Công ty chăm sóc “thiếu gia” - Kỳ 1

Công ty chăm sóc “thiếu gia” - Kỳ 1
TP - “Một thiếu” gia mắc vào lưới tình của “yêu nữ” để rồi ăn cắp cả trang sức của mẹ đi cho gái, một sinh viên tỉnh lẻ vẫn được tiếng ngoan hiền học giỏi nhưng thực ra đang nghiện hút...
Công ty chăm sóc “thiếu gia” - Kỳ 1 ảnh 1
Thông đang tiếp phụ huynh một “thiếu gia” đến nhờ giúp đỡ

Kỳ 1: Chuyện tình "thiếu gia" - "yêu nữ"

Trong vai xe ôm, nghiện hút, bảo kê nhà nghỉ hay dân chơi... các võ sỹ karatedo vang bóng một thời đã khám phá những sự  thật ấy để  giúp những nhân vật trẻ tuổi kia phục thiện. Đó là một chặng đường đầy gian nan với nhiều tình huống như trong chuyện trinh thám...

Màn kịch giá 50 triệu đồng...

Đã có những tình huống, nhiều “thiếu gia”  nổi khùng với Thông nhưng đều phải “dịu” xuống trước người đàn ông 10 năm liền vô địch karatedo toàn quốc này. Sea Games 17  đoàn thể thao Việt Nam đã vượt qua Myanmar để xếp thứ 4 khu vực Đông Nam Á nhờ tấm huy chương vàng của VĐV karatedo Trần Văn Thông.

Sea Games 18 Thái Lan bỏ môn karatedo nên đến Sea Games 19, Thông mới có cơ hội bảo vệ thành công chức vô địch. Từ năm 2000, Thông làm HLV cho đội tuyển quốc gia nhưng rồi sự nghiệp của anh bỗng rẽ ngoặt sang hướng khác...

Thông kể: “Ban đầu một số bạn bè anh em nhờ tôi để ý giúp con cái vì  họ quá bận rộn. Bây giờ môi trường xã hội phức tạp, nhiều cám dỗ nên không ít thanh thiếu niên hư hỏng. Từ thực tế đó, tôi cùng một số anh em nảy ra ý tưởng thành lập Cty cổ phần cộng lực Bắc Nam chuyên vào lĩnh vực giám sát, giáo dục  con cái”.

Mới chỉ vào nghề được vài năm, nhưng Thông và các đồng nghiệp của mình có cả một kho chuyện về những “thiếu gia” mà khi kể lại ngay cả người đàn ông  võ nghệ cao cường này cũng phải lắc đầu.

Khách hàng tìm đến Cty của Thông là bố mẹ một  quý tử ở Nam Định. Họ than phiền cậu con trai đang học Đại học Ngoại thương Hà Nội năm thứ nhất vừa gửi về nhà  một giấy ghi nợ 50 triệu đồng kèm theo lời nhắn: Nếu không trả sẽ bị bọn đầu gấu… chặt tay.

Cả nhà hốt hoảng định gửi ngay cho “cậu ấm”. Nhưng bà cô ruột khuyên: “Tiền thì vẫn cứ đưa cho nó, nhưng phải nhờ các thám tử xác minh xem thực chất có phải như vậy không”. Sau khi nghe kể lại sự việc, Thông yêu cầu bà mẹ bắt buộc con mình phải cho gặp mặt trực tiếp bạn của nó thì  mới trao tiền.

Cậu con trai chở mẹ đến khu tập thể Phương Mai rồi bảo mẹ đưa tiền để lên tầng 2 trả cho bạn. Nhưng bà mẹ nhất quyết đòi gặp mặt “chủ nợ” trực tiếp. Thằng con rút điện thoại di động gọi và ít phút sau một gã thanh niên đến nhận 50 triệu đồng mang đi. Thực ra đó chỉ là màn kịch, vì cần tiền để đánh bạc và các cuộc ăn chơi trác táng, “thiếu gia” nọ đã nghĩ ra cách tự viết giấy ghi nợ rồi bịa ra tình huống…  đầu gấu chặt tay để uy hiếp bố mẹ.

Nhưng kể từ khi nhận 50 triệu, “thiếu gia” đã bị người của Cty Thông theo dõi 24/24 giờ. Sau khi lấy tiền, cậu ta nổi khùng nói với bạn: “Xin bà già có mấy chục triệu mà làm như nhiều lắm, cứ ầm ĩ cả lên”.

“Thiếu gia”  lập tức  đi chuộc điện thoại, dây chuyền ra khỏi hàng cầm đồ, rồi cho bạn bè mỗi đứa ít tiền theo kiểu nghĩa khí giang hồ. Và “thiếu gia” đi taxi, mà chỉ đi taxi 7 chỗ, dù chỉ một mình cũng phải 7 chỗ “cho thoải mái”. Sau đó rủ người yêu vào nhà nghỉ và “điểm hẹn” cuối cùng là ở chiếu bạc.

