<A href="http://www.tienphongonline.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=5042&amp;ChannelID=73">Tiếp loạt bài “Mũi khoan xuyên lòng di tích quốc gia Yên Tử?”</A>

Danh sơn Yên Tử có bình yên?

Danh sơn Yên Tử có bình yên?
TS. Hoàng Quang Thuận - Viện trưởng Viện Công nghệ Viễn thông, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam khẳng định: Phải giữ gìn long mạch và chân khí của Yên Tử.

Một nỗi buồn sâu thẳm xâm chiếm tâm hồn, sau khi tôi đọc bản báo cáo hội thảo tóm tắt Công nghệ khai thác than mỏ Nam Mẩu bằng sức nước của Tổng công ty Than Việt Nam, cơ quan thiết kế Công ty Tư vấn đầu tư mỏ và Công nghiệp. Không phải tôi buồn vì công nghệ khai thác và các luận chứng kinh tế của dự án, mà buồn vì nhân tâm con người, buồn vì những di sản quý giá của dân tộc sẽ không còn nữa vì những đường hầm lò ngay trong lòng Yên Tử…

Danh sơn Yên Tử là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam sẽ không còn bình yên nữa nếu dự án trên được thực hiện. Một hội thảo về dự án này cho biết sẽ thực hiện khai thác than bằng sức nước vào lòng núi Yên Tử.

Yên Tử mỗi độ xuân về hàng vạn cháu con của Đại Việt, già trẻ gái trai trên đất Việt và khắp thế giới tìm về cội nguồn dân tộc, chốn xưa có ngày trên hai vạn người. Nơi đây vua Trần Nhân Tông (1258-1308) sau hai lần lãnh đạo toàn dân Đại Việt đại thắng Nguyên Mông đã từ bỏ lầu son điện ngọc lên Yên Tử tu hành lập nên thiền phái Trúc Lâm, để lại cho đời sau hàng trăm am tháp, chùa xưa ẩn hiện dưới thác đổ, suối reo của Đại ngàn Yên Tử kỳ vĩ giữa một vùng núi non trùng điệp tồn tại cho đến ngày nay.

Từ trước năm 1998, một vùng đồi núi gần khu di tích bị bóc dỡ loang lổ do các Công ty khai thác than. Dòng suối Hổ Khê hay còn gọi là suối Giải Oan đen ngòm bùn than, dân trong vùng vớt bột than chất đầy trên bờ suối. Đâu còn dòng nước trong xanh rì rào năm tháng yên bình bên cây đa cổ thụ có tuổi ngàn năm. Những đoàn xe chở than bụi cuối mù trời. Chốn tổ linh thiêng bị ô nhiễm và trống rỗng trong lòng núi đá. Các phương tiện thông tin đại chúng cảnh báo về sự sụp đổ các di tích văn hóa quốc gia và ô nhiễm môi trường ở vùng danh sơn Yên Tử.

Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ra quyết định đóng cửa hầm lò +370, +320, +290 nạo vét dòng suối hoàn nguyên môi trường, các công ty khai thác than rút khỏi khu vực bảo vệ II của Yên Tử. Bẩy mùa hội xuân Yên Tử cây xanh đã phủ kín các sườn đồi loang lổ năm xưa… trả lại sự bình yên cho núi rừng Yên Tử.

Năm nay một hội thảo về dự án khai thác than bằng công nghệ sức nước khoan qua lòng di tích quốc gia Yên Tử làm cho  núi rừng Yên Tử thấp thỏm trước nguy cơ mới.

Theo dự án đề nghị phê duyệt khu khai thác than 5,2 km2 ở phía Đông của Yên Tử nơi mà trước đây Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định cấm khai thác. Khu vực này nằm ở khu vực bảo vệ II theo Luật Bảo vệ di sản văn hóa giáp với khu vực bảo vệ I của Yên Tử.

