Bạn đọc bức xúc và hiến kế giảm thiểu TNGT

Bạn đọc bức xúc và hiến kế giảm thiểu TNGT
TPO - Sau sự kiện 2 nhà khoa học nổi tiếng gặp tai nạn do xe máy đâm tại HN, hàng trăm bạn đọc đã gửi ý kiến đến Tiền Phong Online, nhiều ý kiến đóng góp đáng để cho mọi người và đặc biệt là những nhà quản lý đô thị phải lưu tâm.

>> Trung Quốc: Quảng Châu thực thi lệnh cấm xe máy

>> Thủ đô Roma quản lý giao thông như thế nào ?

>> Hà Nội họp bàn khẩn cấp về ATGT đô thị

>> Vợ GS. Papert : Cần làm gì đó cho vấn đề GT tại VN

>> Từ vụ hai giáo sư bị TNGT: Báo động đỏ!

>> 1001 kiểu giao thông ở Hà Nội

Bạn đọc bức xúc và hiến kế giảm thiểu TNGT ảnh 1
Hình ảnh tắc đường như thế này thường xuyên diễn ra tại Hà Nội. Ảnh : Hồng Vĩnh

Tên: Lê Tấn Hanh

Cần làm ngay một cuộc cách mạng giao thông

Giải pháp thứ nhất : Thực hiện quyết liệt và kiên trì luật giao thông cho toàn dân:" người người cùng học, nhà nhà cùng học, toàn xã hội cùng học". Phải cho thấy ngay việc vi phạm luật giao thông là một tội ác chống lại xã hội hiện đại.

Giải pháp thứ hai :  Đề nghị các nhà lập pháp và hành pháp đưa ra bài giải cho sự tập trung quá độ dân sinh ở trung tâm đô thị chức năng, tại ven tuyến giao thông huyết mạch. Nếu đó là hậu quả của ngày xưa để lại thì nay giải quyết được không? Có phải do tập quán ở riêng của dân ta mà chúng ta không thể có được quỹ đất cho giao thông hiện đại đúng nghĩa.

Giải pháp thứ ba :  Phải lập ra một chính sách đất đai, phát triển hạ tầng trong đó trước tiên phải nhất thiết tích hợp đầy đủ các yếu tố an ninh giao thông. Coi giao thông là xương sống của mọi quy hoạch.

Giải pháp thứ tư :  Khi đã tương đối thành công trong việc quy hoạch, bố trí cơ sở hạ tầng, dân sinh tại các đô thị thì Việt Nam mới có cơ hội xe hơi thay thế xe máy xe đạp. Cũng nhờ đó Nhà nước, các thành phần kinh tế khác dễ dàng mở rộng việc đầu tư phương tiện giao thông hiện đại cộng như xe buýt, tầu điện, xe con rất dễ dàng. Lúc đó người dân sẽ bỏ dần phương tiện cá nhân vì nó không còn chỗ đứng trong giao thông hiện đại.

Tên: Lê Hồng Tân

Tôi kính đề nghị TP Hà Nội xem xét cải tạo ngay các phương tiện cảnh báo ở đường giao thông Nguyễn Trãi nơi tiếp giáp giữa Hà Nội và Thị Xã Hà Đông.

Mấy năm qua nới đây đã có rất nhiều người bỏ mạng khi băng qua đường nhưng họ không phải là các giáo sư nổi tiếng nên tính mạng họ không được coi trọng bằng. Rất mong ban biên tập chuyển ngay đề nghị này tới các cơ quan hữu quan.

Tôi sẽ tiếp tục thống kê các tai nạn ở đây và gửi tới quý báo kể từ thời điểm kiến nghị này cho tới khi các biện pháp giao thông ở nơi " cha chung không ai khóc này" được cải tạo.

Tên: Lê Tấn Hanh

Cần làm ngay một cuộc cách mạng về giao thông

Theo nhận xét của cá nhân tôi, Việt Nam hiện đang có nguy cơ trở thành một nước thiếu văn minh nhất thế giới về lĩnh vực giao thông đường bộ.

Thứ nhất: Đa số người tham gia giao thông (đi xe máy trở lên) ít nhiều đã được học tập và sát hạch luật giao thông đường bộ, nhưng có thể nói khi đã được cấp giấy phép thì có một lớn khi được hỏi bất ngờ về các quy định thì ậm ừ và không biết.

Bên cạnh đó thói tật tùy tiện, ích kỷ, bất chấp luật lệ chỉ biết mình của một số người tham gia giao thông đã làm cho mọi cố gắng điều hành, quản lý giao thông của nghành chức năng bị phá sản.

Thứ hai: Hạ tầng giao thông (đúng hơn cơ sở hạ tầng) không được quy hoạch tốt từ lâu cho đến nay hầu như là bài toán phương trình vô nghiệm. Tình trạng đường xấu, chật hẹp, các điểm, nút giao thông đa phần là cùng mức nên không thể điều hành thông suốt luồng giao thông hiện nay. Còn nữa các quản lý đô thị của ta còn quá lạc hậu.

Đó là: Tại các khu tập trung về hành chính, kinh doanh, buôn bán...nói chung là đô thị chức năng luôn kèm theo dân sinh dẫn đến mật độ phương tiện giao thông sử dụng hầu hết nằm ngoài tầm kiểm soát và vô cùng lộn xộn cũng như lãng phí.

Nếu đô thị được thiết kế khu dân sinh (Đô thị vệ tinh) thì việc sử dụng phương tiện giao thông sẽ có xu hướng kế hoạch hoá chi tiết đối với từng cá nhân, bộ phận và cả cộng đồng dân cư.

Thứ ba: Chính sách đất đai, tài nguyên của ta không chú trọng vấn đề đảm bảo về an ninh giao thông đẫn đến việc phối trí cơ sở hạ tầng thiếu khoa học dẫn tới hạ tầng giao thông khó giải quyết vì vấn đề dân sinh, đền bù, giải toả...

Tên: Bùi Thành

Phải có những người cụ thể chịu trách nhiệm về TNGT

Kính gửi Toà soạn Báo TiềnPhongonline, đồng kính gửi chuyên mục hiến kế giảm tai nạn giao thông trên toàn quốc.

Tôi rất đồng tình với nhiều ý kiến đóng góp của các bạn đọc xa gần. Nhưng nghĩ mãi, cái gì cũng thế mọi sự việc trên đời này phải có ai đó chịu trách nhiệm về những sự việc đang xảy ra. Nếu Đảng và Chính phủ chưa quy được cho ai thì theo tôi Bộ chính trị và chính phủ cần họp bàn vấn đề này.

Vì đây là vấn đề hệ trọng, liên quan đến sinh mạng của nhiều người, nhiều gia đình. Thật đau xót, mỗi ngày có tới hơn 30 người bị chết và có thể còn nhiều hơn thế. Tôi cứ thầm nghĩ mãi cả xã hội tốn nhiều giấy mực lắm rồi những vẫn không thuyên giảm số vụ TNGT, số người bị chết, bị thương.

Tôi mạnh dạn nói lên rằng chúng ta chưa quy trách nhiệm cho ai cả (cả tầm vĩ mô, lẫn vi mô). Vậy kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ nên quy trách nhiệm: có phải các ông Bộ trưởng GTVT, Giao Thông công chính, Công an phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng hay không?.

Tại sao vụ một học sinh Bùi Minh Trí - Long An vi phạm trang Web của Bộ GD ĐT mà nhiều báo, nhiều bài truy đến cùng sự việc đến thế - đây là vụ việc chưa liên quan gì đến chết người cả. Vì Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân thấy bị xúc phạm, vì Bộ trưởng gõ đến những người chịu trách nhiệm trang Web của Bộ GD ĐT, và chính những người như ông Quách Tuấn Ngọc, Nguyễn Tử Quảng cũng cảm thấy bị xúc phạm danh dự nghề nghiệp nên đã xông vào rất cụ thể để phơi trần sự thật về vụ việc em Bùi Minh Trí .

Nếu từng vụ tai nạn giao thông cũng được phanh phui chi tiết như thế tôi tin chắc Đảng và Chính Phủ sẽ có những giải pháp hay, cụ thể, thiết thực. Tôi tha thiết được gửi thư này đến Thủ tướng Chính phủ và những người liên quan.

Xin đừng đổ lỗi cho khách quan nữa, đừng phàn nàn về ý thức của người tham gia giao thông nữa. Đất nước có kỷ cương thì mọi người sẽ sợ vi phạm. Kỷ cương chưa tốt, chưa nghiêm nên nhiều người còn tặc lưỡi...

Tôi tha thiết đề nghị những người có lương tâm, trách nhiệm với quốc nạn giao thông hãy suy nghĩ vì cộng đồng Việt Nam chúng ta. 

Tên: Xuân Tùng

Rất đau buồn khi nghe tin trên, hàng tuần con số tử vong còn lớn hơn số nguời chết vì bom đạn tại Irăc...Tôi đồng tình với một độc giả đã viết : vì các vị đi trên các xe quan chức nên không biết tắc đường ...

Theo tôi, hầu hết họ đều đã đi tham quan học hỏi nhiều lần ở nước ngoài, tôi đơn cử đó là thành phố Thẩm Quyến- TQ, đông hơn, nhiều phương tiện hơn...nhưng họ đã cấm hẳn xe máy, trong thành phố chỉ có ô tô, xe đạp và người đi bộ (đặc biệt vỉa hè họ văn minh hơn, rộng rãi hơn)...

Vì vậy tôi tha thiết các vị quan chức ngành GTVT cần học hỏi sớm. Cầu chúc quý vị mạnh khoẻ để thực hiện ý định này, giúp dân thoát khỏi đại nạn.

Tên: Hong Phuong, Hoa Kỳ

Tôi không rành luật giao thông ở VN, đặc biệt là ở Hà nội. Nhưng theo bạn Hoàng Quý nói thời gian dành cho người đi bộ lại cũng chính là thời gian cho xe cơ giới rẽ trái hay rẽ phải giao cắt với người đi bộ, vì vậy người đi bộ rất dễ dàng bị các loại xe cơ giới đụng phải.

Thú thật, nếu xe được quẹo trái khi có đèn đỏ thì thiệt nghĩ không nên có đèn xanh đèn đỏ làm gì, có cũng như không. Đèn đỏ được quẹo phải thì đúng. Điều quan trọng nhất là ý thức của người lái xe. Ở VN đa số người lái xe không ý thức và không có trách nhiệm, muốn quẹo thì quẹo, muốn chạy thì chạy vì họ luôn nghĩ rằng người khác tránh mình chứ không tội gì mình tránh họ. Nghĩ như vậy là quá sai lầm.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nguyên nhân sâu xa là do khâu tổ chức thi bằng lái. Theo luật GT ở các nước Phương Tây và Mỹ, người đi bộ là được ưu tiên số một. Nếu bạn muốn quẹo phải khi có đèn đỏ thì bạn phải để ý người đi bộ. Nhưng dù trong trường hợp nào thì bạn cũng phải tránh người đi bộ. Vậy thôi.

Tên: Heidi Dinh

Qua diễn đàn này cho phép tôi có 1 vài ý kiến về tình trạng giao thông ở Việt Nam. Tôi hiện đang định cư ở 1 nước Bắc Âu, và tôi cũng từng trải qua 1 khoá học bằng lái xe ô tô và kì thi hết sức nghiêm túc ở đây. Khoá học thường kéo dài 3 tháng bao gồm cả lý thuyết và thực hành.

Nhưng nếu trong thời gian đó mà thầy giáo cảm thấy học viên chưa đủ trình độ đi thi thì học viên phải học thêm giờ (dĩ nhiên phải trả thêm tiền cho các tiết học thêm đó).Và 1 người bạn của tôi đã phải học trong suốt 6 tháng trời mới lấy được bằng lái.

Điều đó cũng nên lắm chứ vì như thế sẽ trên đường phố sẽ bớt đượcthêm 1 mối nguy hiểm. Hơn nữa, ngay từ lứa tuổi mẫu giáo, trẻ em ở đây đã được tham gia các trò chơi có liên quan đến luật giao thông.Vì chỉ qua cách chơi thì các em mới hứng thú học và dễ nhớ.

Như con gái tôi chẳng hạn.Có lần đón cháu đi học về, cháu đã nhắc nhở tôi đi đúng vận tốc cho phép...Nhớ lại bản thân tôi hồi còn đi học, thỉnh thoảng cũng có chú cảnh sát giao thông đến trường giảng về luật giao thông trước cả hàng vạn học sinh,nhưng lũ trẻ hiếu động tụi tôi làm sao chịu ngồi yên để nghe những lời giảng khô khan như thế .

Vì thế,theo tôi, nhà nước cần phải chú trọng ngay từ khâu học và cấp bằng lái.Đồng thời giáo dục luật giao thông trong nhà trường thông qua các trò chơi và các hoạt động thiết thực. Ngay cả bản thân tôi là người VN,mỗi lần có dịp về thăm quê hương,tôi rất sợ hãi mỗi lần đi ngoài đường phố trên quê hương mình.Chắc cảm giác này không phải chỉ riêng tôi.

Trên đây là vài ý kiến của tôi. Mong rằng bài của tôi sẽ được đăng trong mục diễn đàn giao thông. Xin chân thành cảm ơn.

Tên: Lê Dương, Nhật Bản

Vấn đề tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng đã đến lúc không thể làm ngơ được, như các bạn đọc đã viết! Thử hình dung mỗi ngày TNGT cướp mất vài chục mạng người vô tội, hàng trăm người nhập viện, thiệt hại nên hàng chục tỉ đồng mỗi ngày! Đấy là tính đến thiệt hại trước mắt, còn những người sống thì sao, tinh thân của những người thân còn lại thì sao?

Dưới đây tôi chỉ kể một vài mẩu chuyện về GT của Nhật Bản dưới sự cảm nhận của tôi:

Có 3 vấn đề lớn mà người ta đã giải quyết được, Thứ nhất là hệ thống đường GT tất cả đều được chuẩn hoá từ vùng quê cho đến thành phố, mọi ngõ ngách đề có phân luồng, giải phân cách rõ ràng, nơi giành cho Ô to, xe máy,... người khiếm thị.

Hai là Luật giao thông nghiêm khắc, ví dụ lái xe không bằng lái, khi lái xe có nồng độ cồn (dù là ít) coi như phạm pháp luật nghiêm trọng, nhẹ cũng phạt tù vài tháng, phạt tiền vài chục triệu, nặng có thể phạt tù vài năm (có thể phạt tiền thay cho phạt tù).

Ba là ý thức người dân chấp hành rất tốt luật lệ giao thông, hầu như không có sự lạng lách trên đường phố. Tôi đã ở đây được 1 năm rồi nhưng chưa thấy một vụ tai nạn giao thông nào cũng như không thấy một vụ ẩu đả, cãi nhau. Nếu sai họ niềm nở xin lỗi và mọi chuyện được giải quyết êm đẹp.

Việt nam mình thì sao? Luật pháp và người xử phạt thì sao? khi nào còn có một bộ phận cán bộ chức năng vẫn ngày đêm làm luật các lái xe, còn người phạm luật vẫn tiếp tục phạm luật GT và bị làm luật (giá làm luật không rẻ đâu, cứ hỏi lái xe ai cũng biết). Vậy làm sao đòi hỏi chấp hành nghiêm chỉnh.

Ba là vẫn còn nhiều lái xe đi lại tuỳ tiện theo cảm hứng, và coi thường mạng sống của chính mình và người khác, chở hàng quá tải, kồng kềnh mà vẫn không bị xử lí.

Đó là một số cảm nhận và đánh giá của tôi. Tôi mong rằng Nhà nước và Nhân dân cùng làm để bảo vệ bản thân ta và bảo vệ cho cuộc sống bình yên cho mọi mọi người, mọi gia đình. Xin cảm ơn các bạn đã đọc!

Tên: maihue

Tôi là một dân sống tại Hà nội,cũng như bao người khác khi ra đường là tôi phải sử dụng xe máy, trưóc đây xe máy không nhiều như bây giờ nên lúc ra đường không cảm thấy nguy hiểm lắm,thế nhưng khoảng một năm đổ lại đây xe máy ra quá nhiều nên giao thông cực kỳ phức tạp,bên cạnh đó người không biết đi xe máy(Không xử lý tốt khi tham gia giao thông) là rất nhiều nên tai nản xảy ra là diều tất yếu.

Tôi là một người biết đi xe máy đã trên 20 năm thế mà bây giờ ra đưòng vẫn cảm thấy rất sợ. Vì vậy tôi mong Bộ giao thông cũng như các cơ quan chức năng tìm cách giải quyết làm sao để giảm bớt lượng xe máy ngày càng tăng ở các đô thị.

Còn về ý thức thì chúng ta đã bàn quá nhiều và cũng đã tuyên tryền rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng,nhũng hình như người dân khi ra đường họ còn mang nặng cái Tôi nhiều nên vấn đè ý thức vẫn còn nan giải.

Tôi là: Doãn Hoàng Nam, cư trú tại: phố Huế, Hà Nội

Giao thông Hà Nội hiện nay đã không thể kiểm soát được, vấn đề về quy hoạch giao thông, quản lý giao thông của Hà Nội cũng vô cùng yếu kém, cộng thêm vào đó là ý thức kém của người dân. Trên thực tế giao thông thể hiện bộ mặt của quốc gia, của thủ đô và thể hiện trình độ dân trí, văn minh của quốc gia đó.

Qua quan sát và tham giao giao thông tôi thấy, hiện nay đa phần dân chúng là chưa biết đi xe, chưa biết xử lý tình huống hợp lý, phóng nhanh vượt ẩu, xe to, còi to tranh nhau đi trước, chen lấn xô đẩy, tranh giành nhau, đuổi nhau trên đường phố một cách hết sức hỗn loạn và mất trật tự xã hội, luật pháp thì không nghiêm minh,

Tôi cảm thấy thật sự xấu hổ và không còn một chút tự hào gì về thủ đô khi nhìn cảnh tượng giao thông hiện nay.

Nếu theo đánh giá và thống kê của UB ATGT và của cục CSGT hiện nay thì có đến : 90% dân chúng không biết sử dụng phanh tay, 80% không sử dụng tín hiệu xin nhan khi rẽ, 85% vừa chạy xe vừa bóp còi bừa bãi và đa phần là chưa có bằng lái xe và không có kiến thức về giao thông, không chịu khó quan sát, đặc biệt là xe máy.

Vậy nếu theo thống kê này thì sẽ có đến hơn 10 triệu người dân hiện nay đang điều khiển xe ô tô, xe máy sẽ không còn được ngồi lên điều khiển xe ô tô, xe máy nữa bởi vì họ không biết sử dụng xe, và nếu không biết sử dụng xe thì sẽ không thể cấp bằng lái xe được, và không có bằng lái xe thì sẽ bị cấm điều khiển xe trên đường.

Tôi nghĩ để lập lại trật tự xã hội về giao thông và làm giảm tai nạn giao thông hiện nay thì chỉ còn một cách hữu hiệu nhất là giáo dục dân chúng về cách đi lại, mở nhiều trường hay trung tâm đào tạo lái xe không chỉ có đào tạo về lái xe ô tô mà phải đào tạo cả xe máy nữa trên toàn quốc, bởi điều quan trọng nhất là phải biết đi xe, còn như tình hình hiện nay đa phần dân chúng chưa biết đi xe thì gây tai nạn nhiều là điều hoàn toàn dễ hiểu, khi nào họ điều khiển xe thật thành thạo, hiểu biết về luật giao thông thì mới có thể cấp bằng lái xe được, chứ không phải như hiện nay, có tiền là đi mua xe, cộng thêm vào đó là mua thêm tấm bằng lái xe, nếu có thi lấy bằng thì cũng chỉ thi qua loa "đút tiền là xong", tai nạn nhiều cũng là phải thôi.

Trước tình hình hệ thống đường sá yếu kém như hiện nay thì cần phải hạn chế tốc độ xe, phạt thật nặng những trường hợp dùng còi xe bóp inh ỏi để phóng nhanh vượt ẩu.

Đối với các xe ô tô đi vào thành phố với mật độ xe máy dày đặc như hiện nay sẽ phải ra quy định cấm xe ô tô vượt nhau, xe ô tô sẽ phải đi hàng một, nối đuôi nhau mà đi, buộc phải đi sau xe máy, xe máy sẽ đi về bên phải như vậy vừa rất trật tự, hạn chế được việc bóp còi inh ỏi, lại tránh được việc vượt nhau bừa bãi gây tai nạn.

Cần phải tạo thói quen cho người dân biết xếp hàng đi lại một cách trật tự. Chứ không phải như hiện nay: xe phóng bạt mạng, mạnh thằng nào thằng ấy chạy, thích lượn kiểu gì thì lượn, còi xe thì cũng mạnh thằng nào thằng ấy lắp, bóp một cách "điên loạn" như hiện nay.

Tên: Minh Sơn

Tai nạn giao thông là một quốc nạn !

Kính thưa ông Bộ trưởng bộ giao thông vận tải !

Thật buồn và kinh hoàng phải không thưa ông, khi nghe tin chỉ trong vòng mấy ngày mà có đến hai giáo sư viện sỹ đứng hàng đầu thế giới và Việt nam bị tai nạn vì một cú đâm xe máy ngay giữa lòng thủ đô Hà nội.

Ngoài ra không biết bao nhiêu người dân cũng chịu những cái chết oan nghiệt như vậy nữa xảy ra hàng ngày trên những con phố thời bình? Mới đây thôi VN đã để lại trong lòng bè bạn quốc tế niềm cảm phục và sự thú vị tuyệt vời về một Hà Nội thanh bình và lịch lãm, đương nhiên trong đó có phần đóng góp không nhỏ mang lại từ những chiếc xe máy...

Tuy nhiên đấy là tuần lễ APEC mà thôi, tỷ lệ công an đứng bảo vệ ba bề bốn phía để giữ trật tự tuyệt đối cho cac nguyên thủ, khiến cho các vị lãnh đạo các nước đặc biệt là phương Tây tròn xoe mắt thích thú ngắm nhìn sự khác lạ với nước họ. Là người dân thủ đô Hà nội tôi cảm thấy vô cùng tự hào và thầm mong giá như ngày nào Hà Nội của chúng ta cũng sạch và đẹp , đặc biệt không có tai nạn thì hạnh phúc trọn vẹn.

Thật buồn phải không thưa ông ! tiếc và tiếc lắm khi những cái chết mà ta gọi là oan uổng do TNGT... đã đến lúc tôi cho đây là vấn đề quốc nạn cần đặt lên hàng đầu.

