Cần xử lý nghiêm những hành vi vi phạm Luật báo chí

Cần xử lý nghiêm những hành vi vi phạm Luật báo chí
TP - Vụ việc nhà báo Nguyễn Duy Chiến – PV thường trú tại Lạng Sơn của báo Tiền Phong – bị đối xử thô bạo, tước phương tiện hành nghề và buộc phải về trụ sở cơ quan công an, không phải là hy hữu.
Cần xử lý nghiêm những hành vi vi phạm Luật báo chí ảnh 1
Ông Nguyễn Uyển

Những năm gần đây, đã xảy ra nhiều vụ việc tương tự: Năm 2004, nhà báo Xuân Thao (báo Công lý) bị một số kẻ đánh trọng thương tại Gia Lâm, Hà Nội; năm 2005, nhà báo Trung Dũng, (báo An ninh thế giới) bị đánh rách mặt tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, Hà Nội; cũng năm 2005, nhà báo Phương Thảo (báo Khuyến học & Dân trí) bị còng tay tại phố Bà Triệu, Hà Nội.

Giống như nhà báo Nguyễn Duy Chiến, họ đã phạm cái “tội” là… chụp ảnh, một việc đã được Luật Báo chí bảo hộ. PV báo Tiền Phong có trao đổi với ông Nguyễn Uyển, Trưởng ban Công tác hội, Hội nhà báo Việt Nam, về những vụ việc rất không bình thường này:

Thưa ông, các vụ việc nhà báo bị cản trở hoạt động nghề nghiệp không còn là hy hữu?

Tại cuộc họp Ban chấp hành Hội tháng 12/2005 vừa qua, đã có nhiều ý kiến bức xúc về vấn đề này. Phải nói thẳng là có một số người, kể cả đang công tác trong các cơ quan pháp luật, vì nhiều lý do, đã tự cho phép mình cái “quyền” cản trở nhà báo hành nghề.

Thậm chí họ còn vi phạm nghiêm trọng Luật Báo chí, như thu giữ phương tiện hành nghề của nhà báo, bẻ tay, còng tay nhà báo. Quan điểm của Hội nhà báo là cần phải xử lý nghiêm những hành vi vi phạm Luật báo chí, nếu nghiêm trọng thì phải truy tố trước pháp luật.

Theo ông, vì sao lại xảy ra tình trạng này?

Trước mỗi vụ việc, chúng ta cần phải xem xét khách quan. Trước hết, về phía nhà báo (và cả cộng tác viên của các toà báo), có một số ít người hay “ra oai”, thái độ thiếu khiêm tốn, cầu thị.

Ngày 12/3, ông Đặng Tiến Định, trú quán tại thôn Bắc Nga, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn (là một trong những nhân chứng của vụ việc ) đã gặp PV báo Tiền Phong, PV báo Lạng Sơn khẳng định: “Không nghe tiếng nhà báo hô hét. Nhà báo bị giật mất máy ảnh và bị tống lên xe ô tô đi về phía thành phố Lạng Sơn...” như đã trình bày với nhiều phóng viên trung ương và tỉnh Lạng Sơn trong chiều ngày 13/2 (tức ngày 16 Bính Tuất). Và ông Định khẳng định sẽ không thay đổi lời khai của mình.

Nhóm PVTT

Những người này cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm và sửa đổi. Còn về phía những người cản trở, thậm chí tấn công nhà báo, không thể nói khác được, họ đã kém hiểu biết hoặc coi thường pháp luật.

Các hội viên luôn mong Hội nhà báo có tiếng nói mạnh mẽ để bảo vệ họ…

Hội của chúng ta có Ban kiểm tra và Ban công tác hội. Với những vụ việc như thế này, khi nhận được đơn của hội viên hoặc công văn của chi hội, hai Ban của Hội sẽ phối hợp với Chi hội nơi có hội viên làm rõ sự việc.

Nếu hội viên của ta sai, Hội sẽ xử lý. Còn nếu hội viên của chúng ta đúng, Hội sẽ có công văn kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý những hành vi vi phạm Luật Báo chí.

