Người đo thang âm và ghi tổng phổ cồng chiêng

Người đo thang âm và ghi tổng phổ cồng chiêng
Trong hồ sơ cồng chiêng trình lên UNESCO, phần trình bày những đặc điểm nghệ thuật của cồng chiêng do nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền- Viện Văn hóa Thông tin đảm trách, có vai trò đặc biệt trong việc đưa cồng chiêng tới danh hiệu Kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền miệng của nhân loại.

GS Trần Văn Khê cho hay: “Hồi tôi đọc hồ sơ cồng chiêng mà chưa đọc phần của Hiền, thì tôi thấy nó có lạ, có hay nhưng không thấm đến nỗi để mình khen một cách rất mạnh dạn. Những nhận xét của Hiền soi sáng cho tôi thấy được những điều độc đáo của hồ sơ cồng chiêng”.

Bùi Trọng Hiền đã làm được việc tưởng như không thể: đo thang âm và ghi tổng phổ các bài cồng chiêng.

Cuộc trò chuyện với TP diễn ra ngay sau khi tin thắng lợi của cồng chiêng được loan báo.

Bùi Trọng Hiền: Vinh quang này trước hết thuộc về đồng bào Tây Nguyên (TN), những chủ nhân của di sản. Thứ đến, là các cán bộ nghiệp vụ Sở VHTT 5 tỉnh TN những người đã tạo điều kiện tốt nhất để chúng tôi tiến hành thu thập tư liệu.

Một tháng liền chạy dọc 5 tỉnh và đi vào vùng sâu làm việc với đồng bào các tộc người Giarai, Bahnar, Êđê, M’nông, Xêđăng, Mạ, Churu… tôi thực sự choáng váng trước nền nghệ thuật của họ.

Cho nên khi về HN, nghiên cứu 5 tháng liên tục để giải mã tất cả những gì gọi là phong phú, độc đáo, đa dạng của nghệ thuật cồng chiêng TN, thì tôi đã rất tự tin là nó sẽ thành công.

Ở đấy có những kỹ thuật âm nhạc rất riêng của TN, mỗi cái cồng chiêng chỉ là một nốt nhạc, một chiếc trong dàn kết hợp với nhau để tạo ra một bản nhạc nghe có đầy đủ cả bè trầm, bè cao, bè trung… rồi có phần hòa âm đệm.

Một cơ hội rất lớn để đưa nghệ thuật cồng chiêng nguyên bản, cổ truyền từ TN đến với mọi người. Quá đặc biệt! Mỗi dân tộc có một vẻ, mỗi nhánh của từng dân tộc lại có những yếu tố khác nhau nữa.

Thưa anh, từ tình trạng ít người biết, giờ cồng chiêng đã vang danh thế giới, chứng tỏ người đề xuất ý tưởng đề cử cồng chiêng đã rất có lý?

Tôi đánh giá rất cao người đề xuất, chắc chắn phải rất am tường. Trong lĩnh vực nghiên cứu này, chúng ta có rất ít chuyên gia, ngoại trừ GS Tô Ngọc Thanh- người đã hướng dẫn tôi điền dã trên TN và chỉ đạo, thực hiện nhiều khâu quan trọng của bộ hồ sơ.

Khi đang làm hồ sơ, lãnh đạo Bộ đã điện xuống lãnh đạo Viện: Cồng chiêng Tây Nguyên (CCTN) liệu có phong phú độc đáo và đa dạng thực sự như người ta nói không? Tôi đã khẳng định với họ, bằng mọi giá tôi sẽ chứng minh được.

Những nhà nghiên cứu CCTN trước đây không có điều kiện để nghiên cứu sâu về mặt âm nhạc như bây giờ?

Người đo thang âm và ghi tổng phổ cồng chiêng ảnh 1

Có khá nhiều nhà nghiên cứu đã đến TN và nghiên cứu âm nhạc cồng chiêng. So với họ, chúng tôi chắc chắn không có được điều kiện ăn ở, nằm vùng hàng tháng trời, thậm chí nhiều năm.

Bù lại nhóm chúng tôi “càn quét” từ Nam đến Bắc TN liên tục một tháng giời không ngừng nghỉ và tiếp xúc một loạt, khoảng gần một chục dân tộc chủ thể ở TN.

Đấy là điều mà tôi cho rằng các nhà nghiên cứu ngày xưa khó thực hiện. Họ thường chỉ ở một hoặc hai dân tộc.