Bởi vì hiện tại ta đang hô hào chống lãng phí thực hành tiết kiệm thì đây chính là cái mà chúng ta nên bàn và tìm cách giái quyết vì mạng sống của dân vốn quí và phải "tiết kiệm".

Vả lại không biết bạn bè quốc tế có ai còn dám ung dung dạo chơi bên những con phố thơ mộng mà lại mất an toàn như vậy không? Tôi xin mạo muội góp ý với ông bộ trưởng rằng ông hãy ra tay để ngăn chặn số lượng xe máy tăng như hiện nay .

Tôi sợ nhất là những dịp phải đi ra đường, mỗi xe máy là một ống khói thả sức mà phun khói, thả sức là lao vun vút, mà chen lấn , xô đẩy. Ông nên có cái gì gọi là cải tổ vấn đề giao thông như hiện nay trước khi quá muộn. Chắc hàng ngày ra đường chủ yếu ông dùng xe hơi nên khó thấy, không tin ông thử đi vài lần ông sẽ sợ như tôi thôi ạ.

Tên: Doan Thanh, CHLB Đức

Chúng tôi là những trí thức Việt kiều yêu quê hương Việt Nam và là độc giả thường xuyên của báo Tiền Phong Online. Chúng tôi rất hoan nghênh tòa soạn đã đi đầu trong việc mở ra một Diễn đàn về An toàn giao thông để giúp đất nước đổi mới phù hợp với việc hội nhập với thế giới. Xin được góp ý như sau:

1. CẦN GIẢI PHÓNG NGAY CÁC VỈA HÈ - (Hầu như các vỉa hè của mỗi đường phố của Hà Nội đều đã bị chiếm dụng để buôn bán và sử dụng cá nhân. Người đi bộ không có chỗ để đi và phải đi xuống lòng đường...) - sẽ góp phần đỡ tắc đường.

2. Tại những đường phố có vạch chỉ đường cho người đi bộ sang đường không được người sử dụng giao thông tôn trọng, khi chúng tôi những người đi bộ sang đường đúng vị trí đó vẫn bị xe máy và ô tô không chịu dừng nhường đường và họ cũng không bị phạt), ở nơi đỗ cần có đèn báo hiệu xanh cho người qua đường và buộc các xe cộ phải dừng lại.

3. Hạn chế sử dụng xe máy ở các đường Phố Cổ trong nội thành Hà Nội (Tất nhiên là phải phát triển thêm các phương tiện công cộng như  xe buýt, tàu điện ngầm... và hè phố phải thông thoáng cấm chiếm dụng bán hàng rong).

4. Làm ngay cầu vượt hay đường ngầm cho người đi bộ sang đường tại những nút giao thông chính.

5. Tăng cường CSGT làm tốt nhiệm vụ hướng dẫn giao thông chứ không phải chỉ quan tâm tới việc bắt một vài xe máy đi sai để phạt tiền hoặc "Người đi vượt đèn đỏ chỉ cần dúi tiền cho cảnh sát là được đi tiếp...".

6. Nên đưa vào nhà trường chương trình giáo dục dạy về AN TOÀN VÀ SỬ DỤNG CÁC PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG TỪ CẤP 1. Ở các nước phương Tây họ đã làm điều này từ rất lâu nên từ khi còn nhỏ các công dân của họ đã có ý thức tốt về ATGT.

Đây là vài ý kiến đóng góp của chúng tôi để mong cho bộ mặt của Thủ đô Hà Nội chóng được đổi mới, để kịp thời chào mừng kỷ niệm ngàn năm Văn hiến.

Chúng tôi đã chứng kiến một người bạn Đức là nghệ sĩ Nhiếp ảnh đến VN chụp ảnh để làm triển lãm đã bị tai nạn xe máy, phải ở lại nằm viện mất vài tháng tại Sài Gòn để mổ và điều trị rất tốn kém, đau đớn. Cho nên mỗi khi về thăm Hà Nội chúng tôi chỉ dám đi lại bằng xe buýt, taxi, xe ôm hoặc có đi bộ thì cũng vô cùng sợ hãi vì chỉ có thể đi dưới lòng đường (VỈA HÈ BỊ LẤN CHIẾM) và vô cùng nguy hiểm, bẩn thỉu vì cống rãnh rác thải bừa bãi dưới lòng đường.

Chồng tôi - Kĩ sư người châu Âu làm cho hãng Siemens đã có bằng lái ô tô quốc tế và sử dụng xe riêng thường xuyên để đi làm từ hơn 20 năm, vậy mà khi về VN không dám sử dụng XE MÁY hay TỰ LÁI ÔTÔ.

Ngay khi ngồi trên xe taxi chỉ từ sân bay Nội Bài về đến Hà Nội mà đã nhiều lần giật mình, thót tim vì người đi bộ, hay đi xe máy, xe thồ cứ vô tư vượt trước sát đầu xe ô tô. Tôi thật sự cảm thấy xấu hổ với chồng tôi về tệ nạn giao thông tại VN và cách cư xử thiếu văn hóa của một số người tham gia giao thông thiếu ý thức...

Chúng tôi đã đến nhiều nước và cả những nước láng giềng của VN như Thái Lan, Hồng Kông... nhưng chưa thấy ở đâu có thứ giao thông lộn xộn kém văn minh như ở nước ta. Chúng tôi càng đau buồn hơn khi đọc tin 2 vị giáo sư nổi tiếng của VN và của Mỹ một chết một bị thương nặng chưa biết sống chết ra sao do bị TNGT ngay tại Thủ đô Hà Nội chỉ trong vòng có vài ngày. Chúng tôi xin được chia buồn với người thân của 2 vị Giáo sư đó. Xin đề nghị ông Bộ trưởng Bộ GTVT NÊN QUAN TÂM TÌM CÁCH GIẢI QUYẾT NGAY về vấn đề ATGT. Chúng tôi sống ở nước ngoài nhưng luôn yêu quê hương và đã làm nhiều việc để QUẢNG BÁ HÌNH ẢNH VIỆT NAM.

Chồng tôi coi VN là quên hương thứ 2 nên chúng tôi rất mong VN và đặc biệt là Thủ đô Hà Nội nhanh chóng cải thiện được hình ảnh của mình về mọi mặt ĐẶC BIỆT LÀ VẤN ĐỀ GIAO THÔNG VĂN MINH. Xin chúc Quý báo luôn là người Tiên phong xứng danh tên của tờ báo TIỀN PHONG.

Người đang sống xa Tổ quốc luôn hướng về VN. Họa sĩ Doan Thanh.

Tên: Thu Thai

Tôi muốn nói lên một số suy nghĩ của mình về giao thông Hà Nội và Việt Nam trên góc độ trách nhiệm của từng vị trí.

1. Có lẽ các vị lãnh đạo có trách nhiệm của Bộ GTVT, TP Hà Nội chưa bao giờ hoặc hiếm khi bị tắc đường với một chiếc xe máy và bị tắc đường hàng giờ liền trên phố với những dòng người đan xen lẫn nhau một cách hỗn loạn thiếu ý thức. Do vậy, họ không thấu hiểu nỗi khổ của người dân trước tình trạng hỗn độn như vậy.

Nếu họ đã từng bị và thường xuyên bị, tôi nghĩ rằng họ sẽ có những giải pháp cho giao thông Việt nam. Theo tôi, là người quản lý xã hội, cần phải có mục tiêu rõ ràng, cứng rắn và kiên quyết thực hiện để đạt được mục tiêu đề ra. Những vị lãnh đạo thừa biết rằng, một xã hội hiện đại không thể có lựợng xe máy - thậm chí ô tô phát triển một cách bừa bãi như Việt nam và Hà nội hiện nay.

Xe máy cần phải cấm triệt để kể cả nó tiện lợi như lập luận của một số người. Vậy thì tại sao họ lại không áp dụng các biện pháp cứng rắn để ngăn chặn tình trạng trên. Không phải họ không biết.  

Vấn đề là rất cần một bản lĩnh, một sự chịu trách nhiệm và cao hơn nữa là một trình độ tổ chức thực hiện khi ban hành một chính sách cứng rắn nhưng có lợi cho tương lai như vậy.

Nhưng nếu cứ như hiện nay, tình trạng này sẽ tiếp tục phát triển và ngày một trầm trọng hơn và không chỉ có hai vị giáo sư đầu ngành bị chết vì giao thông đâu.

2. Đối với người dân : Vì nhận thức, vì quyền lợi cá nhân và vì nhiều thứ khác nữa người dân đang tự giết họ bằng việc sống vô ý thức. Do vậy, trừ xã hội nguyên thuỷ là một xã hội không có chính quyền, không có luật lệ còn các xã hội khác đều có những luật lệ để bắt buộc người dân phải làm theo - Đó chính là nhiệm vụ quản lý của Nhà nước.

Cần phải có những biện pháp xử phạt nghiêm khắc thì mới điều hành được xã hội. Nhà nước cần ban hành những chính sách quản lý nghiêm khắc hơn nữa để đưa giao thông cũng như các hoạt động khác của xã hội vào nề nếp. Tại sao không tịch thu ngay tài sản vi phạm pháp luật ( Luật giao thông là một luật) ? Tại sao không cho phép lưu hành xe máy trên địa bàn Hà nội( Bước đầu chấm dứt đăng ký, bước hai đưa ra lộ trình chất dứt lưu thông: quy định từng tuyến phố sau đó toàn thành phố...; Thời gian giáo dục của chúng ta đã quá đủ rồi để thi hành những chính sách nghiêm khắc hơn.

Đừng hy vọng vào thái độ tự giác của người dân trong một sớm một chiều. Có thể sau khi ban hành và thực thi những chính sách cứng rắn như vậy, một Ông Bộ trưởng, một Ông Chủ tịch sẽ gặp một số phiền hà vì dư luận trái chiều, nhưng cái thu được cho tương lai là vô cùng lớn.

Đó là sinh mạng của hàng nghìn người dân, hàng tỷ đồng tài sản, là một hình ảnh đẹp của Hà nội, của Việt nam trước con mắt người nước ngoài Hy vọng rằng có người dám hy sinh vì quyền lợi của Hà Nội, của Việt Nam như họ thường nói.

Tên: Lê Văn Minh

Cũng như nhiều độc giả, tôi nhận thấy tình trạng giao thông ở Hà Nội hiện nay rất lộn xộn. Vấn đề này đã tồn tại trong vài năm gần đây. Nguyên nhân sâu xa không chỉ là do hệ thống giao thông đường xá chưa hợp lý, mật độ tham gia giao thông cao mà còn do ý thức của người tham gia giao thông như nhiều bài viết đã đề cập.

Cũng có thể dễ dàng thấy rằng Hà Nội và các thành phố lớn khác trong cả nước như TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng ... đều đã nhận thấy mức độ lôn xộn của giao thông cũng như đã đưa ra nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng này.

Công bằng mà nói, nếu trong những năm qua, các TP không hoặc chưa đưa ra giải pháp nhằm cải thiện tình trạng lưu thông trên đường thì hiện tượng ùn tắc và tai nạn sẽ là thường xuyên và lớn hơn hiện tại nhiều. Là một độc giả, cũng giống như nhiều độc giả khác, tôi xin được góp thêm một số ý kiến cá nhân vào việc hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông tại các khu đô thị nói chung và tại Hà Nội nói riêng như sau:

1. Khuyến khích các trường sử dụng hoặc thuê xe ô tô để chuyên chở học sinh đi học. Giáo dục cho các em học sinh về ý thức sử dụng phương tiện công cộng.

2. Tăng cường giáo dục ý tức chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông đường bộ tới mọi người dân.

3. Tăng thu phí sử dụng các phương tiện cá nhân.

4. Một tuần (tháng) tổ chức một ngày không sử dụng phương tiện cá nhân trong một số quận nội thành. Trên đây là một số ý kiến của tôi. Hy vọng cùng với nhiều ý kiến của các bạn đọc khác sẽ góp phần gợi mở ra những giải pháp của các nhà lãnh đạo ngành, thành phố.

Tên: Nguyễn Hoàng

Chúng ta phải thấy xấu hổ về giao thông Hà Nội

Tôi rất buồn khi nghe tin về tai nạn của 2 vị giáo sư. Là người hàng ngày phải đi làm trên các đường phố HN, tôi hay nghĩ về hình ảnh, một ấn tượng về một thành phố hay một dân tộc trong con mắt của người các tỉnh khác về HN, đặc biệt là người nước ngoài đến HN.

Tôi nghĩ là cơ quan chức năng đã thiếu trách nhiệm, có thể quy kết là tội lỗi với dân cũng được. Không có giải pháp nào là tuyệt đối, nhưng không phải là không có cách, từ sự điều chỉnh vĩ mô như quy hoạch, mở rộng TP, chuyển đổi vị trí các nhà máy, công sở ra phía ngoài....đến các nội dung cụ thể như vấn đề giải quyết xe máy, hướng dẫn, phân luồng giao thông như thế nào.

Tại sao các nhà quản lý không lấy ý kiến của dân... Ví dụ như tôi nghĩ, dân ta không phải không muốn chấp hành nghiêm túc luật GT, nhưng chấp hành cũng cần có sự công bằng. Nhiều khi mình tôi dừng xe trước đèn đỏ khi các xe khác chạy ào ào và không có CSGT hoặc có thì không điều hành đến đầu đến đũa.

Chúng ta bảo chúng ta không có đủ cảnh sát GT để giám sát, tại sao chúng ta không bố trí ghi hình tự động để xử phạt, kể cả hợp đồng thêm các nhân viên kiểm soát GT, nếu thiếu kinh phí chúng ta tăng mức phạt cao hơn (kể cả gấp 5-7 lần hiện tại).

Tôi tin là người chân chính, không ai phàn nàn vì mức phạt cao. Còn vấn đề xe máy, theo tôi là xe buýt của HN còn lâu mới đáp ứng được, nhưng không phải vì thế mà không hạn chế xe máy vì tác hại của nó. Tất nhiên không thể đưa ra giải pháp kiểu "biển lẻ, biễn chẵn" được, theo tôi nên cấm (hoặc hạn chế) xe máy, phát triển xe máy điện hay xe đạp điện, tất nhiên phải đảm bảo về công nghệ chứ không thể để mấy doanh nghiệp trục lợi về vấn đề này.

Vấn đề vỉa hè, giải toả lấn chiếm... phải làm triệt để và cương quyết, cần thiết tăng cường biên chế cho lực lượng chức năng (CSGT, thanh tra GT...) nên vài nghìn cũng là bình thường vì có như vậy mới duy trì được trật tự GT.

Nhìn chung dân ta muốn chấp hành nghiêm túc, nhưng cơ quan chức năng làm theo kiểu "đánh rắn giữa khúc" thì tạo ra tâm lý luồn lách... để có lợi một tý. Vậy lỗi là do cơ quan chức năng chứ không phải là do dân. Chúng ta cứ minh bạch, cương quyết và có tinh thần trách nhiệm... chắc chắn dân sẽ ủng hộ..

Tên: Nguyen Hieu

Quả thật tình hình giao thông tại những TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nhưng ngày gần đây đã đến hồi báo động, là một công chức, thường tham gia giao thông vào những giờ cao điểm tôi thật sự không thể tưởng tượng nổi trật tự giao thông lại tệ đến mức như hiện nay.

Phố nào cũng tắc, tắc, khói xe, bụi quyện lẫn thành một hỗn hợp hết sức khủng khiếp. Không thể trách hay phê phán lực lượng cảnh sát giao thông tại các TP lớn được, họ quá vất vả, hàng ngày phải đứng tại những nơi khói bụi khủng khiếp, mùa hè thì nóng bức, mùa đông thì lạnh buốt và phải cố gắng điều khiển những người tham gia giao thông rất vô ý thức.

Tôi nghĩ đây là nghề vất vả nhất tại Việt Nam. Tôi thấy, vấn đề lớn nhất của giao thông tại các TP lớn hiện nay là ý thức tham gia giao thông của người tham gia giao thông. Ý thức vô cùng kém, tình trạng lấn đường là một hiện tượng phổ biến nhất và gây ra tình trạng ùn tắc giao thông.

Chỉ cần hơi ùn tắc một chút là những người thiếu ý thức tràn hết sang phần đường ngược chiều rồi là đứng nhìn nhau, không ai nhường ai nên ùn tắc là điều tất nhiên.

Tôi xin nhắc lại đây là yếu tố chính dẫn hiện tượng ùn tắc giao thông. Một yếu tố nữa góp phần gây ùn tắc giao thông là hệ thống hạ tầng cơ sở giao thông quá kém, nhưng theo tôi nghĩ vấn đề này phải khắc phục dần dần, còn để tránh (hạn chế) việc ùn tắc giao thông thì các cơ quan chức năng cần có giải pháp nâng cao ý thức tham gia giao thông của mọi người. Việc này có thể thực hiện bằng nhiều cách: Giáo dục, liên tục giám sát, kiểm tra xử phạt thích đáng những trường hợp sai phạm.

Tên: Phạm Huy Thưởng - Công ty phát triển hạ tầng Hà nội 1000 năm

Các biện pháp khẩn cấp nhằm giảm thiểu TNGT

Việt nam là nước có số lượng TNGT vào loại lớn nhất thế giới. TNGT đang là một quốc nạn. Nguyên nhân cơ bản là do chúng ta không quen sống tuân thủ luật pháp và không có văn hoá tham gia giao thông.

Hơn thế nữa, giống như tất cả các nước đã sống qua thời bao cấp chúng ta bị ảnh hưởng nặng nề của thói quen chen lấn khi phải xếp hàng. Tại các nút đèn đỏ, chúng ta sẵn sàng chen lên phía trước bằng được chẳng vì một cái gì.

Trên đường cũng vậy rất hiếm khi chúng ta biết nhường nhịn nhau. Tôi đã chứng kiến rất nhiều trường hợp do không biết nhường nhịn nhau khi tham gia giao thông mà gây ra TNGT hoặc thậm chí dẫn đến đâm chém nhau.

Thật đau lòng khi thấy các TNGT và thật xấu hổ khi bạn phải nghe những người nước ngoài nhận xét về văn hoá tham gia giao thông thấp kém của chúng ta.

Cần phải có các biện pháp tổng thể mang tính quốc gia và quốc thể để giảm thiểu TNGT. Trước hết là các biện pháp giáo dục tuyên truyền quyết liệt. Bên cạnh đó phải có các biện pháp thực thi luật giao thông thật nghiêm túc.

Sự nghiêm túc phải được bắt đầu từ lực lượng CSGT. Nếu CSGT không nghiêm túc thì việc thực hiện luật giao thông chỉ mang tính hình thức và có nguy cơ biến thành luật hối lộ khi tham gia giao thông.

1. Chúng tôi cho rằng cần thay phần lớn CSGT trên đường quốc lộ bằng các hình manơcanh mặc quân phục. Làm như vậy vừa giảm được chi phí ngân sách, vừa mang tính cảnh bảo liên tục làm cho các lái xe luôn phải tuân thủ tốc độ cho phép. Đồng thời giảm thiểu tệ hối lộ giao thông.

2. Cần phải huy động cả xã hội vào tham gia giáo dục an toàn giao thông mạnh mẽ hơn nữa.

Tên: Nguyen tu

Hãy biết tự trọng khi tham gia giao thông

Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có khoảng 13 000 người chết vì tai nạn giao thông và hàng chục nghìn người tàn phế , một con sô' kinh khủng, nhưng có lẽ sau sự ra đi đột ngột của vị giáo sư nổi tiếng VN và vị giáo sư nổi tiếng thế giới, sang giúp VN nghiên cứu khoa học mà lại gặp tai bay vạ gió thế này mới thổi bùng lên vấn đề mà ai cũng phải tham gia khi giao thông và ai cũng có thể trở thành nạn nhân của nó.

Xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình giáo sư Nguyễn Văn Đạo, xin được cầu chúc cho GS người Mỹ sớm được tai qua nạn khỏi. Hình ảnh giao thông ở Hà Nội thì ai cũng rõ rồi, vấn đề là làm sao phải thay đổi được tận gốc ý thức của người tham gia GT, hầu hết mọi người bây giờ đã có ý thức chấp hành luât giao thông, số đông đi lại từ tốn hơn , ít bấm còi một cách ngẫu hứng hơn trước, số còn lại phóng nhanh, lạng lách, rẽ phải, trái không cần xi nhan, vượt đèn đỏ một cách thản nhiên,coi như không nhìn thấy những cái nhìn khinh bỉ của mọi người, những đối tượng này chủ yếu là thanh niên, chắc là "có vấn đề".

Môt chị lái xe ta xi đã kể rằng đa số khách nước ngoài khi đi taxi luôn cáu kỉnh khi nhìn thấy những người vô ý thức này, họ đã vô tình làm xấu hình ảnh đất nước mà phải mất bao nhiêu năm ta mới xây dựng được. Có thể chúng ta chưa có cách giáo dục phù hợp chăng?

Có lẽ nên đánh vào lòng tự trọng nho nhỏ trong họ, thường thì ta chỉ thấy trên báo chí những người nước ngoài ca ngợi VN, VN thanh bình , thân thiện mà chưa bao giờ thấy họ nói về những cái họ khó chịu cả, vì vậy ta nên đưa cả những thông tin họ góp ý cho chúng ta , họ nói thật về chúng ta cho mọi người được biết mà sửa chữa, tôi nghĩ những người hay ngênh ngang kia cũng có chút sĩ diện chứ, những trận bóng đá của VN cũng thấy họ có tinh thần dân tộc đấy chứ, biết đâu , khi bị những người ngoại quốc nhận xét về thế hệ thanh niên đua xe và thiếu văn hoá họ cũng thấy đỏ mặt và nhìn lại mình.

Mặt khác TV cũng nên thường xuyên đưa hình ảnh về giao thông các nước quanh ta để thấy rằng họ chấp hành luật giao thông tốt hơn ta nhiều lắm, họ đi đúng luật nên lịch sự lắm, họ từ tốn nhường người đi qua đường, họ không túm tụm cãi vã , họ không bóp còi inh ỏi, nếu có va chạm thì luôn cảm ơn và xin lỗi... tôi nghĩ nên giáo dục từ những điều nhỏ nhất đối vớii mọi người để tạo nên một xã hội văn minh hơn, khi tham gia giao thông cũng phải biết tự trọng !

Tên: Dương Đình Giao

Không thể ngồi chờ

Không thể cứ ngồi đó mà chê ý thức của dân ta kém. Cứ ngồi chê như thế thì có đến năm 2100 vẫn thế thôi, nghĩa là tình trạng tai nạn còn kinh khủng hơn nữa.

