Vụ hành hung nhà báo: Kết luận không khách quan

Vụ hành hung nhà báo: Kết luận không khách quan
TP - Báo Tiền phong đã nhận được bản “Kết luận” của cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lạng Sơn về việc PV thường trú của báo Tiền phong Nguyễn Duy Chiến –  bị hành hung lễ hội đền Pắc Nga.

Để đảm bảo thông tin nhiều chiều đến với bạn đọc, Tiền phong trích đăng nội dung chính trong bản “Kết luận” số 17 do Trung tá Hoàng Anh, Phó Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lạng Sơn ký ngày 21/2/2006.

Về diễn biến sự việc xảy ra, bản “Kết luận” cho biết: Khoảng 17 giờ ngày 12/2/2006, tại lễ hội Pắc Nga, có 2 nhóm thanh niên xô xát, bảo vệ và nhân dân kịp thời ngăn chặn, giữ được 5 người. Công an huyện Cao Lộc đã đưa 5 đối tượng ra xe cảnh sát.

Có một người đàn ông cao, gầy, xông vào hô “Công an đánh người”, rồi giơ máy ảnh chụp. Lực lượng làm nhiệm vụ đẩy người này ra, nhưng anh ta lại xông vào chặn đầu ô tô và giơ máy ảnh. Một số nữ thanh niên hô theo “Công an đánh người”.

Thấy tình hình phức tạp, cả người chụp ảnh và 5 đối tượng được đưa về trụ sở UBND xã Gia Cát. Sau đó, 5 đối tượng đã được gia đình đến bảo lãnh, đón về. Người chụp ảnh xuất trình 1 Thẻ nhà báo mang tên Nguyễn Duy Chiến đã hết hạn sử dụng; 1 Giấy chứng nhận hội thẩm nhân dân.

Công an xã Gia Cát lập biên bản vi phạm hành chính, ông Chiến không ký. Trong biên bản ghi lời khai, ông Chiến khai là nhà báo đi dự lễ hội, bị giật máy ảnh và đấm vào bụng…

Ông Đặng Đình Ngọc – Chánh Văn phòng UBND huyện Cao Lộc - đã nộp cho UBND xã 1 máy ảnh do một người dân không quen biết đưa cho ông Ngọc. Chiếc máy ảnh được trả lại cho ông Chiến, và ông Chiến đã ra về lúc 22h 30.

Về kết quả điều tra, xác minh, bản “Kết luận” của Công an tỉnh Lạng Sơn cho rằng việc ông Chiến đến dự lễ hội theo lời mời của Ban tổ chức là không có căn cứ; Thẻ nhà báo của ông Chiến đã hết hạn sử dụng; khi xảy ra vụ gây rối, ông Chiến đã uống nhiều rượu.

Các tài liệu thu thập được đều khẳng định người đàn ông (theo tả đặc điểm là ông Chiến) khi xông vào xe cảnh sát có hô “Công an đánh người”. Không có việc 5 đối tượng và ông Chiến bị đánh đập, bị giật máy ảnh.

Bản “Kết luận” khẳng định hành vi của ông Chiến là “cản trở người thi hành công vụ”; “kích động các phần tử xấu, làm cho tình hình phát sinh thêm các diễn biến phức tạp”.

Bị kết cho những tội tày đình như vậy, Công an Lạng Sơn chỉ “kiến nghị cơ quan quản lý ông Chiến chấn chỉnh thái độ, tác phong của một nhà báo trong việc tôn trọng và chấp hành pháp luật”.

Không khách quan, mang tính áp đặt!

Một điều khá lạ lùng, trước khi ra bản “Kết luận” trên đây, Cơ quan điều tra không một lần làm việc với nhà báo Nguyễn Duy Chiến, và bản “Kết luận” sau khi được ký, đóng dấu, cũng không được gửi đến cho ông Chiến. Chỉ một chi tiết này cũng đủ thấy bản “Kết luận” không khách quan, toàn diện, vì đã bỏ qua lời trình bày của đối tượng quan trọng nhất.

Do không gặp gỡ với ông Chiến, Cơ quan điều tra không biết được rằng, Thẻ nhà báo của ông Chiến (cũng như của các nhà báo khác ở Lạng Sơn) hiện vẫn có giá trị sử dụng cho đến khi được đổi sang thẻ mới.

Cũng do không làm việc với ông Chiến, Cơ quan điều tra đã không biết, nhà báo Nguyễn Duy Chiến có nhận được giấy mời từ Ban tổ chức lễ hội văn hóa - du lịch xứ Lạng, Xuân 2006.

