Nhà văn “mỹ nữ” được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc

Nhà văn “mỹ nữ” được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc
TPCN - Ngày 12/11 vừa qua, Đại hội lần thứ 7 Hội Nhà văn Trung Quốc đã bầu được vị Chủ tịch mới thay thế nhà văn Ba Kim đã từ trần hôm 17/10/2005.
Nhà văn “mỹ nữ” được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc ảnh 1

Bà Thiết Ngưng – “Nhà văn mỹ nữ” đã trở thành vị Chủ tịch thứ 3 trong lịch sử 57 năm của Hội Nhà văn TQ sau Mao Thuẫn và Ba Kim.

Hội Nhà văn Trung Quốc (gọi tắt là Tác Hiệp) được thành lập từ năm 1949, hiện có tới 7.690 hội viên. Đại hội 7 cũng đã bầu các nhà văn Trương Kháng Kháng (nữ), Vương An ức, Lưu Hằng làm Phó chủ tịch Hội.

Thiết Ngưng quê Bắc Kinh, sinh năm 1957, hiện vẫn sống độc thân. Năm 1975, học xong trung học, cô gái trẻ Thiết Ngưng về “cắm rễ” ở nông thôn Hà Bắc.

Cùng năm đó, tác phẩm “Chiếc liềm biết bay” được in trong văn tập dành cho thiếu nhi của NXB Bắc Kinh, sau được đánh giá là truyện đầu tay của nhà văn.

Năm 1979, Thiết Ngưng về làm biên tập viên tiểu thuyết tại tạp chí văn học “Hoa Sơn”. Năm 1982, bà in truyện ngắn “ồ, Hương tuyết!” và tác phẩm này lập tức gây tiếng vang lớn. Năm 1984, Thiết Ngưng có truyện ngắn “Câu chuyện tháng Sáu” gây chú ý và được chuyển thể thành phim truyền hình.

Năm 1985, tiểu thuyết “Chiếc áo màu đỏ không có cúc” được chuyển thể thành bộ phim nhựa “Thiếu nữ áo đỏ”. Bộ phim này đã giành giải Phim truyện hay nhất trong năm của cả giải Trăm Hoa lẫn Gà Vàng.

Năm 1984, Thiết Ngưng chuyển về làm nhà văn chuyên nghiệp tại Hội Nhà văn Hà Bắc, sau đó được bầu làm Phó chủ tịch Hội NV tỉnh, Phó chủ tịch Hội NV Trung Quốc, ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng CS Trung Quốc.

Bà viết khá nhiều tiểu thuyết, tiêu biểu nhất có “Đại dục nữ” (Những người đàn bà tắm), “Vĩnh viễn có bao xa”, “Đêm thứ Mười hai”…Một số tác phẩm của bà đã được dịch ra các thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Nhật, Nga, Tây Ban Nha, áo, Đan Mạch, Nauy, Việt Nam...

Các tác phẩm thời kỳ mới sáng tác của Thiết Ngưng phần lớn miêu tả chuyện và con người của tầng lớp bình dân, bà tập trung miêu tả thế giới nội tâm của nhân vật, qua đó phản ánh họ chạy theo lý tưởng, mâu thuẫn và đau khổ, ngôn ngữ uyển chuyển, mới mẻ.

Năm 1986 và 1988 bà lần lượt cho in 2 bộ tiểu thuyết “phản tỉnh lịch sử văn hóa lâu đời, quan tâm đến thân phận người phụ nữ” là “Mạch khiết đóa” và “Miên hoa đóa”. Hai tiểu thuyết vừa này đánh dấu thời kỳ sáng tác mới của Thiết Ngưng.

Năm 1988 bà còn cho in cuốn tiểu thuyết dài đầu tiên “Cửa hoa hồng” thay đổi hẳn phong cách và chủ đề. Thông qua mô tả sự cạnh tranh, tàn sát lẫn nhau của mấy thế hệ phụ nữ, bà muốn phơi bày những mặt xấu xa, bỉ ổi và đẫm máu trong cuộc sống.

Còn tiểu thuyết dài mới nhất “Đại dục nữ” xuất bản năm 2000 miêu tả số phận và sự trưởng thành về thế giới tinh thần của một phụ nữ, được độc giả hoan nghênh nhiệt liệt khiến tên tuổi Thiết Ngưng đã vượt ra khỏi biên giới Trung Quốc. 