Các nhà lãnh đạo cũng không thể cứ kêu gọi suông "huy động hết hệ thống chính trị". Muốn nâng cao ý thức thì phải xử lý thật nghiêm. Trong thời gian bao lâu đấy, nếu tai nạn không giảm thì Bộ trưởng Bộ Giao thông phải bị cách chức. Cứ như thế đến các trưởng phòng cảnh sát giao thông ở thành phố, quận, huyện, ...

Còn với người tham gia giao thông thì lúc này cần thi hành một thứ kỷ luật sắt và cần kéo dài hàng chục năm để gây thói quen. Thí dụ: Hễ phạm luật (bất cứ điều nào) là tịch thu xe.

Phải thực hiện những quy định như trong tình trạng khẩn cấp của quốc gia trong lĩnh vực an toàn giao thông. Và điều quan trọng là đừng thấy có vẻ được được một chút là lại vừa lòng và lạc quan. Cách đây 3, 4 năm, khi mới thực hiện việc tạm giữ xe, tình trạng giao thông đã khá hơn, nhưng ta vội lạc quan sớm quá nên nay lại đâu vào đấy.

Tên: Hải Nguyễn

Kính gửi Ban biên tập báo Tiền Phong Online. Từ trước tới nay, vấn đề tai nạn giao thông đường bộ, trong đó không ít các nguyên nhân do xe gắn máy gây ra, luôn là nỗi bức xức của tất cả mọi người dân. Các cơ quan chức năng cũng đều có những phương hướng khắc phục hậu quả nhưng rồi kết quả chẳng khả quan chút nào, thậm chí còn tồi tệ hơn nữa, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông không giảm mà còn tăng cao.

Cứ tưởng nghĩ xem, vào trước năm 1975, hay khoảng thập niên 1980, lượng xe gắn máy trên cả nước không nhiều, vì giá xe khá đắt, lúc ấy hầu như chỉ có những gia đình tương đối khá giả mới có, người nông dân lao động, nghèo nàn chỉ xem chiếc DREAM lúc bấy giờ đúng như tên gọi "GIẤC MƠ ", thế nhưng vì sao đến thời điểm ngày nay, lượng xe gắn máy hiện có trên cả nước đếm không xuể.

Do chính sách mở cử thông thoáng, để tăng cao kinh tế, thuế nhập khẩu cũng không có gì là cao. Ngày nay, một bác nông dân quê mùa, quanh năm suốt tháng chỉ biết mấy cánh đồng ruộng, nay có cơ hội, bán đi vài ba công ruộng vườn, hay trúng được một vụ mùa là đã có thể rủng rỉnh mua được một chiếc DREAM Tàu, có nhà không chỉ một chiếc mà có đến 2,3 chiếc, hay một người lao động phụ hồ, ngày nào còn cà tàng trên chiếc xe đạp cũ, nay cố gắng dành dụm, hay chỉ cần mượn trước chủ 2 tháng lương là đã có được chiếc xe Tàu, chư kể việc bán trả góp v.v..

 Song song đó, tình trạng kém hiểu biết, không ý thức luật pháp hiện hành khá phổ biến, tất cả đã tạo nên một bức tranh thảm hoạ cho sự an toàn giao thông.

Tôi xin có ý kiến nhỏ, các cơ quan chức năng thử xem xét, nghiên cứu, có thể phần nào giảm thiểu được số tai nạn giao thông chăng? Đó là việc đánh thuế trước bạ đăng ký xe gắn máy. Mức thuế có thể tối thiểu là 100% hoặc cao hơn nữa.

Ngoài ra, cũng phải cương quyết việc xử phạt những ai vi phạm luật pháp, xử phạt thật nặng những ai vi phạm luật pháp. Có như thế may ra có thể giảm được lượng xe gắn máy trong nước, và biết đâu vì đó cũng giảm thiểu được số tai nạn giao thông.

Tên: Nguyễn Văn Hà

Thời gian vừa qua tôi đã tham dự xử lý 3 vụ tai nạn giao thông nên tôi thấy cách xử lý hiện nay của Công an giao thông còn nhiều điều bất cập, dễ tạo kẽ hở cho tiêu cực. Sở dĩ như vậy là vì:

1. Biên bản tai nạn chỉ lập 1 bản gọi là biên bản nghiệp vụ khi ký biên bản cả bên gây tai nạn và bị tai nạn đều hoảng sợ không kịp xem lại. Khi bình tĩnh xin xem lại không được vì là biên bản nghiệp vụ.

2. Công an không kết luận trái phải ai đúng ai sai cứ để chủ phương tiện to đi lo cho phương tiện nhỏ (xe máy lo cho người đi bộ, ôtô thì đền xe máy, người đi bộ ), sau khi có thoả thuận xong thì gặp công an giải quyết.

3. Đến khâu giải quyết để lấy xe ra là cả một vấn đề. CSGT đều không hẹn ngày giải quyết mà nhanh hay chậm tuỳ thuộc vào chủ phương tiện có biết điều hay không...

Để hạn chế tai nạn giao thông tôi đề nghị Bộ Công an phải có quy trình giải quyết cụ thể kết luận đúng sai rõ ràng và phải lập 3 biên bản để tránh tiêu cực. Phải có thời hạn xử lý không quá 5 ngày chẳng hạn.

Tên: Phùng Thanh Tùng

Theo tôi, nguyên nhân chính gây ra ách tắc giao thông tại các thành phố mà cụ thể tại Hà Nội là ý thức chấp hành luật giao thông khi tham gia giao thông của người dân không có.

Hiện tại trong các trường học đã đưa vào giảng dạy về an toàn giao thông và luật giao thông đường bộ, tuy nhiên học là một đằng, còn hành thì phải xem lại vì các cháu vừa học trong trường xong ra ngoài đường thấy tấm gương của cha anh (xem thường luật, ..) thì cái sự học trong trường của các cháu sẽ vô ích thôi.

Và vì lẽ đó giao thông của Việt Nam sẽ còn rất lâu mới theo được các nước trong khu vực chứ không nói so với thế giới. Một vấn đề nữa là Hà Nội xây dựng được rất ít các con đường (mật độ Km đường/Km2 chỉ đạt yêu cầu ở các khu phố cũ quanh hồ gươm), các bạn thứ tính xem từ khi đất nước đổi mới đến nay Hà Nội đã xây dựng mới được bao nhiêu Km đường, xin thưa là rất ít.

Cơn bão xe máy đã qua, sắp tới Hà Nội và các thành phố lớn sẽ phải hứng chịu thêm cơn bão ô tô và đến lúc đó chỉ còn nước đi bộ. Cho nên các bạn đừng nghĩ vấn đề này một mình Bộ trưởng Bộ GTVT phải chịu tách nhiệm mà phải là toàn xã hội.

Tên: ĐMC

Một giải pháp vừa ít tốn kém, vừa hiệu quả để giải quyết bài toán đô thị nói chung và Giao thông đô thị nói riêng là: di chuyển các cơ quan công quyền ra ngoại thành. Khi đó một số lượng lao động lớn có nhu cầu chuyển chỗ ở theo cơ quan, các khu đô thị ở ngoại ô gần các cơ quan công quyền cũng sẽ thu hút được người dân đến ở nhiều hơn.

Một thực trạng nhiều năm qua ở các địa phương tách tỉnh: Sức ép đô thị tại tỉnh lỵ trung giảm rõ rệt, giá nhà đất giảm, mật độ giao thông giảm... Trong khi tại tỉnh lỵ của tỉnh mới thành lập thì có nhiều điều kiện về đất đai và các nguồn lực khác để xây dựng, quy hoạch mới.

Có thể là tối kiến nếu như làm một phép so sánh kinh phí để xây dựng con đường chạy qua trung tâm Hà Nội (Kim liên - Ô chợ dừa) với kinh phí xây mới toàn bộ văn phòng cơ quan hành chính của thành phố tại ngoại thành. Nhưng rõ ràng giá của con đường đắt nhất thế giới tương đương với giá trị của cả một khu đô thị mới.

Tại sao chúng ta không nghĩ đến một chiến lược đô thị mới mà cứ phải loanh quanh tính toán các giải pháp trong khu diện tích nội thành chật chội.

Tên: Trung Dung

Hay xem TNGT tham hoa quoc gia

Con bao Darian di qua Philippin, voi hon 1000 nguoi chet, Tong thong da tuyen bo tham hoa quoc gia. O Viet nam binh quan moi ngay hon 30 nguoi chet vi tai nan giao thong nhung chang thay ai tuyen bo gi ca. 

Thiet nghi, Chinh phu can nhin nhan mot cach nghiem tuc ve hien trang TNGT de co cac bien phap giai tru tren tat ca cac ph­uong dien:

- Ve toc do phuong tien: Do quy dinh toc do cua xe co gioi tren QL1 thap hon voi kha nang dam bao an toan khi van hanh do do da dan den hanh dong chong che: giam toc do truoc khi di qua ca tram kiem soat, tang toc do qua cao khi da di qua cac tram kiem soat va da co nhieu truong hop gay ra tai nan tham khoc. Can phai sua doi va cho phep huong tien chay toc do cao hon tren cac tuyen quoc lo.

- Ve chat luong phuong tien: Can loai bo nhung phuong tien khong con dam bao an toan khi van hanh. Dinh chi ngay hoat dong cua nhu­ng co so san xuat phuong tien co gioi ma trong tong thanh san pham khong co bo phan nao the hien uy tin cua th­uong hieu.

- Hinh thuc xu phat: Phat that nang bang tien kem theo do la phai thuc hien lao dong cong ich, nhung nguoi vi pham phai thuc hien lao dong cong ich trong linh v­uc huong dan an toan giao thong.

- Ve cong tac kiem tra giam sat: Trang bi mot he thong tu dong kiem soat toc do tren cac tuyen quoc lo.

Tên: Lê Hoàng

Hãy nói "Không" với xe máy

1.Cấm đăng ký tất cả các loại xe môtô gắn máy tại các thành phố lớn bắt đầu từ bây giờ.

2. Tịch thu hoặc xử phạt thật nặng (hành chính) đối với xe máy vi phạm.

Hãy vì Hà Nội 1000 năm, hãy vì Tương Lai Con Em Chúng Ta !

Tên: A DUng

Cần phải thực hiện nhanh chóng và triệt để !

Hiện nay Hà Nội thủ đô yêu dấu không còn " yêu dấu" được như xưa nữa rồi, bởi vì có ở quốc gia nào mà thủ đô lại bụi, khói, ô nhiễm nặng đến thế không? có thủ đô nào trên thế giới mà ngày nào cũng tắc đường không? Nhà nước chỉ kêu gọi, kêu gọi và "kêu gọi" người dân phải có ý thức tham gia giao thông.

Song từ khâu thi bằng lái xe đã thiếu ý thức rồi, ai đi thi cũng đỗ, mà đỗ 100% mới tài. Các chiến sĩ " Công an giao thông" thì hay núp sau những gốc cây và chỉ " xông " ra đường khi người dân vi phạm luật giao thông để làm " Luật".

Nhà nước phải đưa ra các chế tài yêu cầu mọi người dân tham gia giao thông phải thực hiện nghiêm Luật, các cơ quan hành pháp phải thi hành theo đúng luật, xây dựng lại cơ sỏ hạ tầng, đường, cầu, cống..

Tôi thấy ở thủ đô Hà Nội chỉ có khu vực Lăng Bác là xanh và sạch thôi và tôi cũng thấy là khi đi trên các con đường gần Lăng Bác người dân đi chậm hơn và ít người xả rác ra đường, do đó 1 yếu tố nữa quyết định ý thức của con người đó là môi trường.

Trước những vấn đề trên các bộ, ngành chức năng cần làm gì? để thủ đô Hà Nội trở thành "Yêu dấu" như xưa.

Tên: pham hoa hue

Rất xấu hổ khi những "đầy tớ" nói nhiều hơn làm: Tôi không nhầm sau khi hội nghị APEC kết thúc một quan chức phát biểu trên báo chí: "Sẽ duy trì trật tự giao thông và môi trường Hà Nội như những ngày đang hội nghị. Thế nhưng thực tế thì mọi người thấy. Kẹt xe bây giờ không phải là 1 tiếng 2 tiếng nữa mà là cả 5 tiếng (Sáng 13/12/2006 chương trình An toàn giao thông đài truyền hình Việt Nam đưa tin).

Những người lãnh đạo hãy kiểm tra lại những việc làm của cán bộ thuộc cấp xem có đủ khả năng thực hiện những lời hứa trước dân chưa? Nếu chưa thì hình thức kỷ luật nên như thế nào. Đừng nên để nghiên cứu mãi chỉ khổ dân thôi, Ông Chủ tịch Thành Phố Hà Nội có kiểm tra xem Ông Giám đốc Sở GTCC làm được gì không.

Ông tân Bộ GTVT đã có quyết sách gì chưa hay hãy còn nghiên cứu cho hết nhiệm kỳ rồi cải tổ luôn. Hà Nội vay nhiều triệu đô la để đắp những con lươn con trạch trên đường bây giờ đã phát huy tác dụng đến đâu rồi?

Những vụ tắc đường cả nhiều tiếng đồng hồ nếu lưu thông bằng xe máy hoặc xe đạp chắc chắn là tìm được lối thoát, còn nếu đi ô tô hoặc xe buýt thì cứ ngồi đấy mà chờ. 

Tên: Nguyen Duy Kien

Tôi mong các vị lãnh đạo hãy thử đi bộ sang đường một lần ...

Tôi là một nhân viên thường xuyên phải sử dụng xe máy để đi làm. Thật sự mà nói tôi hoàn toàn không thích phải sử dụng phương tiện này cho sinh hoạt và công việc của mình nhưng với thực trạng giao thông ở Hà Nội tôi thấy không có phương án nào có thể khắc phục được một cách tốt nhất.

Những năm gần đây tôi cảm thấy giao thông HN thật sự hỗn loạn, mà nguyên nhân theo tôi là một số điều sau:

- Người tham gia giao thông thì thiếu ý thức;

 - CSGT thì không làm tốt trách nhiệm của mình. 

 - Sự kém hiệu qủa của các cơ quan quản lý nhà nước;

- Tầm nhìn hạn hẹp của những người có trách nhiệm tham mưu trong những vấn đề lớn của xã hội; Tôi có cảm giác rằng những việc mà họ làm như kiểu những người lãnh đạo của một sở nào đấy ở địa phương muốn ngân sách nhà nước rót về cho họ nguồn tài chính để xây dựng một dự án nào đó để từ đó có tiền không cần biết là dự án đó có hiệu quả hay không;

Tôi cũng có người nhà bị tử nạn trong tai nạn giao thông nên cảm thấy rất đồng cảm cho những người có thân nhân bị tai nạn. Tôi không hiểu một năm nhà nước thu về được bao nhiêu tiền thuế từ việc nhập khẩu ôtô, xe máy, những điều đó có đáng không khi hàng ngày phải mất đi gần 30 sinh mạng của người dân;

Tôi cũng hiểu rằng hạ tầng giao thông của ta còn thấp kém, nhưng không thể mãi đưa ra lý do đấy được. Cái yếu chính là sự quy hoạch không thể để dân xây tự do mà không có quy hoạch nào cả chúng ta phải dùng tiền vay đó để xây dựng chứ không phải đền bù.

Phải làm rõ trách nhiệm của những người ra quy hoạch sai, quy hoạch treo. Không thể có chuyện chịu trách nhiệm tập thể mà đấy thực ra là sự vô trách nhiệm;

CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ SỰ HỖN LOẠN HIỆN NAY CỦA GIAO THÔNG ĐÔ THỊ, ĐƯA RA NHỮNG CHÍNH SÁCH, LUẬT PHÁP ... ĐỂ QUẢN LÝ XÃ HỘI ĐẤY LÀ VIỆC CỦA NHÀ NƯỚC.

CHỈ CÓ SỰ QUẢN LÝ YẾU KÉM CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ MỚI ĐỂ GIAO THÔNG ĐÔ THỊ HỖN LOẠN NHƯ HIỆN NAY. TÔI MONG MUỐN NHỮNG NGƯỜI CÓ CHỨC CÓ QUYỀN HÃY MỘT LẦN THỬ SANG ĐƯỜNG Ở ĐƯỜNG GIẢI PHÓNG, ĐƯỜNG NGUYỄN TRÃI, NGUYỄN VĂN CỪ ... HỌ SẼ CẢM THẤY NGAY SỰ NGUY HIỂM ĐÃ TỚI MỨC NÀO.

Tên: Đoàn Đình Thọ

Hiến kế lập lại trật tự an toàn giao thông

Kính xin toà soạn hãy cho đăng tin này của tôi sớm. Tôi có thói quen cứ leo lên xe máy là đội mũ bảo hiểm bất kể là nội thành hay ngoại thành. Có lắm lúc đến cơ quan mọi người hỏi nhà tôi ở đâu mà phải đội mũ bảo hiểm, mọi người ở cơ quan hầu hết đi làm đều không đội mũ bảo hiểm xe máy.

Khi tôi đội mũ vào cơ quan cứ bị mọi người xem như người ở hành tinh khác đến vậy. Khi đi trên đường tôi tuyệt đối tuân thủ dừng đỗ đúng vạch khi có tín hiệu đèn, còn nhiều người khác thì cứ chen lấn đỗ lên vạch của người đi bộ, thật là bực mình.

Để lập lại trật tự giao thông thì ngay bây giờ phải thực hiện biện pháp sau: Để cho người ta tự ý thức và chấp hành luật thì khó lắm mà phải có biện pháp bắt buộc thi hành luật.

1-Trước hết phải bổ sung vào bộ luật lao động một điều khoản bắt buộc đối với các giám đốc các công ty thuộc nhà nước cũng như tư nhân, các công ty liên doanh với nước ngoài, các khu chế xuất, các ông hiệu trưởng các trường từ cấp tiểu học đến đại học, chủ tịch các cơ quan đoàn thể hiện hữu.... phải chịu trách nhiệm nếu để đơn vị mình phụ trách xảy ra tình trạng nhân viên hoặc cán bộ cấp dưới, học sinh, sinh viên không đội mũ bảo hiểm và vi phạm giao thông khi tham gia giao thông.

2- Khi người tham gia giao thông vi phạm luật mà bị phạt tiền thì giám đốc các công ty thuộc nhà nước cũng như tư nhân, các ông hiệu trưởng các trường từ cấp tiểu học đến đại học, chủ tịch các cơ quan đoàn thể hiện hữu.... phải chịu trách nhiệm đóng phạt cho những người vi phạm thuộc cơ quan mình quản lý trực tiếp và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về mọi chi phí nếu người thuộc cơ quan mình quản lý gây tai nạn thương tật hoặc chết người, chịu toàn bộ chi phí mai táng và tiền phạt thật nặng.

Nếu bổ sung thêm điều khoản như vậy vào bộ luật lao động thì ngay lập tức: 1- Các giám đốc các công ty thuộc nhà nước cũng như tư nhân, các công ty liên doanh với nước ngoài, các khu chế xuất, các ông hiệu trưởng các trường từ cấp tiểu học đến đại học, chủ tịch các cơ quan đoàn thể hiện hữu sẽ: - Yêu cầu những người thuộc đơn vị mình quản lý sẽ phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, cấm tuyệt đối mọi hành vi vi phạm luật giao thông, nếu vi phạm luật giao thông mà bị cơ quan cảnh sát GT gửi giấy đến tận cơ quan thì người đó sẽ phải: chịu nộp phạt bằng các hình thức :

a, trừ thẳng vào lương đối với những lỗi vi phạm giao thông nhẹ như vượt đèn đỏ, dừng đỗ không đúng vạch ...vv,

b, cắt chế độ thi đua khen thưởng; đối với học sinh sinh viên thì bị ghi vào học bạ và hạ bặc hạnh kiểm đối với những trường hợp vi phạm nhẹ như nêu trên. Đối với những trường hợp có hành vi vi phạm nặng gây thương vong và chết người thì sẽ bị xử lý như sau:buộc thôi việc và phải chịu toàn bộ chi phí gây thương tích hoặc tử vong cho người khác khi có kết luận của cơ quan điều tra về vụ TNGT đó và bị xử lý hình sự.

Đối với học sinh sinh viên thì cũng xử lý theo hình thức tương tự. Đối với người nhập cư tự do và những người lao động tự do như chạy xe ôm (xin nói thêm là đội quân xe ôm cũng là đội quân đi xe máy rất ẩu và gây mất mỹ quan đô thị nhất hiện nay vì họ là đội quân thường xuyên tiểu bậy ra hè phố) thì chủ tịch các phường là người chịu trách nhiệm quản lý chặt chẽ về mặt con số, chủ tịch phường phải có trách nhiệm phổ biến luật giao thông đến từng người lao động tự do trong địa bàn mình quản lý và nếu để xảy ra tình trạng người tham gia giao thông thuộc địa bàn mình quản lý gây ra tai nạn thì Chủ tịch các phường cũng phải chịu các hình thức phạt như nêu trên đây.

Nếu những người lao động tự do gây tai nạn giao thông thì sẽ bị phạt bằng cách cấm không được lưu trú tại địa bàn thành phố với bất kỳ lỗi vi phạm giao thông nào, đối với đội quân xe ôm gây tai nạn thì sẽ tịch thu xe máy và cấm không được hành nghề xe ôm.

Vì thời gian có hạn tôi không thể viết chi tiết hơn nhưng tôi cam đoan nếu áp dụng biện pháp tôi vừa nêu trên thì chắc chắn tình trạng giao thông sẽ ngay lập tức được cải thiện, ngoài ra còn phải tái đào tạo lại LL CSGT về việc xử lý các trường hợp vi phạm luật GT, hiện nay CSGT rất hay đứng ở giữa các con đường để bắt xe máy đi sai làn đường theo tôi trong giờ cao điểm hay thấp điểm đều là sai, có những nơi như Ngã Tư Hàng xanh, Cầu Điện Biên Phủ thuộc quận Bình Thạnh TPHCM, người ta cứ ngang nhiên đi ngược đường thì chẳng thấy CSGT nào đứng ở đó, trong khi đoạn giữa đường không có ai đi ngược chiều thì lại thấy CSGT đứng để chộp những người sơ ý đi sai làn đường, đây là một hành động đáng xấu hổ của CSGT, tình trạng đó cũng xảy ra với nhiều con đường, tuyến phố ở TPHCM hiện nay.

Xin nói thêm đây là biện pháp tôi nghĩ có thể thực hiện được, ngoài ra ngay bây giờ phải cấm không cho đăng ký thêm xe máy nữa, tiền phạt thu được sẽ góp vào dùng để xây dựng các cây cầu vượt, hầm cho người đi bộ, mở rộng các con đường tuyến phố vv...

