Quảng Nam: Tang thương rừng đầu nguồn

Quảng Nam: Tang thương rừng đầu nguồn
TP - Từ những lời kêu cứu của chính quyền và người dân xã Quế Ninh (huyện Quế Sơn, Quảng Nam), PV Tiền phong đã vượt hàng trăm cây số và lội bộ xuyên rừng, để chứng kiến cảnh tượng tang thương của rừng xanh nơi đầu nguồn sông Thu Bồn...
Quảng Nam: Tang thương rừng đầu nguồn ảnh 1

Từ tận thu thành tận diệt

Từ Quế Ninh ngược xe máy hơn chục cây số theo con đường núi lở lói qua mỏ than Nông Sơn lên thủy điện Khe Diên. Lòng hồ giờ đã hoàn thành việc đóng  nước.

Công trình thủy điện này có công suất thiết kế 9MW với kinh phí 180 tỷ đồng được khởi công xây dựng ngày 29/9/2003, với mục tiêu tạo thêm nguồn điện năng và giúp địa phương phát triển KT-XH, giữ vững và phát triển môi trường thiên nhiên và chia cắt một phần lũ lụt về mùa mưa và tăng lượng nước về mùa kiệt cho hạ du.

Phải khó khăn lắm, chúng tôi mới thuê được chiếc thuyền máy để vượt lòng hồ. Sau hơn một tiếng ngồi thuyền, chúng tôi vào gành Đá Cục, điểm cuối cùng của lòng hồ.

Chưa kịp bước chân lên bờ đã thấy cơ man gỗ cây, gỗ phiến nằm ngổn ngang trên bờ, dưới nước. Càng đi ngược lên rừng xa lòng hồ, gỗ càng nhiều. Bên những con đường rừng ngày càng rộng vì cơ giới và trâu kéo, là những lán trại và gỗ.

Hình như việc chúng tôi lên đã có người báo trước, nên các lán trâu bò đi lại thảnh thơi, bếp còn đỏ lửa, nhưng người thì mất tăm. Luồn lách suốt hơn 2 tiếng đồng hồ với khoảng 5-6 km cách xa lòng hồ, càng đi, lại càng bắt gặp những bãi gỗ mênh mông.

Những cây gỗ lớn đường kính cả mét giờ chỉ trơ phần gốc, xung quanh là vô số những thân cây to nhỏ ngổn ngang đã bị cưa đổ nhưng vứt lại vì ruỗng ruột. Và những súc gỗ đã được cưa xẻ vuông vắn chưa kịp chở đi.

Tới Khe Rinh, trời đã chiều, chúng tôi gặp một nhóm người làng Quế Ninh đi rà phế liệu về. Khi biết chúng tôi là nhà báo, mọi người trút hết bực dọc: “Đợi phá hết rừng rồi mấy anh mới lên làm gì?

Đi thêm một chặp nữa là sang bên làng Mực (huyện Nam Giang - PV), thử hỏi lòng hồ thủy điện ở mô đó? Mấy anh có sức đi thêm hai ngày nữa cũng chưa chụp hết những bãi gỗ còn lớn hơn của ông Sáu Ngọc”.

Một người khác nói thêm: “Các anh thử đi thuyền ngược ra rồi đến khu Chòi Cỏ mà xem, gỗ còn nhiều hơn ở đây”. Trò chuyện một hồi, mới biết thêm bức xúc của người dân nơi này.

Từ bao đời nay rừng đã nuôi họ, với những cây củi, bó mây, cây gỗ nhỏ làm đòn tay dựng nhà, cột chống, và nhất là nghề lấy dầu rái, mà họ vẫn bị tiếng oan là “lâm tặc”. Rừng núi xa lắc, rậm rạp, sức người chỉ mang về được mấy cây nhỏ là đã kiệt.

Từ khi ông Sáu Ngọc được phép “khai thác tận thu” gỗ lòng hồ, thì dường như toàn bộ rừng núi vùng này đã thuộc về một người. Xe máy, trâu bò ngang nhiên mở đường khai thác. Cưa lấy được một cây, chặt bỏ 4-5 cây.

Và “lòng hồ” cứ kéo rộng dài ra bất tận. Người dân mỗi khi lên rừng kiếm ít mây, cây đòn tay và lấy dầu rái, đều phải có “giấy cho phép” kèm... chữ ký của ông Ngọc.

