Vì sao LHS Việt Nam hay bị chậm sinh hoạt phí ?

Vì sao LHS Việt Nam hay bị chậm sinh hoạt phí ?
TPO - Hiện nay, ngân sách nhà nước chi hàng chục triệu USD mỗi năm cho hàng ngàn nhân tài đang du học thông qua Bộ GD&ĐT. Song công việc quan trọng này lại có những bất cập trong quản lý, điều hành.
Vì sao LHS Việt Nam hay bị chậm sinh hoạt phí ? ảnh 1
LHS Việt Nam tại vương quốc Anh

Nếu như Bộ GD&ĐT có tới 2 đầu mối quản lý lưu học sinh (LHS) Việt Nam là Vụ hợp tác Quốc tế và Ban đề án 322 thì ở nước ngoài, người làm công tác này có nước là của Bộ GD&ĐT, có nước lại là đại diện của Bộ Ngoại Giao hay Bộ Khoa học Công nghệ. Sự bất cập này kéo theo trăm nghìn phiền toái cho LHS.

Báo Tiền Phong từng phản ánh tình trạng mức sinh hoạt phí dành cho LHS Việt Nam tại Cu Ba quá thấp và được chuyển quá chậm, khiến LHS tại đây gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, không chỉ ở Cu Ba, thời gian gần đây, nhiều LHS Việt Nam tại các nước Nga, Rumani, Trung Quốc… cũng “kêu cứu” khi tiếp tục bị cấp chậm sinh hoạt phí cả... nửa năm trời.

Trong thư gửi về cho báo Tiền phong, một LHS (đề nghị giấu tên) đang học tại Đại học Năng Lượng Moscow, Nga tâm sự: “Chúng tôi thường nhận được sinh hoạt phí muộn ít nhất là 3 đến 5 tháng. Không có tiền nơi đất khách, các bạn nữ đành đi vào rừng cạnh trường hái rau về luộc. Vì muộn học bổng 5 tháng nên chúng tôi phải vay mượn tứ tung. Vì thế, khi tôi nhận được 1.500 đô, đi trả nợ từ sáng đến chiều còn đúng 250 đô trong túi”.

Vì sao việc sinh hoạt phí của LHS Việt Nam ở nước ngoài hay bị chậm trễ? Để tìm câu trả lời, chúng tôi đã làm việc với những người có trách nhiệm của Bộ GD&ĐT. Hóa ra, không chỉ riêng việc sinh hoạt phí, vấn đề quản lý LHS Việt Nam ở nước ngoài hiện nay cũng... “có vấn đề”.

Năm cha ba mẹ

Hiện nay, Bộ GD&ĐT quản lý LHS du học theo ba diện: Đề án 322, Đề án xử lý nợ và theo diện Hiệp định.

Trong đó, 322 là đề án du học bằng ngân sách nhà nước do Bộ GD&ĐT tuyển chọn, cử người đi học. Diện Hiệp định là chương trình ký kết trao đổi đào tạo giữa chính phủ Việt Nam và nước đối tác, còn xử lý nợ là đề án đào tạo theo nguồn kinh phí Việt Nam nợ nước ngoài (thay vì trả trực tiếp, các nước ưu ái cho Việt Nam dùng số tiền nợ này cử người sang nước họ học). Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện có 2 nước là Nga và Mỹ ký thỏa thuận xử lý nợ trong quá khứ cho Việt Nam bằng cách này.

Theo quy định, những LHS du học bằng ngân sách nhà nước và đề án xử lý nợ do Ban đề án 322 quản lý. Trong khi đó, đầu mối quản lý LHS theo diện hiệp định lại thuộc về Vụ hợp tác quốc tế.

Ông Phạm Sỹ Tiến, chuyên viên Ban đề án 322 cho biết, trên thực tế LHS cử đi theo diện Hiệp định sang Nga, Rumani…, ngân sách nhà nước vẫn phải chi trả tới 220 USD/tháng tiền sinh hoạt phí một người đi học tại Nga (nước bạn chỉ hỗ trợ 30 USD tiền thuê ký túc xá).

Việc tuyển sinh viên đi du học cũng có sự khác nhau cơ bản giữa các diện này, trong khi diện đề án 322 phải thi thì diện Hiệp định lại chỉ xét tuyển.