Tên: Một bạn đọc

Rất cảm ơn TP đã có diễn đàn này. Nhiều điều cần phải nói ra thì mọi người đã và đang đề cập. Riêng tôi có điều này muốn TP chuyển đến Ông Bộ trưởng bộ GT và những người có trách nhiệm rằng:

Những số liệu về giảm TNGT trong thời gian qua đều là số liệu ảo vì các ngành CSGT và các địa phương thi nhau giấu đi số các vụ TNGT xảy ra trên địa phương mình vì bệnh thành tích.

Ở địa phương tôi có những vụ tai nạn chết 2 người, thậm chí 4 người nhưng vẫn bị giấu không báo lên. Là một người làm trong nghành CA nên tôi biết rõ điều này. Đã đến lúc cần nói không với bệnh thành tích trong nghành GT.

Tên: Một bạn đọc

Cần phải có 1 cuộc cách mạng về vấn đề giao thông ở Hà nội, hãy nhìn sang thủ đô các nước phát triển, bán kính thành phố của họ có thể lên tới 100Km, Hà Nội thì sao, tất cả tập chung vào một chỗ (bán kính 10KM), với mức tăng trưởng như hiện nay, thì càng ngày Hà Nội càng chật hẹp (đường nào cũng sẽ tắc).

Giãn thủ đô - sẽ là tất yếu, bởi tất cả chúng ta không thể cùng ở một chỗ chật hẹp như thế này được. Phương án này sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề nóng: nhà đất, giao thông......v..v..

Tên: Trung

Tôi đã đọc và rất cảm thông với bức xúc của rất nhiều bạn đọc về vấn đề tai nạn giao thông hiện nay. Chúng ta không thể đổ tại xe qua nhiều, đường hẹp..., chúng ta không thể cấm phương tiện tham gia giao thông hay xây dựng ngay những con đường mà ta hãy nhìn vào cách tham gia giao thông của chúng ta hiện nay.

Nếu chúng ta đi đúng làn đưòng, đúng tốc độ cho phép... thì liệu có tắc đường, có tạn nhiều như hiện nay. Tôi đã từng chứng kiến đồng chí cảnh sát giao thông có mặt tại điểm tắc còn không giải quyết nổi, qua đó thấy ý thức của chúng ta ra sao ?.

Thấy xe trước dừng lại là chen lấn sang phần đường dành cho phương đi ngược chiều hỏi như vậy thì các phương tiện đang đi ngược chiều đi bằng đường nào ? Tôi xin dành cầu trả lời cho những ai đã và đang tham gia điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Đến biển báo phía trước có trường học, làn đường dành cho người đi bộ qua đường... đã có bao nhiêu người điều khiển phương tiện có ý thức thực hiện quy định giảm tốc độ. .

Mặt khác cũng không thể không phê bình ý thức của những người khi không đi đúng làn đường dành cho người đi bộ khi qua đường. Hiện tượng này khá phổ biến. Như vậy chúng ta hãy xem lại chính mình trước khi đi tìm nguyên nhân khác gây lên bức tranh giao thông Việt Nam hiện nay.

Tên: Một bạn đọc

Bộ trưởng Bộ GTVT và GĐ Sở GTCC nên vào đây để đọc ý kiến của mọi người

Tôi chia sẻ với ý kiến của tất cả mọi người. Mong rằng các đơn vị chức năng, nhất là Bộ trưởng Bộ GTVT và Sở GTCC vào đây để đọc ý kiến của mọi người. Giao thông ở đô thị lớn còn rất manh mún, lộn xộn, chưa có quy hoạch bài bản gì.

Phần đường dành cho người đi bộ cần được tôn trọng hơn nữa, có thể bổ sung sửa đổi luật giao thông về việc này. Theo tôi cần có đèn dành riêng cho người đi bộ, khi đèn này bật xanh thì các phương tiện cơ giới khác đều dừng lại.

Ý thức của người đi bộ cũng rất kém. Nhiều người sang đường ở bất cứ chỗ nào, kể cả khi phần đường đó xe đang lưu thông theo tín hiệu đèn xanh (mà lẽ ra người đi bộ chỉ được sang khi đèn cho người đi bộ bật xanh và đèn cho phần đường vuông góc bật đỏ).

Ngoài ra Cảnh sát giao thông của ta còn mất quá nhiều thời gian về việc xử phạt tiền. Tôi để ý khi cảnh sát bắt được một xe thì tập trung vào xe đó, không chú ý gì đến tình hình giao thông ở nút giao thông đó nữa!

Các bến xe khách thì hết sức lộn xộn, điển hình là bến xe Giáp bát. Mặc dù mới lắp đèn tín hiệu ở khu vực trước bến xe nhưng các xe khách vẫn hiên ngang đỗ thành hàng 4-hàng 5 để đón khách, xe máy thường xuyên phải lách qua mới đi được. Tuyệt nhiên hiếm khi thấy CSGT xuất hiện ở nút giao thông này. Trước khi cụm đèn tín hiệu xuất hiện ở đây thì tình hình tồi tệ hơn rất nhiều.

Tên: Đức Tâm

Cần phải giải quyết từ gốc của vấn đề : dừng ngay sự phát triển của xe máy trước khi quá muộn

Trước tiên xin cảm ơn Tiền Phong đã một lần nữa đi đầu trong việc lên tiếng về một vấn nạn của xã hội để chúng ta cùng đóng góp. Cái chết của hai nhà khoa học như một giọt nước làm tràn cái ly về tình trạng tai nạn giao thông không chỉ ở các đô thị lớn mà hầu như hàng ngày vẫn xảy ra ở hầu hết mọi lúc mọi nơi trên đất nước Việt nam của chúng ta.

Xin đừng đổ lỗi cho ý thức của người tham gia giao thông cũng như các nhà quản lý đô thị, hoặc các nhà quản lý ngành giao thông khi mà cái nhìn chiến lược của chúng ta đã không đúng.

Đằng sau những con số về tăng trưởng kinh tế do thu được từ "công nghiệp" lắp ráp và "nội địa hoá" phụ tùng xe máy, từ thu thuế do kinh doanh xe máy thì chúng ta đang được đổi lấy một thực trạng là tai nạn giao thông do xe máy đang rất nghiêm trọng và bên cạnh đó cái "quỹ" phương tiện giao thông "mông muội" này càng ngày càng lớn dần lên và rồi không biết đến lúc nào, thế hệ nào chúng ta mới "thanh lý" được.

Điều đáng buồn là bên cạnh những hậu quả đau lòng do xe máy đang diễn ra hàng ngày thì chúng ta đang tự biến mình thành một thị trường tiêu thụ các loại sản phẩm xe máy rẻ tiền của Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Ý và thậm chí cả Trung Quốc.

Hơn thế nữa chúng ta còn đang muốn "nội địa" hoá và dần dần tự sản xuất được sản phẩm nguyên chiếc (!). Câu chuyện ý thức của người tham gia giao thông và trách nhiệm của người quản lý giao thông đô thị cũng như sự phát triển của hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của phát triển xã hội thực ra chỉ là cái "ngọn" của vấn đề.

Phải có cái nhìn sâu xa về bản chất của nó và qua đó các nhà hoạch định chính sách cũng phải có trách nhiệm và có cái nhìn xứng tầm chiến lược. Hãy dừng ngay sự phát triển của xe máy lại vì đã là khá muộn rồi.

Tên: Thắng

Sự buông xuôi của "chính sách xe máy đô thị"

Thủ phạm của 2 vụ tai nạn đau đớn trong vô kể tai nạn cùng thủ phạm tại các đô thị Việt nam, đặc biệt là Hà Nội và Tp HCM, vẫn là xe máy!

Tuy nhiên xe máy vẫn phải tồn tại, tồn tại dày đặc trong cơn quá độ của một nền kinh tế xã hội đang còn nghèo này. Và nó là nguồn tai nạn tiềm tàng, nguồn ô nhiễm không khí và âm thanh, và tạo nên nên một bức tranh đô thị vô cùng xấu xí của thế kỷ 21 mà chỉ có ở Việt nam.

Hãy nhìn vào các nhà mặt phố, những người tham gia giao thông ở Hà nội, họ và con em họ đang bị huỷ hoại sức khoẻ và tương lai bởi khí xả và tiếng ồn của những dòng thác xe máy.

Bởi vậy đã có 2 phía ý kiến của sự tồn tại hay không xe máy, phía phản đối vì nhìn thấy những hiểm hoạ trên, đã đưa ra những nỗ lực "trong quá khứ" như hạn chế xe ngoại tỉnh, dừng đăng ký, thậm chí có thể "buồn cười" như biển số chẵn lẻ.. thế nhưng đã bị phía "không quá phản đối xe máy" phủ nhận, phản đối thậm chí kịch liệt.

Và kết quả là phe "phản đối xe máy" đã thất bại trắng tay! những đề nghị chế ngự xe máy đã bị bác bỏ, chê cười, và đỉnh cao nhất là việc dỡ bỏ lệnh cấm đang ký xe nội thành.

Từ đây việc kiểm soát xe máy thành phố hoàn toàn buông xuôi, thả lỏng, nhường chỗ cho chiến thắng của các doanh nghiệp xe máy và những vệ tinh, của những " người dân nghèo" chưa được đi xe, cho các lao động cần công ăn việc làm...

Ngẫm lại, những sáng kiến " nực cười" kiểu biển số chẵn lẻ đâu có nực cười, bởi nó xuất phát từ những ý tưởng có tâm, chẳng qua bất cập bởi sự đánh đố kiếm tìm giải pháp trong điêù kiện tiến thoái lưỡng nan của một nền kinh tế xã hội đa số còn nghèo khiến cho họ không thể tìm được những biện pháp khả thi hơn.

Họ có phương án, dù không xuất sắc và khả thi cho lắm. Còn bạn thì sao? Những nhà môi trường đô thị và Chính sách môi trường đô thị VN ở đâu đây? Hay chúng ta phải chấp nhận một hy sinh cho giai đoạn quá độ?

Tên: Phạm Văn Trung

Mỗi một người dân ra đường là một cái ống xả khói !

Trước hết chúng ta chia buồn với gia đình họ về nỗi đau này. Thực ra đây là điều tất yếu phải xảy ra với một đất nước có chính sách hạn chế phát triển ô tô như Việt Nam. Ngay cả Lào, Cam pu chia ô tô trên đường phố của họ cũng nhiều hơn Việt Nam chưa nói tới những nước phát triển hơn.

Tại sao đường phố Việt Nam lại lúc nhúc xe máy đến vậy ? Nó gây những hậu quả gì ai cũng biết. Tiếng ồn, bụi, khói xăng vào những giờ tan tầm khiến môi trường ô nhiễm trầm trọng.

Mỗi một người dân ra đường là một cái ống xả khói. Chính sách hạn chế phát triển ô tô của Việt Nam là sai lầm vì nó làm gia tăng lượng xe máy trên đường vì xe máy là nguyên nhân gây tai nạn giao thông chủ yếu ở Việt Nam. Bao nhiêu người bị nhiễm những bệnh tai hại do hít phải khói bui xăng mà 10, 15 năm nữa sẽ phát bệnh.

Không những nó làm tăng tai nạn giao thông mà còn gây ảnh hưởng đên sức khoẻ cộng đồng ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội trong tương lai. Ô tô ở Việt Nam đắt nhất thế giới nơi thu nhập tính theo đầu người gần thấp nhất thế giới.

Có những ai có cổ phần ở những công ty liên doanh ô tô phải bị xử lý vì chính họ là những người cản trở cho việc tự do mở cửa trên thị trường ô tô ? Nhưng chính họ lại là những người làm ra các chính sách về ô tô ? Vậy thì còn lâu ô tô ở Việt Nam mới rẻ. Còn lâu ô nhiễm môi trường trầm trọng do khói bụi xăng xe máy mới giảm và đương nhiên còn lâu tai nạn giao thông mới giảm.

Chỉ có người tiêu dùng, các doanh nghiệp là móc túi mà mua ô tô dù rằng nó vừa đắt, chất lượng nó vừa kém so với nước ngoài. Chỉ có người dân là tiếp tục là nạn nhân của các vụ tai nạn giao thông...

Tên: Phạm Ngọc

Mong Bộ Trưởng hãy" sắn tay ngay" vì sự an bình của người dân và xã hội, đừng trù trừ nữa !

Thưa Toà soạn, mượn tạm diễn đàn này, tôi là một công dân Hà Nội cũng xin có đôi điều theo suy nghĩ cá nhân gửi tới Ông Bộ Trưởng Bộ GTVT về vấn nạn giao thông hiện nay.

Hàng ngày khi đọc báo và xem thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng tôi rất buồn vì thực trạng giao thông hiện nay của Việt Nam chúng ta rất tồi tệ. Tôi không có ý so sánh điều kiện Việt Nam với các nước khác về giao thông. Tôi rất chia sẻ với Cộng đồng vì điều kiện kinh tế của chúng ta còn nhiều khó khăn, để có thể ngay một lúc xây dựng một hệ thống giao thông ở Hà Nội hay bất cứ đâu một cách đồng bộ là cả một vấn đề liên quan đến kinh tế (khả năng đầu tư của Nhà nước), điều này mọi người dân chúng tôi đều rất hiểu và chia sẻ cùng Chính Phủ.

Hiện thực ai cũng thấy tình trạng lộn xộn và tai nạn giao thông chủ yếu do xe gắn máy gây ra. Theo tôi các nhà Quản lý Nhà nước cần phải nhìn nhận thực tế vấn đề này, đừng né tránh sự thật này và che đậy bằng cách làm yên lòng mọi người, cho rằng "xe máy đang là phương tiện hợp lý nhất cho xã hội hiện nay..!?" Có nhiều việc cần giải quyết, nhưng theo tôi có ba việc có thể làm được ngay và số đông người dân đều ủng hộ:

1. Đối với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nên quy định cấm xe gắn máy đi lại trong nhiều tuyến phố. Lúc đầu tôi nghĩ sẽ có nhiều người không đồng tình, nhưng cần tạo thói quen đi lại bằng xe buýt, Taxi, đi bộ hoặc xe đạp. Từ đây nhận rộng ra nhiều khu vực khác trong đô thị. Việc này nhiều nước đã làm dù chúng ta đã bị muộn, nhưng vẫn làm được.

2. Tăng phí sử dụng đường bộ trong khu vực đô thị lên cao đối với phương tiện xe gắn máy. Phạt hành chính thật nặng những ai vi phạm việc đậu, dừng xe máy, để xe trên vỉa hè, lòng đường sai quy định như đang áp dụng với ôtô.

3. Công khai các khoản đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông để mọi người dân hiểu và đóng góp ý kiến với Nhà Quản lý. Xây dựng cơ chế để trong vòng vài năm tập trung toàn bộ các khoản thu từ phạt hành chính do vi phạm Luật giao thông vào đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông; công khai cho nhân dân cùng biết.

Vài ý kiến lạm bàn của một công dân, rất mong gợi được điều gì đó cho các nhà quản lý và Ông Bộ Trưởng Bộ GTVT. Mong Bộ Trưởng hãy" sắn tay ngay" vì sự an bình của người dân và xã hội, đừng trù trừ nữa.

Tên: Ha My, ĐH Thuỷ Lợi

Sang đường quá nguy hiểm !

Tôi là người thường xuyên sử dụng phương tiên đi lại là xe buýt. Có một điều tôi quan sát thấy là : mỗi khi xuống xe buýt những người muốn sang đường quả thật gặp khó khăn. Sang đường chỗ vach vôi trắng dành cho người đi bộ các loại phương tiện khác cứ lao ầm ầm không giảm tốc độ nên rất nguy hiểm,nhiều đoạn tới được ngã tư có đèn đỏ phai chừng 500-700m.

Cá nhân tôi buộc phải chọn giải pháp an toàn hơn là chờ cho tới khi có vài người cùng sang thi đi với họ hoặc cùng lắm sang đường bằng cách thuê xe ôm một đoạn chứ quyết không đi bộ một mình qua đường,nhất là khi trời tối.

Tên: Tran Hung

Tại sao ta không xây những cầu vượt cho người đi bộ ?

Tôi thấy, bất cứ giao thông đô thị của một thành phố lớn nào đều có cầu vượt cho người đi bộ, nhưng ở nước ta đặc biệt là Hà nội, không có một cầu vượt nào cho người đi bộ. Ở những ngã ba ngã tư lớn, nếu không có cầu vượt thì người đi bộ qua đường rất khó khăn và nguy hiểm.

Như ở Thailand, mật độ giao thông lớn hơn ta rất nhiều, nhưng họ đều xây cầu qua đường. Hàng năm vốn ODA, và các nguồn tài trợ khác cho việc tăng cường năng lực giao thông rất nhiều, ta nên xem xét dành một phần cho việc xây cầu cho người đi bộ, tạo thói quen cho người đi bộ, cũng như những người tham gia giao thông có ý thức hơn.

Một biện pháp nữa là giáo dục ý thức người tham gia giao thông (người đi xe máy), đặc biệt là lớp trẻ, xử phạt nghiêm những trường hợp lạng lách, phóng nhanh vượt ẩu.

Tên: Tu Trung

Theo tôi, hiện nay tai nạn hầu hết là do người điều khiển phương tiện thiếu ý thức. Nhưng nhà nước thì chỉ "kêu gào" mọi người tự giác chứ chưa có hành động nào cụ thể để giải quyết. Nhà nước có một công cụ rất hữu hiệu mà không biết dùng. Đó là "Phạt". Phải phạt thật nặng các hành vi cố tình vi phạm luật giao thông. Không có tiền đóng phạt thì bắt đi lao động công ích.

Phạt một người mà để cho vạn người sợ thì mới có tác dụng. Dùng tiền phạt này để nuôi đội ngũ giữ gìn giao thông và trật tự. Còn nếu như chỉ hô hào suông, "trông chờ" vào ý thức của người tham gia giao thông thì 100 năm nữa cũng chẳng có gì thay đổi, nếu không muốn nói là còn kém đi. Hãy nhìn xã hội Singapore mà xem.

Chỉ có "Pay And Pay" mà trật tự xã hội mới được như bây giờ. Ngoài ra phải đưa luật giao thông vào làm môn học chính khóa trong nhà trường. Những môn thiết thực trong cuộc sống thì người ta "quên" dạy, còn những môn "cao siêu" thì dạy quá nhiều nên cuối cùng sau khi học xong thì không ai nhớ gì cả.

Tên: Pham Linh Anh

 Xe máy thì tiện lợi nhưng đáng sợ quá !

Thật đau lòng khi ngày nào cũng có trên dưới 30 người chết và hàng trăm người bị thương tật vì TNGT ! Trong đó có không ít những người có ích, rất cần cho gia đình và cho xã hội. Bây giờ ra đường thấy xe máy nhiều quá trời luôn, mà cứ giữa đường mà đi không chịu nhường đường, không chịu đi nép về bên phải. Lại còn các tật hay cướp đường nữa chứ. Có chỗ trống là lao vào, tạt ngang ngay đầu xe ô tô, xe khác bất chấp có an toàn hay không...nhất là ở Hà nội.

Theo tôi xe máy thì cần vì nó tiện lợi cho mọi người, nhưng tốc độ cao, nhanh thì hay gây ra tai nạn, chậm một tý có sao đâu, vẫn đi đến nơi về đến chốn mà. Vì vậy phải hạn chế tốc độ bằng cách:

Bắt buộc xe máy chỉ được sản xuất với tốc độ tối đa không quá 30 km/giờ, hộp số chỉ có 2 số thôi, một mạnh và một để đi đến tốc độ tối đa (trừ xe thể thao, xe chuyên dụng của Công An, Quân đội...). Những xe đã dùng rồi thì bắt buộc gỡ bỏ số 3,4,5... trở lên, chỉ được dùng số 1 và số 2 thôi.

Tôi tin chắc rằng, tuy có cực đoan nhưng sẽ ngay lập tức hạn chế được một phần tai nạn do xe máy gây ra. Đi chậm thì tai nạn nếu xẩy ra cũng không nặng lắm. Đi chậm mãi thì có người sẽ không dùng xe máy nữa mà đi xe buýt. Khi đó hãy bố trí xe buýt thật nhiều và hợp lý. Xin đóng góp một "tối kiến" với những người có trách nhiệm.

Tên: Bình Minh

Tôi thỉnh thoảng về Hà nội (một tháng khoảng 3 -4 lần). Nỗi sợ nhất khi tôi đi Hà nội là: Vấn đề giao thông ở Hà nội. Đô thị Hà nội không biết có "nghìn năm" hay "trăm" năm. Nhưng giao thông ở Hà nội là giao thông của khoảng 50 năm trước. Phố phường chật hẹp. Thời người ta làm ra phổ phường Hà nội (phố cổ) khi đó dân số Việt nam khoảng chừng hơn chục triệu người. 

Các nước tiên tiến khi qui hoạch thành phố những khu phố cổ người ta ít đụng đến mà người ta xây dựng phát triển đô thị ra ngoại thành và người ta qui hoạch giao thông đầy đủ có tầm nhìn xa trông rộng. Tỷ lệ đường giao thông trên diện tích khoảng 25 -30%.

Còn ở ta nhất là Hà nội cứ phá cũ xây mới không biết bao giờ mới hoàn thành. Nhìn hai bên bờ sông hồng bên cầu Chương dương thì biết ngay "tầm nhìn của các nhà quản lý" như thế nào. Đã có một thời kỳ dài nhà nước quản nhiều thứ trong đó có vấn đề cấp đất ở cho người dân. Nhà nước không cấp đát ở. Người dân có nhu cầu cấp bách thế là "tự xây dựng" không có qui hoạch gì hết. Sau này nhà nước hợp lý hoá cho.

Kết quả đường không ra đường. Ngõ không ra ngõ. Đầu cầu Long biên người Pháp xây dựng lối lên xuống rất khoa học. Đầu cầu Chương Dương loay hoay mãi mà xây dựng chưa đâu vào đâu. Lỗi về giao thông một phần do ý thức người dân. Lỗi lớn hơn là ở các nhà làm qui hoạch.

Tên: Hà Xuân Thông

Đã đến lúc cần xiết chặt kiểm soát giao thông đô thị

Thật đau lòng biết bao khi nghe tin hai nhà khoa học lớn thiệt mạng ở trên đường phố thủ đô Hà Nội. Vâng, không lúc nào như mấy ngày này nhiều người lại tỏ ra bức xúc với vấn đề vấn nạn và quốc nạn an toàn giao thông đến vậy.

