Bị bắt oan và hành trình 20 năm đòi quyền lợi

Bị bắt oan và hành trình 20 năm đòi quyền lợi
TPCN - Ông là cán bộ có năng lực do Bộ Xây dựng điều vào tăng cường cho tỉnh Long An nhưng chỉ được 1 năm 8 tháng thì bị bắt giam. Qua 5 phiên tòa, ông được khẳng định vô tội...
Bị bắt oan và hành trình 20 năm đòi quyền lợi ảnh 1
Ông Trịnh Ngọc Tương và đứa con bị bệnh tâm thần Trịnh Ngọc Thuật

Từ đó ông đi đòi quyền lợi chính đáng và 20 năm trôi qua.

Bỏ kẻ gian bắt người ngay

Ông Trịnh Ngọc Tương sinh năm 1937 ở xã Vĩnh Hòa (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), nay thường trú tại số 101 đường số 2, khu phố Bình Yên Đông 3, phường 4 (TX Tân An, Long An).

Tháng 4/1985, ông được Bộ Xây dựng điều vào công tác tại Sở Xây dựng tỉnh Long An. Ông góp phần tích cực xây dựng một số cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, lập thành Xí nghiệp Liên hiệp Vôi-Xi măng và ông được cử làm giám đốc.

Bỗng nhiên ngày 17/12/1986, ông bị bắt giam. Vợ con ông khóc như ri, không hiểu chuyện gì xảy ra. Bản thân ông cũng không hiểu chuyện gì. Nhà cửa bị lục soát, tịch thu từ chiếc xe hon đa đến cái đồng hồ đeo tay, từ cái máy khâu đến cái quạt bàn, từ bộ đồ sửa xe đến cái bơm xe, từ mấy thanh gỗ đến khẩu súng hơi…

Tóm lại, tất cả những tài sản có giá trị của ông lúc đó. Vào tù ông mới biết bị quy tội “tham ô tài sản XHCN”.

Ngày 10/1/1990, TAND tỉnh Long An xử sơ thẩm phạt ông 3 năm tù. Ngày 5/4/1990, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP Hồ Chí Minh hủy án sơ thẩm, giao xử lại sơ thẩm.

Một năm sau, ngày 28/5/1991, TAND tỉnh Long An xử sơ thẩm lần 2 phạt ông 5 năm tù. Hơn một năm tiếp theo, ngày 7/8/1992, Tòa phúc thẩm lần 2 lại hủy án sơ thẩm và đình chỉ tố tụng với ông Tương.

Viện KSND tối cao kháng nghị, xin cho giải quyết lại vụ án từ giai đoạn điều tra. Lại hơn một năm nữa, ngày 24/9/1993, TAND tối cao dưới sự Chủ tọa của Chánh án Phạm Hưng xử giám đốc thẩm, tuyên: Giữ nguyên quyết định của bản án phúc thẩm lần 2, ông Trịnh Ngọc Tương không phạm tội, “trả lại toàn bộ tài sản do Công an Kinh tế tỉnh Long An quản lý cho ông Tương. Đồng thời khôi phục mọi quyền lợi và danh dự cho Trịnh Ngọc Tương”.

Vụ án oan rất đơn giản. Có 2 cán bộ của Xí nghiệp Liên hiệp Vôi-Xi măng được cử đi nhận dây điện ở một kho trên TP Hồ Chí Minh. 2 ông này móc ngoặc với thủ kho mua thêm 865 kg dây điện (thời đó mua như thế rất rẻ và bán là có lời).

Tuy nhiên, không thể đem ra chợ mà bán, để biến dây điện thành tiền, họ nhập vào kho và làm hợp đồng đổi hàng khống với E476 bằng 300 bao xi măng. Chưa kịp lấy xi măng ra khỏi kho thì bại lộ. Họ gán tội cho ông Tương, thực tế ông Tương không biết việc làm gian dối. Dính líu vào đó là ông Phó GĐ Xí nghiệp và ông Chỉ huy E476, nhưng 2 ông này vô sự.

Không thể bỏ tù thì cho thôi việc

Từ khi ông Tương bị bắt vô tù đến khi được khẳng định vô tội, xấp xỉ 7 năm, chính xác là 2.476 ngày. Trong đó 657 ngày trong tù, 1.819 ngày tại ngoại.

Dằng dặc khổ đau, tủi nhục nhưng cũng đã qua, ông Tương nghĩ vậy và nuốt nước mắt đến Xí nghiệp để tiếp tục làm việc. Nhưng ở đó không còn chỗ cho ông. Cái chức Giám đốc khi ông bị bắt nay đã có người ngồi.

Ông là đảng viên, vào Đảng từ năm 1967, ông nhớ đến tổ chức Đảng liền đi cầu cứu sự giúp đỡ. Ngờ đâu, ông đã bị Ban Thường vụ Đảng ủy khối chính quyền tỉnh Long An ra quyết định khai trừ khi vừa bị bắt vô tù, ngày 15/1/1987 (mãi về sau ông mới được nhìn thấy quyết định).

Ông khiếu nại thì nhận được Quyết định số 2684 ngày 18/11/1994 của UBND tỉnh Long An “cách chức GĐ ông Trịnh Ngọc Tương, hạ bậc lương và cho thôi việc”. Công lý ở tòa án hóa ra khác công lý ở chính quyền địa phương!

Ông Tương choáng váng, tuy nhiên chưa hết, lòng ích kỷ, hẹp hòi của một số người có quyền ở Long An lúc đó đâu đã dừng lại, tai ương cay đắng còn đeo bám ông.