Theo giấy mời này, nhà báo Chiến đã tham gia lễ khai mạc chương trình lễ hội của tỉnh, sáng 12/2/2006, và như nhiều nhà báo khác, nhà báo Chiến nhận được lời mời trực tiếp từ Ban tổ chức, rằng buổi chiều sẽ tham dự tiếp lễ hội đền Pắc Nga ở huyện Cao Lộc.

Hơn nữa, bất cứ ai chịu khó tìm hiểu Luật Báo chí, cũng sẽ hiểu rằng nhà báo Chiến và mọi nhà báo khác có quyền tham dự và tác nghiệp tại lễ hội Pắc Nga, mà không nhất thiết phải được Ban tổ chức mời đến.

Việc nhà báo tác nghiệp (chụp ảnh, ghi âm, ghi chép…) không thể bị coi là “cản trở người thi hành công vụ”, bởi những người thi hành công vụ, bất luận là công vụ gì, cũng phải tôn trọng pháp luật, trong đó có Luật Báo chí.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Tiền phong, ông Chu Minh Sự - Trưởng Công an huyện Cao Lộc - cho rằng ông Chiến đã “đứng trước mũi xe cảnh sát” để chụp ảnh, cản trở không cho xe xuất phát. Bản “Kết luận” của Công an tỉnh Lạng Sơn cũng lặp lại điều này.

Người ta đã bỏ qua một chứng cứ quan trọng, đó là tấm ảnh nhà báo Chiến chụp được, hiện vẫn lưu giữ trong máy. Tấm ảnh này cho phép khẳng định khi chụp ảnh, nhà báo Chiến đứng ở hông xe, hướng ống kính vào phía các đối tượng đang bị đưa lên xe.

Vụ hành hung nhà báo: Kết luận không khách quan ảnh 1
Giấy mời của Ban tổ chức lễ hội văn hóa – du lịch xứ Lạng xuân 2006, gửi nhà báo Chiến

Nó phù hợp với trình bày của nhà báo Chiến, rằng anh muốn ghi hình những đối tượng đang bị dẫn giải, để phục vụ cho tin, bài về an ninh trật tự trong lễ hội. Đối tượng để viết bài của nhà báo Chiến không phải là cái xe ô tô cảnh sát, cho nên nhà báo Chiến không đứng ở đầu mũi xe để chụp ảnh.

Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Tiền phong, ông Chu Minh Sự nói khi ông Chiến chụp ảnh, ông Sự đứng phía sau lưng ông Chiến, nên không nhận ra nhà báo Chiến.

Qua tấm ảnh nhà báo Chiến chụp được, có thể thấy lời ông Sự nói không đúng sự thật. Tấm ảnh cho thấy ông Sự đứng đối diện với nhà báo Chiến, và ông Sự chính là người đứng gần nhà báo Chiến nhất!

Việc nhà báo Chiến “đánh rơi máy ảnh”, “một người dân nào đó nhặt được, đem giao cho ông Chánh văn phòng UBND huyện”… là sự áp đặt khiên cưỡng, phi logic.

Từ khi nhà báo Chiến rút máy ảnh ra chụp, anh đã trở thành tâm điểm chú ý của cảnh sát và người dân xung quanh. Theo bản “Kết luận” của Công an tỉnh Lạng Sơn, 2 lần Chiến xông vào chụp ảnh xe cảnh sát; lần thứ nhất, bị đẩy đuổi ra; lần thứ hai, bị giữ và yêu cầu lên xe cảnh sát.

Vậy Chiến đánh rơi máy ảnh vào lúc nào? Nếu rơi thì Chiến phải hô lên ngay, vì sao các cảnh sát bắt giữ Chiến lại không nhìn thấy? Vì sao “người dân” nào đó nhặt được, lại không giao nộp cho cảnh sát hoặc bảo vệ, mà tìm đến ông Chánh văn phòng UBND huyện (một quan chức dân sự, mặc đồ dân sự, như bao người khác ở lễ hội) để “nộp” lại cái máy ảnh?

Qua những phân tích trên đây, đã có thể thấy nội dung bản “Kết luận” của Công an tỉnh Lạng Sơn không đầy đủ, không khách quan, không phản ánh trung thực diễn biến sự việc và không tôn trọng Luật Báo chí.

Có hay không “Công an đánh người”?