Là một phụ nữ độc thân xinh đẹp, hội tụ mấy thân phận: nhà văn nổi tiếng, lãnh đạo Hội Nhà văn, ủy viên trung ương dự khuyết. Việc này xem chừng ảnh hưởng đến việc sáng tác bởi trong mắt nhiều người Trung Quốc, nhà văn là người có tư tưởng tự do, thậm chí đôi chút “ngược dòng”, thế nhưng ở Thiết Ngưng thì việc sáng tác chả ảnh hưởng gì đến việc làm quan.

Bà từng nói: “Tôi rất vui vì được làm quan”, sự thẳng thắn này khiến người ta nhận thấy sự thành thật ở bà. “Tôi rất coi trọng cả ba thân phận ấy, nhưng thân phận nhà văn đối với tôi là quan trọng nhất”.

Thiết Ngưng nói, bà luôn không muốn đặt ba thân phận ấy cùng một chỗ nhưng con người là một thể tự nhiên, bà không thể tách bạch mình thành ba con người khác nhau. “Là một quan chức, tôi có thể dùng năng lực của bản thân để giúp đỡ các nhà văn, cả già lẫn trẻ”.

Từ khi về nông thôn “cắm rễ” đến nay đã là người đứng đầu Hội, Thiết Ngưng luôn biết rằng làm một nhà văn thật không dễ dàng. Chính vì vậy, bà hiểu thân phận quan chức của mình có thể giúp đỡ nhiều cho những người trẻ đang nuôi mộng văn chương như bản thân bà khi xưa.

Với vị trí của mình, bà kết giao được với nhiều người, được biết nhiều việc trước đây không thể được biết. Có những việc mà nếu là một nhà văn thường thì  bà chỉ có thể tưởng tượng ra mà thôi.

Trả lời câu hỏi nghĩ gì về việc người ta gọi bà là “Nhà văn mỹ nữ”? Thiết Ngưng nói: kết hợp “mỹ nữ” với “nhà văn” tôi thấy không thoải mái lắm. Cánh đàn ông đã nghĩ ra từ đó, có lẽ do nhu cầu thương mại. Tôi thấy mỹ nữ là mỹ nữ còn văn học là văn học, hai cái chả liên quan gì đến nhau.

Được hỏi về vị trí của bản thân, bà nói: Từ thập niên 80 của thế kỷ trước tôi đã là một người viết văn thực sự, là người không biết chán văn học.

Hỏi: Là một nhà văn nữ sống độc thân, quan niệm của bà về tình yêu và gia đình như thế nào? Đáp: Quan điểm của tôi về hôn nhân nay vẫn như trước đây.

Dù là đàn ông hay phụ nữ đều mong muốn có một cuộc hôn nhân tốt, trừ phi đó là những người có tâm lý không bình thường. Thứ hai là phải có sự chuẩn bị tâm lý. Có lẽ hồi trẻ tôi không được chuẩn bị về điều đó…Mỗi người có suy nghĩ và cảnh ngộ khác nhau.

Hội Nhà văn là một tổ chức có uy tín ngày càng thu hút được giới cầm bút Trung Quốc. Hiện nay mỗi năm có khoảng 800 người làm đơn xin gia nhập. Trong số 7.690 hội viên hiện nay, có 1.661 người mới được kết nạp trong 5 năm gần đây.

Các cây bút trẻ, có tiềm năng đều náo nức viết đơn xin vào Hội. Hội đặc biệt chú trọng thu hút các cây bút là người dân tộc thiểu số, chỉ trong năm 2006 này đã có tới 37 nhà văn thuộc 14 dân tộc thiểu số được kết nạp, chiếm 10,3% số hội viên mới.

Cũng trong cùng thời gian, ngày 12/11, Đại hội Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Trung Quốc (Gọi tắt là Văn Liên) lần thứ 8 cũng đã họp và bầu Bộ trưởng Văn hóa Tôn Gia Chính làm Chủ tịch Hội và 2 Phó chủ tịch là Hồ Chấn Dân và Đàm Chí Cương.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.