Hiểm họa của biến đổi khí hậu đối với VN và nhìn từ VN

Hiểm họa của biến đổi khí hậu đối với VN và nhìn từ VN
TP - Trong mấy thập kỷ qua, nhân loại đã chứng kiến và các nhà khoa học trên khắp thế giới đã liên tục báo động về những biến động bất thường của khí hậu toàn cầu.
Hiểm họa của biến đổi khí hậu đối với VN và nhìn từ VN ảnh 1
Người dân chống chọi với mưa lũ

Hiện tượng bề mặt địa cầu, trước hết là khí quyển và thủy quyển không ngừng nóng lên, làm xáo động môi trường sinh thái, đã và đang đặt ra nhiều hệ lụy đối với đời sống loài người và sinh quyển của trái đất.

Các công tác nghiên cứu quy mô toàn cầu đã được các nhà khoa học ở các trung tâm nổi tiếng trên thế giới thúc đẩy từ đầu thập kỷ 90 thế kỷ XX.

Hội nghị quốc tế do Liên Hiệp Quốc triệu tập đã được tổ chức tại Jio de Janero năm 1992. Hội nghị đã thông qua một hiệp định khung và một chương trình hành động quốc tế nhằm cứu vãn tình trạng “xấu đi” nhanh chóng của bầu khí quyển trái đất, được coi là nguyên nhân chủ yếu của sự gia tăng hiểm họa.

Tổ chức nghiên cứu liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (IPCC) đã được thành lập, thu hút sự tham gia của hàng ngàn nhà khoa học quốc tế.

Nhiều hội thảo và báo cáo đã được tổ chức và công bố. Tại hội nghị Kyoto năm 1997, một nghị định thư quốc tế (Nghị định thư Kyoto) đã được thông qua. Đến đầu tháng 2/2005, Nghị định thư đã được nguyên thủ 165 quốc gia phê chuẩn và bắt đầu có hiệu lực từ 10/2/2005.

Việt Nam phê chuẩn Nghị định thư Kyoto ngày 25/9/2005. Mới đây, hội nghị lần thứ 12 của 159 nước tham gia hiệp định khung về khí hậu, phiên họp thứ 2 của các bên tham gia Nghị định thư Kyoto đã được Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Nairobi, thủ đô Kênya.

Bài viết này đề cập đến các mối liên quan giữa nhiệt độ bề mặt địa cầu không ngừng gia tăng, băng tan nhanh ở hai địa cực và trên đỉnh các dãy núi cao, mực nước biển không ngừng dâng cao là tuyến chủ đạo đang được dư luận quốc tế quan tâm đặc biệt.

Các báo cáo của IPCC và nhiều trung tâm nghiên cứu có uy tín hàng đầu trên thế giới công bố trong thời gian gần đây cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin và dự báo quan trọng:

- Các số liệu đo đạc và nghiên cứu cho thấy nhiệt độ trung bình trên bề mặt địa cầu ấm lên gần 10C kể từ 1920 đến 2005, tăng nhanh nhất trong khoảng từ 1980 đến nay (mức tăng từ 0,20C đến 10C)

- Băng vĩnh cửu ở hai đầu địa cực và các dãy núi cao tan nhanh một cách đáng kinh ngạc. Thử điểm một vài tin chính:

- ở Nam cực, tháng 3/2002 khối băng 500 tỷ tấn tan rã thành hàng ngàn mảnh ngay trước mắt các nhà khoa học…

- Ở Bắc cực, băng tan đạt mức kỷ lục. Mùa hè 2002, lượng băng tan ở Greenland cao gấp đôi so với 1992, diện tích băng tan đã lên tới 655.000km2. Hơn 110 sông băng và những cánh đồng băng vĩnh cửu ở bang Montana đã biến mất trong vòng 100 năm qua…

- Các sông băng sẽ hầu như biến mất khỏi dãy Alpes vào năm 2050 (nếu độ tan chảy duy trì như hiện nay). Hè 2002 một khối băng 3,5 triệu tấn tách ra gây lũ băng từ dãy núi Mali trên đỉnh Capcadơ thuộc Nga. Kể từ 1991-2004 số băng tan ở châu Âu gấp đôi so với 30 năm trước (1961-1990)…

- Các số liệu quan trắc mực nước biển thế giới cho thấy mức tăng trung bình trong vòng 50-100 năm qua là 1,8mm/năm. Trong12 năm qua các số liệu đo đạc của vệ tinh NASA thấy xu thế biển dâng đang gia tăng nhanh. Mức tăng trung bình trong 12 năm qua là 3mm/năm.

Các nhà khoa học trên thế giới gần như nhất trí khẳng định các sự kiện cũng như chiều hướng phát triển của các sự kiện nêu trên. Tuy nhiên, khi bàn về nguyên nhân và dự báo cho tương lai sắp tới còn có những luận giải ít nhiều khác nhau.