Sự việc đáng bàn nhất, gút lại là: Có hay không việc nhà báo Chiến hô “Công an đánh người”?

Thiết nghĩ, trước hết cần làm rõ: Có hay không việc 5 đối tượng bị bắt giữ đã bị lực lượng bảo vệ và cảnh sát đánh đập? Về việc này, các PV báo Tiền phong đã gặp nhân chứng Bùi Duy Thanh, sinh năm 1984, thường trú tại số nhà 22 đường Nhị Thanh, TP Lạng Sơn.

Thanh chính là một trong 5 đối tượng bị bắt giữ tại lễ hội Pắc Nga. Thanh cho biết, hôm đó nhóm Thanh đi dự hội có 7 người, 5 trai, 2 gái. Nhóm của Thanh có va chạm với một nhóm khác, đôi bên sắp sửa xô xát thì bảo vệ lễ hội kịp can thiệp.

Sau đó cảnh sát yêu cầu tất cả ra xe, về trụ sở. Do chưa tham gia vào đám đánh nhau, chỉ là người đi cùng, hơn nữa thấy nhóm đối tượng phía bên kia không ai bị bắt giữ, Thanh không đồng ý ra xe cảnh sát. Vì vậy, Thanh bị tóm tóc lôi, bị dùng mũ cối đánh vào đầu, tát vào mặt…

Nhân chứng Phạm Kim Phượng, học sinh lớp 12 trường PTTH Ngô Thì Sỹ, TP Lạng Sơn, người đi cùng Thanh hôm đó, cho biết thêm: Chính mắt Phượng nhìn thấy nhiều người, cả mặc sắc phục và thường phục, đánh Thanh. Chính Phượng là người hô lên: “Các chú đừng đánh anh ấy nữa, đánh như thế, anh ấy chịu sao được”.

Qua trình bày của các nhân chứng Thanh và Phượng, và nhiều nhân chứng mà PV báo Tiền phong đã nêu ở bài viết trước, có thể thấy một số đối tượng bị bắt giữ đã bị đánh đập là có thật.

Cần nói thêm, các nhân chứng Đặng Tiến Định và Hoàng Thị Nin không chỉ phát biểu trước PV báo Tiền phong, mà còn nói trước ống kính truyền hình của PV Đài PTTH Lạng Sơn. Không hiểu vì sao những lời phát biểu này không được Đài PTTH Lạng Sơn phát, thay vào đó, người ta chỉ đọc bản “Kết luận” của Công an tỉnh.

Điều cuối cùng cần bàn, là nhà báo Chiến có hô “Công an đánh người” không? Điều này, ngay ông Chu Minh Sự - một người có nghiệp vụ công an, lại đứng đối diện và gần nhà báo Chiến nhất - cũng không nghe thấy.

Vậy ai là người nghe nhà báo Chiến hô? Những nhân chứng này có đảm bảo khách quan không? Vì sao nhiều nhân chứng chỉ dám phát biểu với nhà báo với điều kiện không được nêu tên tuổi của họ? Điều gì làm họ phải sợ hãi?

Khi những câu hỏi này chưa có câu trả lời thỏa đáng, thì việc chụp cho nhà báo Chiến cái mũ “hô hét” chỉ là sự áp đặt, nhằm che đi hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật Báo chí của một số người tại lễ hội Pắc Nga mà thôi!

MỚI - NÓNG
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
TPO - Kết thúc kỳ nghỉ lễ 5 ngày, chứng khoán trong nước sẽ trở lại giao dịch vào ngày mai (2/5). Dù VN-Index đã lấy lại mốc 1.200 điểm, nhưng chuyên gia cho rằng nhịp điều chỉnh chưa xác nhận kết thúc. Thị trường sẽ có các nhịp rung lắc, nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn có thể tranh thủ nhịp hồi phục sắp tới để cơ cấu, hạ tỷ trọng về mức an toàn.
Quấy rối nhìn từ vụ ồn ào ở Nhã Nam
Quấy rối nhìn từ vụ ồn ào ở Nhã Nam
TPO - Sau vụ lùm xùm về quấy rối tình dục ở Nhã Nam, chắc hẳn nhiều doanh nghiệp cũng nhận ra tầm quan trọng của việc xây dựng một bộ quy tắc về ứng xử nội bộ và thường xuyên nâng cao nhận thức cho cán bộ nhân viên về quấy rối tình dục, không để đời sống riêng của cá nhân ảnh hưởng xấu tới tập thể và thương hiệu.