Dịch cúm gia cầm tái bùng phát

Dịch cúm gia cầm tái bùng phát
TPO – Thông tin được Bộ trưởng Cao Đức Phát đưa ra hôm nay, 26/2, đúng 1 ngày trước thời điểm được Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm dự kiến chọn làm ngày công bố hết dịch cúm gia cầm trên toàn quốc.
Dịch cúm gia cầm tái bùng phát ảnh 1

Phần lớn gia cầm tiêu thụ trên thị trường hiện nay chưa qua kiểm dịch.
Ảnh: Phạm Yên

Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết tại Hội nghị bàn biện pháp chỉ đạo sản xuất lúa Đông Xuân chiều nay, 26/2.

Ổ dịch đã bùng phát tại Hải Dương ngày 17/2 (mùng 1 Tết).

Theo thông tin từ Chi cục Thú y Hải Dương, dịch cúm đã tái phát trên đàn gà 10.500 con, chủ yếu là gà ta và giống gà Ai Cập, của một hộ dân tại xã Đoàn Tùng, huyện Thanh Miện.

Mặc dù phát hiện hiện tượng gà chết rải rác nhưng chủ hộ vẫn tự mua thuốc về chữa mà không thông báo cho cơ quan thú y.

Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, ngày 18/2, cơ quan thú y tỉnh đã tiến hành tiêu huỷ toàn bộ đàn gia cầm bệnh và đến nay vẫn chưa phát hiện ổ dịch mới tại Hải Dương.

Tại các cuộc họp Ban chỉ đạo gần đây, các cơ quan chức năng đều đặc biệt lưu ý nguy cơ dịch cúm gia cầm có thể bùng phát trong dịp Tết Nguyên đán, thời điểm các cơ quan dễ buông lỏng nhất đối với gia cầm nhập lậu, không nguồn gốc trên thị trường.

Dịch cúm đã tái bùng phát đúng 4 ngày sau khi Bộ NN&PTNT tổ chức bữa tiệc thịt gà cuối năm nhân sự kiện các địa phương đã khống chế được dịch cúm gia cầm.

Ngày 12/2, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cũng đã ký Công điện khẩn số 11 gửi các địa phương yêu cầu tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm có thể tái bùng phát trong dịp Tết Nguyên đán.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng cũng đã cảnh báo nguy cơ một đợt dịch cúm gia cầm mới có thể xuất hiện sau dịp Tết Nguyên đán, cụ thể vào tháng 3 tới do đây là thời điểm vịt tái đàn (người dân cho ấp nở vịt trở lại) để tận dụng thời điểm thu hoạch lúa đông xuân.

Dịch LMLM vẫn tiếp tục lây lan

Theo thông tin từ Cục Thú y, dịch LMLM vẫn tiếp tục lây lan tại một số tỉnh trên toàn quốc. Tại Quảng Bình, ngày 24/2, dịch LMLM đã xảy ra ở xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh làm 18 trâu mắc bệnh. Chi cục Thú y đã cung ứng 2.900 liều vắc xin LMLM và 40 lít hoá chất dự phòng cho các trạm Thú y huyện, TP và 14 máy phun hoá chất tiêu độc, khử trùng các ổ dịch.

Trước đó, ngày 20/2/2007, dịch LMLM đã xảy ra ở xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới làm 6 bò mắc bệnh. Ngày 21/2, dịch LMLM tiếp tục xảy ra ở xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch làm 17 bò mắc bệnh. Tính đến ngày 25/2, tại Quảng Bình, tổng số trâu bò mắc bệnh LMLM là 103 con của 3 xã, 2 huyện và TP.

Chi cục Thú y tỉnh đã áp dụng các biện pháp chống dịch khẩn cấp, cung cấp đủ vắcxin và hoá chất tiêu độc sát trùng. Chi cục Thú y đã tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định công bố 3 xã có dịch LMLM thuộc 2 huyện Lệ Thủy, Bố Trạch và thành phố Đồng Hới.

Tại Đắc Lắc, từ 16/2 đến 22/2 dịch LMLM trâu bò lợn đã phát ra tại xã Dlei Ya huyện Krông Năng làm 126 lợn và 31 bò mắc mắc bệnh. Chi cục Thú y đã tiến hành tiêu huỷ toàn bộ số lợn và 1 bò mắc bệnh, đồng thời thực hiện công điện số 06 BNN/CĐ về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh lở mồm long móng gia súc.

Cùng với việc dịch LMLM xuất hiện tại Quảng Bình, hiện vẫn còn 8 tỉnh có ổ dịch xảy ra chưa qua 21 ngày là: Tuyên Quang (2 xã), Thái Nguyên (4 xã), Kon Tum (3 xã), Phú Yên (7 xã), Quảng Nam (2 xã), Quảng Ngãi (1 xã), Quảng Bình (4 xã), Đắc Lắc (1 xã).

MỚI - NÓNG