Về sự kiện UNESCO công nhận văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác:

Có những việc phải làm ngay

Có những việc phải làm ngay
Cách đây vài hôm, báo Tiền Phong đăng bài phỏng vấn tôi về hồ sơ Cồng chiêng Tây Nguyên. Hôm qua, báo Nhân Dân, Sài Gòn Giải phóng có đăng lại bài ấy.
Có những việc phải làm ngay ảnh 1
Cồng chiêng trong mùa lễ hội ở Tây Nguyên                                 Ảnh: TN

Rồi hôm nay được tin vui. Nhiều bạn bè ưu ái, vài phóng viên sau khi biết tin, gọi điện thoại mừng và khen tôi có công lớn làm cho Ban Giám khảo của UNESCO hiểu rõ giá trị của văn hoá Cồng chiêng, mới được kết quả ngày nay.

Các bạn ơi! Công tôi không lớn như các bạn nghĩ, không đáng kể, bên cạnh công trình to lớn của các chuyên gia trong nước từ mấy chục năm nay. 

Một nền văn hóa độc đáo, sâu sắc tuyệt vời của các dân tộc vùng Tây Nguyên đang sắp chìm vào quên lãng, vì nhiều lý do, gần đây được chính quyền Trung ương và địa phương quan tâm. Các nghệ nhân cao niên, các nghệ sĩ trẻ có ý thức bảo tồn vốn cổ, tập hợp thành những dàn cồng chiêng có chất lượng nghệ thuật.

Những chuyên gia Dân tộc học, Dân tộc âm nhạc học tận tâm tận lực, các Viện nghiên cứu họp sức để có đủ tư liệu lập được một hồ sơ đầy đủ trình UNESCO xem xét, đánh giá và quyết định công nhận hay không Văn hoá cồng chiêng như một “kiệt tác của Di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại”.

Thành lập hồ sơ là công trình tập thể chớ không phải của cá nhân nào. Trong đó mỗi người đều có công ít nhiều.

Tôi may mắn được UNESCO tin cậy và trao cho phận sự “đánh giá” hồ sơ đó về nhiều mặt. Tôi không nhắc lại những do dự thắc mắc của tôi khi nhận lãnh trách nhiệm nầy. Vì là người Việt gắn bó với văn hoá nước Việt, nếu không nghiêm túc, sẽ bị phê bình, và không được khách quan, không được các chuyên gia trên thế giới chấp thuận.

Khi nhận tôi rất lo vì vốn hiểu biết về cồng chiêng rất hạn chế. Nhờ những bài nghiên cứu của GS TS Tô Ngọc Thanh, của GS Tô Vũ trong dịp khai mạc và bế mạc Liên hoan Cồng chiêng tại Tây Nguyên, những nghiên cứu của một số chuyên gia Việt Nam và Pháp, tôi có được khái niệm về Văn hóa cồng chiêng.

Tôi đọc hồ sơ rất kỹ và rất nhiều lần. Tôi đã nghe các bản cồng chiêng ghi âm kèm theo hồ sơ, xem các phim video về sinh hoạt và lễ hội tại Tây Nguyên. Tôi đã ghi lại những nét chính để tóm tắt đặc thù của Văn hoá Cồng chiêng trên nhiều mặt. Thấy văn hóa ấy đa dạng, có chiều sâu. Nhưng chưa thấy rõ nét đặc thù, độc đáo so với dàn cồng chiêng ở các nước Đông Nam Á, nhứt là về mặt dân tộc nhạc học.

Khi ra Hà Nội để làm việc cùng nhạc sĩ Đặng Hoành Loan và các chuyên gia trong Ban chuẩn bị hồ sơ về Nghệ thuật Ca trù để trình cho UNESCO, tôi được Minh Châu- Viện Âm Nhạc giới thiệu nhà nghiên cứu trẻ Bùi Trọng Hiền.

Bùi Trọng Hiền đã trình bày chi tiết những điều tôi muốn biết về ngôn ngữ âm nhạc trong Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, thuật lại những ngày điền dã trong mấy tháng ròng rã, giới thiệu nguyên tắc thành lập những dàn cồng, cho tôi xem hình ảnh để tôi thấy vị trí của các nhạc công trong dàn nhạc dùng trong nhiều lễ hội. Giảng về liên hệ gia đình, về chức năng biểu diễn giữa các cồng chiêng, và nhiều nét đặc thù khác. 

Nếu không gặp nhà nghiên cúu trẻ ấy, không nắm rõ đặc thù độc đáo của Nghệ thuật cồng chiêng Tây Nguyên, tôi không dám viết những câu thật nồng hậu, không dám mạnh dạn so sánh những dàn cồng Tây Nguyên với dàn cồng Gamelan của Java, Gong kebyar của Bali (Indonesia), Kulingtan của dân tộc Mindanao (miền Nam Philippines).

Kết quả tốt đẹp hôm nay có được nhờ sự nhứt trí từ các cấp lãnh đạo văn hóa trong chính quyền trung ương và địa phương, các nghệ nhân, nghệ sĩ biểu diễn cồng chiêng, nhân dân các sắc tộc, các Hội, cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia dân tộc học, dân tộc âm nhạc học trong Viện VHTT trong việc bảo tồn di sản phi vật thể của các dân tộc trong toàn cõi Việt Nam đặc biệt trên Tây Nguyên...

Đặc biệt trong cương vị Chuyên gia quốc tế đánh giá hồ sơ về Nghệ thuật Cồng chiêng Tây Nguyên do UNESCO đề cử, tôi đặc biệt ghi công GS TSKH Tô Ngọc Thanh, và như đã nói ở trên - nhà nghiên cứu trẻ Bùi Trọng Hiền đã giúp tôi làm tròn nhiêm vụ.

Tôi khẩn thiết yêu cầu Chính quyền và các Cơ quan quốc tế như Quỹ Ford,  Quỹ Japan hỗ trợ tinh thần và tài chính để xuất bản công trình nghiên cứu của Bùi Trọng Hiền về cồng chiêng Tây Nguyên, với tất cả tư liệu bằng hình ảnh, băng ghi âm ghi hình, bằng tiếng Việt cho trong nước và tiếng Anh, tiếng Pháp, cho những chuyên gia quốc tế dân tộc học và dân tộc nhạc học.

MỚI - NÓNG