Băng vĩnh cửu tan chảy vào đại dương cũng như việc tăng thể tích nước do thủy quyển ấm lên là nguyên nhân làm tăng mực nước đại dương (theo tính toán của các nhà khoa học mức tác động của 2 yếu tố trên là xấp xỉ nhau). Băng vĩnh cửu tan cũng là do nhiệt độ bề mặt trái đất ấm nóng lên. Tuy nhiên, do nguyên nhân nào mà nhiệt độ bề mặt trái đất tăng lên, thậm chí tăng nhanh?

Loại ý kiến thứ nhất, được đại đa số các nhà khoa học tham gia các chương trình nghiên cứu chỉ rõ mối quan hệ giữa việc tăng nhiệt độ bề mặt địa cầu với việc tăng hàm lượng khí CO2 và các loại khí thải tạo hiệu ứng nhà kính do hoạt động con người gây ra trong bầu khí quyển trái đất.

Nguyên nhân này chịu trách nhiệm đến 90% thậm chí 99% mức gia tăng của nhiệt độ bề mặt trái đất đang được báo động. Loại ý kiến thứ hai, ít hơn, tuy thừa nhận vấn đề gia tăng nhiệt độ do hiệu ứng nhà kính song cho rằng mức độ tác động của vấn đề khí thải nhân tạo không quá nghiêm trọng. Hiện tượng nhiệt độ bề mặt trái đất nóng lên và lạnh đi là hiện tượng tự nhiên đã xảy ra có tính chu kỳ trong lịch sử hình thành và phát triển của trái đất.

Tôi cho rằng, các nhà khoa học Việt Nam có thể và cần được tổ chức tham gia nghiên cứu vấn đề hệ trọng này. Rõ ràng, mối liên quan giữa quá trình gia tăng hàm lượng CO2 và các khí thải gây hiệu ứng nhà kính do con người gây ra với sự gia tăng nhiệt độ bề mặt trái đất đã được minh chứng theo các số liệu mấy thế kỷ và nhất là trong vài thập kỷ gần đây.

Nhiệt độ bề mặt trái đất có được là nhờ hấp thụ nhiệt từ mặt trời và nhận dòng nhiệt của chính mình tỏa ra từ bên trong lòng quả đất. Sự có mặt của một hàm lượng khí CO2 cần thiết trong bầu khí quyển vốn là tấm áo giáp ngăn chặn bức xạ nhiệt (bức xạ hồng ngoại) từ trái đất.

Thoát vào vũ trụ mênh mông lạnh lẽo. Thiếu nó thì mặt đất sẽ không có được một nhiệt độ điều hòa cho sự sinh sôi phát triển sự sống. Các công trình nghiên cứu, ngày càng áp dụng các công nghệ hiện đại cho chúng ta biết suốt thiên niên kỷ trước khi có cuộc cách mạng công nghiệp, hàm lượng CO2 trong khí quyển vẫn cân bằng ở mức 280 phần triệu (ppm). Tuy nhiên, từ đầu thế kỷ XIX đến nay hàm lượng CO2 trong khí quyển tăng nhanh và liên tục đến 360 ppm.

Số liệu quan trắc trong 4 thập kỷ gần đây cho thấy cứ mỗi thập kỷ, hàm lượng CO2 trong khí quyển tăng 4%. Nói cách khác, hiệu ứng nhà khí do khí CO2 gây ra là quá mức cần thiết, gây tăng nhanh nhiệt độ bề mặt địa cầu kéo theo nhiều hệ lụy như đã nêu trên. Tôi cho rằng, những cứ liệu và luận giải đã được nêu ra là đầy sức thuyết phục. Điều đáng tiếc là cho đến nay, Hoa Kỳ là nước xả khí thải nhà kính nhiều nhất vào khí quyển (trên 30% tổng khí thải công nghiệp) đã chưa phê chuẩn Nghị định thư Kyoto.

Mặt khác, tôi cho rằng không thể và không nên đối lập giữa hai cách luận giải. Cần phải tính đến vận động tự thân của quả đất, sự thoát nhiệt từ bên trong quả đất (vốn có nhiệt độ rất cao lên tới hàng ngàn độ C) lên bề mặt trái đất. Các nhà địa chất khắp thế giới đều hiểu rõ quá trình này.

Trong lịch sử xa xôi hàng trăm, ngàn triệu năm trái đất đã trải qua những biến động kiến tạo dữ dội với sự trao đổi năng lượng – nhiệt độ khổng lồ giữa các lớp dung nham bên trong và lớp vỏ thạch quyển, thủy quyển, khí quyển trên mặt: làm dung nham trào và phun ra ngoài; làm hình thành, chia tách, xô đẩy, xoay chuyển các lục địa và mảng lục địa; Làm biến mất các đại dương cổ, xuất hiện đại dương mới; tạo các dãy núi cao, hẻm vực sâu ở đại dương và trên lục địa v.v…

Gần ngày nay nhất, Kỷ Đệ tứ (từ năm triệu năm đến nay) được coi là thời kỳ tương đối yên tĩnh song các vận động của quả đất cũng đã trải qua nhiều thời kỳ biến động lớn khí hậu bề mặt địa cầu. Tính từ 1,6 triệu năm đến nay đã có 5-6 chu kỳ biến động lớn.

