Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cần công khai xin lỗi dân

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cần công khai xin lỗi dân
TP - Thanh tra Chính phủ đề nghị Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa kiểm điểm trách nhiệm trong việc điều hành các ngành, thành phố Nha Trang, Cty Hoàn Cầu thực hiện việc đền bù, TĐC và công khai xin lỗi dân.
Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cần công khai xin lỗi dân ảnh 1
Hiện trạng 23 lô vườn dừa

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, ngày 31/8/2005 Tổng Thanh tra đã quyết định lập Đoàn thanh tra (ĐTT) khiếu nại, tố cáo của các hộ dân liên quan đến dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô (KDLSL), xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang.

Đây là ĐTT thứ 3 của Chính phủ về KDLSL. Kết quả làm việc của ĐTT vừa được kết luận thanh tra (KLTT), do Phó Tổng thanh tra Lê Đình Đấu ký ngày 7/3/2006.

Theo KLTT, nhìn chung việc triển khai dự án KDLSL tuân thủ các trình tự theo quy định của pháp luật. Các vị trí mốc giới, diện tích giao đất cho Cty TNHH Hoàn Cầu đảm bảo đúng theo Quyết định 252  của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, QĐ 252 không kèm danh sách đối tượng bị thu hồi đất, họ không được nhận QĐ, sau đó UBND tỉnh Khánh Hòa cũng không ra QĐ thu hồi đất đối với từng hộ. Đây là một nguyên nhân gây khó khăn cho người dân thực hiện quyền khiếu nại của họ.

UBND tỉnh Khánh Hòa đã kịp thời điều chỉnh bổ sung chính sách đền bù, tái định cư (TĐC), nhưng chính điều này cho thấy sự bị động của tỉnh, khiến người dân không tin tưởng vào chính sách đền bù, vì chỉ có lợi cho nhà đầu tư.

KLTT nêu khá nhiều về những khuất tất ở Sông Lô, đã được Tiền Phong đề cập. Thay mặt “5 anh em trên một chiếc xe tăng”, ông Trần Xủn - Trưởng chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Nha Trang đã giao toàn bộ 1,48 ha đất thuộc quyền sử dụng của họ cho Viện Nghiên cứu thủy sản 3 xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nuôi biển (TTNC&PTNB).

Mỗi người đã nhận 7 triệu đồng tiền đền bù và hỗ trợ. Tuy nhiên năm 2003 ông Trần Văn Đồng - Phó Chánh văn phòng Tỉnh ủy Khánh Hòa, ông Huỳnh Quang Thắng - nguyên Phó GĐ Công an tỉnh và ông Nguyễn Ngọc Hân - Đội trưởng Đội Tham mưu tổng hợp - CA Nha Trang khiếu nại và được xác nhận, nhóm còn 8.031m2 đất ngoài dự án TTNC&PTNB.

Họ và ông Xủn đã đề nghị giao lại toàn bộ phần đất rừng này cho Nhà nước để được cấp đất TĐC. Trong khi chờ được giao đất TĐC, họ lại chuyển nhượng 8.031m2 đất này cho Cty Hoàn Cầu, nhận 100 triệu đồng.

Theo KLTT, việc làm trên của 5 ông là không trung thực, không theo quy định của pháp luật. Giá chuyển nhượng cao gấp 5 lần so với giá tỉnh quy định đã gây dư luận không tốt, người dân cho rằng “đất của dân bị thu hồi và bồi thường với giá rẻ mạt, đất của quan được Cty Hoàn Cầu mua giá cao” là có căn cứ.

Sở Địa chính đề nghị và ông Phạm Văn Chi - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh bút phê cấp cho 5 ông đất TĐC 200m2/hộ là trái quy định tại Điều 30, Nghị định 22/1998/NĐ-CP và quy định về TĐC của UBND tỉnh Khánh Hòa. Tuy 5 ông chưa được giao đất, nhưng những việc trên đã gây dư luận xấu.