Cồng chiêng rất khác so với nhiều loại âm nhạc khác ở chỗ có cường độ âm thanh rất lớn. Người nghiên cứu phải nghe, gỡ băng và giải mã nhạc cồng chiêng trong thời gian dài liên tục đòi hỏi sức khỏe nhất định.

Sau khi nghe khoảng 10 giờ băng cồng chiêng để ghi ra tổng phổ thì tôi cũng bị “thông tai”. Điều đó làm tôi cảm thông thêm với những người đi trước.

Anh nghe liên tục mỗi ngày bao nhiêu tiếng?

Liên tục 5 tháng bất kể thứ Bảy, Chủ nhật, bất kể ngày hay đêm, lúc nào có thể làm việc được! Hoàn toàn bằng sức người, không có hỗ trợ của máy đo, bởi nhiều người nói, việc đo thang âm cồng chiêng bằng máy rất khó.

Một cái cồng/chiêng đánh lên không chỉ cho ta một nốt mà bao giờ cũng vang ra rất nhiều âm khác nhau- là điều máy không thể giải quyết được. Chính GS Vũ Nhật Thăng đã chỉ cho tôi cách đo thang âm cồng chiêng… Tổng cộng, tôi đã đo thang âm gần 100 cái cồng/chiêng.

Phải chăng CCTN vẫn còn một dung lượng nghệ thuật lớn, chứ không bị mai một chẳng hạn như ca trù?

Thực ra những gì mai một trong cồng chiêng đã xảy ra lâu rồi và rất nhiều. Hiện nó đang trong nguy cơ bị biến mất khỏi cuộc sống của đồng bào TN. Vì thay đổi tín ngưỡng, tập quán sinh hoạt- lao động sản xuất.

Đặc biệt do những yếu tố văn hóa mới mà chúng ta thường gọi là “văn nghệ quần chúng”, với những nghệ sĩ TN nổi tiếng nhờ nhạc pop-rock, dần dần thứ âm nhạc đó góp phần biến cồng chiêng thành thứ khác.

Đó là một trong những nguy cơ rất cao, báo động đỏ hiện nay về âm nhạc cồng chiêng. Cồng chiêng “sống” trên TN đã định hình từ rất lâu, chúng ta không thể tìm ở nó một sự phát triển nào khác.

Mọi sự “phát triển” bây giờ chỉ là cố gắng lai Tây, cố gắng gò cồng chiêng thành đồ-rê-mi, một hiện trạng khá phổ biến ở TN. Người ta có thể coi đấy là sự phát triển. Nhưng sự phát triển ấy sẽ phá vỡ tất cả cấu trúc, giá trị của CCTN.

Vẫn có tín hiệu đáng mừng, chẳng hạn Bahnar (Gia Lai) có rất nhiều người trẻ chơi chiêng. Dường như âm nhạc cồng chiêng vẫn có một năng lượng thu hút giới trẻ?

Nó không phải là thứ nhạc để trầm tư mặc tưởng mà để nhảy múa. Ngày xưa ở TN, lớp trẻ bao giờ cũng phải học đánh cồng chiêng để tiếp nối thế hệ trước.

Người đo thang âm và ghi tổng phổ cồng chiêng ảnh 2
Cồng chiêng vào hội

Rất mừng là ngày nay điền dã trên TN, chúng ta vẫn gặp nhiều thanh niên ham mê và chơi âm nhạc cồng chiêng cổ truyền. Họ mới là người kế tục và giữ được âm nhạc của chính cha ông họ-việc mà chúng ta không thể làm thay được.

Nhiều khả năng mọi người sẽ đổ xô đi nghe Di sản thế giới, anh khuyên bạn đọc làm thế nào để tiếp xúc với cồng chiêng một cách chân thực nhất?

Nên mở rộng việc du lịch trong các buôn làng. Đưa những lễ hội của đồng bào thực sự trở thành những điểm thu hút du lịch, tức đưa người ta đến nghe cồng chiêng thực trong đời sống.

Thứ hai, cần có những phim dân tộc học, những đĩa cồng chiêng của các dân tộc khác nhau để mọi người có cơ hội nghe cồng chiêng ít nhất qua âm thanh.

Những lễ hội có cồng chiêng của đồng bào TN thường diễn ra vào mùa khô (nhiều nhất là sau Tết). Vậy chuyến điền dã trái mùa tháng 5/04 đã để lại trong anh ấn tượng gì sâu sắc?

