Ông Tây làm thuê kiện đòi lại hơn 1 triệu đô la

Ông Tây làm thuê kiện đòi lại hơn 1 triệu đô la
TP - Hình ảnh ông Tây không biết tiếng Việt lọ mọ ôm chồng đơn tìm tới các cơ quan chức năng tại Hà Nội trở nên quen thuộc trong hơn 1 năm qua.
Ông Tây làm thuê kiện đòi lại hơn 1 triệu đô la ảnh 1

Ông Ole ở mỏ đá

Đó là “triệu phú nghèo” Ole Bollingtoft, 64 tuổi, nhà đầu tư Đan Mạch, một trong những nạn nhân của vụ lừa đảo hàng triệu USD gây xôn xao dư luận năm 2004.

Kỳ I: Ông chủ trở thành người làm thuê

Chưa qua rằm tháng Giêng, Ole đã vội vàng khăn gói ra Hà Nội để tiếp tục hành trình tố cáo bọn lừa đảo người nước ngoài, thỉnh cầu cơ quan chức năng Việt Nam giúp ông lấy lại khoản tiền hơn 1 triệu USD đã bị lừa mất.

Thay cho phòng VIP trên tầng cao nhất của các khách sạn 5 sao ở Hà Nội như trước đây khi còn là triệu phú, Ole thường hẹn gặp tôi tại quán cóc ven hồ Hoàn Kiếm.

Không hiểu vì những cơn gió buốt lạnh trong những ngày Xuân mưa rả rích của Hà Nội hay vì những nhọc nhằn đang phải gồng mình gánh chịu mà nước mắt của Ole cứ trào ra cùng với câu chuyện khá kỳ lạ của một nhà triệu phú trở thành người làm thuê…

Những cú lừa siêu hạng

Việc hàng chục ông Tây bị một nhóm người nước ngoài đội lốt “đại doanh nhân” lừa mất hàng chục triệu USD qua các thương vụ kêu gọi góp vốn đầu tư, liên kết tại Việt Nam từng gây chấn động dư luận từ đầu năm 2004 khi báo chí đăng tin.

Nhóm “đại doanh nhân” bao gồm Kim Brix Andersen, người Đan Mạch; Peter Brian Laking và Sean McCormack đều quốc tịch Anh; Tom Hồng - Việt kiều Mỹ cùng nhiều trợ thủ người nước ngoài và Việt Nam.

Triệu phú Ole là một trong vài chục nạn nhân người nước ngoài đã mất trắng với nhóm lừa đảo trên khoản tiền đầu tư vào các mỏ đá ở Vinh (Nghệ An), Hòn Thị (Nha Trang) và Tân Bản (Đồng Nai)…

Trước khi đầu tư tại Việt Nam, Ole kinh doanh hơn 20 năm trong lĩnh vực báo chí tại Đan Mạch và tích góp được một số tiền lớn để đầu tư ra nước ngoài.

Khoản đầu tư đầu tiên của Ole tại nước ngoài là trong lĩnh vực sản xuất thẻ tín dụng ở Malaysia vào năm 2000 đã gặt hái thành công. Tuy nhiên, với sự nhạy bén của một nhà kinh doanh, Ole muốn dốc hết vốn liếng đầu tư vào Việt Nam, nơi nền kinh tế đang tăng trưởng cao.

Sau khi khảo sát tình hình tại Việt Nam, đầu năm 2001, Ole bắt đầu công khai bày tỏ mong muốn của mình. Người đồng hương Đan Mạch là Kim Brix Andersen - Chủ tịch và Giám đốc điều hành Cty Thistlestar Private có trụ sở ở Singapore đã chủ động tìm đến Ole để vẽ ra viễn cảnh “hốt tiền” khi đầu tư vào Việt Nam.

Tháng 9/2001, khi Ole đến Việt Nam, người đồng hương Andersen dắt mối cho ông mua 6% cổ phần của một thành viên trong Cty Inter Asia Rock (IAR) thành lập ở tận 1 hòn đảo thuộc Anh quốc.

Ole đã chuyển 200.000 USD cho Andersen khi hắn bảo đảm rằng sẽ thu lợi 35% ngay trong năm đầu tiên. Sau này, khi không thu được lãi từ 6% cổ phần trong Cty IAR, Andersen chỉ trả lại cho Ole 151.000 USD, số còn lại y chiếm đoạt.

Cùng thời gian này, Andersen còn giới thiệu Ole với nhóm “đại doanh nhân” khác bao gồm Sean McComack - Giám đốc Cty UNA Power International Ltd (UNA) tại TPHCM; Tom Hồng - chồng của Nguyễn Thị Kim Liễu, người sáng lập ra Cty UNA...

Lợi dụng việc Ole đã mua 6% cổ phần của Cty IAR, MacComack tiếp tục lừa Ole mua tiếp 40,56% cổ phần cũng của Cty IAR trị giá khoảng 700.000 USD.