Tôi đã đọc rất nhiều trên các loại thông tin và nghe rất nhiều ở khắp mọi nơi những ý kiến bức xúc, những lời tâm huyết và nhiều kế sách đề nghị lên mọi cấp chính quyền và bộ giao thông ra tay ngay để cứu vãn tình hình.

Chúng ta không muốn rằng nghe đến Việt nam mà cũng phải hãi hùng vì tai nạn giao thông.  Tôi đã học ở nhiều nước châu Âu và phương tây. Ngay cả 40-50 năm trước người ta còn nghèo hơn ta bây giờ rất nhiều nhưng tôi chưa thấy ở đâu giao thông đô thị lại bị buông lỏng quản lý như ở ta. Chưa ở đâu tôi thấy ý thức của người dân về đẩm bảo an toàn và tuân thủ các quy tắc, luật lệ an toàn giao thông như ở ta.

Lỗi đó có phải do lỗi của người tham gia giao thông hay lỗi của luật pháp và chế tài cũng như kiểm soát việc thực hành luật pháp. Tôi cho rằng lỗi của người tham gia giao thông chỉ là lỗi nhỏ. Lỗi chính là bộ máy và chế tài kiểm soát luật lệ. Luật lệ giao thông tôi nghĩ cũng đã có khá đầy đủ. thế nhưng tôi không thấy cảnh sát giao thông và trật tự giao thông làm việc ở trên đường ngoại trừ ở các chốt và một số ngã tư đường.

Và hình như cả cảnh sát giao thông cũng như trật tự giao thông tôi thấy cũng không nắm vững luật giao thông hay tuân thủ luật giao thông nữa. Tôi rất nhiều lần thấy trật tự giao thông đi dưới lòng đường phố. Còn người dân cứ thản nhiên băng qua đường ở những nơi không có vạch dành cho người đi bộ ngay trước mặt cảnh sát mà chẳng thấy anh ta nói gì chứ đừng nói là phạt.

Đường phố Hà nội thật là lộn xộn và chẳng thấy ai can thiệp. Tất cả các loại xe từ ôtô xe máy ,xe đạp đều chen lấn xô đẩy nhau ai cũng muốn đi lên trước không theo luồng đường nào cả. Nhất là khi có ùn tắc một tý thì trở thành ùn tắc nghiêm trọng ngay vì tất cả các loại xe đều tranh cướp vượt lên.

Gần rẽ bên trái cũng đi vào phần đường của xe rẽ phải hoặc đi thẳng., kể cả đó là những đường phố rộng. Về các phố ở trung tâm thành phố, phố cổ cũng như ở ngoài đâu đâu xe máy cũng được tự do.

Ở nhiều nước các phố chính như phố Hai Bà Trưng, Phố Trần Hưng Đạo, Lý thường Kiệt, Các phố cổ và phố Lý thái tổ, phố ở khu vực Ba đình người ta đều cấm xe máy, hạn chế xe hơi cá nhân kể cả xe tắc xi, cấm xe tải các loại và chỉ có xe buýt mới có quyền ra vào. Như vậy những ai muốn vào trong các phố đó đèu phải đi trên các xe công cộng(xe buýt, tàu điện ngầm, xe điện).

Như vậy kể cả những người có xe máy cá nhân sinh sống trong các khu phố đó cũng phải gửi xe của mình ở các bãi đỗ xe công cộng. Tôi cho rằng nếu thực hiện việc cấm xe máy trên các tuyến phố chính và đông người của Hà nội sẽ có nhiều cái lợi:

( i) sẽ có nhiều người dân không hào hứng việc mua xe máy nữa vì hạn chế đi lại ở những nơi hay phải đi đến (nhưng phải tăng dịch vụ vận chuyển công cộng đáo ứng nhu cầu của dân)

(ii) sẽ phần nào đỡ được việc giá đất đai ở khu vực này quá cao một cách vô lý

(iii) cảnh quan đô thị sẽ rất thông thoáng, văn minh và giữ được bền đẹp, không nhếch nhác Về mặt chế tài.

Tôi đề nghị cần có những mức phạt vi phạm cao hơn nhiều lần hiện nay và phải thực hiện thật nghiêm khắc. Tôi nhớ ở Balan những năm 80 của thế kỷ trước là lúc họ rất khó khăn nhưng họ phạt vi phạm giao thông rất nặng: ai đi xe buýt , tàu điện, tàu hoả trốn vé nếu bị phát hiện sẽ phạt gấp 600 lần tiền vé và chỉ được trả qua bưu điện trong vòng một tuần, nếu không trả trong tuần sang tuần thứ hai mức phạt sẽ tăng gấp đôi và tuần thứ 3 lại tăng gấp đôi so với tuần thứ 2. Cảnh sát chỉ nắm giữ chứng minh thư khi nào trả xong có giấy báo của ngân hàng cảnh sát sẽ gửi trả giấy tờ qua đường bưu điện. Nếu không có tiền nộp phạt sẽ phải đi lao động công ích để trừ. Không có một ngoại lệ nào.

Mong rằng các cấp chính quyền hãy bớt khen ngợi nhau và tập trung sức cho việc chấn chỉnh luật pháp và điều hành thi hành luật pháp để làm giảm tai nạn, đem lại cuộc sống bình yên cho mọi người.

Tên: Minh Tú

Cần phải hành động ngay!

Từ rất lâu rồi tôi đã muốn lên tiếng mà chưa có diễn đàn. Ngày ngày phải đi xe máy đi làm tôi chỉ ước sao nước mình sẽ có môt sự thay đổi về giao thông, để mỗi người dân khi tham gia giao thông cảm thấy an tâm hơn, vui vẻ hơn, không bi ức chế bởi bị người đi phía trước vô ý thức nhổ nước bọt thản nhiên vào mặt người đi sau, không phải nhìn những con chuột chết nát bét dưới lòng đường , không thấy cảnh một số người dân chỉ cần giữ sạch cửa nhà mình còn rác thì hất ra đường cho mọi người cùng hưởng, rồi xi con'' ị ''ngay trên hè khi xe cộ qua lai đông đúc chẳng cần biết đến ai, người đi bộ thì ngang nhiên băng qua đường bất kể lúc nào tuỳ thích, hàng rong , xe đẩy chở đầy hàng hoá lưu thông tự do, còi xe inh ỏi chỉ để tìm cách chen lên phía trước một cách vô ý thức, ô tô bây giờ cũng dàn hàng hai, hàng ba không chịu nhường nhau, làm đường tắc càng thêm tắc,các cháu hoc sinh cấp ba hầu hết đi hàng ba,hàng tư khi tan trường, một thực trạng buồn.

Trong khi chương trình an toàn giao thông trên TV lúc nào cũng mấy cô cậu người mẫu đối thoại với nhau như diễn, chẳng có tác động mấy tới người xem, chẳng lẽ hình ảnh Việt Nam lại thế sao, tôi mong mọi người hãy cùng lên tiếng và hành động, giáo dục ngay đối với từng người trong gia đình mình.

Tôi mong mỏi nhà nước sẽ có chiến lược phát triển giao thông cho phù hợp,có thể huy động các nguồn vốn làm hệ thống tàu điện ngầm mới giải quyết triệt để được tình trạng này và cho hình ảnh đep đẽ của Hà Nội ngày mai....

Tên: ducanh

Cảnh sát giao thông để làm gì? Tôi thấy cảnh sát giao thông ở việt nam chỉ biết có phạt thôi. Nếu cứ dùng hình thức phạt thật nặng thì cũng không giảm tình trạng phạm luật giao thông. Thậm chí CSGT còn ẩn nấp để rình bắt những đối tương phạm luật GT.

Người tham gia giao thông thì chưa có ý thức tự giác....Nhưng ở những nút GT có CSGT thì người tham gia giao thông chấp hành luật hơn. Vậy sao không tăng cường CSGT họ chỉ cần đứng ở các nút GT thì người tham gia GT chấp hành hơn. Nếu chỗ nào cũng có CSGT thì người tham gia GT ko phạm luật nữa, và ý thức của người tham gia GT sẽ hình thành dần và trở thành nếp sống.

Tên: Nguyễn Anh Tú

Về vấn đề đảm bảo an toàn giao thông của chúng ta hiện nay đang kém, theo tôi ngoài cơ sở hạ tầng đang rất kém so với khu vực còn do ý thức của phần lớn người tham gia giao thông kể cả của những người có học hành đến cả người dân lao động.

Với ý nghĩ luôn luôn muốn chen lấn vượt trước không đi theo luồng(cũng giống như mất trật tự khi đi mua vé tàu xe hoặc phải xếp hàng làm gì đó). Lực lương Cảnh sát giao thông chỉ biết lăm le để phạt, ít khi thấy các anh đứng hướng dẫn người tham gia giao thông đi cho đúng.

Tên: Nguyễn Khắc Xuân

Tôi nghĩ rằng còn một nguyên nhân nữa khiến giao thông đô thị hỗn loạn và nhiều tai nạn là từ cảnh sát giao thông. Tôi thấy cảnh sát giao thông chưa làm tròn trách nhiệm của mình.

Trên đường đi làm từ Hà Đông ra Hà Nội tôi thấy cảnh sát giao thông đứng rất nhiều tại các nút giao thông nhưng họ không hề làm việc. Họ chỉ đứng quan sát xem có xe nào vi phạm không để thổi phạt chứ không đứng ra điều khiển giao thông.

Rất nhiều xe đạp đi nghêng ngang trong phần đường dành cho xe máy ngay trước mặt cảnh sát giao thông nhưng họ chỉ đứng nhìn. Chỉ cần 3 chiếc xe đạp đi gần nhau trong phần đường dành cho xe cơ giới là có thể dẫn đến ùn tắc giao thông và gây nguy hiểm.

Ngoài ra, nhiều cảnh sát giao thông không chịu đứng ở nút giao thông mà đứng cách xa đó một đoạn để rình xem có xe nào vi phạm thì xông ra chặn bắt.

Nếu cảnh sát giao thông làm đúng trách nhiệm của mình, tức là đứng ra điều khiển giao thông thì chắc chắn tình trạng ùn tắc giao thông và vi phạm luật giao thông của người đi đường sẽ được giảm thiểu.

Tên: T H Bắc

Để an toàn giao thông theo tôi: 1. Cần phải phân rõ luồng giao thông như: đường có 03 luồng, thì xe máy chỉ được đi 02 luồng còn lại 01 luồng dành riêng cho Ôtô. 2. Giáo dục người tham gia giao thông nên đi trên đường đúng tốc độ được quy định để đảm bảo giao thông luông được thông suốt. 3. Tăng cường các biển báo đèn báo hiệu tại nhưng điểm có người qua đường. 5. Tất cả những người tham gia giao thông nếu trong 01 năm vi phạm lần thứ 3 về an toàn giao thông thì thu xe bán đấu giá xung công quỹ nhà nước. 6. Nên xử lý cả Bố Mẹ của người dưới 18 tuổi vi phạm giao thông. 7. Các tuyến đường có 02 luồng nên phân thành đường một chiều. 8. Giao cho Công An các phường rà soát những xe không đảm bảo an toàn, các đối tượng có hành vi đi xe ẩu. 9. Cần tăng cường Camera cảnh sát GT tại các tuyến đường thường xảy ra tai nạn giao thông, ách tắc, đua xe, trường học... 10. Nên xây dựng và cho lưu hành bằng lái xe điện tử.

Tên: Vương Anh Việt

Muốn giảm thiểu TNGT phải thay đổi ngay chính sách điều hành

Tai nạn GT xảy ra quá nhiều, muốn giảm thiểu thì phải có tư duy mới, cách làm mới từ các nhà quản lý, cần có những chính sách mới từ Chính phủ, sau đó là sự tự giác góp phần của mỗi người dân mới có thể cải thiện được tình hình. Riêng đối với Thủ đô HN xin góp ý:

- Hãy nhìn ra đô thị các nước xem họ làm thế nào và thật sự cầu thị học tập, vận dụng theo, đó là cách ngắn nhất, nhanh nhất mang lại hiệu quả cho đô thị nước ta. Vì nước nào cũng vậy, bắt đầu từ nghèo đi lên đều giống nhau cả.

- Đẩy nhanh việc xây dựng các khu đô thị mới, dứt khoát phải có đầy đủ các y/c dịch vụ kèm theo như: trường học, bệnh viện, công viên giải trí, các rạp hát-chiếu phim, các siêu thị, chợ... để giảm giao thông vào nội đô.

- Đầu tư mạnh vào xây dựng đường giao thông; và phải có lộ trình cụ thể việc phát triền GT công cộng: đường xe điện nổi, ngầm, xe buýt, tắc xi... nối trung tâm với các khu dân cư vệ tinh, nối thủ đô với các tỉnh lân cận, nhằm giảm dần các phương tiện cá nhân. Việc gì làm được ngay thì làm ngay, tránh bàn nhiều, thực hiện thì quá chậm, quá ì.

- Hạ nhanh giá bán xe ô tô trong vòng 1-2 năm xuống còn bằng 50 % giá hiện nay, cho các nhà SX ô tô giá rẻ đầu tư vào VN, nhằm khuyến khích nhiều ngưòi sử dụng phương tiện này.

- Không khuyến khích phát triển các cơ sở SX và lắp ráp xe máy để bán trong nước, nhằm kiềm chế, giảm nhanh lượng xe máy lưu thông công cộng.

- Có bổ sung ngay chế tài sử phạt nặng các lỗi GT, xử lý nghiêm các hành vi đua xe: bỏ tù, tịch thu xe, phạt khoản tiền lớn... đủ để cảnh tỉnh đối với các đối tượng này.

- Các chiến sĩ CSGT cần được quan tâm trang bị phương tiện, hưởng các CS theo đặc thù công việc. Phải xử phạt nghiêm minh các hành vi tiêu cực khi thi hành công vụ.

Tên: Nguyen Thu Trang

Thuc trang kinh hoang cua giao thong Ha Noi xin khong ban them nua. Nhung toi chỉ muon dat mot cau hoi, la vai tro cua cac canh sat giao thong o dau?

Nguoi dan thieu y thuc thi phai tim nhieu cach de tang them y thuc cho ho. Khong tu nguyen duoc thi phai có cach nhu cuong che bang nhung hinh thuc xu phat that nghiem minh. Thuc te thi canh sat giao thong chi co mat tai nhung nut giao thong lon, con hau het cac nut giao thong nho co den tin hieu thi chang co ai, nen den do cung mac, nguoi ta van lao qua am am, va ban than toi cung da nhieu lan thot tim vi xe may, mac du da qua duong dung theo tin hieu chi bao cua den giao thong.

Thiet nghi, moi nut giao thong nen co canh sat giao thong dung thuong truc. Va neu có vi pham phai phat thạt nang, chu cach phat cua ta hien nay chua du de nguoi dan so và tu nang cao y thuc cua minh.

Chua ke, da nhieu lan toi chung kien nguoi phạm luạt keo tay canh sat giao thong, dúi vao do mot cai gì khong ro, the la lai duoc di, lai con duoc anh canh sat tuoi cuoi bat tay, chuc may man?!....

Tên: Việt Hùng

Khẩn cấp cần cầu vượt cho người đi bộ

Tai nạn giao thông quả là khủng khiếp - các cơ quan hữu trách họp bàn nhiều nhưng chưa thấy có giải pháp hiệu quả. Việc theo tôi có làm thể làm ngay được là làm cầu vượt cho người đi bộ ở những nơi mà nhiều người đi bộ cần sang đường.

Có thể liệt kê một số ví dụ: cổng bệnh viện Bạch Mai, Tai Mũi Họng sang bên kia đường Giải Phóng, Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Phụ sản TW đường Tràng Thi, cổng đại học Sư phạm... Các nước mà tôi đã sống, học tập đều làm cầu vượt cho người bộ, song họ làm bằng sắt, thi công đơn giản - chứ không cần làm cầu bê tông hoặc đường hầm vừa tốn kém lại tốn không gian.

Thành phố Hà Nội nên dành ngân sách để làm ngay bằng việc dừng các công trình không hiệu quả, lãng phí và các công trình phải giải toả mặt bằng quá lớn. Mong sao giao thông của Việt Nam ta không còn là nỗi hãi hùng của mỗi cá nhân, gia đình.

Tên: Huyền Phương

Mong Chính phủ xem xét việc này như quốc nạn

Kính gửi toàn soạn, Tôi đã đọc những dòng bức xúc của bạn đọc với sự kiện 2 nhà khoa học lớn của ta và của bạn vừa bị tai nạn giao thông tại Tp Hà Nội. Nhưng thực tế này đã diễn ra qúa lâu rồi.

Đã có những đồng nghiệp của chúng tôi bị tai nạn như vậy, bị xe máy phóng nhanh vượt ẩu, đâm mất mạng khi đi tập thể dục buổi chiều về, hoặc đi thăm cháu về, hoặc đang trên đường đi đưa tiếp mời cưới đứa con trai đầu vvv...Thật là đau lòng, vừa mới găp anh, chị ấy, mà nay đã phải nói lời chia buồn thương tật hoặc lời viễn biệt...

Chắc chẳng có lời lẽ nào mô tả được cái cảm giác đau buồn đó, ai là người mình có thể kêu cứu đây, nạn nhân phải chịu cả, người thân của nạn nhân cùng chịu vậy.

Tôi nghĩ đã phải coi tai nạn giao thông ngày nay như bệnh dịch của xã hội, là quốc nạn ấy. Phải có chế tài phạt thật nặng những người vi phạm giao thông, phải đề ra chương trìng giáo dục người dân khi tham gia giao thông, phải có các biện pháp ngắn hạn và dài hạn về cơ sở hạ tầng để giúp cho giao thông thuận tiện.

Mong Chính phủ xem xét việc này như quốc nạn. Vì người làm ra của, chứ của không làm ra người được.

Tên: Một bạn đọc

Chuyện xe cộ đời nay

Chuyện xe cộ, ngày nay đang nghĩ tới loại xe sang trọng, đầy đủ tiện nghi, đi lại cho oai với thiên hạ, còn tai nạn vạ với ai thì người ấy chịu, cớ liên luỵ gì với tôi. Đành thế, mà ngậm miệng thật bực tức. Thử hỏi, có khi ngày mai ta lại "dính chấu" bởi xe cộ, vô ra nhà thương thì than ôi bao nỗi gian truân, vất vả.

Một chuyện xảy ra trên xa lộ đừng vội đổ tội cho ai, mỗi chuyện một vẻ, mỗi vụ một cách. Tôi thấy, bấy lâu nay đang phổ cập bằng lái xe mô tô, miễn học- thi, thi - học rồi cấp giấy phép lái xe, còn đi đúng luật hay không thì rủi ai nấy chịu.

Thử hỏi trong tài liệu học-thi, thi-học để lấy giấy phép lái xe mô tô có kiểm tra câu nào về việc sử dụng đèn xe hay không, qua trái qua phải, thậm chí ít câu kiểm tra thì dễ làm bài, miễn sao ta có giấy phép là tung hoành trên xa lộ.

Ý thức nào cũng bị luật pháp điều chỉnh. Tôi nghĩ: Hiện tại, nếu kiểm tra chạy mô tô trên sa bàn thì số người không hiểu sơ đẳng về luật chắc tới 80%. Vì thế, tai nạn xảy ra là lẽ bình thường./.

GS Tống Duy Thanh, ĐHQG Hà Nội

Hãi hùng khi qua đường ở Thủ Đô

Tôi đã lớn tuổi, không dám đi xe máy mà chuyển sang đi xe bus. Thật kinh hãi khi qua đường, ngay ở những nơi có đèn đỏ, đèn xanh.

Mặc dù thấy rõ đèn xanh cho phép người đi bộ qua đường nhưng khi đang qua đường vẫn thót tim vì xe máy cứ ào qua mặc dù phía của họ đèn đỏ đã bật rồi.

Xin mời các anh cảnh sát giao thông chịu khó đứng quan sát một lúc ở nút giao thông trước cửa Đại học Khoa học Tự nhiên và Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (phố Nguyễn Trãi).

Ở đây có đủ đèn tín hiệu cho đi và cho dừng, cho rẽ. Thế nhưng các "hung thần" xe máy vẫn cứ thường xuyên ào ào vượt đèn đỏ mà chẳng ai can thiệp.

Hàng ngày tôi đến dạy ở Trường vẫn hãi hùng khi qua đường và chỉ ước mong có được một anh cảnh sát giao thông đứng đây đôi lần xem sao.

Kính mong Tiền Phong lên tiếng mạnh hơn nữa để tránh những sự cố như đối với GS Papert, GSVS Nguyễn Văn Đạo và với mọi người Việt Nam khác, nhất là đối với những người già.

Tên: Tùng Nguyên

Giao thông ở Hà Nội, nỗi kinh hãi của nhiều người. Vậy là tôi ít nhiều có liên quan đến hai giáo sư bị tai nạn xe máy ở Hà Nội tuần qua. Tôi rất buồn và bần thần từ sáng đến giờ khi nghe tin thầy Đạo qua đời một cách oan ức.

Thầy dạy lớp tôi môn phương trình vi phân hơn ba chục năm trước ở Toán-Lý Đại học Bách Khoa Hà Nội, những bài giảng hấp dẫn và dễ hiểu. Tôi nhớ mãi câu chuyện của thầy về bài toán “điều khiển biến số lệch” (hai người đi đường cùng tránh nhau nhưng lại đụng vì không biết người kia tránh về bên nào).

Hai lần gần đây tôi gặp thầy là tháng 5 trong lễ kỷ niệm 100 năm Đại học Quốc gia Hà Nội và tháng 10 trong lễ kỷ niệm 50 năm Đại học Bách khoa Hà Nội. Ở những buổi gặp như vậy càng thấy rõ trong số các nhà khoa học hàng đầu của nước ta ở tuổi quanh 70, thầy Đạo là người còn rất khỏe và sung sức, luôn nhanh nhẹn và sắc sảo.

Thật đau xót và vô lý làm sao khi tai nạn xe máy lại cướp đi cuộc sống của nhà khoa học xuất sắc này của đất nước. Đêm đã khuya tôi không ngủ được, tưởng nhớ và cầu chúc thầy về cõi xa dù đau xót nhưng thanh thản, vì tất cả những gì thầy đã làm và cống hiến.

Vừa tham dự một hội nghị quốc tế ở Hà Nội đầu tuần trước, cuối tuần tôi quay lại Nhật để tham gia một hội nghị quốc tế khác và trình bày một báo cáo mời vào ngày thứ bảy trong đó dự kiến nói đến cuốn sách nổi tiếng của giáo sư Seymour Papert viết chung với Marvin Minsky năm 1969.