Ông Sáu Ngọc là ai?

Quảng Nam: Tang thương rừng đầu nguồn ảnh 2
Những cây gỗ khổng lồ hàng trăm năm tuổi bị đốn hạ

Theo tài liệu chúng tôi có được, trên cơ sở Quyết định số 731 ngày 17/3/2005 và Công văn số 2074 ngày 16/8/2005 của UBND tỉnh Quảng Nam do Phó Chủ tịch thường trực Lê Minh Ánh ký, ngày 5/9/2005, Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn - ông Hà Phước Trinh đã ký Giấy ủy quyền, giao cho ông Lê Văn Ngọc (Sáu Ngọc - Giám đốc Cty TNHH Xây dựng Ngọc Sơn, trụ sở tại thôn Bà Rén, xã Quế Xuân I, Quế Sơn) được phép thay mặt huyện khai thác tận dụng gỗ lòng hồ thủy điện Khe Diên.

Ngày 27/4/2006, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam, ông Hồ Tấn Sơn ký Giấy phép số 384, cho phép đơn vị khai thác được “khai quang, khai thác tận thu, tận dụng gỗ trên diện tích quy hoạch lòng hồ thuỷ điện Khe Diên”.

Theo đó, diện tích khai thác, tận thu là 329 ha với tổng sản lượng gỗ khai quang, tận thu, tận dụng là 12.811 m3. Tiếp đến, ngày 29/8/2006, sau khi ông Sáu Ngọc có công văn “xin” mở rộng diện tích “tận thu”, và được lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh thống nhất, Phó Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Quảng Nam (thuộc Sở) - ông Trần Hải Hà đã ký giấy đồng ý.

Giấy phép khai thác bổ sung sau đó đã được giám đốc Sở NN&PTNT phê duyệt với tổng số gỗ khai thác thêm là 1.795 m3.

Một sự “ưu ái” không bình thường, có dấu hiệu nhằm hợp thức hóa diện tích gỗ đã khai thác “khống” của ông Sáu Ngọc, theo kiểu “gọt chân cho vừa giày” ?

Trước đó, ông Sáu Ngọc từng bị kiểm lâm tịch thu 71 m3 gỗ khai thác trái phép, bán thanh lý 52 triệu đồng. Một sự ưu ái nữa, đó là thời điểm hiện tại (giữa tháng 3/2007), việc khai thác gỗ của ông Sáu Ngọc vẫn đang diễn ra, trong khi cả 2 giấy phép và giấy phép cho khai thác bổ sung, đều ghi rõ giấy phép chỉ có giá trị đến hết tháng 12/2006!

Tại địa phương, không hiểu dựa vào đâu mà “uy danh” của ông Sáu Ngọc lớn tới mức chẳng coi ai ra gì. Ô tô chở gỗ của ông qua cầu Nông Sơn (cây cầu được xây dựng từ tiền đóng góp của những lòng hảo tâm, sau vụ đắm đò tang thương làm chết nhiều học sinh) sầm sập, báo chí thay nhau lên tiếng nhưng một thời gian dài cũng chẳng thấy ai nhắc nhở gì.

Chúng tôi đã tiếp xúc với ông Lê Phước Cẩm, nguyên Bí thư chi bộ thôn Trung Thượng (xã Quế Trung, Quế Sơn) - một nạn nhân của ông Ngọc.

Ông Cẩm kể, khi ông Sáu Ngọc thi công tuyến đường liên xã, đã dùng xỉ than kém chất lượng để đúc cống. Ông Cẩm có ý kiến, thì ngày 2/3/2007, ông Sáu Ngọc đã ngang nhiên vào nhà ông Cẩm đòi hành hung.

Trước khi bỏ đi, ông Ngọc còn lớn tiếng đe sẽ cho người “giết mày trong vòng 3 phút !”, khiến ông Cẩm hoảng sợ phải viết đơn cầu cứu khắp nơi. Việc ngang ngược dọa đánh người của ông Ngọc không chỉ xảy ra với ông Cẩm.

Dấu hiệu vi phạm trong việc khai thác gỗ lòng hồ thủy điện Khe Diên bước đầu đã rõ. Ý kiến của cơ quan chức năng về vụ việc này, chúng tôi sẽ phản ánh trong các bài viết sau.

 Kỳ sau: Nếu cố tình làm sai phải truy tố

MỚI - NÓNG