Tuy nhiên điều lạ là chỗ, dù nhiều đầu mối ngay ở “sân nhà” nhưng ở một số nước, người giải quyết công việc này lại không phải là cán bộ của Bộ GD&ĐT. Thay vào đó, người của Bộ Ngoại giao (Đại sứ quán), thậm chí là Bộ Khoa học và Công nghệ kiêm luôn vấn đề phụ trách LHS ở các nước sở tại.

Là người phụ trách LHS theo diện hiệp định nhưng ông Nguyễn Xuân Hải, chuyên viên Vụ hợp tác Quốc tế, Bộ GD&ĐT cũng không hiểu vì sao lại có sự không đồng nhất này.

“Do người quản lý không phải cán bộ của Bộ GD&ĐT mà là công việc kiêm nhiệm của các bộ khác nên việc phối hợp giải quyết công việc của LHS thường chậm”, ông Hải cho biết.

Trong khi đó, số chuyên viên làm công tác này lại rất ít. Ở diện Hiệp định, Vụ hợp tác quốc tế Bộ GD&ĐT chỉ có 1 người (ông Nguyễn Xuân Hải) phụ trách LHS Việt Nam ở 12 nước: Ấn Độ, Trung Quốc, Campuchia, Lào, Mông Cổ, Ba Lan, Belarus, Bungari, Hungari, Rumani, Séc và Sovakia, Ucraina, riêng tại Nga do một người khác phụ trách. Còn tại Ban đề án 322 của Bộ GD&ĐT cũng chỉ có khoảng 10 người phụ trách trên 2000 LHS Việt Nam ở nhiều nước với số tiền quản lý lên tới 15 triệu USD hàng năm từ ngân sách nhà nước.

Sự không đồng nhất về đơn vị quản lý, số chuyên viên ít trong khi khối lượng công việc lớn là những nguyên nhân “góp phần” dẫn đến những việc xảy ra ngoài ý muốn. Một trong số đó là việc chậm sinh hoạt phí của LHS.

Chậm sinh hoạt phí vì thủ tục

Theo Ban đề án 322 của Bộ GD&ĐT, LHS Việt Nam theo diện đề án này tại Hoa Kỳ, Anh, Canada, Nhật Bản được hưởng mức sinh hoạt phí 860 USD/ tháng.

Tại các nước châu Âu: 740 USD/ tháng. Tại Úc: 620 USD/ tháng. Tại Trung Quốc: 320 USD/ tháng.

Tại Nga: 270 USD/tháng (đề án 322 và thanh lý nợ), 250 USD/tháng (diện hiệp định).

LHS sẽ được hưởng 100% số tiền trên, phí chuyển tiền do phía Việt Nam trả.

Theo ông Nguyễn Xuân Hải, quy trình cấp sinh hoạt phí cho LHS Việt Nam được quy định rõ ràng. Theo đó, với diện du học theo đề án 322 và diện hiệp định, ĐSQ Việt Nam ở các nước sẽ lập danh sách người đang thực học gửi về đơn vị quản lý của Bộ (Vụ hợp tác quốc tế với diện hiệp định và Ban đề án 322 nếu học theo đề án 322).

Sau khi đối chiếu với quyết định cử đi học, Vụ hợp tác quốc tế sẽ gửi danh sách sang Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD&ĐT) trước khi được chuyển cho Bộ Tài chính xét duyệt.

Kết quả sẽ được Bộ Tài chính thông báo cho những đơn vị liên quan của Bộ GD&ĐT bằng văn bản. Tiền sẽ được gửi cho các đại sứ quán Việt Nam để chuyển cho LHS (6 tháng/lần), trong đó bao gồm cả phí chuyển tiền.

Còn ông Phạm Sỹ Tiến cho biết, riêng với những LHS đang học ở Nga theo diện xử lý nợ, thủ tục còn rườm rà hơn nhiều, bao gồm 8 bước theo Đề án xử lý nợ với LB Nga đã được 2 bên ký kết.

Tiền từ bộ Tài chính phải được chuyển tới Ngân hàng kinh tế đối ngoại Nga căn cứ vào danh sách do chính các trường đại học tại Nga đang đào tạo LHS lập, sau đó các trường này nhận lại và cấp phát cho LHS Việt Nam.

