hiện đại hóa đất nước.

Báo cáo nhấn mạnh, tính ưu việt to lớn của báo điện tử là vũ khí sắc bén đấu tranh chống diễn biến hòa bình trên mặt trận TTVH, trở thành kênh thông tin đối ngoại quan trọng, có hiệu quả so với các loại hình báo chí khác. Trong tương lai không xa, báo chí điện tử sẽ trở thành kênh thông tin đối nội, đối ngoại có vị trí hàng đầu.

Tuy nhiên, hội nghị cũng chỉ rõ những khuyết điểm, yếu kém còn tồn tại của loại hình báo chí này. Tình trạng xa rời mục đích, đưa thông tin thiếu định hướng, thiếu nhạy cảm chính trị trên các báo điện tử, thông tin sai, trùng lắp có tần suất cao hơn các loại hình báo chí khác. Có tờ báo tới 40-60% thông tin khai thác từ báo chí nước ngoài. Xu hướng thương mại hóa mà biểu hiện cụ thể là không chú trọng vào những vấn đề hàng đầu của đất nước, đưa nhiều thông tin giật gân, hình ảnh câu khách, xoi mói chuyện đời tư các nhân vật nổi tiếng, sa đà vào các vấn đề giới tính. Một số thông tin, ý kiến thảo luận còn thiếu chọn lọc, thiếu ý thức xây dựng, có khi còn cực đoan, phiến diện. Có những “tờ báo điện tử” không phép như tintucvietnam.com, ngoisao.net hoạt động trên mạng thời gian khá dài mới bị phát hiện, xử lý, có trường hợp xử lý không dứt điểm.

Ngoài ra, vấn đề bản quyền trên báo điện tử đã đến lúc báo động, tình trạng cập nhật những tin, bài, ảnh lên mạng không rõ nguồn gốc, hiện tượng sao chép, xào xáo của nhau khá phổ biến. Tỷ lệ sử dụng lại thông tin từ báo khác còn cao, lên tới 60-70%. Đội ngũ PV, BTV hầu hết chuyển từ báo viết sang, chưa thực sự đảm bảo yêu cầu khắt khe của báo điện tử.

Hội nghị cũng đã dành nhiều thời gian để bàn về phương hướng, giải pháp nhằm phát triển nhanh, quản lý tốt hệ thống báo điện tử. Trong đó đặc biệt chú trọng tới việc hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật nhằm tạo lập một hành lang pháp lý đầy đủ, vững chắc cho báo điện tử hoạt động, giúp các cơ quan chức năng có đủ căn cứ để chỉ đạo, quản lý tốt hơn các báo điện tử. Thực tế cho thấy, một số văn bản pháp luật áp dụng cho báo chí truyền thống đã không còn phù hợp với báo điện tử. Trước mắt, sẽ xây dựng Pháp lệnh về Internet và sửa đổi Luật báo chí trình Quốc hội thông qua.

Tổng kết hội nghị, đồng chí Hồng Vinh đánh giá cao những phát triển vượt bậc của nền báo chí điện tử. Tuy nhiên, báo điện tử nước ta đang đứng trước những thách thức lớn về sự áp đặt thông tin từ các thế lực thù địch bên ngoài và những phần tử cơ hội trong nước, sự xâm nhập thông tin độc hại đầu độc thế hệ trẻ, bất cập về cơ sở vật chất và đội ngũ làm báo... Ngoài ra, báo điện tử vẫn chưa dành lượng thông tin thích đáng để đấu tranh chống lại các luận điểm xấu từ các thế lực bên ngoài. Tranh thủ được điều kiện thuận lợi từ sự quan tâm thường xuyên của Đảng, Nhà nước đó là cơ hội tốt để các báo điện tử tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

MỚI - NÓNG