Theo luật khu vực này nghiêm cấm tuyệt đối, bảo vệ nghiêm ngặt sự xâm hại. ở địa điểm này cách trung tâm khu di tích Yên Tử chưa đầy 1km đường chim bay. Khu khai thác này rất gần Am Dược cách khoảng 200m đường chim bay.

Am Dược là một di tích cổ của Yên Tử được xây dựng vào năm 1298 trước một năm vua Trần Nhân Tông về Yên Tử tu hành. Di tích Am Dược này còn lại một nửa bức tường đá, còn nguyên cấu trúc thời nhà Trần rất quý giá.

Do vậy bằng bất cứ công nghệ nào cũng không tránh khỏi nứt rạn và  lún sụt của mặt đất. Am Dược còn có một ý nghĩa lịch sử quan trọng về y học – năm 1299 vua Trần Nhân Tông cho xây dựng nơi đây thành một trung tâm bào chế cây rừng Yên Tử thành thuốc Hồng Sương Ngọc để cấp phát cho nhân dân, cứu dân trong những mùa dịch tễ vì vậy gọi là Am Dược.

Khai thác than trên một diện tích 5,2 km2 theo luận chứng kinh tế với tính toán sơ bộ : chiều dầy vỉa than 4m, chiều cao nghiêng của phân tầng 8,5m, chiều rộng dải khâu 5m, lượng nước cần thiết cho việc khai thác 1 tấn than bằng công nghệ này dao động từ 3 đến 6m3/tấn với các thông số trên mức độ ô nhiễm môi trường sẽ biến dòng suối Hổ Khê thành dòng nước đen và trữ lượng than không nhiều so với giá trị vô giá của danh sơn Yên Tử.

Một vấn đề nữa là khi đã có các đường hầm đào sâu vào lòng núi, gầm chùa của các di tích văn hóa Yên Tử, việc phát triển trục, hướng đường hầm trong lòng núi Yên Tử đi theo hướng nào, gầm chùa nào của Yên Tử chỉ có ngành than mới biết được. Các cơ quan chức năng khó kiểm tra. Các hiểm họa sập núi, mất đi các di tích cổ Yên Tử là một điều tất yếu sẽ xảy ra.

Ngoài những vấn đề trên còn một ý nghĩa rất quan trọng Yên Tử là chốn thiền tông, là tâm linh của người dân Việt Nam, Yên Tử có Thiền viện Trúc Lâm, chùa Giải Oan, chùa Hoa Yên, chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, Vân Tiên… và đặc biệt chùa Đồng tọa lạc ở đỉnh cao nhất núi Yên Tử (1068m).

Những người có tâm đạo dân tộc, hồi hướng tâm linh thánh thiện đều hướng về Yên Tử với tấm lòng thành kính. Tôi đã có duyên với Yên Tử từ những năm tháng Yên Tử còn hoang sơ, nên hết sức phản ứng việc khai thác than ở lòng núi Yên Tử. Chúng ta tự hào dân tộc Việt Nam có một ông vua Phật Trần Nhân Tông, một Dòng thiền Yên Tử.

Long mạch và chân khí của Yên Tử là hào khí Bạch Đằng Giang, là khí thiêng dân tộc cho muôn đời con cháu mai sau. Chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ và gìn giữ.

MỚI - NÓNG
Nam sinh THPT chuyên Lào Cai thắng cách biệt trận tháng, ẵm vòng nguyệt quế Olympia 24
Nam sinh THPT chuyên Lào Cai thắng cách biệt trận tháng, ẵm vòng nguyệt quế Olympia 24
TPO - Nam sinh Trường THPT chuyên Lào Cai Đặng Duy Khánh thể hiện phong độ thi đấu xuất sắc, liên tục dẫn đầu trong các phần thi và giành chiến thắng cách biệt so với ba người cùng chơi trong trận tháng đầu tiên quý III Đường lên đỉnh Olympia 24. Cùng với vòng nguyệt quế tháng, Khánh đã ghi tên vào trận thi quý III.