Sở dĩ có thủ tục rườm rà này, theo ông Tiến, là do phía Nga muốn kiểm soát và xác thực việc trả nợ, thậm chí họ còn duyệt cả mức sinh hoạt phí mà phía Việt Nam muốn cấp cho LHS.

“Chỉ cần thủ tục ách tắc ở một khâu nào đó là xảy ra tình trạng LHS Việt Nam bị chậm sinh hoạt phí nhiều tháng trời. Trường hợp các LHS tại Tula (Nga) bị chậm tới 6 tháng là do “sai sót trong hóa đơn của phía ngân hàng kinh tế đối ngoại Nga”, ông Tiến cho hay.

Đã thế, ở một số nước chưa áp dụng  được cách chuyển tiền vào tài khoản cá nhân cho LHS nên họ phải lặn lội hàng nghìn cây số lên ĐSQ nhận tiền, gây thêm tốn kém.

Cần thiết phải thành lập cục quản lý LHS

Trả lời câu hỏi tại sao không gửi thẳng tiền từ Việt Nam tới tài khoản của LHS Việt Nam ở nước ngoài, ông Nguyễn Xuân Hải cho rằng, không thể áp dụng phương pháp này vì công tác quản lý.

Bộ GD&ĐT phải thông qua ĐSQ Việt Nam ở nước ngoài để kiểm tra xem LHS còn tiềp tục học tập, nghiên cứu hay không, hay đã bỏ học… Vì thế, không thể tự động cấp tiền cho từng cá nhân được nếu không có xác nhận của ĐSQ Việt Nam.

Thêm vào đó, ông Hải cho rằng nên nhất thể hóa công tác quản lý LHS ở nước ngoài. Thay vì “năm cha, ba mẹ” như hiện nay, cần để cán bộ của Bộ GD&ĐT phụ trách công tác quản lý LHS ở các ĐSQ (như một số nơi hiện nay đang áp dụng).

Còn theo ông Phạm Sỹ Tiến, ở các nước phát triển như Pháp, họ có dịch vụ ứng trước cho LHS Việt Nam khi tiền gửi bị chậm. Họ sẽ thanh toán sau khi phía Việt Nam gửi tiền sang. Tuy nhiên, dịch vụ này thường có phí tương đối cao. Vì thế, có thể sử dụng phương pháp thanh toán qua tài khoản cá nhân (nếu nơi đó có) để chuyển tiền cho LHS, vừa nhanh, lại không phải đi lại.

“Tuy nhiên, để công tác LHS hiệu quả, Bộ GD&ĐT nên quy công tác này về một mối bằng cách thành lập Cục quản lý LHS ở nước ngoài trực thuộc Bộ”. Ông Tiến cho biết đã từng có những ý kiến đề nghị như vậy từ chính phía Bộ GD&ĐT, nhưng không hiểu sao, đến nay vẫn chưa có sự thay đổi.

Trong những năm gần đây, cùng với đòi hỏi của tiến trình hội nhập, nhà nước ta đã chủ động đầu tư hàng chục triệu USD mỗi năm thông qua  Bộ GD&ĐT cho việc đào tạo nhân tài tại nước ngoài.

Thiết nghĩ đã đến lúc Bộ GD&ĐT phải nghĩ tới một mô hình quản lý hiệu quả và khoa học cho nhiệm vụ hết sức quan trọng này của quốc gia, để những đồng tiền từ ngân sách nhà nước được cấp phát kịp thời, đúng người, đúng địa chỉ.

Ý kiến bạn đọc

Tên: Lưu Hương Giang (Úc Châu)

Tôi đọc kiến nghị của lưu học sinh chính phủ ở Úc và Hà Lan và cảm thấy các bạn có phần đòi hỏi hơi quá đáng. Ở Úc với mức sinh hoạt 800 AUD là khá đầy đủ rồi vì tôi biết ngay cả những bạn tự túc học tập cũng chỉ chi tiêu từ 500-800 AUD mà thôi mà các bạn ấy còn phải đi làm để có được số tiền đó trong khi những lưu học sinh chỉ chờ đến tháng nhận tiền mà luôn kêu ca.

