Ông chủ nhà máy điện tư nhân đầu tiên ở Việt Nam

Ông chủ nhà máy điện tư nhân đầu tiên ở Việt Nam
TP - Mới gặp người đàn ông tóc bồng bềnh điểm bạc vè vè xe máy, nhang nhác thi sĩ hơn doanh nhân, tôi đã không khỏi dè dặt với thông tin ông chính là chủ nhân của công trình thủy điện trị giá trên trăm tỷ đồng.
Ông chủ nhà máy điện tư nhân đầu tiên ở Việt Nam ảnh 1
Thủy điện Krong Hin

Ông và còn dự định xây dựng thêm 2 công trình  thủy điện nữa với số vốn gấp đôi...

Công trình đang phát huy hiệu quả và góp phần tích cực vào công cuộc đánh thức tiềm năng, nâng cao đời sống người dân trên vùng đất nghèo Ma Đ’răk.

Với những công trình thủy điện dạng BOT tỉnh sẵn sàng đồng hành với doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn về thuế, mặt bằng, thủ tục, trừ cơ chế về giá độc quyền của ngành điện do Bộ quản lý.

Tỉnh rất hoan nghênh và kêu gọi: Vùng đất này cần có thêm nhiều nhà đầu tư giàu kinh nghiệm và tâm huyết như kỹ sư Nguyễn Quyền...

(Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk Đinh Văn Khiết)

Thế nhưng đó là sự thật. Nghe tôi hỏi, Giám đốc Sở Công nghiệp Đăk Lăk Võ Thanh  xác nhận: Cty Xây dựng Mê Kông do kỹ sư Nguyễn Quyền làm Tổng giám đốc là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên đầu tư xây dựng thủy điện tại Đăk Lăk. Công trình thủy điện Krông Hin của ông Quyền đã đi vào hoạt động, bán điện cho lưới điện quốc gia.

Tháng 12/2003, khi lập dự án khả thi xây dựng công trình thủy điện Krông Hin tổng công suất 4000 kw, tổng vốn đầu tư 47,4 tỷ đồng giữa núi đồi hoang vu của thảo nguyên Ma Đrăk (tỉnh Đăk Lăk), ông Quyền đã hạ quyết tâm phải hoàn thành và phát điện vào tháng 7/2005.

Nhưng quá trình sửa đổi bổ sung thiết kế đã kéo dài thời gian thêm đúng 1 năm. Ngày 26/7/2006, cả 2 tổ máy công suất 5.000 kw của Krông Hin khởi động giòn giã, ánh điện sáng rực cả một vùng đồi núi.

Ông Quyền rưng rưng xúc động hồi tưởng lại bao khó khăn gian khổ đã trải qua. Khó nhất là việc xử lý các vấn đề về kỹ thuật. Những đoạn ống xi-phông dài, nặng từ 3,2-3,5 tấn phải vận chuyển, lắp ráp thủ công qua những dốc đứng, thung lũng.

Là công trình tư nhân, tiền túi bỏ ra nên ông cùng các cộng sự phải tính toán trăn trở ngày đêm để tìm những phương án thích hợp nhất, tiết kiệm nhất mà vẫn bảo đảm chất lượng.

Nhà máy thủy điện nằm trên đầu nguồn suối Ea Krông Hin dào dạt nước bốn mùa, có nhiều thác đẹp giữa những thung lũng rừng xanh tươi dưới chân dãy núi Vọng Phu. Từ đây xuôi theo tỉnh lộ 693 về phía đồng bằng chưa tới 30 km sẽ gặp nhà máy thủy điện Sông Hinh của tỉnh Phú Yên.

30 kỹ sư và công nhân thuộc Cty Mê Kông đã tình nguyện bám trụ làm việc tại Krông Hin với mức thu nhập trên 2 triệu đồng/ tháng. Ngoài việc bổ sung nguồn điện cho lưới điện quốc gia, thủy điện Krông Hin còn cung cấp nước tưới cho 550 ha cà phê của nông trường 715C, cấp nước sinh hoạt, cải tạo môi sinh, giải quyết việc làm, góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc 2 xã Ea M’Đoal và Cư Kroá.

Hồi hộp chờ nhà máy vận hành suôn sẻ, 10 ngày sau kỹ sư Quyền mới  chạy đi báo tin vui cho bạn bè và cánh báo chí. Lần đầu tiên gặp người đàn ông tóc bồng bềnh điểm bạc vè vè xe máy, nhang nhác thi sĩ hơn doanh nhân, tôi đã không khỏi dè dặt.

Nhưng quả thật, ông chính là chủ nhân của một công trình trị giá đến 102,625 tỷ đồng. Vậy mà chưa hết, ông đang chuẩn bị xây dựng thêm 2 dự án thủy điện gấp đôi công suất Krông Hin mãi bên tỉnh Đăk Nông, trong đó công trình Đăk Pri tổng vốn suýt soát 200 tỷ đồng đã được Bộ Công nghiệp đồng ý cho triển khai dự án, sau đó sẽ đến Đăk N’Tao tổng vốn 204 tỷ.

