Tội nghiệp những nụ hôn đường phố!

Tội nghiệp những nụ hôn đường phố!
Tình yêu đầu tiên, nụ hôn đầu đời. Yêu và hôn đã trở nên gắn bó với nhau như một “cặp phạm trù”. Nhưng tình yêu vẫn đang tiếp diễn mà nụ hôn thì đang... lâm nguy!

“Mặc dù anh ấy đã tỏ tình hơn một tháng nhưng chúng tôi vẫn chưa được hưởng nụ hôn đầu tiên” - Hồng (ĐH QG HN) nói một cách đầy ấm ức. Lý do để cô gái phải chịu thiệt thòi? Trả lời: không biết tìm đâu ra một nơi đủ lãng mạn để... hôn nhau, dù chỉ một cái. Còn cứ ôm hôn đại bất kể nơi nào như hàng ngàn đôi lứa vẫn mải miết hôn hàng đêm, trong thành phố này, cô không muốn chút nào.

Liệu ý nghĩ đó của Hồng có lạc hậu, khi mỗi tối những con đường như Thanh Niên, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng (Hà Nội) vẫn được không ít đôi lứa “trưng dụng” vào việc... ôm và hôn.

Bên lề đường, giữa làn hoa ngăn dải phân cách, trên thành cầu đối diện quán cà phê,... đèn cao áp cứ sáng, xe cộ cứ ngược xuôi bóp còi, thiên hạ cứ việc cau mày khó chịu... chàng và nàng vẫn cứ việc ta ta làm: áp má kề môi, nín thở, và... hôn!

Không chỉ “hôn”, có những đôi sau khúc dạo đầu êm ả còn chuyển sang khúc biến tấu ngộ nghĩnh: bế nhau! Nàng ngồi! (hoặc nằm nửa ngồi) gọn ghẽ trong lòng chàng, để cả hai cùng bắt đầu “ca bài tình yêu”.

Đôi khi quá say sưa và xui xẻo, chiếc xe máy - chỗ ngồi của hai người, đổ đánh rầm giữa đường. Đôi tình nhân nhăn nhó, vừa xuýt xoa vừa kéo nhau đứng dậy. Chàng dựng xe lên cho chắc chắn, rồi lại tiếp tục công cuộc “tôi khám phá cái nửa của tôi”.

Có hàng vạn lí do để những nụ hôn trở thành “nụ hôn lộ thiên”. Chủ nhân của nó không thể ngồi “mi” nhau ở nhà, trước sự giám sát của ông bà bố mẹ, em út...; họ cũng không thể thuê khách sạn vì không có tiền và sợ bị tưởng lầm là “dẫn nhau đi nhà nghỉ”; chủ nhân của nụ hôn cũng không thể vào công viên, vì ban đêm nơi đó vốn là “mái nhà chung” của dân vô gia cư, cướp giật, nghiện hút... ; trốn vào quán nước, rạp chiếu phim vừa mất tiền, vừa bị kết tội... làm ảnh hưởng đến trật tự nơi công cộng! Thế là các cặp tình nhân chỉ còn nước đưa nhau ra “khách sạn ngàn sao”.

Bốn mùa thay lá, bốn mùa thay hoa, nhưng cuốn phim tình yêu lộ thiên có hàng ngàn cặp diễn viên kép chính, đào chính ấy vẫn chẳng có gì thay đổi. Vẫn từng ấy cảnh diễn đi diễn lại, đầy say mê, ngọt ngào và hứng khởi...

Nụ hôn thời đô thị hoá

Vài năm trở lại đây, khi một số con kênh của thành phố được chỉnh trang, xây thêm kè và vườn hoa nho nhỏ, nụ hôn đôi lứa cũng có thêm địa chỉ mới.

Chìa lưng ra đường, quay mặt xuống dòng kênh, trăng thanh, gió mát, người vắng vẻ... có vẻ nụ hôn tình yêu đã tìm được một nơi tạm trú... “đạt yêu cầu”.

Nhưng thực ra, có ai từng đến đấy hôn thử mới biết thế nào là mùi vị của “nụ hôn thành phố”. Nước kênh đen ngòm, đặc sánh, rút gần cạn đáy, mùi bùn bẩn đã bốc lên nồng nặc. Thiếu nước vừa hôn vừa... bịt mũi!

Đó là chưa kể cứ dăm bảy phút một lại có một người bán hàng rong, vé số, đánh giầy... đến kéo áo, mời mua. “Phụ trợ” vào đó là bộ phận âm thanh và tiếng động của máy cẩu, máy xúc, máy khoan đường... làm việc không ngơi nghỉ.

Thú vị gì đâu khi phải hôn nhau và mơ mộng trong tiếng rao hàng lanh lảnh của bánh chưng, bánh gai, bánh giò. Rồi thì ngoảnh đâu cũng thấy rác. Ngồi cả trên rác, thậm chí cả trên chất thải của người và động vật!

Đôi khi các chàng và nàng còn bị thiệt hại vật chất nặng nề: mất ví, mất giầy như cơm bữa. Thậm chí, có kẻ nghiện cũng không từ gí kim vào lưng, “xin đểu” - Quang, một chàng trai có nhiều năm “kinh nghiệm” trong lĩnh vực “hôn nhau nơi công cộng”, bức xúc cho biết.

Một trường hợp hy hữu xảy ra trên cầu Cống Mọc (Quận Thanh Xuân, Hà Nội): nàng ngồi vắt vẻo trên thành cầu, chàng đứng dưới ôm. Tức cảnh sinh tình, họ mi nhau say đắm. Và “tùm”, nàng vuột khỏi tầm tay chàng bay thẳng xuống sông. Chàng vội kêu cứu vang trời trong đêm vắng. Cũng may cuối cùng thiên hạ và chàng cũng lôi được nàng lên trong dòng nước đen. Không hiểu sau nụ hôn cảm giác mạnh đó, họ có chuyển địa điểm “đăng kí tạm trú” cho nụ hôn của mình hay không ?

“Nụ hôn lộ thiên” với trăm nỗi nguồn cơn như vậy, có gì hay ho, thú vị ?! Vậy mà bao năm qua, các đôi lứa vẫn đưa nhau ra giữa trời thực hành, can trường hứng chịu muôn ngàn ánh mắt khó chịu lời chê chửi của thiên hạ?!

Phương Anh – một bạn trẻ tâm sự: Tôi có dịp đi qua Pháp, Ý, thậm chí ngay cả ở những nước châu Á, như Nhật, Singapore thấy thanh niên của người ta hôn nhau mà phát... yêu đời. Họ có thể bày tỏ tình cảm thân mật này ở những nơi sang trọng, lãng mạn nhất: trên triền đồi, trước quảng trường, viện bảo tàng... những nụ hôn đậm mùi vị thơm mát, tinh sạch của trời đất chứ không dáo dác như các cặp yêu nhau nhà mình.

Thế đấy, vẫn là một nụ hôn của tình yêu, nhưng nụ hôn của các cặp tình nhân “của họ” lại quá khác biệt so với ta. Và những nụ hôn ngột ngạt mùi… bùn vẫn ngồi đây, mơ tới một ngày đẹp trời nào đó, chúng sẽ được đổi vị.

MỚI - NÓNG