Oan sai rõ rồi, phải tiếp tục trả lương cho ông kể từ ngày bị bắt, nhưng theo mức lương nào? Khi ông bị bắt, năm 1986, mức lương của ông là 405 đồng, từ tháng 11/1994 đã bị hạ xuống còn 374 đồng. 

 “Các cơ quan chức năng tỉnh Long An” bàn bạc và chỉ trả cho ông mức 374 đồng, tức là công nhận cái điều tréo ngoe: Một quyết định có hiệu lực 8 năm… trước khi ký (???).

Đến việc trả tài sản. Khi thu hồi thì tài sản khá có giá trị. Khi trả lại thì cò kè bớt một thêm hai vì một số hư hỏng hoặc mất phải tính ra tiền. Điển hình cho thái độ coi tài sản của công dân không ra gì là việc trả lại 2 khẩu súng hơi.

Sau 12 năm án tuyên, ngày 2/8/2005, Thi hành án tỉnh Long An đem cho ông 2 khẩu súng cũ. Ông thấy không phải của mình nên không nhận. Thi hành án liền lập biên bản với nội dung: “Chấp hành viên giải thích cho ông Tương rõ việc thi hành án đã được thực hiện xong. Nếu ông Tương không nhận 2 khẩu súng hơi thì xem như ông Tương tự ý từ bỏ quyền và lợi ích của mình”.

Tiếp theo, ngày 20/2/2006, Thi hành án tỉnh Long An gửi cho ông Công văn số 457, như sau: “Thông báo cho ông Trịnh Ngọc Tương trong vòng 6 tháng kể từ ngày 1/3/2006 ông đến trụ sở Thi hành án dân sự tỉnh Long An-địa chỉ số 151 Nguyễn Đình Chiểu, phường 1, TX Tân An, tỉnh Long An để nhận tài sản là 2 khẩu súng hơi…Hết thời hạn quy định mà ông Tương không đến nhận thì Thi hành án sẽ bán hoặc tổ chức tiêu hủy”.

Nhiều quyền lợi kinh tế khác cùng quyền lợi chính trị và danh dự mà tòa đã phán quyết là phải phục hồi cho ông, đến nay cũng chưa thực hiện. Mới đây, ông yêu cầu TAND tỉnh Long An bồi thường oan sai theo Nghị định 388 của ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tòa có Công văn số 41 ngày 6/4/2006 “yêu cầu ông phải chứng minh đầy đủ” việc oan sai chưa được giải quyết.

Ông Tương lại lục tục bổ sung hồ sơ cho các xấp hồ sơ về ông vốn đã rất dày trong Tòa án.

Đứa con tâm thần và nước mắt 20 năm

Lúc bị bắt, ông mới 49 tuổi, nay 69 tuổi, đúng 20 năm đã trôi qua. Ông nhớ lại 657 ngày trong trại giam:

- Hầu hết thời gian ở tù, tôi bị biệt giam trong phòng kín, chính xác là bị biệt giam 4 lần, mỗi lần 4 tháng. Phòng biệt giam rộng khoảng 1 mét, dài 2 mét, nền xi măng, không có ánh sáng, không được tiếp  xúc với bên ngoài. Tôi chỉ biết nằm ngủ nên khi ra tù, 2 năm đầu tôi không nhìn thấy gì, chân cũng bị liệt không đi được.

Ông phải chữa chạy nhiều nơi, sau đó mắt sáng dần ra và đi lại được. Tuy nhiên, bệnh thấp khớp phát sinh trong tù thì thành mãn tính, không chữa khỏi, nay đã ảnh hưởng đến tim.

Lúc vào tù tráng kiện, khỏe mạnh, từ lúc ra tù ông phải uống thuốc hàng ngày. Bệnh tật hành hạ cơ thể, song nỗi đau đớn lớn nhất với ông lại ở đứa con trai út Trịnh Ngọc Thuật sinh năm 1977.

Vợ chồng ông có 7 người con. Khi ông bị bắt, 3 con trai đang học phổ thông. Trong đó, Trịnh Ngọc Thuật mới 9 tuổi, học giỏi và khá nhạy cảm. Tai họa bất ngờ ập xuống gia đình là cú sốc khủng khiếp đối với Thuật.

Cậu bé kinh hoàng ngơ ngác, chỉ 2 ngày sau phát bệnh tâm thần. Bệnh Thuật ngày càng nặng, nhất là thời gian ông còn bị giam, kinh tế kiệt quệ, cả gia đình sống trong nỗi hoang mang, sợ hãi.

Lúc đó, vợ ông đang bán căng tin trong Xí nghiệp, ông bị bắt bà phải ra công trường đập đá rồi bị mất việc. Ông được giải oan thì bệnh của Thuật đã trầm trọng đến mức thường xuyên nhảy múa, đập phá đồ đạc và đi lang thang.

Vợ chồng ông bán nhà để chữa bệnh cho Thuật nhưng vì quá muộn nên “tiền mất tật mang”.

Hiện nay, Thuật vẫn ngơ ngác, thỉnh thoảng lại bỏ nhà đi lang thang. Chàng trai 29 tuổi vóc dáng khỏe mạnh mà tính tình chưa trở về ổn định. Khi nói chuyện này, vợ ông Tương lại tấm tức khóc. Ông Tương ngậm ngùi:

- Hai mươi năm rồi, vợ tôi hết khóc cho chồng lại khóc cho con. Không biết còn phải khóc đến bao giờ nữa?

Ông khuyên vợ nín khóc nhưng chính ông lại quay mặt lén chùi nước mắt.

MỚI - NÓNG