Vị giáo sư và thư viện gia đình

Vị giáo sư và thư viện gia đình
TP - Sáng vẫn cặm cụi lên giảng đường dạy sinh viên, tối về miệt mài với những công trình nghiên cứu, Câu chuyện về những cống hiến cho khoa học của GS.TS Phạm Đức Dương là những kỳ tích.
Vị giáo sư và thư viện gia đình ảnh 1
Giáo sư Phạm Đức Dương và thư viện sách gia đình của mình

Năm 1963, GS Dương tốt nghiệp khoa Ngữ văn (ĐH Tổng hợp) rồi sang học tiếp ở Nga, làm Trưởng ban Ngữ âm và Ngôn ngữ dân tộc. Ý tưởng xây dựng Viện Ngôn ngữ học được GS Phạm Đức Dương nung nấu từ những năm đó. Năm 1970 về nước, nhờ những kiến thức được học ở Nga, ông cùng cộng sự bắt tay ngay vào việc xây dựng Viện Ngôn ngữ học. Sau một năm Viện Ngôn ngữ học, thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước ra đời.

Đến năm 1975, đất nước thống nhất, chưa kịp nghỉ ngơi GS lại được cấp trên giao nhiệm vụ mới “xây dựng Viện Đông Nam Á tạo điều kiện thiết lập mối quan hệ với các nước trong khu vực”. Công việc xây dựng Viện được GS Nguyễn Khánh Toàn (Viện sĩ-Chủ nhiệm UBKHXH VN lúc bấy giờ) giao cho GS Dương triển khai.

GS Dương nhận nhiệm vụ với những khó khăn chồng chất “không con người, không tài liệu… đặc biệt khó khăn nhất là không có phương pháp. Xây dựng một ngành khoa học mang tính khu vực đòi hỏi phải có được sự tương quan toàn diện, tổng quan về các lĩnh vực văn hóa, khảo cổ, ngôn ngữ, văn học…, sự giao thoa giữa văn hóa các nước trong khu vực”- ông nói.

Khó khăn nối tiếp khó khăn, lần lượt những người đương nhiệm các chức Trưởng ban ngành Đông Nam Á học Việt Nam (GS Cao Huy Đỉnh) mất, Phó ban (GS Phan Gia Bền) chuyển công tác vào thành phố Hồ Chí Minh. Tất cả công việc chồng chất một mình GS Phạm Đức Dương gánh vác, hết làm Trưởng, rồi Phó ban ngành Đông Nam Á học Việt Nam.

“Trong bối cảnh bao cấp một mình anh Dương đã phải tự tìm và thuyết phục những chuyên gia, GS về làm không lương cho Viện như GS Phan Ngọc, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, rồi lặn lội vào Nam, đi các tỉnh khác tập hợp sách xây dựng thư viện cho Viện ĐNA. Khi đã có cơ sở vật chất GS lại phải trăn trở, mày mò để xây dựng hệ thống phương pháp nghiên cứu”. Phó GS Trần Quốc Trị (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Đông Nam Á) cho biết.

Năm 1983, Viện Đông Nam Á được thành lập, GS Phạm Đức Dương trở thành Viện trưởng đầu tiên. Chưa dừng lại ở đó, nhận thấy cần nhân rộng ngành Đông Nam Á học, đưa vào giảng dạy ở các trường đại học cho sinh viên, GS Dương còn ấp ủ lập Hội Khoa học Đông Nam Á.

GS Trần Quốc Trị  nhớ lại: “Đây là tổ chức phi chính phủ vì vậy hoàn toàn không có sự hỗ trợ của Nhà nước, thầy Dương đã căn dặn chúng tôi “mọi người phải đặt cho mình “bốn chữ tự”: Tự bày lấy công việc mà làm; tự tìm người làm đội ngũ nghiên cứu; tự kiếm lấy tiền mà hoạt động; tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bốn cái “tự” ấy đặt ra áp lực lớn, đòi hỏi lớn, nhưng chính vì vậy tất cả đều phải có quyết tâm rất cao”.