Tôi chưa gặp giáo sư Papert bao giờ, và không biết ông đến Hà Nội. Ngay trước khi tôi trình bày báo cáo thì nhận được email báo tin Papert bị tai nạn xe máy. Thật sốc quá. Tôi vẫn nói về công trình của Papert, lòng trĩu nặng nhưng không dám kể về tai nạn của ông trước rất nhiều nhà khoa học các nước.Vừa xấu hổ, vừa e ngại họ rỉ tai nhau và không ai muốn đến Việt Nam nữa.

Thật ra lo ngại này là thừa, vì tình trạng nguy hiểm của giao thông ở Việt Nam đã được những người khách nước ngoài loan truyền rộng rãi trên mạng, và ai trước khi đi Việt Nam cũng có thể đọc được thông tin này.

Nhiều năm qua, tôi luôn dẫn các nhà khoa học nước ngoài đến Việt Nam làm việc. Không rõ mọi người ở nhà có biết không, theo trao đổi của tôi, ấn tượng sâu đậm nhất, nhớ lâu nhất của hầu hết mọi khách nước ngoài khi đến Việt Nam không phải là phong cảnh đẹp hay lòng hiếu khách của chúng ta, mà chính là tình trạng giao thông kinh hoàng ở Việt Nam.

Một tình trạng giao thông không có tôn trọng luật lệ, không có kiểm soát nghiêm ngặt, không đủ đèn hiệu và đèn hiệu nhiều vô lý, ... Một tình trạng giao thông luôn tiềm ẩn hiểm họa cho người trên đường. Một lần trên ôtô vào Đại học Khoa học Tự nhiên, tôi đang trấn an cho ông giáo sư trong dòng xe cộ là tai nạn ít xảy ra lắm, thì một ôtô khác đã đâm xe máy ngay phía trước.

Một tối một thanh niên đi xe máy chạm phải taxi chúng tôi, đuổi theo đấm rầm rầm vào cửa chửi bới dọa đánh tài xế làm hai vợ chồng ông giáo sư sợ xanh mặt. Và mới hơn tuần đây thôi, trên đường Điện Biên Phủ, vừa trấn an một đồng nghiệp đến Hà Nội lần đầu là xe máy ở Hà Nội chạy chậm nên cũng an toàn, thì rầm hai xe đâm nhau ngay trước mặt.

Xin đề nghị tăng cường hơn nữa việc giáo dục luật và ý thức của người tham gia giao thông. Đề nghị bớt các chương trình vui chơi giải trí trên truyền hình để tăng chương trình về an toàn giao thông.

Đề nghị khắc phục các điều còn vô lý trong tổ chức giao thông. Đề nghị xử phạt nghiêm khắc hơn nữa những vi phạm an toàn giao thông. Những kẻ cố tình sai phạm nghiêm trọng (đua xe, lạng lách, vượt đèn đỏ, ...) cần phải bị cấm lái xe vĩnh viễn, bị bắt đi lao động cải tạo, bị trừng phạt thích đáng.

Chúng ta đã và sẽ còn mất rất nhiều nếu tình trạng an toàn giao thông nhức nhối này không được thay đổi.

Tên: Trần Anh Tuấn

Học và cấp bằng xe máy quá dễ dãi và không thực tế

Tôi đã đi nhiều nước trên thế giới. Không đâu thấy xe máy khủng khiếp như Hà nội, T.P. Hồ Chi Minh và các thành phố lớn khác cũng như dọc đường quốc lộ.

Nguyên nhân chủ yếu là do người điều khiển xe máy không tuân thủ luật lệ giao thông. Điều này chắc ai cũng biết. Nhưng nguyên do tại sao thì ít ai nêu tận gốc.

Đó là: việc học và cấp bằng xe máy quá dễ dãi và không thực tế. Chỉ cần hai buổi: một buổi học luật, một buổi thi thực hành, thế là đưọc cấp bằng. Buổi học luật khoảng 2 giờ 30 phú thì làm sao mà người ta nhớ được luật và biển báo. Buổi thi thực hành,thì kiểm tra chỉ là đi số 8. Chắc là để kiểm tra khả năng lạng lách mà thôi.

Bản chất phải là: phải học thuộc luật, và kiểm tra thực hành luật khi tham giao giao thông. Nhưng các sở giao thông công chính hình như chỉ cốt tổ chức học để thu tiền. Còn người học, thì biết chắc chắn mình nộp tiền thì có bằng.

Nếu còn tình trạng như vậy thì tai nạn giao thông chẳng bao giờ giảm. Còn một vài nguyên nhân nữa, nhưng nguyên nhân của mọi nguyên nhân là ở chỗ phải thay đổi tư duy về thi cử cấp bằng lái của BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI.

Tên: Nguyễn Quyết Thắng

Nỗi đau mất người thân vì TNGT

Nghe tin GS Nguyễn Văn Đạo từ trần ở tuổi 70 khi đi bộ bị xe máy tông phải ngay trên đường Hà Nội, Tôi bàng hoàng và thật khó diễn tả cảm xúc: Người chấp hành đúng quy định nhưng cũng không tránh khỏi tử thần khi xã hội còn những kẻ không tôn trong quy định và luật pháp.

Tôi nghĩ đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước phải có những hành động cụ thể để giảm thiểu tai nạn giao thông, không thể chỉ hô hào trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc phát động phong trào theo các thời đoạn rồi lại để tình trạng như cũ.

Kẻ gây ra TNGT và gia đình họ chỉ xin lỗi và xin bồi thường, nhưng mạng người không thể tính bằng tiền và gia đình người bị hại cũng không nỡ lòng nào đề nghị truy tố họ! Nhưng nỗi đau thì còn mãi.

Hàng năm, ngành Giao thông thu bao nhiêu tiền từ phí thông qua giá xăng dầu và từ phí cầu đường và sử dụng nguồn tiền này vào các công trình nào có tác dụng tích cực để giảm thiểu TNGT, đề nghị công khai trước toàn dân để đóng góp ý kiến về sử dụng nguồn tiền này.

Tên: Pham Sy tien

Có vạch cũng như không !

Tại Hà Nội cũng như ở Việt Nam nói chung, chúng ta cũng kẻ vach cho người đi bộ sang đường, nhưng tôi thấy hầu như không ai chú ý về ý nghĩa của phần đường này.

Ở các nước, nơi cho người đi bộ đi sang đường, họ kẻ các vạch đậm màu trắng, nhiều vạch dọc theo tim đường. Tại đó, nếu không phải là nơi có đèn tín hiệu, bao giờ người đi bộ cũng được ưu tiên. Bất kỳ trường hợp nào các phương tiện giao thông đều phải chờ người đi bộ.

Nếu để xảy ra tai nạn cho người đi bộ tại nơi đó thì người điều khiển phương tiện giao thông chắc chắn sẽ bị xử phạt rất nặng. Tôi nhận thấy ngay cả cảnh sát và người quản lý giao thông tạo ra các quy định này cũng không hiểu về sự ưu tiên tại chỗ đó, và người đi bộ càng không hiểu, và thế là có vạch nhưng như không!

Ngoài ra, đề nghị cảnh sát giao thông phải chú ý nhắc nhở khách bộ hành khi sang đường. Có lẽ mới chỉ có một trường hợp xử lý người đi bộ tại TPHCM, ở các nơi khác hầu như cảnh sát giao thông chỉ chú ý đến ô tô hoặc xe máy, người đi bộ muốn đi thế nào, sang đường ở đâu, nhảy qua rào chắn cũng không sao.

Cảnh sát giao thông chú ý toàn diện thì chắc tai nạn giao thông sẽ đỡ hơn. Xin quý Toà báo phản ảnh cho cac cơ quan liên quan.. Trân trọng  

Tên: Nguyễn Việt Hà

Không khó, chị sợ không muốn làm!

Kính thưa toà soạn, Kính thưa ông Bộ trưởng Bộ Giao thông !

Trước đây, tình hình vi phạm an toàn giao thông còn nghiêm trọng hơn nhiều, nhưng được Chính phủ chú ý tới, quyết tâm cải thiện, nay tuy đã khá hơn nhưng vẫn còn quá nhiều bất cập, mà những vụ gây tai nạn cho những giáo sư hàng đầu thế giới của Mỹ và Việt nam gần đây là một ví dụ. 

Nếu Chính phủ tiếp tục quan tâm, Bộ Giao thông có quyết tâm lập lại kỷ cương phép nước về giao thông thì không có gì khó. Có thể tổ chức lấy ý kiến đóng góp của toàn dân, hoặc cử người đi học mấy láng giềng của ta như Singapore, Đài Loan, Nhật Bản.

Kinh phí ư? Hãy xin học Hồng Kông, bán đấu giá biển số ô tô xe máy, thu tiền từ người vi phạm cũng thu đủ tiền cho những việc như vậy (đừng để các bác công an giao thông ăn hối lộ thu lợi cá nhân như báo chí vừa nêu).

Tôi rất bức xúc với vấn nạn giao thông của Việt nam và mong muốn góp phần cải thiện tình hình. Và, nếu Báo Tiền Phong hay bất kỳ báo nào khác đứng lên tổ chức cuộc thi, lấy ý kiến đóng góp những biện pháp tăng cường an toàn giao thông, tôi tin cũng sẽ thành công.

Tôi sẽ viết thư tới Bộ trưởng Bộ giao thông để đóng góp những ý kiến của mình. Xin cảm ơn!

Tên: Thanh Nam

Nên mở chuyên mục "Nếu tôi là Bộ trưởng Bộ giao thông"

Có nhiều nghuyên nhân nhưng theo tôi có hai nguyên nhân chủ yếu của tình trạng giao thông lộn xộn ở nước ta:

- Một là ý thức người dân quá kém

- Hai là trình độ quản lý của các cơ quan có trách nhiệm quá tồi. Chừng nào mà các vị Bộ trưởng còn trả lời vòng vo trước quốc hội, khi đó tình trạng này sẽ chẳng được cải thiện. Các vị chỉ ngồi xe hơi đời mới nên chắc cũng chẳng lo nhiều.

Một người bạn Hàn Quốc bảo tôi: ở Việt nam không tuân thủ đèn xanh đèn đỏ. Ngẫm thấy buồn. Tôi nghĩ quý báo nên mở chuyên mục "Nếu tôi là Bộ trưởng Bộ giao thông" để tập hợp ý kiến hay của nhiều người để chung tay giải quyết vấn nạn này.

Tên: Hoàng Quý

Cần điều chỉnh lại thời gian của đèn tín hiệu giao thông

Được tin GSVS Nguyễn Văn Đạo qua đời vì tai nạn giao thông và đọc bài "Hãi hùng khi qua đường ở thủ đô" tôi thấy tai nạn giao thông ở thủ đô do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng theo quan sát của tôi mỗi khi qua các ngả đường có đèn tín hiệu thì thấy rằng thời gian đèn xanh dành cho người đi bộ qua đường quá ngắn không đủ, ngay cả cho người trai trẻ đi nhanh chứ cho người già thì họ lại càng bất lực không thể nào vượt được cho dù có cố gắng hết sức.

Mặt khác thời gian dành cho người đi bộ lại cũng chính là thời gian cho xe cơ giới rẽ trái hay rẻ phải giao cắt với người đi bộ, vì vậy người đi bộ rất dễ dàng bị các loại xe cơ giới đụng phải.

Do vậy tôi đề nghị các cơ quan liên quan cần nghiên cứu điều chỉnh tăng thời gian đèn xanh dành cho người đi bộ. Trong thời gian này các phương tiện khác không được phép vượt qua trước mặt hay bên sườn.

Bản thân tôi nhiều khi đi bộ qua đường cảm thấy rất bất bình vì không thể nào có đủ thời gian vượt qua lại còn không thể nào tránh được các phương tiện cơ giới đang lao qua trước mặt mình.

Tên: Trinh Thu Hang

Hay bao dong ve van nan giao thong. Nhu o nuoc ta khong dau co!

Toi khong cung nganh voi G/su Nguyen Van Dao, nhung toi vo cung dau buon truoc cai chet cua ong vi tai nan giao thong! (bi xe may dam). Chi bi xe may dam ma lam mat di cua tat ca chung ta mot nha khoa hoc lon.

Roi may ong bac hoc My va nuoc ngoai cung bi xe may dam. That khung khiep! Co the nuoc ta se la nuoc chiem ky luc ve mat an toan giao thong. Xe may la thanh phan gay mat an toan giao thong nhat. Va tinh trang khong ton trong luat giao thong so dang cua tat ca chung ta, khong o dau tren the gioi nay co ca!

Xin hay bao dong chung tat ca moi nguoi!

Tên: Nguyễn Hoàng Bảo Vũ

Tôi thật sự bàng hoàng khi biết tin vị giáo sư nổi tiếng thế giới về CNTT vừa gặp tai nạn tại Việt Nam. Tôi thiết nghĩ mãi mãi câu: An toàn là bạn/ Tai nạn là thù cần phải được người dân Việt Nam thuộc nằm lòng hệt như: Công cha như núi Thái Sơn /Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra vậy.

Việt Nam đang từng bước từng bước hội nhập với thế giới. Hãy thể hiện cái văn minh, văn hóa của mình bằng những việc nhỏ nhất là tuân thủ luật pháp rồi hãy nghĩ đến việc làm những điều to tát hơn. Hãy đừng vì cái tôi của mình mà tự diệt mình và làm phương hại người khác.

Tên: nguyen may

Theo tôi vấn đề này phải xử lý cho thật nghiêm túc để nhằm giáo dục và răn đe cho những người sử dụng phương tiện xe máy khi tham gia giao thông phải biét học luật và chấp hành đúng theo luật để tránh gây ra những cảnh TNGT thương tâm như vậy

Tên: Song Tòan

Trong khi các nước hạn chế phương tiện xe máy vì nó quá nguy hiểm, thì chúng ta lại đi quảng cáo nhan nhản cho lọai phương tiện này (và hạn chế xe Ô tô bằng thuế má ) khi mỗi sáng thức dậy nghe câu : Tôi đã yêu Việt nam... ( không yêu sao được khi chúng ta tiêu thụ xe honda của họ nhất thế giới mà ). 

Tên: Nam Tuan

Xin đừng đổ lỗi toàn bộ cho "ý thức người dân"

Xin ngỏ lời chia buồn sâu sắc đến gia đình Giáo sư Nguyễn Văn Đạo và GS Papert đang trong tình trạng nguy kịch . Thực sự ở Hà Nội bây giờ, các nút giao thông với hệ thống đèn xanh đỏ hiện đại rất đắt tiền được nhập ngoại , tốn tiền tỉ , nhưng cách tổ chức sử dụng chúng quá kém cỏi. Xin nêu mấy ví dụ:

1. Ngã tư Phan Bội Châu cắt Hai Bà Trưng: Đèn xanh bật cho xe cộ và người đi bộ đi hướng thẳng Phan Bội Châu cắt Hai Bà Trưng ,đồng thời cũng cho phép dòng xe từ hướng Cửa Nam, rẽ trái sang Hai Bà Trưng .

Như vậy, người đi bộ không thể vượt qua được dòng xe máy rẽ trái vô cùng hùng hậu đó , dù có chạy cũng không kịp ... mà đợi dòng xe đó chạy qua hết thì đã hết đèn xanh . Thực sự mỗi lần qua đó , dù là người trẻ khỏe cũng bó tay ... chưa nói người già !

2. Ngã Tư Điện Biên Phủ cắt Trần Phú (Vườn hoa Lê Nin) : khi đèn xanh cho phép đi chiều từ Bảo tàng quân đội xuống hướng Cửa Nam , người điều khiển xe máy và ô tô muốn rẽ trái sang đường Trần Phú hoàn toàn không biết quặt vào đâu, vì hàng xe máy đang đợi đèn đỏ trên mặt đường Trần Phú đã chắn ngang toàn bộ mặt đường này .

Nút giao thông này cũng là nơi tôi hàng ngày đi qua hầu như lúc nào cũng chứng kiến rất nhiều người bị phạt vì mắc lỗi giao thông, chắc chắn không phải đó là những người thiếu ý thức giao thông , mà vì họ là những người ở xa đến , không thể "đối phó" được với cách phân chia luồng giao thông vô cùng bất tiện và phi lý như vậy ở nút giao lộ này .

Thực tình tôi là người Hà Nội gốc, ngày nào cũng đi làm qua nút GT này mà cho đến bây giờ tôi vẫn không thể hình dung được mình phải vượt nút GT này thế nào mới là đúng luật và luôn có cảm giác mình đi phạm luật , không biết rẽ vào đâu cho phải !

Tôi xin hỏi : Như vậy , trong những trường hợp thế này lỗi do người dân hay do cơ quan tổ chức phân luồng giao thông ở đây ?

3. Sự buông lỏng quản lý các vỉa hè cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tắc đường . VÍ dụ: Đoạn đường Hàng Bông và ngõ ẩm thực Hàng Bông (ngõ Cấm Chỉ) : các hàng ăn vỉa hè ở ngõ ẩm thực nay đã lan ra toàn bộ mặt phố chính Hàng Bông cho tới hiệu Kem Hòa Bình . Nếu ai từng 1 lần đi qua con phố có vỉa hè tương đối rộng này sẽ thấy : rất khó lòng luồn lách qua vỉa hè vào buổi tối vì : theo tôi được biết , chính quyền địa phương  "cho phép" các hàng ăn quán cóc mở vô tư , chiếm dụng toàn bộ vỉa hè , đồng thời với đội quân xe ôm trấn giữa toàn bộ lòng đường góc ngõ Hàng Bông này .

Người đi bộ không còn cách nào khác là phải đi xuống lòng đường và như vậy chuyện tai nạn xảy ra trên tuyến phố đông đúc này không xảy ra mới là chuyện lạ ! Công An phường chỉ đuổi các hàng quán vỉa hè này lúc 11h (khi người qua đường đã vãn ) . Câu hỏi đặt ra: tại sao chính quyền địa phương không cấm tiệt cả ngày hành vi lấn chiếm vỉa hè của các quán ăn nọ ?

Trên đây chỉ là vài ví dụ nhỏ về cách quản lý đường xá , vỉa hè của 1 số nơi , gây bức xúc lớn cho dân cư chúng tôi nhiều năm ... không biết đến bao giờ các cơ quan hữu trách mới giải quyết "giúp" cho người dân, để tránh xảy ra những tai nạn đau thương nhìn thấy trước như đã xảy ra với hai nhà khoa học trên ?

Và cũng xin đừng đổ lỗi toàn bộ cho "ý thức người dân" một cách chung chung, tôi cho rằng, các cơ quan hữu trách liên quan đến giao thông HN cũng cần nhìn lại trách nhiệm của mình trong sự bê bối của giao thông HN hiện nay !

Tên: Hoàng Văn Trung

Xây dựng ý thức cho người đi đường

Thật đáng tiếc khi chúng ta mất đi một vị giáo sư nổi tiếng (GS Đạo) và đánh mất đi cái nhìn về sự ổn định và an toàn khi GS người Mỹ cũng gặp tai nạn giao thông. Tại sao vậy? Đó là câu hỏi đặt ra cho chúng ta khi mà TNGT ngày càng gia tăng.

Cá nhân tôi khi tham gia giao thông nhận thấy một số điều có thể chúng ta cần bàn luận: đó là ý thức của người tham gia giao thông. Là một sinh viên, còn ít tuổi nhưng khi đi đường, tôi cảm thấy rất bất bình về ý thức của những ngưòi tham gia giao thông.

Không chỉ có những người thuộc lớp trẻ ngỗ ngược, kém ý thức, mà ngay cả những người thuộc bậc trung niên, những ngưòi lớn tuổi, những người đã đi làm, là công chức ( một số không nhiều cũng không ít).

Khi đi qua các ngã tư. Hễ không thấy bóng CA GT là có thể hiên ngang vựơt đèn đỏ mà không cần để ý đến những người già đang đi bộ qua đường. Tại những nút điểm giao thông hay bị tắc đường, khi bị tắc, cả những người trẻ, người trung niên, cán bộ.. đều cố "len" lên để kiếm cho mình một đường đi mà không để ý đến mình đã lấn chiếm sang phần đường bên kia. Đã tắc càng tắc thêm.

Nhìn những bậc cha chú như vậy thì làm sao lớp trẻ noi gương được. Thử hỏi, khi tham gia giao thông mà ý thức " chỉ bằng con kiến " như vậy thì Hà Nội đến bao giờ mới hết tắc đường, bao giờ mới hết những tai nạn đáng tiếc.

Hãy phát động phong trào xây dựng ý thức ngưòi tham gia giao thông để thay đổi ý thức của những người ích kỷ- Phải tôn trọng nhau khi tham gia giao thông. Nhường một phút để có thể đi nhanh hơn 10 phút mỗi khi tắc đường.

Tên: Nguyễn Đình Thép, PH.D Mathematics MIT

Tôi là người được đón GS Saymour Pepert tại sân bay Nội bài, với tư cách là học trò của GS tại học viện MIT, từ hôm xảy ra tai nạn đến nay tuôi luôn thấy rằng nếu những người tham gia giao thông tôn trọng luật lệ hơn và chúng tôi quan tâm đến GS hơn thì không xảy ra tai nạn trên.

Lớp học đó là:" Digital technologies and Mathematics Teaching and Learning" Tôi cầu chúc cho GS tai qua nạn khỏi với tấm lòng của người học trò và cũng là người được nghe bài nói chuyện của GS tại Đại Học Bách Khoa Hà Nội.

Tên: Đồng Thị Bông

Ý kiến đóng góp về vấn đề giao thông ở Hà Nội

Gần đây, tôi thấy tai nạn giao thông ở Hà Nội có vẻ gia tăng. Đi trên đường liên tục thấy những vụ tai nạn xảy ra. Một lần tôi thấy 1 chiếc xe máy đâm thẳng vào 1 người đi bộ sang đường, người này sang đường không đúng phần đường dành cho người đi bộ, hình như là sinh viên đi tắt sang để đón xe buýt (Đoạn gần trường Cao đẳng Sư Phạm mẫu giáo Trung Ương) làm người này ngất xỉu tại chỗ (do đầu đập xuống đường).

Một lần tôi thấy 1 người bị tai nạn và chết tại chỗ trên đường Láng Hòa Lạc (gần ngã tư rẽ vào đường 70). Nhiều lần tôi còn thấy chính người lái xe tự đâm vào cột mốc và tự ngã trên đường do phóng quá nhanh và vượt ẩu.