Đó là các thời kỳ băng hà kéo theo mực nước biển hạ thấp (biển lùi) và các thời kỳ gian băng (băng tan) kéo theo mực nước biển dâng cao (biển tiến). Vào các thời kỳ băng hà nhiệt độ bề mặt trái đất khô lạnh.

Vào các thời kỳ gian băng nhiệt độ bề mặt trái đất đan xen giữa nóng ẩm và khô hạn. Vào các thời kỳ đó, biên độ giao động của mực nước biển (dâng, hạ) lên đến hàng chục, hàng trăm mét. Mỗi chu kỳ kéo dài hàng vạn, chục vạn năm. Mỗi chu kỳ như vậy còn được chia ra các chu kỳ ngắn hơn với thời gian kéo dài nhiều trăm năm đến nghìn năm với biên độ giao động mực nước biển 2-3 mét hoặc hơn. Các chu kỳ biến động không phải đều đặn liên tục mà có những thời đoạn ngừng nghỉ hoặc đột biến.

Việt Nam và nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á với vị trí địa lý của mình, không phải làvùng có băng vĩnh cửu kể cả trong hiện tại và quá khứ song cũng là vùng chịu tác động của các thời kỳ băng hà, gian băng với các dấu tích của biển lùi, biển tiến, và biến động khí hậu lớn có tính toàn cầu khá rõ rệt.

Trong thế kỷ XX, nhất là trong nửa cuối thế kỷ XX hàng loạt các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam, các nước trong khu vực và quốc tế trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là địa chất học, khảo cổ học, hải dương học, cổ sinh vật học… về Kỷ Đệ tứ đã đưa ra nhiều kết luận quan trọng về những vấn đề nêu trên. Nhưng kết luận rất đáng chú ý là:

- Thời kỳ băng hà cuối cùng của địa cầu trong Kỷ Đệ tứ- băng hà Uôc 2 (Wurm 2) đạt đỉnh cao cách đây khoảng 18.000 năm. Thời đó, biển lùi xa về phía biển Đông. Dấu vết đường bờ biển thời đó hiện nằm ở độ sâu 100-120m so với mực nước biển hiện tại trên thềm lục địa. Thời đó toàn bộ vùng vịnh Bắc Bộ và thêm Sunda (nối liền Nam bộ Việt Nam với Indonesia), Vịnh Thái Lan còn là đất liền.

- Thời kỳ gian băng lớn nhất gần ngày nay (thời kỳ biển tiến Flandrian) diễn ra vào khoảng 6.000 – 4.000 năm trước đây. Vào thời kỳ này mực nước biển dâng cao hơn 4 –5 m so với mực nước biển hiện tại. Vào thời đó vịnh Hạ Long và vịnh Thái Lan mới bị ngập nước như ngày nay.

Biển còn lấn sâu và phủ trùm gần như toàn bộ đồng bằng châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long cũng như các đồng bằng châu thổ các sông ven biển miền trung Việt Nam. Các đồng bằng này như chúng ta thấy được ngày nay chỉ được hình thành và được con người chiếm lĩnh, khai thác dần khi biển rút bắt đầu từ khoảng 4.500 năm đến nay.

-Những tài liệu nghiên cứu chi tiết về địa chất học và khảo cổ học còn cho biết, từ cách đây 4.000 năm đến nay, xu hướng chung là biển lùi song vẫn có một số chu kỳ tiến, lùi với biên độ giao động mực nước biển   2 – 3 m vào khoảng trước 3.000 năm, trước 2.000 năm, sát trước và sau công nguyên. Thời đoạn từ 1.000 – 1.200 năm sau công nguyên đến nay, toàn vùng đang nằm trong chu trình biển tiến.

- Có thời đoạn có dấu hiệu của biển dâng đột biến khiến cư dân tiền sử phải dịch chuyển địa bàn cư trú không bình thường, rõ nhất là ở khoảng giao thời hậu kỳ đá mới sang sơ kỳ kim khí ở ven rìa đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng sông Mã, ở ven biển cũng như ở ven đồng bằng sông Cửu Long.

Những điều trình bày sơ lược trên đây cho thấy nếu theo chu kỳ biển tiến, biển lùi với biên độ thời gian khoảng 800 - 1.000 năm thì hiện tại chúng ta đang ở đoạn cuối của chu kỳ biển tiến hiện đại, không loại trừ tốc độ sẽ nhanh lên hoặc có đột biến.

Như vậy, mực nước biển dâng đang xảy ra nằm trong chu trình chung của biển tiến cộng thêm tác động nhanh do hiệu ứng nhà kính gây ra chỉ càng làm chúng ta phải nhìn nhận vấn đề một cách cảnh giác hơn, chứ không phải ngược lại. Dù nguyên nhân nào thì việc nhận thức được để có kế hoạch ứng phó vì sự tồn tại và phát triển bền vững cho mỗi quốc gia dân tộc cũng như cho toàn nhân loại là điều con người có thể và phải làm được. (Còn nữa)

Trần Đức Lương
Đồng chủ biên bản đồ địa chất Việt Nam tỷ lệ 1/500.000, giải thưởng Hồ Chí Minh; Nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.