Trong vụ việc của nhà báo Nguyễn Duy Chiến, một số người có trách nhiệm ở xã Gia Cát và ở Công an huyện Cao Lộc cho rằng, giá như anh Chiến gặp gỡ họ trước khi tác nghiệp, sự việc đã không xảy ra. Phải chăng nếu nhà báo không “xin phép” trước mà cứ tự động tác nghiệp, thì sẽ bị thu giữ phương tiện?!

Những người đưa ra lý lẽ như vậy, họ đã không hiểu hết đặc thù nghề nghiệp cũng như quyền của nhà báo. Có những trường hợp khi nhà báo đến một địa điểm nào đó để tác nghiệp, họ sẽ đặt lịch, tiếp xúc trước với chính quyền hoặc các cơ quan chức năng địa phương.

Nhưng cũng có những trường hợp, chẳng hạn khi đi làm bài điều tra, hoặc khi sự kiện xảy ra đột xuất ngoài dự kiến, họ vẫn có quyền tác nghiệp mà không phải “xin phép”. Bởi Luật Báo chí quy định nhà báo có quyền hoạt động nghề nghiệp trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Đinh Anh Tuấn (thực hiện)

“Văn bản 17/KLĐT của CA tỉnh Lạng Sơn chưa đúng pháp luật”

Tôi là một người dân, khi được nghe bản “kết luận điều tra” của cơ quan CSĐT công an tỉnh phát trong chuyên mục “Vì an ninh xứ Lạng” đài PTTH tỉnh Lạng Sơn ngày 25/2/2006, tôi thấy văn bản này chưa đúng pháp luật.

Trước hết, “Kết luận điều tra” là hình thức áp dụng đối với bị can, bị cáo sau khi đã thực hiện hai bước là khởi tố vụ án hình sự và tổ chức điều tra đúng luật tố tụng hình sự. Tại Văn bản số 17/KLĐT Công an tỉnh Lạng Sơn kết luận có 3 điểm nhưng cả ba đều không sát thực tế, không đúng pháp luật và mâu thuẫn với nhau:

- Văn bản kết luận lực lượng công an “làm đúng pháp luật và đảm bảo các trình tự thủ tục về giải quyết vi phạm hành chính”. Thế nhưng vụ việc lại không được lập biên bản tại hiện trường thì kết luận trên không có căn cứ.

-Văn bản kết luận nhà báo Nguyễn Duy Chiến vi phạm 4 “tội”: “Cản trở người thi hành công vụ, khích động gây rối, vu khống lực lượng chức năng đánh nhà báo và không bị giật máy ảnh”. Kết luận không dựa vào Văn bản pháp lý nào, có nghĩa là không có biên bản chứng minh nhưng lại có lời “buộc tội” là không đúng với quy định của pháp luật.

- Cơ quan điều tra chỉ “đề nghị cơ quan quản lý chấn chỉnh nhà báo” thì mâu thuẫn với điểm hai của Kết luận là nhà báo đã vi phạm pháp luật. Từ những lập luận trên, tôi cho rằng nhà báo không có sai phạm gì... 

Na Dương, ngày 10/3/2006
Nguyễn Văn Phong
(Phố 2, thị trấn Na Dương,
huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn)

Tôi thực sự phẫn nộ

Tôi thực sự phẫn nội khi đọc xong bài viết này. Về sự thật, chắc phần lớn bạn đọc cũng như tôi đang láng máng về những uẩn khúc thiếu minh bạch trong vụ này.

Nếu đúng như Tiền Phong phản ảnh thì sự thật này cần làm  rõ ngay và Tiền Phong phải làm đến cùng sự việc trước khi thông báo cho bạn đọc.

Tôi thường đọc Tiền Phong và tôi nghiêng về thông tin của Tiền Phong, nhưng là bạn đọc tôi vẫn muốn thông tin ấy được cơ quan khách quan kết luận, và như vậy thì PV Duy Chiến được giải nỗi oan ức của một nhà báo mẫn cán. Hy vọng Tiền Phong sớm đưa tin về vấn đề này. Chúng tôi chờ tin từ toà soạn…

Lê Việt Hoàng

Email:leviethoang_0512@yahoo.com

MỚI - NÓNG