Thật nực cười khi các bạn lấy tiêu chuẩn 1200-1500 AUD sinh hoạt phí của chính phủ Úc để nói rằng mức 800 AUD là thấp. Các bạn không thể so sánh với mức sống của người bản xứ giàu có khi đất nước các bạn còn biết bao nhiêu người phải sống dưới mức 1USD/ngày, khi số tiền các bạn có được để học tập là tiền thuế do hàng triệu người Việt làm ra bằng mồ hôi nước mắt.

Tôi đồng ý là các lưu học sinh ở Nga có phần thiệt thòi vì các bạn ấy nhận được mức học bổng quá thấp (chưa bằng 1/3 so với mức HB ở Úc, Châu Âu, Mỹ) và còn chậm trễ trong việc nhận tiền.

Tôi ngạc nhiên khi các bạn ở Úc nhận được tiền thường xuyên hơn thì các bạn lại muốn nhận 1 lần cho cả năm, đìều mà hầu như không học bổng nào có thể thoả mãn được vì bạn nhận tiền thì phải chứng minh là mình cố gắng học tập và hoành thành tốt chương trình mình học.

Mong các bạn không nên hùa theo mà đòi hỏi một cách quá đáng, hãy nghĩ đến các bạn ở Nga, các bạn đó còn khó khăn hơn nhiều lần.

Tên: Nguyễn Hùng

Có thật LHS được hưởng 100% SHP không?

Chúng tôi là những LHS của đề án 322 tại Úc thấy rằng việc đưa tin của quý báo về việc LHS dược hưởng 100% SHP là chưa chính xác. Trước đây SHP được chuyển trả trực tiếp bằng đồng đô la Mỹ từ Việt nam sang tài khoản của LHS tại nhân hàng Uc, phía Ngân hành Úc sẽ tự đổi ra đồng đô Úc cho LHS.

Mỗi lần nhận tiền SHP, mỗi LHS phải trả 22 đô Úc trên số tiền nhận được(trừ thẳng vào Tài khoản của LHS). Về sau này, Ban Đề án 322 có đổi mới cách làm việc bằng cách đổi trước SHP ra đồng đô Úc tại Việt nam rồi mới chuyển cho LHS.

Tuy nhiên, thay vì nhận được 6 tháng SHP mỗi lần như trước, thường đại đa số chúng tôi chỉ nhận được từ 2-4 tháng SHP. Và vẫn bị trừ $22 đô Úc cho mỗi lần nhận tiền vào tài khoản cá nhân. Có những lần tỉ giá đô Úc cao tới 0, 79 so với đô Mỹ, chúng tôi chỉ nhân được có 2 tháng SHP mà vẫn bị trừ số tiền như vậy vì phía ngân hàng Úc tính tiền phí theo số lượng giao dịch chứ không tính theo tỷ lệ trị giá khoản tiền.

Tại thời điểm đó chỉ còn khoảng 770 đô Úc / tháng trên thực tế. Rõ ràng số lần gửi SHP càng nhiều, với số tiền gửi ít đi các LHS nghèo chúng tôi càng thiệt thòi. Đề nghị Bộ GD-ĐT cải tiến cách làm việc để LHS thực sự được hưởng 100% SHP.

Tên: Trần Quang NCS Hà Lan

Tôi là một LHS bằng ngân sách Nhà nước. Những lí giải trong bài báo này mới phản ánh một phần của thực tế và có phần bao biện cho những người liên quan.

Vì là người của Bộ nào đi nữa thì khi có phản ánh của LHS, người cán bộ phụ trách ở nước đó nếu có trách nhiệm sẽ phản ánh với Ban Điều Hành các Đề án của Bộ GD-ĐT để giải quyết cho anh em LHS. Từ đó, mắc ở khâu nào, Bộ ắt sẽ biết.

Từ đó có ý kiến với cán bộ đó hoặc gửi lên chính phủ nếu cần. Giải thích như trong bài báo này, trách nhiệm chung chung chăng thuộc về ai cả, và LHS cua ta lai tiếp tục sống khổ hơn người tị nạn vì người tị nạn được cấp tiền đều đặn theo định kỳ.