Có rất nhiều lần, tôi sang đường tại những phần đường dành cho người đi bộ, thì các phương tiện tham gia giao thông cũng lao ầm ầm, suýt đâm vào tôi. Hình như mọi người đi chỉ biết "lao vun vút, phóng vùn vụt", chẳng để ý gì cả, như thế rất nguy hiểm.

Ngay cả bản thân rất cẩn thận cũng rất lo nguy cơ tai nạn xảy ra. Có 1 vụ tai nạn xảy ra, người đi đường lại hay xúm đông xúm đỏ lại gây ách tắc giao thông, mọi người đứng ở đó chỉ để "xem"!

Ý thức của một số người tham gia giao thông rất kém, làm tai nạn gia tăng. Thêm nữa là hệ thống đường xá kém chất lượng và đan chéo nhau, gây khó khăn cho việc đi lại.

Tên: Quy

Phai lam cau vuot cho nguoi di bo

Tat ca cac quoc gia deu co cau vuot cho nguoi di bo khi sang duong o cac tuyen pho dong duc. Cac cay cau nay thuong duoc xay dung o cac nga tu de xe dap va nguoi di bo co the di qua duong. Chi phi cho nhung cay cau nay khong lon. De nghi cac cap chinh quyen cua Hanoi phai nghien cua tinh kha thi cua nhung cay cau nay.

Tên: Nguyễn Hoà Bình

Chúng ta nói rất nhiều đến tai nạn giao thông, đặc biệt do xe máy gây ra nhưng gần như không có cách nào giải quyết. Trong khi có thể giải quyết rất đơn giản, và thật ra là muốn làm triệt để hay không. Tôi có ý kiến như sau :

1. Chúng ta cần làm như mọi nước văn minh, đơn giản là khu vực được coi là trung tâm của đô thị thì tuyệt đối không cho mọi phương tiện cơ giới cũng như xe đạp lưu thông. Trừ sau 12h đêm, có giấy phép đặc biệt, và phải có sự giám sát của cảnh sát giao thông mới được lưu hành. Tất nhiên, chúng ta không cấm các xe công vụ đặc biệt như cứu thương, cứu hoả,v.v.và lộ trình của một số tuyến xe buýt, tính toán sao cho dân cư, cũng như khách vãng lai có thể di chuyển thuận tiện qua các đường cắt theo trục Đông- Tây, hoặc Nam - Bắc...

Cụ thể, quanh khu vực phố cổ các xe cơ giới không được hoạt động. Khi mọi người không thể đi lại bằng xe máy qua trung tâm,- ngoại trừ vòng ra các đường vành đai,- buộc mua đường, thì đương nhiên, chúng ta hạn chế gần như tuyệt đối số lượng người dùng xe máy di chuyển trong thành phố.

Tăng số lượng đường dành cho người đi bộ, chúng ta không những hạn chế tai nạn giao thông mà còn được nhiều ích lợi khác : làm mỹ quan thành phố đẹp hơn, hạn chế sự ô nhiễm, và có điều kiện vận động nhiều hơn(do phải đi bộ) đến các điểm đỗ xe buýt.

2. Cũng như ở các nước khác, những chỗ người đi bộ đi qua, chúng ta phải có những đèn báo hiệu cần thiết và nghiêm cấm xe cơ giới đi quá tốc độ 15km/h trước các vạch người đi bộ đi cắt qua mỗi chiều tối thiểu 50 m, và thường xuyên có cảnh sát giao thông hoặc máy đo tốc độ lắp đặt chỗ đó, và phạt tiền, thậm chí thu phương tiện(nếu vi phạm nhiều lần).

3. Tại những điểm cắt của các luồng giao thông chính, chúng ta cần hoặc có cầu vượt hoặc hầm cho người đi bộ, ít ra điều này có thể học Trung Quốc,- ngay Nam ninh thôi, chứ không cần đi xa khi chúng ta từ ga đi ra phố chính.

4. Bố trí lại cho hợp lý các khu vực công sở của Nhà nước, và Hà nội, theo hướng tập trung lại một chỗ và thuận tiện nhất cho giao thông. Vì chính lực lượng viên chức này sử dụng và kêu ca nhiều nhất về việc đi lại. Do đó, chúng ta đã đến lúc cần nghĩ đến các nhà công vụ, chứ không phải nhà tập thể xưa. Tại đó, khi chúng ta còn làm việc có thể đưa gia đình đến ở nhưng khi hết thời hạn công tác thì sẽ không được ở đó.

Việc xây các chung cư cao tầng hiện đại chắc không khó làm với các Bộ và các sở, sau nữa chúng ta cần làm mọi người quen với những qui định pháp luật trong việc trả lại nhà cho cơ quan khi anh không còn nhiệm vụ ở nhiệm sở. Các khu vực đó, đều tổ chức cung cấp dịch vụ như ăn uống, học tập, vui chơi,...hợp lý trong mỗi cụm cơ quan.

Từ chỗ đó, chính chúng ta cũng buộc được nhân viên Nhà nước mẫn cán hơn và có ý thức cao hơn về giờ làm việc và hiệu quả làm việc, nếu không muốn buộc phải di dời khỏi cơ quan do bị kỷ luật.

 5. Cũng đã đến lúc chúng ta cần có qui hoạch lại về các trường đại học ở Hà nội tương tự các công sở. Nên chăng làm như Sài gòn cũ : hình thành Làng đại học khu vực Thủ Đức, còn Hà nội, chúng ta sẽ di chuyển về một phía ngoại ô nào đó.

Tên: Lê Nguyễn

Chuyện khách bộ hành qua đường ở TP HCM cũng đâu hơn gì

Hình như các cơ quan chức năng ở nước ta chỉ chịu "giật mình" khi có sự cố nghiêm trọng xảy ra. Bởi thế, tôi cũng hy vọng lần này ,sau 2 vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra với 2 vị giáo sư nổi tiếng , các vị có trách nhiệm với ngành giao thông chịu khó lắng nghe nỗi lòng của những người đi bộ chúng tôi.

1/ Thời gian và vạch dành cho người đi bộ cần được bố trí hợp lý.

2/ Không nên cho phép xe 2 bánh được phép lưu thông tại các ngã ba khi có đèn đỏ, vì xe 2 bánh ở nước ta quá nhiều và vì được cho phép nên chạy bạt mạng, nguy cơ của người đi bộ vì thế rất cao.

3/ Nghiêm cấm xe 2 bánh chạy vào làn xe ô tô, vì khi chạy trong làn này thì xe 2 bánh vẫn tận dụng quy định "được phép" chạy khi có đèn đỏ tại các ngã ba (điển hình là tại ngã ba Trường Chinh - Phạm Văn Bạch , TP HCM).

4/ Bằng mọi cách trả lại lề đường cho người đi bộ, chính quyền địa phương không được thu thuế để chấp nhận sự tồn tại những người kinh doanh trên vỉa hè .

5/ Nâng cao nhận thức của CSGT và người dân về quyền và nghĩa vụ của người đi bộ.

Tên: Kim Ke

An toàn giao thông-SOS!

Đã đến lúc các nhà chức trách cần có một kế hoạch khẩn cấp cải tổ mạng lưới giao thông tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Tôi cho rằng với tốc độ phát triển như hiện nay, thì chỉ trong vài năm tới đường phố Hà Nội không thể lưu thông trong giờ cao điểm được nữa. Tuy vậy, vẫn chưa thấy có một giải pháp triệt để nào được các nhà chức trách đưa ra.

Chẳng phải học đâu xa, cũng chẳng phải nghiên cứu gì cho phức tạp, tốn tiền, hãy nhìn các nước láng giềng trong khu vực như Thái Lan, Malaysia,...mà học tập kinh nghiệm.

Tên: Trân Công Chất

Tai nạn giao thông ở nước ta hiện nay thực sự là vấn nạn, để làm giảm taị nạn thì không chỉ chính phủ mà cả nguời dân tham gia giao thông cùng phải thực hiện , chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ an toàn khi tham gia giao thông.

Theo tôi để tránh những tai nạn đáng tiếc đã xảy ra với người đi bộ thì nhà nước nên có những quy định cụ thể , xử phạt thật nghiêm đối với người đi bộ khi tham gia giao thông.

Nên có những hướng dẫn cụ thể để nâng cao ý thức của mọi tầng lớp nhân dân. Ngoài ra trên các đường phố lớn nên làm các cầu vượt dành riêng cho người đi bộ khi qua đường.

Ở những nơi có đèn chỉ dẫn thì đèn báo dừng cho ngưòi đi bộ nên dừng trứơc khi có đèn báo cho phép các phưong tiện cơ giới được đi, vì tôi thấy khi đèn đỏ báo cho người đi bộ bật lên thì cũng là lúc đèn xanh trên đưòng bật sáng , như vậy thì những người cao tuổi không thể chạy đua kịp với xe cơ giới.  

Tên: Đỗ Hoàng Hải

Tôi là một người mới hơn 30 tuổi nhưng đã đi xe máy được khoảng 13.000 Km đường trường vì công tác và học tập, đi cả đường rừng và đường ở đô thị gặp rất nhiều tai nạn thương tâm nhưng có lẽ điều mà tôi rút ra cho bản thân để tránh rủi do là "Về nhì" trong những lần tránh nhau trên đường quốc lộ, có lần tôi phải đi xuống cả rãnh nước để tránh ô tô, xe máy đi ngược chiều.

Phải nói rằng ý thức của những người tham gia giao thông là quá kém, mức xử phạt những người vi phạm là rất thấp nên những người tham gia giao thông không cảm thấy sợ.

Ví dụ nếu không đội mũ Bảo hiểm nếu phạt khoảng 300.000 đ/lượt vi phạm thì sẽ không cần phải nhắc nhiều như thế mà cứ lên xe là họ sẽ mang mũ ngay.

Bây giờ tôi thấy học sinh được bố, mẹ cho đi xe máy đi học là rất nhiều, theo tôi nếu có đủ bằng chứng như ảnh chụp thì không cần phải bắt quả tang mới phạt mà cứ có người cung cấp bí mật và rõ nét là phạt thì sẽ giảm phần nào tai nạn giao thông, không mất mát lớn về con người như đối với GS Đạo và nhiều người khác. Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình Giáo sư Đạo

Tên: Vũ Hoàng Phương

Tình trạng giao thông của Hà Nội thật đáng sợ

Là một độc giả thường xuyên của Tiền phong, tôi rất buồn khi đọc tin trên báo về tai nạn đối với hai nhà khoa học nổi tiếng. Tôi đồng tình với nhận định của báo nêu và những ý kiến phản hồi của bạn đọc, có lẽ không đâu trên thế giới lại có tình trạng mất an toàn giao thông như ở Việt Nam ta với hơn 30 người tử vong mỗi ngày vì TNGT, thật kinh khủng.

Hàng ngày từ nhà đến nơi làm việc tôi phải đi trên đoạn đường hơn 10 km và đã chứng kiến nhiều vụ vi phạm luật giao thông và TNGT xẩy ra. Ý thức tham gia giao thông và chấp hành luật giao thông của chúng ta quá kém.

Chỉ đợi có 3 phút tại ngã tư chờ đèn đỏ mà rất nhiều người điều khiển xe máy vẫn ào qua dẫn đến các luồng phương tiện đan chéo vào nhau. Tại các nút giao thông vào giờ cao điểm, nhiều khi chỉ cần nhường đường trong giây lát cho xe ô tô vượt qua ngã tư là cả một đoàn người và xe được giải phóng mà xe máy vẫn cố chen lên lấn ô tô gây tắc đường kéo dài.

Rồi vì phóng nhanh , lấn đường mà ô tô chen đường của xe thô sơ. Tôi đã tận mắt thấy nhiều trường hợp ô tô trọng tải lớn vượt sát bên xe đạp của các cháu học sinh đi học, chỉ cần không vững tay lái trong tích tắc là các cháu bị cuốn vào bánh sau của xe. Thật đáng sợ khi đi trên đường phố !

Tôi rất đồng tình với ý kiến của một bạn đọc đã viết trên báo, trước khi làm được điều gì đó to tát hơn, chúng ta hãy thực hiện cho được những cái tối thiểu, đó là thực hiện đúng luật đã quy định, đó chính là chúng ta tôn trọng và bảo vệ bản thân.

Tên: Đặng Thu Trang

Hãy làm gương cho chúng tôi noi theo

Qua hai vụ tai nạn của hai vị giáo sư tôi thấy rất bức xúc. Tôi thấy rằng không những người dân tham gia giao thông không tuân thủ luật lệ giao thông mà ngay cả các quan chức nhà nước cũng không chấp hành.

Một buổi sáng tôi ra chờ xe buýt ở trước cổng trường ĐH QG tôi đã nhìn thấy một chiếc xe con đỗ rất lâu ngay ở bên cạnh đường không cho đậu xe và còn đỗ vào chỗ dành cho người đi bộ sang đường, mọi người đi từ chợ Dịch Vọng ra sang đường đều phải vòng ra giữa đường sau đó mới đi vào phần được phần đường dành cho người đi bộ. Mặt khác lại là xe biển "Xanh mang biển số 80B..." trong xe có một người lái xe và sếp của anh ta nữa, đang chờ ai đó.

Tôi thấy bất bình quá nên tôi đã cố tình ra hiệu cho anh lái xe rằng tôi muốn sang đường thì mãi anh ta mới tiến xe lên một chút qua chỗ dành cho người đi bộ.

Tôi nghĩ rằng một vị quan chức nhà nước đã có xe riêng đưa đón như vậy thì chức vụ cũng khá quan trọng rồi, và cả anh lái xe nữa đã học đủ luật rồi mà sao vẫn vô tình không để ý, càng những người như vậy thì càng cần phải để ý tuân thủ luật dù là những luật dơn giản nhất để cho người dân như chúng tôi noi gương theo chứ.

Tên: Phan Manh

Tôi thấy giao thông tại Hà Nội rất lộn xộn không như thủ đô các nước khác. ví dụ như Bắc Kinh chẳng hạn, họ quy hoạch đường rất tốt và có kế hoạch rõ ràng trong khi đó Việt Nam chúng ta làm rất tạm bợ.

Mặt khác ý thức người dân thì kém, CSGT thường ra quân khoảng 15 ngày để giữ trật tự nhưng sau đó đâu lại vào đấy. Do đó cần có biện pháp xử phạt nặng những người có hành vi lạng lách, đánh võng, phóng nhanh và những CSGT thiếu vô tư, khách quan có biểu hiện tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ

Tên: Lê Hà

Tôi thấy hệ thống giao thông của chúng ta quá yếu kém cả về mặt cơ sở hạ tầng lẫn người quản lý, lực lượng công an nếu có ra quân thì cũng như tình trạng bắt cóc bỏ đĩa vậy, xong một chiến dịch lại đâu vào đấy.

Tại sao chúng ta không thể duy trì tình hình an toàn thành một nếp sống văn minh ? có rất nhiều cách lý giải nhưng chúng ta thử xem qua một vài cách hành xử của lực lượng công an giao thông thì sẽ có câu trả lời thật đơn giản.

Đó là khi bắt được người vi phạm giao thông công an có thật sự xử nghiêm hay không ? có một số còn phần lớn công an một là xử thật nhẹ với hoá đơn vài chục ngàn đồng, còn số khác công an chỉ tìm cách để người vi phạm đi ngay với một phong bì 50 ngàn hoặc một trăm là xong.

Thậm chí ai phải đi xe tuyến bắc nam thì biết các bác tài xế thường cứ khi thấy lực lượng công an tuýt còi là chạy tới chạy lui trong quyển sách có kẹp chỉ là 20 ngàn hoặc hơn, xong xuôi họ nhảy lên xe đi ngay.

Chuyện như vậy ai cũng đều biết và đã hàng bao nhiêu năm nay nhưng vẫn nghiễm nhiên công khai như vậy. Vậy thử hỏi pháp luật còn tính nghiêm minh không ? Cho nên dân tình ngày càng tỏ ra "nhờn "với luật.

Do vậy để hình thành nếp văn minh trong dân thì phải chấn chỉnh trước ngay trong lực lượng công an đã, sau đó với có thể nói đến ý thức của người dân. Đó chỉ là một trong những suy nghĩ của không chỉ tôi mà còn là của nhiều người, nếu chúng ta thực sự muốn làm không có gì là chúng ta không làm được. Chỉ còn là quyết tâm của những người quản lý mà thôi.

Tên: Nguyễn Hồng Thuý

Sinh viên Việt Nam chấp hành luật lệ giao thông như thế nào?

Khi đọc được tin TNGT của hai vi giáo sư nổi tiếng tôi rất buồn. Vấn đề ATGT ở thủ đô đúng là rât cần phải lên tiếng. Nhưng theo tôi quan sát trên đường phố thì thấy rằng một thế hệ trẻ, thế hệ tương lai của đất nước, các bạn sinh viên lại là một lực lượng tương đối lớn không chấp hành luật giao thông.

Trên đường rõ ràng đã có phần đường dành cho người đi bộ, nhưng họ không đi, họ lại đi cũng ở khoảng cách gần đó một đoạn nhưng không đi vào phần đường cho mình. Tôi nghĩ rằng vấn đề dù ai cũng biết nhưng lại không làm theo, nên các đoàn cơ sở của các trường đại học, cao đẳng, trung học hãy mở cuộc vận một cách mạnh mẽ tới tận các chi đoàn về  chấp hành luật lệ giao thông.

Tôi còn thấy buồn hơn nữa khi một bạn SV năm thứ 3 Trường ĐHSP Hà Nội nói rằng:" Em không biết ý nghĩa của một biển báo giao thông nào cả, em tham gia giao thông thi thấy mọi người đi thế nào em cũng đi thế".

Tên: Đức Lợi

Tai nạn giao thông VN - thử nhìn sang các nước láng giềng

Từ 2 vụ tai nạn giao thông điển hình cho rất nhiều vụ tai nạn trong ngày, trong tháng cho 2 vị GS nổi tiếng chúng ta hãy cùng nhìn nhận về bức tranh giao thông của VN.

Tôi biết hàng năm Nhà nước bỏ ra khá nhiều tiền cho các ngành có liên qua đi học tập khảo sát các nước các nước tiên tiến để về áp dụng vào nước ta nhưng tình trạng giao thông đâu vẫn hoàn đó ...

Vâng, thời gian qua tôi thấy có nhiều bất cập,có những vấn đề tưởng chừng như không phải học mà mình lại tiêu vào đó quá nhiều tiền:đường đã chật chội tưởng rằng phải mở thêm thì lại đi "đắp lươn đắp chạch" (ngã tư Bạch Mai-Lê Thanh Nghị), đường đang đi thẳng lại tạo cua để rộng chỗ này dồn nút ở chỗ khác (nút Đại Cồ Việt-đầu Lê Đại Hành), sắm mấy chiếc đèn đếm ngược thì cái trắng cái đỏ và cái thì số quá nhỏ như chỉ để mà có và để thách thức người tham gia giao thông ( nút Giải Phóng-Kim Liên)...và còn nhiều vấn đề khác nữa.

Và nữa tôi nghĩ rằng những chiếc xe máy quá tiện dụng đối với tất cả mọi người trong đó có cả tôi, nhưng với các nước khác thì sao họ không nhận ra sự tiện dụng của xe máy như chúng ta ? Hay vì họ chấp nhận hy sinh cho những tương lai cao xa hơn trong đó ít nhất có phương án hạn chế xe gắn máy...

Nói thì như vậy nhưng để làm được quả là thật khó bởi vì ít nhất có một lần chúng ta định hạn chế mà không thành và rất nhiều các vị đại biểu Quốc hội của chúng ta cũng không đồng tình để đến nay riêng HN 1 ngày ít nhất cũng 600-800 chiếc xe máy mới được đăng ký, nếu tôi là nhà hoạch định chính sách thì chắc điều đầu tiên tôi sẽ làm là xin từ chức...

Tên: Đặng Khắc Mạnh

Thời gian gần đây Thành phố Hà Nội đã có nhiều nỗ lực đầu tư mở rộng các nút giao thông trọng điểm trong thành phố, cho nên một số nút giao thông đã giải quyết được tình trạng ách tắc.

Là một người dân sống gần nút giao thông Ngã tư Vọng tôi thấy còn nhiều bất cập trong quá trình triển khai và thực hiện dự án này.Việc giải toả mặt bằng để xây dựng mở rộng ngã tư được tiến hành từ tháng 6 năm 2004 nhưng cho đến nay chỉ mỗi công việc là mở rộng ngã tư, san gạt, là các hạng mục hạ tầng mà vẫn chưa xong.

Mặt khác khi xây dựng cầu vượt nhằm để phân luồng và dãn mật độ giao thông, nhưng mục đích này cũng không đạt hiệu quả cao. Tôi không hiểu vì lý do thiết kế trước đây hay thiết kế bổ sung sau này mà hầu hết phần gầm cầu lại cho rào quây nhằm để phục vụ lợi ích khác, nên thời gian gần đây phần gầm cầu tạo thành" cổ chai" nên luôn xảy ra tắc nghẽn giao thông cục bộ.

Là một người dân sống gần đó hàng ngày luôn phải chứng kiến cảnh ách tắc vô lý đó. Tôi có một số ý kiến đóng góp như sau : Ngã tư Vọng cần tạo các đường vòng cua càng rộng càng tốt, để rộng khu vực gầm cầu, không khai thác gầm cầu để sử dụng vào mục đích khác.

Tên: Nguyễn Mai

Không có đường hầm đi bộ thì còn nhiều tai nạn giao thông

Qua tai nạn của 2 vị GS một "tây" một "ta" khi đi bộ ngang qua các ngã tư vừa qua, chúng ta thấy rõ hơn thực trạng việc quy hoạch các đường hầm đi bộ tại các nút giao thông ở Hà Nội là rất yếu kém.

Cứ như thế này sẽ còn nhiều người chết oan khi đi bộ ngang qua đường. Tôi không hiểu tại sao ở Hà Nội có rất nhiều ngã tư mà về mặt địa lý, về diện tích, về vị trí... bắt buộc phải có đường hầm mà người ta vẫn không xây, người đi bộ cứ băng "ngang", ô tô, xe máy cứ đi "dọc" một cách rất vô tư như không có gì xẩy ra, mà những chỗ này thường tập trung nhưng nơi đông đúc như trường học, bệnh viện....

Tôi chỉ lấy 2 ví dụ bắt buộc phải xây đường hầm : 1. Cổng trường Đại học Sư phạm I. 2. Cổng trường Đại học Thương mại. Hai vị GS nọ có thể đã không bị tai nạn nếu tại các tuyến phố họ đi qua có đường hầm cho người đi bộ. Vê lâu dài chính quyền TP Hà Nội cần có quy hoạch tổng thể về xây dựng các đường hầm đi bộ, hãy nhìn ra Thủ đô các nước để học tập....