Ông Nguyễn Văn Tự không làm đơn giao đất và đơn xin đất TĐC, nhưng thực tế có nhận 20 triệu đồng tiền chuyển nhượng đất. Ông đã thiếu kiểm tra đối với những người làm thay ông việc chuyển nhượng trong khi tình hình khiếu kiện tại Sông Lô hết sức gay gắt.         

Trong 23 cán bộ được giao đất TĐC ở vườn dừa có ông Trần An Khánh - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, bà Lê Thị Thanh Song - Phó GĐ Sở Công nghiệp, vợ ông Bùi Mau - Phó Bí thư Tỉnh ủy (để con là Bùi Quang Thắng đứng tên).

Đến nay, Phòng Tài nguyên và Môi trường Nha Trang đã làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho 11/23 người, vì họ đã chuyển nhượng đất cho người khác. Việc Tỉnh ủy Khánh Hòa chủ trương cấp đất TĐC cho 23 cán bộ là trái pháp luật, vì đất thu hồi chỉ là đất rừng tạm giao cho họ sử dụng, họ không có nhu cầu bức xúc về chỗ ở.

Khi có phản ứng về việc này, lãnh đạo tỉnh  vẫn tiếp tục chỉ đạo thực hiện dẫn đến hậu quả cán bộ có đất TĐC thì chuyển nhượng ngay, gây phức tạp thêm tình hình và khó giải quyết khắc phục sau này. Trách nhiệm này thuộc về tập thể Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa, cần được kiểm điểm nghiêm túc, công khai xin lỗi dân và có biện pháp xử lý thích hợp.

Theo KLTT, không có căn cứ chứng minh ông Phạm Văn Chi có đất liền kề KDLSL, người mua đất là ông Tùng (em ông Chi) và bà Trần Thị Thúy Hợp - GĐ Cty TNHH Thành Đạt, người đứng tên “sổ đỏ” là bà Hợp.

Việc cấp “sổ đỏ” trong trường hợp này có phần không đúng quy trình. Bà Nguyễn Thị Nở - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và bà Ngô Thị Tuyết Trinh - nguyên GĐ Cty Xổ số kiến thiết tỉnh mua đất rừng ở cạnh lô của bà Hợp, cùng thời điểm tháng 7/2000, đã được UBND thành phố Nha Trang cho phép chuyển mục đích sử dụng sang đất vườn, đất thổ cư và cấp “sổ đỏ”.

Họ có chủ quyền hợp pháp nhưng việc chuyển nhượng trong thời điểm “nhạy cảm” đã gây dư luận không tốt, khiến người dân so sánh cảnh sống rất khó khăn của họ với các biệt thự và đặt câu hỏi, phải chăng đây là những người biết trước quy hoạch nên đã mua đất cạnh dự án để hưởng lợi?

Thanh tra Chính phủ đề nghị Chính phủ xem xét báo cáo Ban Bí thư TW, Ban chỉ đạo Trung ương 6.2, UBKT Trung ương kiểm điểm trách nhiệm của Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa trong việc lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết khiếu kiện của dân đối với dự án KDLSL, nhất là việc giao đất TĐC cho 23 cán bộ.

Chỉ đạo Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa kiểm điểm trách nhiệm trong việc điều hành các ngành, thành phố Nha Trang, Cty Hoàn Cầu thực hiện việc đền bù, TĐC và công khai xin lỗi dân.

Đối với 23 lô vườn dừa, UBND tỉnh Khánh Hòa phải nghiêm túc chỉ đạo thu hồi và hủy bỏ các quyết định giao đất và các “sổ đỏ”. UBND tỉnh cần trao đổi với Cty Hoàn Cầu phương án cụ thể tiếp tục hỗ trợ cho các hộ dân của dự án, giải quyết đúng chính sách, pháp luật. 

MỚI - NÓNG