“Nhật ký Đặng Thùy Trâm là cuốn sách bán chạy trên khắp thế giới”

“Nhật ký Đặng Thùy Trâm là cuốn sách bán chạy trên khắp thế giới”
TPCN - Gần đây, nhiều tờ báo in và báo mạng tại Trung Quốc và Hồng Kông đã đăng bài giới thiệu và trích đăng cuốn Nhật ký của Anh hùng liệt sỹ Đặng Thùy Trâm mà họ gọi là “Việt Nam nữ binh chiến địa nhật ký”.
“Nhật ký Đặng Thùy Trâm là cuốn sách bán chạy trên khắp thế giới” ảnh 1
Bác sỹ Đặng Thùy Trâm

Bài giới thiệu trên báo điện tử Đông Phương ngày 8/6 viết:

Có một cuốn nhật ký của một nữ thầy thuốc quân y Bắc Việt Nam viết trên chiến trường trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam sau khi thất lạc suốt 35 năm đã được Frederic Whitehurst - một cựu binh Mỹ trao lại cho gia đình chị - đó quả là một điều thần kỳ.

Gần đây, cuốn nhật ký này đã trở thành sách bán chạy trên khắp thế giới. Nhiều nước đang tranh mua bản quyền để dịch hoặc chuyển thể tác phẩm này lên màn ảnh.

Nữ quân y Đặng Thùy Trâm là con gái một gia đình thầy thuốc. Năm 1967, sau khi tốt nghiệp trường đại học Y khoa, chị đã tình nguyện gia nhập quân đội miền Bắc Việt Nam và vào công tác tại một bệnh viện dã chiến ở tỉnh Quảng Ngãi thuộc chiến trường miền Trung.

Nhật ký của chị được bắt đầu viết từ tháng 4 năm 1967, ghi chép lại đủ mọi chuyện từ những mệt mỏi, căng thẳng về tâm lý, sinh lý trong 36 tháng công tác, việc chạy chữa cho thương binh, việc chạy trốn sự truy sát của quân Mỹ, việc 5 lần dỡ bỏ rồi dựng lại phòng mổ đến những cảnh tượng kinh hồn mấy lần ẩn nấp dưới hầm bí mật tưởng chết đến nơi…

Sau hơn 3 năm phục vụ tại bệnh xá, cuối cùng Đặng Thùy Trâm đã bị quân Mỹ giết hại trong một trận càn, khi đó chị mới 27 tuổi. Cuốn nhật ký này sau khi chị chết đã được Frederic Whitehurst – khi đó là một nhân viên tình báo Mỹ thu và cất giữ.

Frederic Whitehurst sau đó đã mang cuốn sổ này về Mỹ và giữ suốt hơn 30 năm. Mãi đến năm ngoái, cuối cùng anh ta mới tìm được thân nhân Đặng Thùy Trâm ở Việt Nam để trao lại.

Năm ngoái, cuốn nhật ký lần đầu được công bố tại Việt Nam dưới dạng đăng  nhiều kỳ trên báo. Rất nhiều độc giả sau khi đọc xong đã cắt báo để giữ lại rồi chuyển cho người khác đọc.

Sau đó cuốn nhật ký được in lại thành sách với số lượng lần đầu 30 vạn bản và nhanh chóng trở thành sách bán chạy hàng đầu ở Việt Nam.

Ngòi bút của Đặng Thùy Trâm chứa chan tình cảm. Trong một trang, chị viết: “Sau này, nếu được sống dưới ánh mặt trời xán lạn cùng với những bông hoa tươi đẹp của Chủ nghĩa Xã hội, hãy nhớ đến sự hy sinh của những người vì mục tiêu chung”.

Hai ngày trước khi hy sinh, Đăng Thùy trâm thổ lộ tâm trạng mệt mỏi và thèm khát đến vô cùng bàn tay chăm sóc của người mẹ. Chị viết: “Lúc này đây sao mình cảm thấy thèm khát đến vô cùng một bàn tay chăm sóc của một người mẹ mà thực ra là một bàn tay của một người thân hay tệ hơn chỉ là một người quen cũng được.

Hãy đến với mình, nắm chặt bàn tay mình trong lúc cô đơn, truyền cho mình tình thương, sức mạnh để vượt qua những chặng đường gian khổ trước mắt”. Nhưng cuốn nhật ký đã dừng ở đây, sau đó chỉ là trang giấy trắng.

Trong nhật ký, thỉnh thoảng Đặng Thùy Trâm cũng bộc lộ cảm giác bất lực của một bác sỹ quân y: “Hôm qua, một người lính mới 21 tuổi bị thương nặng kêu to tên mình, hy vọng mình có thể giúp được anh ta. Nhưng mình bất lực. Mình nhìn anh ta chết dần trên đôi tay bất lực của mình, nước mắt mình bất giác rơi lã chã”.

Trong một trang khác, với tâm trạng phẫn nộ chị kể lại cảm nhận của mình khi mất đi những người bạn trong chiến tranh. Chiến tranh bất chấp người sống lẫn người chết.

Một nữ độc giả Việt Nam 38 tuổi bày tỏ rất sùng bái Đặng Thùy Trâm. Chị nói: “Thế hệ chúng tôi không có cơ hội sống trong tình cảnh đó. Nhưng cuốn nhật ký này rất chân thật, đó chính là điều có ý nghĩa nhất”.

Phương Lan
(dịch)

MỚI - NÓNG