Nhất cử, nhất động của “thiếu gia” đều bị các nhân viên của Thông ghi lại bằng hình ảnh. Khi nhận được hình ảnh này, các bậc phụ huynh ở Nam Định thực sự choáng váng. Họ lên ngay Hà Nội “áp giải” thằng con quý hóa về quê. Nhưng tiền thì đã mất vì chỉ trong vòng hai ngày, thiếu gia đã tiêu gần hết 50 triệu đồng!

Cậu sinh viên đó vẫn còn may vì chưa dính vào nghiện hút như một “thiếu gia” khác ở Quảng Bình ra Hà Nội, học Đại học Xây dựng năm thứ 4. Bố mẹ kinh tế khá giả, mua riêng cho hai cậu con trai một ngôi nhà ở Thủ đô. Gia đình tìm đến Cty của Thông nhờ tìm hiểu xem thằng anh có nghiện hút không vì đã có tin đồn nó dính vào ma túy.

Cậu ấm nghiện hút dọa nhảy lầu

Công ty chăm sóc “thiếu gia” - Kỳ 1 ảnh 2
Nguyễn Trường Giang đang trao đổi thông tin với cộng sự

Trần Văn Thông cùng các cộng sự của mình vào cuộc, nhưng đó là cả một  “hành lộ nan” vì “thiếu gia” này rất quái. Cậu ta có thói quen lạ đời: Đi xe máy vào đường ngược chiều,  thuộc “đẳng cấp” tổ lái nên chẳng sợ công an. Vì thế, đang đi chỉ cần “thiếu gia” quay xe lại sẽ phát hiện ra người theo dõi mình. “Thiếu gia” lại ít khi đi một mình, bao giờ cũng một chiến hữu hộ tống phía sau, nếu động tĩnh sẽ “cắt đuôi” ngay. 

Khó theo dõi theo kiểu đeo bám, Thông và các cộng sự lên phương án, khoanh vùng những địa điểm mà dân nghiện hút hay đến. Đó là xóm liều Thanh Nhàn, bãi rác Thành Công. Sau một thời gian trường kỳ mai phục, cuối cùng các thám tử đã quay được hình ảnh “thiếu gia” đang xài “hàng trắng” ở bãi rác Thành Công giữa thanh thiên bạch nhật. 

Sau khi trực tiếp xem những hình ảnh do Cty của Thông cung cấp, bố mẹ cậu ta thực sự bị sốc. Họ tha thiết nhờ Cty của Thông cai nghiện cho con trai mình. Thông nhận lời với điều kiện: Phải cho Cty toàn quyền quyết định, bố mẹ không được can thiệp.

“Thiếu gia” được chuyển về ở cùng Thông và một số anh em trong Cty để cai nghiện. Ban đầu, “cậu ấm” này lên cơn vật vã đòi nhảy lầu tự tử. Kiên quyết không nhượng bộ, Thông bảo: “Nếu cậu thích chết thì để tôi giúp”. Nói xong, Thông nâng bổng thiếu gia lên giả bộ ném từ trên cao xuống. “Thiếu gia” mặt tái mét, van xin. Thực ra, Thông dám liều như vậy vì anh nắm bắt được tâm lý của người nghiện. Càng nghiện, càng sợ chết và “chó hay sủa thường không cắn”.

“Thiếu gia” được giao làm những việc nội trợ hàng ngày như nấu cơm, rửa bát, lau nhà, thời gian rỗi thì tập võ, tập thể dục. Sau 3 tháng, cậu ta đã cai được nghiện nhưng chỉ một mình cậu cũng đã có gần 10 người của Cty  chăm sóc. Cậu ngủ có người canh, đi ra ngoài có hai ba tốp thường xuyên đeo bám.

Sau một học kỳ tạm nghỉ để cai nghiện, “thiếu gia” đi học trở lại trong sự theo dõi bí mật của nhân viên Cty.  Bây giờ thì cậu đã tốt nghiệp  và về công tác ở Quảng Bình. 

Nguyễn Trường Giang – Cựu VĐV đội tuyển quốc gia, từng đạt HCB  Sea Games, Phó giám đốc Cty có gương mặt rất khó vào vai xe ôm hay nghiện hút. Cao to, trắng trẻo, đẹp trai, với ngoại hình ấy, Giang đã từng đóng vai ông chủ hay tay chơi đề đưa các “thiếu gia” vào “tầm ngắm”.

