Gì cũng cười

Gì cũng cười
TP - Học giả Nguyễn Văn Vĩnh từng viết bài nghị luận “Xét tật mình” đăng trong Đông Dương tạp chí trong đó có phần nói về cái tật “Gì cũng cười”: “An Nam ta có một thói lạ là gì cũng cười. Người ta khen cũng cười, chê cũng cười.
Gì cũng cười ảnh 1

Hay cũng hì, mà dở cũng hì, quấy cũng hì, phải cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang. Có kẻ bảo cười hết cả, cũng là một cách của người hiền.

Cuộc đời muôn việc chẳng qua là trò phường chèo hết thảy, không có chi là nghiêm đến nỗi người hiền phải nhăn mày mà nghĩ ngợi… Nhưng mà xét ra cái cười của ta nhiều khi có cái vô tình độc ác… thực không có gì tức bằng cái tức phải đối đáp với những kẻ nghe mình nói chỉ lấy tiếng hì hì mà đáp…”.

Hóa ra người Việt mình từ xa xưa đã có tật gặp gì cũng cười, dù phải dù trái, hoặc bất cứ ở đâu cũng cứ dùng  cái cười đi trước… Có người bảo như thế có tác dụng làm giảm đi những nỗi lo toan, suy tính trong mọi sinh hoạt đời thường, mà cốt chỉ để chan hòa tình nghĩa xóm làng và thế thái nhân tình.

Thật ra lý luận đó chỉ đúng một phần, vì chính cái nụ cười không đúng nơi, không đúng chỗ chẳng phải đã làm cho dân ta chậm tiến và bộc lộ rõ cái tính xuề xòa đó thôi sao.

Hơn nữa gặp gì cũng cười còn biểu lộ bản chất “bình dân hóa” trong mọi hoàn cảnh, làm mất thời giờ, tốn công sức, làm mất phương hướng… nhất là ở chốn hội họp, nơi tôn nghiêm, nơi làng xã… Bạ đâu cười đó thể hiện sự thiếu suy nghĩ, hời hợt.

Người ta thuật lại buổi lễ hết sức trang nghiêm tại ngôi nhà thờ nọ, chẳng may vị linh mục bị vấp vào chân ghế khiến phải chao đảo, giáo dân cười ầm lên.

Hoặc tại buổi lễ cầu siêu ở ngôi chùa nọ có đông phật tử đến dự, chẳng may vị sư bị cây nhang chao nghiêng vào áo cà sa, khiến vị này dùng tay phủi phủi… thế là rộ lên tiếng cười phá vỡ bầu không khí trang nghiêm.

Hay trong các cuộc hội thảo, hội nghị… chỉ cần cử tọa có vài sơ suất hay vụng về nào đó là tất cả vỡ lên tiếng cười. Cử tọa cứ trình bày thao thao bất tuyệt còn phía dưới vừa cười, vừa to nhỏ rỉ tai nhau chuyện vặt vãnh, nhai kẹo, hút thuốc…

Trong nền kinh tế hội nhập hiện nay, người nước ngoài thường nhắc đến Việt Nam đất nước của nụ cười, của sự thân thiện. Nhưng ta nên tách biệt nụ cười “đúng lúc, đúng chỗ, đúng sự việc” nếu không sẽ là nụ cười vô duyên, làm mất cảm tình và gây thất bại trong mọi cuộc giao tiếp.

Người Tây phương hoặc ngay như Nhật Bản, Hàn Quốc rất ít có nụ cười không đúng mục đích nên dân mình thường cho là họ lầm lì, ít thông cảm với người khác…

“Gì cũng cười” là một “tập quán” cần loại bỏ.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.