Ông chủ nhà máy điện tư nhân đầu tiên ở Việt Nam ảnh 2
Kỹ sư Nguyễn Quyền

Nghe tôi thắc mắc về những phép tính kinh doanh và băn khoăn  hỏi: B ỏ ra cả khối vốn lớn như thế giữa bốn bề rừng núi, liệu có liều quá không? Kỹ sư Quyền cười điềm đạm: Đơn giản lắm, cơ chế mới mở rộng cửa, Nhà nước chủ trương huy động sức dân, ai làm được gì để đóng góp cho cộng đồng thì nên gắng sức.

Trong 102 tỷ cho công trình Krông Hin tới nay Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Đăk Lăk cho mình vay gần 40 tỷ đồng, phần còn lại được huy động từ Cty, gia đình, anh em bạn bè...

Với giá bán điện từ 585-600đ/kw cho EVN như hiện nay, mỗi năm sản xuất khoảng 30 triệu KWh, dự kiến 10 năm mình đủ thu hồi vốn. Mình có lợi, địa phương càng lợi nhiều hơn. 

Sinh năm 1940 tại Hà Tĩnh, mê nhạc cổ điển, tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, gắn bó với ngành thủy điện suốt từ năm 1962 tới nay trong đó có thời gian khá dài ngồi ghế Giám đốc Cty Khảo sát thiết kế Thủy lợi Thủy điện của tỉnh Đăk Lăk, kỹ sư Nguyễn Quyền đã dành rất nhiều công sức để thực hiện quyết tâm biến những dòng thác lớn trên Tây Nguyên thành nguồn điện sáng.

Về hưu sớm năm 1993, ông lập ngay Cty Xây dựng Mê Kông, nguồn vốn ban đầu do gom góp bán nhà cộng với tiền dành dụm gửi ngân hàng gần 30 năm.

Chậm nhưng chắc, Mê Kông làm công trình nào cũng có lãi. 5 cậu con trai học giỏi của vợ chồng ông Quyền lần lượt tốt nghiệp đại học, 3 cậu làm việc tại TP HCM, cậu út học xong ở lại làm việc bên Úc để có thêm kinh nghiệm, tất cả đều thu nhập cao, đều đồng lòng dồn vốn để bố làm thủy điện cho thỏa ước mơ.

Bà Trần Thị Nguyệt kể: Ông nhà tôi suốt đời chỉ mê công việc. Tiền có đấy nhưng tính tôi chả đua đòi, ổng thì đến nhậu cũng không biết. Krông Hin cách đây tới 110 cây số mà có hôm 6 giờ sáng ổng đã có mặt rồi, 2 lần lái xe bị công an bấm tốc độ phạt đấy.

Hôm tôi vào đó mới tận mắt thấy ông ấy cực nhọc thế nào. Hơn 2 năm xây dựng công trình hầu như ông ấy không có lấy một ngày nghỉ...

Nghe vợ kể, Nguyễn Quyền chỉ cười xòa. Ông khẳng định một cách tự hào rằng công trình đầu tay do ông và các cộng sự thiết kế, đầu tư, lắp ráp thiết bị và quản lý vận hành theo hình thức BOT (tự xây dựng -sở hữu- kinh doanh) với bộ máy gọn nhẹ hiệu quả nhưng đã đủ lập nên một kỷ lục quốc gia: đó là tuyến ống xi-phông chuyển nước dài 1.600 m, dài nhất Việt Nam.

Trước Krông Hin, xi-phông dài nhất là của công trình đại thủy nông Thạch Nham bắc qua sông Vệ ở Quảng Ngãi xây từ năm 1996, chỉ dài hơn 1.200m.

Ông tin chẳng bao lâu nữa, thủy điện Krông Hin mát rượi trắng xóa hoa nước sẽ trở thành thắng cảnh tấp nập nam thanh nữ tú hẹn hò, sẽ là một điểm du lịch lý tưởng của huyện Ma Đrăk.

MỚI - NÓNG
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
TPO - Hiện nay dòng máy bay Airbus A321 Neo có phần linh kiện đang trong thời gian bảo trì bảo dưỡng. Theo yêu cầu của nhà chế tạo, hàng loạt máy bay đã phải triệu hồi, phải dừng các chuyến bay bằng dòng máy bay này. "Các hãng nội địa của chúng ta dùng dòng máy bay này là chính nên dẫn đến việc hạn chế, thiếu hụt máy bay. Đây là một tác nhân cho việc giá vé máy bay tăng cao trong thời gian qua" - Cục Hàng không thông tin tới lãnh đạo TP. Đà Nẵng. 
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.