Tôi thấy việc này không chỉ ảnh hưởng tới cuộc sống của các LHS, qua đó ảnh hưởng tới kết quả học tập của họ, mà còn ảnh hưởng tới uy tín, bộ mặt của Quốc gia. Cùng là LHS cả, tại sao chỉ có LHS Việt Nam phải vay tiền của họ, phải trình bày với bộ môn về khó khăn tài chính?

Trong khi chúng ta đang muốn xây dựng một hình ảnh Việt Nam mới, đang phát triển nhanh đối với thế giới. Thực tế thì Chính phủ đã chi một khoản tiền lớn cho việc đầu tư nguồn nhân lực cho sự phát triển của Đất nước trong tương lai. Chỉ vi vô trách nhiệm của cán bộ quản lí, số tiền lớn đó trở nên lãng phí.

Tên: Nguyễn Văn Hùng

Thời gian qua chứng kiến những tồn tại của các Đề án du học bằng NSNN hay xử lý nợ do Bộ GD&ĐT va các Bộ ngành có liên quan cùng điều phối. Bất cập chuyên chuyển tiền muộn chỉ là một câu chuyện thường kỳ của LHS của các Đề án này tại tất cả các nước.

LHS chúng tôi cũng xin được phản ánh một số bất cập trong quản lý LHS của các đề án này: Thứ nhất, mặc dù có quy định LHS phái gửi các báo cáo học tập về ĐSQ Việt nam tại tất cả các nước, nhưng kể từ lúc LHS sang học cho đến lúc về, cho dù có phải gửi báo cáo này(bắt buộc), họ cùng không bao giờ nhận được bất kỳ một thư trả lời ( dù chỉ là thư điện tử của cán bộ có trách nhiệm) nào của ĐSQ Việt Nam về việc nhận được hay không?

Có thể họ quá bận trong việc chuyên môn, lo thủ tục cấp Visa nhập cảnh cho các Việt Kiều mà quên mất một điều là họ còn có các công dân của họ cần được bảo vệ.

Thứ hai, với các đề án, chuyện chuyển SHP muộn đã là khó khăn, nhưng có thể nhận thấy, chưa một nước nào, LHS được cấp đủ tiền đề sống trong một tháng với mức SHP như hiện nay, đồng tiền thanh toán lại trượt giá liên tục, chưa kể mức SHP nay khong thay đổi kể từ lần điều chỉnh gần đây nhất là tháng 7/2004.

Đơn cử, mức SHP cấp cho LHS Úc là 620$ Mỹ tháng tương đương với 800$ Úc, còn thấp hơn cái thư xác nhận của Bộ G&ĐT với ĐSQ Úc là 900$ Úc/tháng, và thấp rất xa so với mức Chính phủ Úc quy định là khoảng 1200-1500$/tháng.

Mức SHP thấp này xảy ra với LHS hầu hết các nước đang theo học của Đề án này. Thứ ba, cho dù việc chuyển tiền chậm có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như Bộ GD&ĐT đá sang các Bộ, Ngành khác thì cùng rất mong muốn, Chính phủ lên chuyển đề án Du học bằng NSNN ( Đề án 322) thành Đề án "vừa học vừa làm".

Có như vậy, nó mới phản ánh đúng bản chất và thực trạng hiện nay của LHS các nước khi phải học ở mức SHP tần tiện như vậy, họ đang vừa học vừa làm đề bù phần thiếu hụt kinh phí và luôn tự nhắc nhở mình" đừng đòi hỏi gì ở đất nước"

MỚI - NÓNG
Hamas xem xét đề nghị ngừng bắn
Hamas xem xét đề nghị ngừng bắn
TPO - Một nguồn tin ngoại giao từ Israel cho biết, Hamas đang xem xét một đề xuất mới của Ai Cập kêu gọi Hamas thả 33 con tin bị bắt cóc từ Israel để đổi lấy việc tạm dừng các hành động thù địch ở Dải Gaza .
Sáng tạo trẻ trong đô thị 400 năm tuổi
Sáng tạo trẻ trong đô thị 400 năm tuổi
TP - Từ nhiều năm nay, những không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật, nghề truyền thống đã góp phần gìn giữ, làm giàu thêm vẻ đẹp của Hội An, tạo ra những sản phẩm, điểm đến du lịch vừa hiện đại, vừa không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật, nghề truyền thống, Hội An,điểm đến du lịch,đậm nét truyền thống , đô thị di sản