Tên: Đỗ Thành Đạt

Cần xem xét lại đường cho người đi bộ qua đường

Tôi và nhiều người rất bức xúc vấn đề này từ rất lâu rồi, bây giờ lại thêm chuyện 2 giáo sư như thế. Có lẽ hàng ngày cũng có rất nhiều người qua đường bị như thế nhưng họ chỉ là người dân bình thường nên không ai để ý.

Chỉ đến khi 2 giáo sư nổi tiếng bị tai nạn thì mới làm mọi người quan tâm mà thôi. Bản thân tôi cũng rất sợ sang đường dù tôi là nguời Việt Nam, sống ở Việt Nam từ bé. Nhưng tôi vẫn rất sợ sang đường. Hy vọng sau chuyện này, các cơ quan chức năng sẽ có chấn chỉnh để không còn các trường hợp đáng tiếc xảy ra

Tên: Hoang Minh Ngoc

Đánh giá sơ bộ, có thể thấy: - CSGT chưa xử lý nghiêm trường hợp người đi bộ và xe máy đi ẩu. Tập trung chú ý bắt lỗi ô tô - vốn ít gây tai nạn trong nội thị. - Tổ chức giao thông hợp lý cho người đi bộ: vỉa hè phẳng và đủ rộng, chỉ có thể sang đường tại một số điểm, làm cầu vượt bộ hành đơn giản. - Có biện pháp tuyên truyền bản đảm ATGT hiệu quả hơn hiện nay.

Tên: Thiện Đao

Phải xử nghiêm kẻ vi phạm luật giao thông

Đã từ lâu chúng ta buông lỏng việc xử lý vi phạm giao thông ở nội đô. Ý thức của người tham gia thì quá kém. Nào là phóng nhanh, vượt ẩu, nào là vượt đèn đỏ, nào là lắp còi có âm lượng quá mức cho phép.. và ...

Theo tôi các cấp, các cơ quan chức năng và trước hết các phương tiện thông tin đại chúng cần vào cuộc để chấn chỉnh lại trật tự giao thông. Hãy xử lý thật nghiêm những vi phạm cho dù người đó là ai.

Sắp tới là các ngày nghỉ Tết dương, âm lịch sau Tết là hội hè. Nếu tình hình vi phạm luật giao thông không được chấm chỉnh thì còn nhiều cái chết oan nghiệt còn xảy ra. Hình ảnh một nước VN sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn đối với du khách nước ngoài và giới đầu tư nước ngoài.

Tên: Nguyen Minh Truong

Theo em thì cái quan trọng không hoàn toàn là phải thay đổi luật, hay nghiên cứu luật, mà là chính những người tham gia giao thông chấp hành luật hay không.

Em cũng không dám bình luận nhiều, nhưng những gì em thấy trong vòng gần 2 tháng ở Pháp cho em thấy giao thông ở VN đúng là nguy hiểm thật.

Ví dụ, ở Pháp, nếu như người đi bộ đi sang đường đúng phần đường, đúng lúc đèn xanh, thì tất cả cách phương tiện khác kể cả phương tiện đèn xanh rẽ phải đều phải dừng lại cách khoảng 5 m để người đi bộ sang đường hẳn rồi mới đi tiếp.

Kể cả khi người đi bộ có ý nhường, người đi xe cơ giới vẫn ra hiệu cho người đi bộ đi trước. Rõ ràng với việc làm đấy giảm thiểu tai nạn cho người đi bộ. Ngoài ra, ở các ngă tư không có đèn tín hiệu hay ở các vòng xoay, khi xe từ đường không ưu tiên đi ra đều phải dừng lại trước vạch ở ngã tư, người điều khiểu phải nhìn hai phía thật kĩ, nếu không có phương tiện nào có khả năng đi tới thì mới tiếp tục đi tiếp.

Còn ở Việt Nam hình như không có cái quy tắc ấy. Vẫn biết đất nước còn nghèo, cơ sở vật chất điều khiển giao thông còn lạc hậu, nhưng nếu người tham gia giao thông đều tuân theo luật thì chẳng bao giờ, chính xác hơn sẽ giảm đáng kể tai nạn giao thông.

Mà về ý thức thì cần giáo dục ngay trẻ em, từ lớp 1. Ngoài ra em cũng ủng hộ phạt thật nặng những người không tuân thủ luật. Chỉ cần ta kiên quyết thực hiện chắc là không có gì khó khăn cả. Nhân đây em cũng xin gửi lời chia buồn với gia đình thầy Nguyễn Văn Đạo.

Tên: Tran Huu Hoang

Kinh thua qui bao. Van de tai nan giao thong va chay den do qua nhieu tai VN nguyen nhan van la su giao duc ve van hoa - Toi nhan thay o Hoa Ky - du la ve dem khuya - khong co xe co tren cac nga tu - Toi van cho cho khi co den xanh. Tran trong kinh chao Tran Huu Hoang - California

Tên: LE Hung

Sau khi đọc hai bài báo về tai nạn giao thông của hai vị giáo sư, một của Việt Nam, một của Mỹ, tôi thiết nghĩ chúng ta cần phải có báo động đỏ về ý thức chấp hành luật giao thông của người dân thủ đô nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Theo tôi, để ngăn chặn và hạ thấp tỷ lệ tai nạn giao thông, chúng ta cần phải hạn chế mật độ phương tiện lưu thông trên đường, sử phạt nghiêm và nặng những truờng hợp vi phạm, điều quan trọng nhấtvà lâu dài là nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của người tham gia giao thông.

Chúng ta có thể thực hiện được bằng việc nâng cao việc học, sát hạch và cấp bằng lái xe. Tôi nhận thấy việc cấp giấy phép lái xe máy, xe ô tô của chúng ta còn quá dễ dàng và buông lỏng.

Đây có thể coi là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự lộn xộn trong giao thông hay nói đúng hơn là không có văn minh khi tham gia giao thông.

Tôi lấy ví dụ ở Pháp, khi đèn tín hiệu cho người đi bộ bật sáng hay người đi bộ đi đúng phần đường dành cho mình, tất cả mọi phương tiện, kể cả xe đạp, đều dành quyền ưu tiên cho họ. Hay như phần đường dành cho xe buýt (dùng chung cho cả xe đạp và xe máy), mặc dù tắc đường nhưng không một xe ô tô nào đi vào.

Tại sao vậy? Ở Pháp, để có được bằng lái xe, trung bình mỗi người mất khoảng 4 tháng học lý thuyết và thực hành lái. Kỳ thi lý thuyết và thực hành được thực hiện rất gắt gao. Những người thi đậu bằng lái ngay lần đầu tiên chỉ vào khoảng 50 phần trăm.

Sau khi có bằng lái, họ giữ gìn rất cẩn thận bằng việc chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông bởi việc xử phạt vi phạm luật giao thông rất nghiêm và nặng. Bằng lái bên Pháp tính bằng điểm (cả ô tô và xe máy), người mới có bằng lái được 6 điểm, sau mỗi năm mà không vi phạm luật được cộng 3 điểm và điểm tối đa là 12. Bạn có thể lấy lại mỗi 2 điểm đã mất bằng việc lái xe an toàn trong hai năm và qua khóa học và thực hành trong vòng 3 tháng.

Tôi xin nêu ví dụ về xử phạt tại Pháp: nếu bạn vi phạm vượt đèn đỏ, sẽ bị phạt 95 euro và bằng lái bị trừ đi ít nhất là 4 điểm. Nếu bạn bị phát hiện nồng độ cồn trong máu cao hơn cho phép, bạn sẽ bị trừ 6 điểm. Nếu bạn lái xe quá tốc độ cho phép trong vòng 10km/h, bạn sẽ bị trừ 1 điểm và bị phạt 90 euro; với vi phạm cao hơn sẽ bị phạt nặng hơn và có thể bị thu giấy phép lái xe, ra tòa và bị cấm lái xe một năm hay nhiều hơn tùy mức độ vi phạm.

Khi lái xe ô tô, bạn không thắt dây an toàn sẽ bị phạt 135 euro. Khi đi xe máy, bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm... Chính vì như vậy, bạn sẽ cảm thấy thực sự an toàn mỗi khi ra dường.

Tất nhiên, mỗi nước, mỗi quốc gia có tình trạng giao thông khác nhau..., nhưng tất cả đều có điểm giống nhau là ai cũng có tinh thần, thái độ và trách nhiệm của người tham gia giao thông và người điều hành giao thông.

Nếu tin thần và trách nhiệm của người tham gia giao thông cũng như người điều hành giao thông được nâng cao, giao thông sẽ an toàn và có trật tự hơn, tai nạn giao thông sẽ giảm đi rất nhiều.

Ở nước ta, chính việc buông lỏng quản lý và thiếu tinh thần trách nhiệm của những người điều khiển giao thông đã dẫn đến tình trạng giao thông hỗn loạn như hiện nay.

Tôi nhận thấy, cứ khi có tháng an toàn giao thông, số lượng người và phương tiện vi phạm tăng cao đột biến. Để rồi khi kết thúc, mọi việc sẽ lại đi vào quỹ đạo bình thường trong 11 tháng còn lại của năm để đợi tháng an toàn giao thông của năm sau, và mọi thứ... sẽ lại như cũ.

Tên: Lê Ngọc Dũng

Tôi hết sức xúc động và bàng hoàng khi đọc được tin về tai nạn thương tâm của hai nhà khoa học Việt Nam và Mỹ. Tôi xin gửi tới gia đình GS VS Nguyễn Văn Đạo lời chia buồn chân thành nhất. Tôi cũng mong GS của trường MIT vượt qua cái "hạn" này.

Hà Nội ngày càng đông đúc nhưng đường giao thông lại có hạn. Cảnh hỗn loạn trên đường phố diễn ra thường xuyên, bài học hai con dê qua cầu từ thủa vỡ lòng được minh họa tại đường phố Hà Nội hàng ngày và tại nhiều nút giao thông trọng điểm.

Tôi muốn nhấn mạnh một hiện tượng, nguyên nhân góp phần vào tình trạng giao thông Việt Nam đó là việc thiết kế, quy hoạch đường phố và các nút giao thông của ngành Giao thông Công trình. Nếu ai thường xuyên đi qua nút GT Đại Cồ Việt, Phố Huế, Trần Khát Chân, Bạch Mai, Mai Hắc Đế, sẽ không khỏi bực mình khi ngành GTCT đã thay đổi giải phân cách không biết bao nhiêu lần, tốn bao nhiêu là tiền NSNN, của cải của nhân dân.

Sau một hồi xây, đập, xây, đập, giờ đây nút giao thông này lại trở về nguyên trạng như khi chưa bắt đầu cải tạo giao thông. Đây chỉ là một ví dụ của rất nhiều ví dụ rất hiện hữu trên Hà Nội. Chúng ta hãy theo dõi diễn biến của nút giao thông gầm cầu vượt Ngã Tư Vọng.....

Câu hỏi đặt ra là chúng ta cải tạo, xây dựng, nâng cấp với mục tiêu là gì. Mục tiêu này có đo được không, có nhìn thấy được không. Nếu không, thậm chí còn tệ hơn, điều đó sao không thấy cơ quan chức năng giải quyết và quan tâm. Chúng ta hãy làm một điều gì đó thật cụ thể và hiệu quả.

Tên: nguyen van

Theo toi, that ra la hai hung khi qua duong o tat ca thanh pho lon trong VN. Van de khong phai la co du thoi gian de chuyen den tu mau nay sang mau khac, ma la y thuc cua nguoi dan con rat kem, coi thuong sinh mang cua nguoi khac, va khong ton trong phap luat.

Dat nuoc muon tro thanh van minh thi phai hoc loi song cho van minh. Ton trong sinh mang nguoi khac va bao ve sinh mang cua chinh minh. Chuyen giao thong o VN co le nen viet thanh sach de "luu danh" trong lich su.

Tên: Hoa Huong

Chang phai den bay gio, ma la cach day 4,5 nam, khi gap de phong van nhung vi khach quoc te tư Brunei Darussalam, Indonesia... tham gia hoat dong van hoa ASEAN ve an tuong cua ho ve Ha noi, toi da that buon long khi nhan duoc cau tra loi la an tuong hai hung ve he thong giao thong o Ha Noi va cach nguoi Vietnam dieu khien giao thong.

Ho rat giat minh va lo so du chi ngoi tren xe buyt cua ban to chuc de di chuyen tu dia diem nay den dia diem khac theo su kien. Khoi phai noi noi lo so cua toi tu luc do va den nay cang dam dac, ro ret hon.

Thuong tiec hai nha khoa hoc tieng tam da danh, toi con lo khong biet tuong lai cua dan toc Vietnam se di ve dau neu hang ngay co bao nhieu nguoi nga xuong mot cach oan uong chi boi chinh y thuc cua tung nguoi dan tham gia giao thong tren duong.

Chung kien nhieu canh lang lach, tranh duong, danh phan toc do cua nguoi tham gia giao thong, toi khong hieu noi viec mo duong, di dan de danh cho cac cong trinh duong bo o HN ma khong tap trung phat trien cac vung khac ngoai thu do Ha Noi lieu co tac dung hay khong hay chi de cho nhung dong nguoi cu do ve roi hien tuong ach tac lai cu the xay ra?

Nhieu luc toi thay that ky cuc vi thay vi co bien phap nghiem khac, phat nang doi voi nhung nguoi di au, di nhanh, lang lach tren duong thi canh sat giao thong chi cham cham bat phat nhung nguoi lan mot ti den do, nhung nguoi chang may khong mang theo ben minh giay to xe hay nhung nguoi trong co ve "la la", "nghi nghi".

Canh sat giao thong o nuoc ngoai thay vi cham cham dung nup de rinh nop phat thi ho tham gia cat luc vao viec dieu khien, huong dan giao thong va tham chi tan tinh chi duong cho khach nuoc ngoai. Con canh sat giao thong o Vietnam la the nay la the no thi ai cung da biet.

Nhung te hon het la y thuc nguoi dan. Boi chi nganh giao thong thoi vao cuoc chua du. Hay nghiem minh phat nang di, dung so vai the he nguoi dan phai "nhan tui" ma hay so cho the he mai sau se tro nen lon xon nhu the nao neu tinh hinh giao thong nhu hien nay van con tien trien.

Tên: Phạm Huy

Tôi cũng như rất nhiều bạn đọc khác hết sức "lo sợ" về sự an toàn giao thông cho chính bản thân mình và những người thân nhất là sau khi sự việc tai nạn xảy ra với hai giáo sư khoa học hàng đầu thế giới.

Thực sự mà nói thì tai nạn giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào và tới bất kỳ người nào. Sự mất mát về con người là những mất mát cực kỳ to lớn đối với gia đình của họ, nhưng sự mất mát của giáo sư Nguyễn Văn Đạo và sự trọng thương của giáo sư Seymour Papert là một tổn thất to lớn cho cả nhân loại.

Với chứng kiến của một kỹ sư tôi xin góp một vài điều sau đây mong đóng góp vào sự thay đổi tốt đẹp hơn cho trật tự giao thông.

1. Để tăng cường sự hiểu biết và văn hoá của những người tham gia giao thông, theo tôi chúng ta nên mở rộng và làm một cách thực tế hơn nữa về giáo dục an toàn giao thông để tất cả mọi người đều hiểu không riêng gì chỉ một số tiết học giới thiệu qua loa về an toan giao thông ở một vài bục giảng và sau đấy quên lãng.

Theo tôi cần thực tế hơn nữa có nghĩa là những bài học trong trường dành cho học sinh và sinh viên hoặc trong các công ty và các nhà máy cần được phát triển từng học kỳ hoặc từng quí một và với những bài giảng sinh động và sự kiểm tra để khuyến khích chứ không phải là chỉ "một lần và mãi mãi quên."

2. Chúng ta nên làm sáng tỏ một điều quan trọng là làm sao cho tất cả mọi người hiểu được vi phạm luật giao thông, giết người và buôn bán ma tuý (ví dụ) đều vi phạm pháp luật (nhưng đương nhiên là) ở hai mức độ khác nhau.

Để làm được điều này các cơ quan nhà nước, công ty hoặc các nhà máy khi tuyển lao động nên chú ý tới cả những thông tin này (hi vọng là việc quản lý hồ sơ lái xe được làm tốt hơn để các công ty có thể rể dàng hơn trong việc thu thập các thong tin đó) bởi vì khi một người lao động xem nhẹ việc vi phạm pháp luật ở một nơi khác (vi phạm luật giao thông) cũng đồng nghĩa với viêc họ có thể vi phạm luật của công ty trong tương lai.

3. Cơ quan quản lý và cung cấp bảo hiểm cho phương tiện và người tham gia giao thông nên đồng thời sử dụng các dữ liệu về khả năng lái xe, tuổi đời và những sai phạm giao thông của người điều khiển giao thông để áp dụng định giá cho các sản phẩm bảo hiểm của mình.

Bởi vì một điều đơn giản là một lái xe thường vi phạm luật giao thông sẽ có thể dễ dàng gây tai nạn và sẽ làm cho hãng bảo hiểm có thể phải đền bù rất lớn và rất nhiều lần trong những trường hợp tai nạn nghiêm trọng. Những lái xe tốt chưa bao giờ vi phạm luật giao thông hoặc không bao giờ gây tai nạn có thể được ưu tiên giảm phí bảo hiểm vì khả năng gây tai nạn rất nhỏ so với người thường vi phạm luật giao thông.

4. Về tổ chức thi bằng lái cần được làm chặt chẽ và chính xác hơn: bằng cách áp dụng công nghệ tin học cho phần thi luật và có những kiểm tra chéo trong phần thi thực hành, đương nhiên yếu tố con người (giám thị) cần được giáo dục, quan tâm thích đáng và sử lý triệt để nếu phát hiện têu cực trong thi cử.

5. Cần điều tra và xử lý mạnh tay với tiêu cực để tránh tình trạng mua bán bằng lái bằng cách: khi phát hiện người mua bằng cơ quan quản lý bằng có thể lưu giữ thông tin sai phạm trong hệ thống máy tính trên toàn quốc (hoặc thông báo đi từng địa phương) và tuỳ theo từng trường hợp sai phạm có thể (nặng nhất) không cấp bằng vĩnh viễn.

Tôi cũng được biết rất nhiều trường hợp có bằng lái xe nhưng chưa bao giờ điều khiển xe. Tôi rất vui mừng vì bộ công an chuẩn bị áp dụng công nghệ và chất liệu mới cho bằng lái xe, hi vọng là có thể tăng cường quản lý bằng thật và giả và bỏ được việc bấm lỗ vốn gây rất nhiều búc xúc trong xã hội. Đương nhiên việc trừ điểm vẫn nên áp dụng để người điều khien phương tiện hiểu trach nhiệm của mình.

6. Khi chuyển đổi hạng xe (trong bằng lái) hoặc đổi bằng lái xe đã hết hạn người điều khiển phương tiện cần được thẩm định lại về sức khoẻ (thể lực, thị lực..) vì con người già yếu đi theo ngày tháng không thể dùng một tờ giấy khám sức khoẻ khi thi lấy bằng (có thể 5-10 năm trưóc) và theo từng mức độ thay đổi có thể phải thẩm định lái khả năng hiểu biết luật (thi lại luật vì có nhiều thay đổi về tốc độ và cung đường tuyến đường...) hoặc khả năng điều khiển phương tiện (thi lại lái xe).

7. Cần xử lý nghiêm về sai phạm luật giao thông (treo bằng 1 năm, 2 năm hoặc vĩnh viễn hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự) nhất là những sai phạm nghiêm trọng có thể dẫn tới tai nạn chết người như: say rượu lái xe, vượt đèn đỏ, lạng lách...(những nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra nhiều tai nạn gần đây và nhất là dẫn đến chuyện đáng tiếc xảy ra tới hai vị giáo sư nói trên.

8. Về phần trách nhiệm của những người kiểm soát và điều khiển giao thông (cảnh sát giao thông) cơ quan chủ quản chỉ nên cho phép họ quyền kiểm soát (sát hạch) và hướng dẫn giao thông tức là: khi phát hiện sai phạm họ sẽ (chỉ được) viết biên lai phạt và giữ thông tin cá nhân (như bằng lái...) và chuyển về cho đơn vị sử lý (như toà án) không nên để cho họ làm công việc của họ khó khăn của "quan toà" và sẽ tránh được tình trạng mãi lộ (nỗi bức xúc trong rất nhiều bài viết vừa qua).

9. Về chi tiết thiết kế cho từng hệ thống đèn giao thông ở từng nút giao thông đều đã được qui chuẩn (nhất là những hệ thộng đèn mới được thay thế) đều có sẵn các thông tin và dữ liệu và việc điều chỉnh thời gian cho phù hợp với từng nút giao thông hoàn toàn là điều có thể làm được.

Hàng năm nhà nước đào tạo ra rất nhiều kỹ sư (ĐH GT, ĐHBK & ĐHXD) thậm chí hàng chục thạc sĩ và tiến sĩ với những công trình, đồ án và nghiên cứu đồ sộ, theo tôi việc thiết kế một hệ thống đèn cho một nút giao thông (cá biệt). Đương nhiên việc thiết kế một mạch điều khiển (IC or chip) đó đòi hỏi đầu tư một ít thời gian để nghiên cứu qui luật giao thông tại từng nút giao thông vào từng thời điểm trong ngày.

Trên đây là nhưng ý kiến đóng góp từ bản thân tôi, một người cũng ngày đêm lo sợ cho tính mạng của mình, của người thân và tất cả những người khác. Hi vọng nhữn dòng góp ý này có thể bổ sung ý tưởng cho nhưng người đang ngày đêm tìm những biện pháp hữu hiệu để giảm đi thương vong từ những vụ tai nạn giao thông.

Tên: Nguyễn Hoàng Bảo Vũ

Trong khi chơi game lái xe trên máy tính tôi thấy họ có đưa ra luật: Khi chạy quá tốc độ hoặc gây ra tai nạn, tài xế phải bị đục lỗ bằng lái và nếu sau 4 lần bị đục, tài xế phải chịu các hình phạt là: 1. hủy bằng lái. 2. giam xe. 3. đặc biệt là phải vào tù 30 ngày. Những thứ đó chả nhẽ VN không thể áp dụng được thứ nào cho thật nghiệm hết sao ? 

>> Tiếp tục cập nhật...

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.