Từ việc xây phủ thờ đến những khuất tất của viện trưởng viện KSND tỉnh Cà Mau

Viện trưởng viện KSND tỉnh Cà Mau: Sinh 4 con vẫn được thăng chức

Viện trưởng viện KSND tỉnh Cà Mau: Sinh 4 con vẫn được thăng chức
TP - Dư luận về ông Trần Công Lộc, âm ỉ nhiều năm nay ở Cà Mau. Chỉ riêng một khu đất giao cho Viện KSND Cà Mau hay việc ông sinh 4 con vẫn được thăng chức là đề tài nhiều người bàn tán.

Ông Trần Công Lộc sinh 4 con là Trần Nhật Thảo (năm 1984); Trần Nhật Tâm (năm 1992), Trần Nhật Hoàng (năm 1995) và Trần Nhật Trúc (năm 1998).

Tháng 9/1989, ông Lộc được bổ nhiệm Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Minh Hải (cũ). Tháng 1/1997, ông Lộc đã sinh con thứ 3 là Trần Nhật Hoàng lên 2 tuổi nhưng vẫn được thăng chức Viện trưởng Viện KSND tỉnh Cà Mau.

Sau đó, ông Lộc sinh thêm con thứ 4 là Trần Nhật Trúc đã gần 6 tuổi thì được tái bổ nhiệm Viện trưởng Viện KSND tỉnh Cà Mau.

Vì sao ông Trần Công Lộc được phép đứng ngoài cuộc vận động “sinh đẻ có kế hoạch” của Đảng, Nhà nước?

Đất giao cho Viện thành của chị ruột Viện trưởng

Năm 1991, UBND tỉnh Cà Mau thu hồi 33,1 ha đất rừng của Lâm ngư trường Năm Căn giao cho Viện KSND tỉnh quản lý, trồng rừng, nuôi tôm tự túc.

>> Viện trưởng Viện KSND Cà Mau xây phủ thờ lớn nhất vùng

>> Gặp vợ của Viện trưởng Viện KSND Cà Mau ở phủ thờ

>> Cần CQ chức năng vào cuộc nghiêm minh

Ông Trần Thanh Hòa - Trưởng ban Quản lý bảo vệ rừng Năm Căn (trước đây là Lâm ngư trường Năm Căn) - cho biết: “Diện tích thực tế Viện KSND tỉnh quản lý trên 38,3 ha và Viện đã giao khoán cho chị ruột của ông Viện trưởng là bà Trần Kim Lệ”.

Năm 2004, UBND tỉnh Cà Mau ra quyết định thu hồi đất ở Viện KSND để trả lại Ban quản lý bảo vệ rừng Năm Căn quản lý. Quyết định này thực hiện chủ trương chung của Cà Mau là thu hồi diện tích đất tự túc ở các đơn vị để tập trung phát triển rừng cho có hiệu quả.

Trong lúc các đơn vị khác đã trả thì Viện KSND tỉnh không trả. Ông Trần Thanh Hòa liên tục đề nghị thực hiện nghiêm quyết định của UBND tỉnh ngày 7/1/2004.

Ông Trần Văn Thức - PGĐ Sở NN-PTNT Cà Mau - cũng kiến nghị với Chủ tịch UBND tỉnh xử lý. Ông Nguyễn Quốc Việt - Phó Chủ tịch UBND tỉnh (nay là Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy) - đã ký quyết định thu hồi, sau đó ký công văn đôn đốc nhưng Viện KSND tỉnh không chấp hành.

Ông Trần Thanh Hòa bức xúc: “Thời hạn giao đất cho Viện KSND tỉnh đã hết (10 năm). Chúng tôi mời lãnh đạo Viện KSND tỉnh và các ngành liên quan làm việc nhiều lần nhưng hơn 3 năm không thực hiện được bởi ông Viện trưởng đã giao cho chị ruột nuôi tôm”.

Ghi ở thị trấn nghèo Ngã Năm

Thị trấn ở vùng sâu và nghèo hiện rõ từ ở đường đi. Từ trung tâm thị trấn chạy xe vòng vèo, qua một con phà nhỏ, bỏ xe lội bộ thêm vài cây số nữa qua những giồng đất gồ ghề, có khi phải vạch cỏ tìm đường đi mới thấy được phủ thờ ở ấp 2. Lại phải thêm một lần đò nữa mới có thể vào phủ thờ.

Ấp 2 có khoảng 50 hộ, hầu hết chưa có điện mà phải thắp đèn dầu. Cả ấp lại chỉ có vài cây nước, bà con phải múc nước sông lên lóng phèn sử dụng. Nước sông đục ngầu.

Viện trưởng viện KSND tỉnh Cà Mau: Sinh 4 con vẫn được thăng chức ảnh 1
Căn nhà lá của người cháu gọi ông Lộc bằng cậu

Ông Trần Chí Dũng - Trưởng ban nhân dân ấp - cho biết: “Ấp còn nhiều hộ nghèo vì đất đai không có, phải làm thuê làm mướn. Đường đi chưa ra đường, nhà cửa phần lớn bằng tre lá”.

Ông Nguyễn Minh Huệ, Chủ tịch UBND thị trấn Ngã Năm, nói thêm: Thị trấn có diện tích trên 1.955 ha với 2.564 hộ, 15.700 nhân khẩu, trong đó 322 hộ nghèo (gần 12,6%), 34 hộ rất bức xúc về nhà ở.

Toàn thị trấn có 172 hộ gia đình chính sách, trong đó có 24 hộ nghèo, 11 hộ chưa có chỗ ở ổn định. Đời sống bà con nghèo khó vì trên 55% sống bằng nông nghiệp. Đường giao thông nông thôn chỉ mới 6/7 ấp tạm ổn.

Về việc xây phủ thờ, ông Huệ nói: “Hồi mới xây, ông Lộc có tờ giấy xin phép nhưng chúng tôi nghĩ đơn giản là xây chỗ thờ ông bà cha mẹ nên cũng không tính làm phép tắc, ai ngờ xây xong mới biết là to lớn quá”.

Một cựu chiến binh kể: “Hôm đám giỗ bà mẹ và khánh thành phủ thờ có nhiều người từ Cà Mau đi xe biển số xanh lên đậu kín cả bên sông, có cơ quan mang cả vòng hoa. Đi đám giỗ mà mang vòng hoa thì lần đầu tiên tui thấy”.

Bà con của ông Lộc và những người gần phủ thờ kể: Phủ thờ này xây từ tháng 2/2006. Kỹ sư và thợ chính thuê từ Cà Mau lên, thợ phụ thuê tại địa phương, làm gần một năm mới xong. Những tháng xây phủ thờ, ấp nghèo rộn ràng, ghe chở vật liệu từ xa về nhiều khi đậu dày cả khúc sông.

Bên hàng rào phủ thờ có một căn nhà lá lụp xụp của người cháu kêu ông Lộc bằng cậu. Một người dân chỉ căn nhà lá lụp xụp nói: “Phải chi ổng bớt cho nó mươi triệu đồng làm ăn thì hay biết mấy”.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.