Năm 1997, mong muốn của GS Dương trở thành hiện thực, Hội Khoa học Đông Nam Á được thành lập, ông làm chủ tịch hai khóa đầu tiên. Thời gian sau đó một mình GS lặn lội với những chuyến thực tế, điền dã dân tộc tìm tài liệu nghiên cứu, đặt quan hệ, mở các cuộc hội thảo, trao đổi văn hoá với các viện, trung tâm nghiên cứu về Đông Nam Á trong khu vực và thế giới. 

Thư viện nhà phục vụ công cộng 

Căn gác nhỏ của GS được tận dụng tối đa để chứa sách, trông cơ ngơi sách đồ sộ với gần một vạn đầu sách ít người tin rằng ban đầu chỉ vẻn vẹn có… 13 cuốn. “Đó là vào năm 1973, thời điểm tôi bắt đầu bước vào nghiên cứu về Đông Nam Á, sau này sang Nga học, tôi xin được mấy ngàn cuốn, rồi sang Mỹ xin thư viện Quốc hội Mỹ, năm 1975 tôi tiếp tục vào miền Nam tìm sách, được khoảng ba, bốn tấn gì đó rồi gửi tàu hải quân chở ra Bắc. Tất cả số sách đó đều được chuyển vào thư viện của Viện nghiên cứu Đông Nam Á”-Giáo sư Phạm Đức Dương kể lại.

Tám năm mở cửa, thư viện của GS chưa ngày nào vắng bóng sinh viên đến đọc sách, nghiên cứu tài liệu. Hàng tuần căn gác nhỏ ở khu tập thể KHXH thầy trò tụ hội uống trà đọc sách “sách là niềm vui của tôi từ nhỏ, bây giờ được chia sẻ với sinh viên niềm vui đó được nhân lên nhiều lần”- Giáo sư tâm sự.

Thư viện của GS Phạm Đức Dương ngày càng có sức hấp dẫn sinh viên vì đến đây, ngoài việc được đọc những cuốn sách hay, sinh viên còn được GS hướng dẫn cho nhiều thứ như làm tiểu luận, làm luận văn, phương pháp tiếp cận văn hóa, tổ chức seminar về khoa học…

Căn phòng GS chia làm ba ngăn thì cả ba đều kê sách kín chỗ, tất cả đều được phân loại, dán số thứ tự, ghi tiêu đề, lưu vào máy tính cẩn thận “làm như thế sinh viên đến tra sách, cần cuốn gì có thể tìm rất nhanh”-GS giải thích.

Trên 7.000 đầu sách GS đang lưu giữ có nhiều bộ toàn tập cả sách trong nước và nước ngoài, sách cổ và sách hiện đại. Có thể liệt kê một vài bộ như tuyển tập trọn bộ Lịch sử tư tưởng phương Đông, Tuyển tập Mác, Tuyển tập Lê Nin, Phan Bội Châu, Tấn trò đời… và nhiều bộ sách Nga, Pháp, Trung Quốc…Trong số đó còn có hàng chục bộ sách cổ rất quý mà thầy sưu tầm được nhiều nơi qua các chuyến điền dã ở Tây Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, Lào…

Từng được GS Dương hướng dẫn bảo vệ TS Nguyễn Trí Sơn cho biết “Thư viện thầy còn có hơn 400 luận án bảo vệ tiến sĩ, thạc sĩ về nhiều ngành… mà thầy đã bỏ công sưu tầm, xin, giữ lại sau khi hướng dẫn cho học viên bảo vệ xong trong suốt hơn 20 năm”.

Khi đề cập đến tương lai của thư viện gia đình, GS bộc bạch “Tôi dự định sau khi nghỉ quản lý, tôi sẽ xin một ít tài trợ, tu bổ nâng cấp cái “tủ sách” nhỏ này, rồi chuyển giao nó cho Viện Khoa học Đông Nam Á sử dụng. Tri thức mình không thể giữ làm của riêng được, nó cần được chia sẻ cho mọi người”.

MỚI - NÓNG