Khi tiến hành làm hồ sơ, các lễ hội toàn phải dựng lại. Vì tiến hành hồ sơ quá muộn, nên đoàn nghiên cứu buộc phải tiến hành điền dã ngay vào mùa mưa để kịp cho hồ sơ chuyển sang UNESCO vào tháng 11/2004. Đất đỏ bazan, bùn trơn nhão, xe sa lầy, đi lại khó khăn, mưa suốt ngày...

Bên cạnh thưởng thức vẻ đẹp của CCTN thì thời tiết và mọi điều kiện tiến hành nghiên cứu rất khủng khiếp, cả đời tôi chắc sẽ không bao giờ quên!

Người đo thang âm và ghi tổng phổ cồng chiêng ảnh 3
13g20 ngày 25/11 tại Paris, ông Vũ Đức Tâm, đại diện UNESCO VN nhận bằng công nhận Cồng chiêng Tây Nguyên từ Tổng Giám đốc UNESCO Koichiro Matsuura.
Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên chính thức được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể và Truyền khẩu của Nhân loại

Lễ công bố Di sản Văn hóa Phi vật thể và Truyền khẩu của Nhân loại lần thứ 3 tổ chức tại trụ sở chính của UNESCO ngày 25/11 tại Paris.

Hội đồng Giám khảo quốc tế gồm 18 thành viên nhóm họp từ 21-24/11 đã thảo luận và đánh giá 64 bộ hồ sơ ứng cử của 74 nước.

Mỗi bộ hồ sơ ứng cử đều phải trải qua sự đánh giá chặt chẽ của Hội đồng Âm nhạc Truyền thống Quốc tế (ICTM), Viện Nghệ thuật Biểu diễn Quốc tế (ITI) và Hội đồng Bảo tàng Quốc tế (ICOM).

Lần công bố thứ nhất 2001 đã có 19 kiệt tác được vinh danh. Trong 28 kiệt tác được vinh danh năm 2003 có Nhã nhạc Cung đình Huế. Lễ công nhận 43 kiệt tác lần thứ 3 cũng là lần cuối cùng.

Năm 2003, Đại hội đồng UNESCO đã thông qua Công ước về Bảo tồn các Giá trị Văn hóa Phi vật thể, trong đó đề ra 2 danh sách: Danh sách Đại diện các Di sản Văn hóa Phi vật thể của Nhân loại và Danh sách các Di sản Phi vật thể cần được bảo tồn cấp bách.

Công ước sẽ có hiệu lực khi được 30 quốc gia thành viên thông qua. Hiện đã có 26 quốc gia thông qua, trong đó VN là quốc gia thứ 22. Công ước tiếp tục đưa các Di sản Văn hóa Phi vật thể và Truyền khẩu của Nhân loại đã được công nhận từ 2001 vào Danh sách Đại diện các Di sản Văn hóa Phi vật thể của Nhân loại. 

* GSTS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam: Hãy để cồng chiêng như ngàn năm qua

Thưa giáo sư Tô Ngọc Thanh, là một trong những chuyên gia hàng đầu của các nước về văn hóa dân gian, với tư cách cá nhân, sự kiện này đối với giáo sư có ý nghĩa thế nào?

GS TNT: Trên thế  giới còn nhiều nơi có cồng chiêng, tại sao chỉ cồng chiêng Tây Nguyên được chọn là di sản của thế giới? Vì một trong những đặc điểm của cồng chiêng Tây Nguyên là có tính cộng đồng rất cao. Nếu các nước khác một người chơi cả dàn chiêng thì ở Tây Nguyên mỗi người chỉ đánh một chiếc.

Theo giáo sư, trong chương trình hành động bảo tồn phát huy bản sắc cồng chiêng, chúng ta cần đặc biệt lưu ý điều gì?

GS TNT: Để gìn giữ được các giá trị nguyên bản của di sản văn hóa cồng chiêng là rất khó. ở Ea H’leo (Đăk Lăk) tôi từng gặp dàn cồng chiêng mà người ta gõ lại theo hàng âm thanh Tây Âu.

Đó là một thất bại, bởi văn hóa cồng chiêng là do lịch sử để lại. Mà lịch sử thì chỉ nên thừa kế chứ không nên cải tiến.

Cần có những hành động cụ thể để truyền thụ lại cho lớp trẻ giá trị nguyên sơ của văn hóa cồng chiêng như nó vẫn có hàng ngàn năm qua.

Cảm ơn giáo sư.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.