Giáo sư Việt kiều đào tạo nhân tài cho tương lai

Giáo sư Việt kiều đào tạo nhân tài cho tương lai
Là tác giả của hơn 300 tài liệu nghiên cứu khoa học, chủ nhân của 3 bằng sáng chế, GS-TS Nguyễn Quý Đạo vẫn tự nhận mình chưa giỏi vì nếu giỏi hơn sẽ “làm được nhiều việc có ích cho quê hương hơn nữa”.
Giáo sư Việt kiều đào tạo nhân tài cho tương lai ảnh 1

Giáo sư Nguyễn Quý Đạo tại lễ trao tặng danh hiệu "Vinh danh nước Việt 2005". Ảnh: Lan Anh

Nhà khoa học khiêm tốn và giàu nhiệt huyết này đã được trao danh hiệu "Vinh danh nước Việt 2005", danh hiệu tôn vinh những Việt kiều có nhiều đóng góp cho đất nước.

Trước đó, ông còn vinh dự được Chủ tịch nước Trần Đức Lương trao tặng Huy chương Hữu nghị.

Nhiều đề tài nghiên cứu thiết thực

Cũng giống như bao người con xa xứ khác, khi được gợi nhớ tới những năm tháng bôn ba nơi xứ người với nỗi niềm đau đáu nhớ quê hương, giáo sư Nguyễn Quý Đạo, một Việt kiều Pháp, không giấu được vẻ xúc động.

Ông nhớ lại cảm xúc tự hào dân tộc ngập tràn khi ở Pháp được đọc trên báo chí nước ngoài những dòng viết về Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nhất là về chiến thắng Điện Biên Phủ.

Chàng thanh niên Nguyễn Quý Đạo khi ấy sớm xác định phải theo học về khoa học nghiên cứu để sau này có dịp trở về đóng góp xây dựng quê hương.

Nguyễn Quý Đạo trở thành sinh viên của đại học Centrale Paris, trường hàng đầu về đào tạo kỹ sư của Pháp, đồng thời theo học song song trường Sorbone. Giành bằng tiến sĩ khoa học Nhà nước Đại học Paris Pháp năm mới 30 tuổi vào năm 1967, sự nghiệp nghiên cứu khoa học của ông tiếp tục đạt nhiều thành công.

Ông hiện đang là Giám đốc cao cấp danh dự của trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) và là Giám đốc văn phòng đại diện trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp tại Việt Nam.

Khi đang ở độ chín của một nhà khoa học, được nhiều trường đại học trên thế giới mời thuyết trình, tiến sĩ Nguyễn Quý Đạo bắt đầu thực hiện mơ ước làm một việc gì đó giúp ích cho đất nước.

Khi cuộc kháng chiến đang ở giai đoạn quyết liệt, đồng bào trong nước bị tàn sát bởi bom đạn Mỹ, ông lặng lẽ đi thu thập tài liệu về phương pháp và cách xác định sự di chuyển của mảnh bom bi vốn ở dạng chất dẻo rất khó phát hiện khi lọt vào cơ thể.

Thông qua Hội người Việt Nam tại Pháp, ông gửi về Việt Nam các tài liệu, sơ đồ thiết kế loại máy giúp phát hiện vị trí của đạn bi trong cơ thể người.

Ngay sau giải phóng, ông về Việt Nam và bắt đầu hợp tác nghiên cứu với các nhà khoa học trong nước. Công trình được tiến sĩ Nguyễn Quý Đạo rất tâm đắc là nghiên cứu về đặc điểm sỏi thận, sỏi mật của người Việt Nam, giúp tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả.

Cùng với các sinh viên Việt Nam tại Pháp, ông đã mở ra hướng mới chữa trị bệnh sỏi thận, sỏi mật thông qua ăn uống mà không cần phẫu thuật.

Đem so sánh sỏi của người Việt Nam với một số người của nước khác, ông kết luận sỏi của người Việt Nam có dạng đá chứ không phải sỏi mỡ như người dân ở các nước phát triển khác do đặc điểm ăn uống.

5 năm tới, ông sẽ lại nghiên cứu về đề tài này nhằm tìm ra, sỏi thận, sỏi mật của người Việt Nam có thay đổi như thế nào sau 10 năm, từ đó chỉ ra cách ăn uống phù hợp để làm tiêu viên sỏi mà không cần đụng dao kéo.

Ở nhà khoa học này dường như không có điểm dừng trên con đường nghiên cứu sáng tạo. Ông ấp ủ hy vọng sản xuất ra những chiếc máy quang phổ hiện đại, có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực y tế, địa chất, môi trường..., mà giá chỉ 2.000 USD so với giá 200 ngàn USD hiện nay.

Hiện ông cùng một học trò người Việt ở Pháp nghiên cứu phát minh máy quang phổ Raman, có thể áp dụng trong ngành kim hoàn, giúp thẩm định nhanh và chính xác kim cương, đá quý là thật hay giả.

Ông đã giành được bằng sáng chế cho phát minh này và chiếc máy thử đầu tiên sắp được chế tạo xong. Từ lúc sáng chế đến lúc sản xuất bán ra thị trường phải mất khoảng 5 năm, song tiến sĩ Nguyễn Quý Đạo hy vọng phát minh của ông sẽ được ứng dụng trong thực tiễn ở Việt Nam.

Mang về Việt Nam chương trình học châu Âu

Tiến sĩ Nguyễn Quý Đạo tin tưởng nền khoa học công nghệ của Việt Nam tuy đang ở trình độ khiêm tốn song sẽ nhanh chóng biến đổi nhờ khả năng đi tắt đón đầu, tiếp thu nhanh khoa học kỹ thuật thế giới.

"Một trong những yếu tố quan trọng là nhân tài, cần phải đào tạo ngay từ bây giờ những nhà khoa học cho tương lai", ông nói. Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao, mà ông là một trong những người sáng lập, đã thực hiện nhiều năm qua tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Bách khoa Đà Nẵng, Bách khoa TPHCM và Đại học Xây dựng Hà Nội.

Đây là chương trình phối hợp với một số trường đại học ở Pháp, mở các lớp đào tạo theo chương trình giảng dạy của các trường đại học Âu châu.

Tiến sĩ Nguyễn Quý Đạo kiến nghị nhà nước cần mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở, trang thiết bị nghiên cứu nhằm thu hút chất xám kiều bào cũng như chất xám của các nhà khoa học quốc tế.

Ông nói, hiệu quả hợp tác giữa các nhà khoa học trong nước và trí thức Việt kiều trong thời gian qua khá tốt, song có thể tốt hơn nếu trong nước có các phòng thí nghiệm được trang bị hiện đại.

Như vậy không chỉ giúp tạo điều kiện cho các nhà khoa học trong nước làm việc, mà còn mở ra cơ hội hợp tác với các nhà khoa học quốc tế, cùng làm những công trình nghiên cứu mang tầm cỡ quốc tế ngay tại Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Quý Đạo cũng như nhiều Việt kiều khác đều nhận thấy những ưu ái của Đảng và Nhà nước trong những năm qua đối với kiều bào, song theo ông, vẫn cần có chính sách thông thoáng hơn nữa.

Ông cho biết, trên thực tế còn rất nhiều Việt kiều tài năng chưa trở về nước, nên vấn đề là phải làm sao chứng tỏ được chính sách quý trọng nhân tài của Việt Nam.

Theo Quân đội Nhân dân

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.