Giang kể: “Chẳng hề nghiện hút, ăn chơi, cờ bạc nhưng “thiếu gia” mà chúng tôi tốn rất nhiều công sức theo dõi, giám sát lại dính vào lưới tình của một “yêu nữ”. Và điều đó cũng tệ hại chẳng kém gì nghiện hút, cờ bạc”.

Chuyện tình “thiếu gia” - “yêu nữ”

“Thiếu gia” này du học ở Singapore, nhà cực kỳ giàu có, bố làm Tổng giám đốc của một Cty xây dựng. Một  lần về nhà lấy tiền sang đóng học phí, “thiếu gia” gặp một cô gái đẹp như người mẫu. Tiếng sét ái tình mạnh đến nỗi cậu  quên luôn việc học đang dang dở ở Singapore để ở lại Hà Nội và nằng nặc đòi bố mẹ cưới người đẹp.

Lời đề nghị quá đột ngột đến mức bố mẹ còn chưa kịp biết cô dâu là ai. Họ tìm đến Cty Cổ phần cộng lực Bắc Nam nhờ xác minh. Sau khi vào cuộc, Giang đưa cho họ một số thông tin: bố mẹ cô gái bỏ nhau, bố đang ở Đức, mẹ cặp bồ lung tung lại đam mê cờ bạc. Cô gái ở với mẹ, cũng hư hỏng từ lâu, một kiểu cave cao cấp…”.

Ông Tổng giám đốc nghe xong toát cả mồ hôi, kiên quyết không cho con trai mình lấy cô gái ấy. Cậu con trai phản ứng lại bằng cách 3 tháng ròng chỉ về nhà tắm rửa, thay quần áo rồi lại đi đến với người yêu sống như vợ chồng. Mọi chi phí sinh hoạt đều do cô cave cao cấp  kia bao hết. Dù như vậy, nhưng bố mẹ vẫn không chịu nhượng bộ. “Thiếu gia” quyết định liều một phen…

“Đó là một kẻ cắp có học nhất mà tôi từng biết – Giang cười bảo – Lợi dụng lúc bố mẹ đi vắng cậu ta phá khóa tủ, lục trong túi áo lấy chìa khóa két và mã số. Cậu ta mở két lấy ra 275 triệu đồng và một số trang sức. Sau đó, gọi thợ khóa đến làm lại khóa phòng khóa tủ. Xong xuôi, cậu ta viết một bức thư để lại cho bố mẹ đọc, đại ý: “Chúng con không thể sống thiếu nhau được. Con vay ít tiền và một số trang sức. Trang sức  bố tặng cho mẹ thì con mượn để tặng cho vợ con”.

Một lần nữa, ông Tổng giám đốc lại đến nhờ Thông, Giang và các cộng sự vào cuộc. Sau ít ngày, Giang đã nắm được nơi ở cũng như “quy luật hoạt động” của cặp  trai gái kia. Hai người thuê một căn nhà rất đẹp để ở, ban ngày ngủ, đêm đi chơi, và không làm bất cứ việc gì. Kể cả việc tối thiểu như lau nhà, giặt quần áo.

Cô cave lại nghiện cờ bạc, nướng rất nhiều tiền vào trò đỏ đen. Sau khi nghe Giang báo cáo tình hình, ông Tổng giám đốc đến thuyết phục chủ nhà không cho hai đứa thuê nữa và bắt cậu con trời đánh về.

Về nhà được năm hôm, “thiếu gia” lại như ăn phải bùa mê thuốc lú, lại bỏ đi theo cô cave. Cô cave, tiêu hết tiền, không còn chỗ bấu víu lại vào làm tiếp viên cho một nhà hàng karaoke.

Làm thế nào để tách đôi này ra được? Họ bàn với ông Tổng giám đốc gửi cậu con trai vào đội tập võ thuật và cho đi học lái xe. Đêm đến, đúng 23giờ, “thiếu gia” lại đến quán karaoke để đón người yêu. Nhưng cũng đúng vào giờ ấy  cậu lại ngậm  ngùi cay đắng nhìn thấy một  đại gia đón người  yêu mình đi.

Đêm thứ nhất, đêm thứ hai, đêm thứ ba đều như vậy… “Thiếu gia” buồn bã, chán nản… Nhưng cậu không thể biết rằng đại gia đón người yêu của mình đi hàng đêm đó đều là nhân viên của Thông và Giang đóng vai để đánh lừa mình.

“Thiếu gia” tập trung vào tập võ và học lái xe. Sau khi có bằng, cậu được nhận vào Cty lái xe kiêm trợ lý cho bố mình. Ký ức về cô cave dần nhạt nhoà.

-----------------

Kỳ cuối: Vào động lắc “phục kích” thiếu gia

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.