Chúng hứa với ông sẽ thu lợi 35% cho khoản đầu tư này ngay trong năm đầu tiên, kèm theo quyền khai thác mỏ đá Tân Bản 2 (Đồng Nai) và lời cam kết rằng chậm nhất tới tháng 4/2004 có giấy phép đầu tư.

Bọn lừa đảo đã móc nối với một số đối tác Việt Nam để tạo ra “Bản ghi nhớ” giữa Cty IAR và Cty XNK Biên Hòa (Bihimex) về việc hợp tác khai thác mỏ đá Tân Bản 2 bên cạnh mỏ đá Tân Bản 1 của Cty Bihimex.

Hai công dân Anh đang cư trú tại Việt Nam hồi đó là Michael Walsh và John Wallwork thay mặt Cty IAR ký với Bihimex “Bản ghi nhớ”. Quá tin tưởng vào tài liệu này, trong 2 năm 2001 - 2002, ông Ole đã nhiều lần chuyển tiền qua tài khoản cho bọn lừa đảo và vào tài khoản của Cty Bihimex.

Thấy con mồi quá “ngon”, nhóm lừa đảo xuyên lục địa thậm chí còn không tha cho ông trong những phi vụ nhỏ như việc đầu tư 70.000 USD mua 2 xe tải Nissan với số lãi được chúng đảm bảo là 3.000 USD/tháng…

Nhóm “đại doanh nhân” còn thuyết phục Ole bán hết cổ phần ở Malaysia để đầu tư vào Việt Nam thông qua chúng. Tuy nhiên, dự án  mỏ đá Tân Bản 2 không được cấp giấy phép đầu tư vì nhóm “đại doanh nhân” chỉ chủ ý lừa đảo.

Trong thời gian chờ giấy phép đầu tư vào mỏ đá Tân Bản 2, nhóm lừa đảo còn dụ Ole mua 15% lợi nhuận thu được từ cỗ máy nghiền đá hiệu Parker Plant đặt ở mỏ đá Tân Bản 1, tỉnh Đồng Nai do Tom Hồng và McCormack làm chủ.

Sau khi chuyển số tiền 200.000 USD cho chúng, Ole mới ngã ngửa rằng việc mua bán lợi nhuận thu được cỗ máy này là trái pháp luật. Vì trước đó cũng với kịch bản hợp đồng mua bán lợi nhuận ảo từ cỗ máy Parker Plant, Tom Hồng và McCormack đã lừa 6,1 triệu USD của 14 nhà đầu tư nước ngoài.

Báo chí Việt Nam hồi đó liệt cú lừa này của các “đại doanh nhân” vào sách kỷ lục… lừa của thế giới.

Triệu phú không tiền

Sau khi đã dốc hết toàn bộ vốn liếng dành dụm được vào các khoản đầu tư tại mỏ đá (Đồng Nai) thông qua những “đại thương gia” nước ngoài, Ole phải bán đi tài sản đáng giá duy nhất còn sót lại của mình là chiếc Ford Ranger.

Chi phí tốn kém trong việc ăn ở, đi lại để theo kiện, chẳng mấy chốc khiến triệu phú Ole lại nhẵn túi. Đang lúc quẫn bách, Ole gặp triệu phú bất động sản nổi tiếng Patrick Mekillen, người Ai Len.

Nhà triệu phú này từng ủng hộ hàng triệu USD để làm từ thiện tại Việt Nam và có tình cảm đặc biệt với đất nước này. Triệu phú Mekillen cũng bị lừa mất khoảng 4 triệu USD khi đầu tư vào mỏ đá Hòn Thị (xã Phước Đồng, Nha Trang).

Đều là nạn nhân của cùng một bọn lừa đảo xuyên lục địa, triệu phú Mekillen rất thông cảm với hoàn cảnh của Ole và đề nghị ông về làm việc ở mỏ đá Hòn Thị. Từ đó đến nay, công nhân ở mỏ đá đã quen gọi Ole là “triệu phú nghèo” hay “triệu phú không tiền”.

Ole nói hình như vận đen vẫn đeo đuổi ông khi một ngày cuối tháng 3 vừa qua ông bị tai nạn xe máy khá nặng lúc đang đi trên đường.

Gọi điện hỏi thăm, Ole gượng đau nói ông chỉ lo không biết bao giờ mới có thể trở lại làm việc để tiếp tục “trả nợ”.

Với Ole, dường như nỗi đau về thể xác hay cuộc sống lam lũ trong thời gian qua không quan trọng bằng việc phải làm gì để trả món nợ ân tình với những người bạn tốt ở Việt Nam.

Khác hẳn với thời còn là ông chủ tung hoành ngang dọc, giờ đây Ole cũng giống như các “đồng nghiệp” khác trong mỏ đá, chắt chiu từng đồng có được từ chính sức lao động của mình để có tiền chi phí đi lại gõ cửa các cơ quan chức năng.

Ole còn phải tiết kiệm, trả khoản nợ 70 triệu đồng mà ông vay của các nhân viên ở mỏ đá để trả tiền án phí cho tỉnh TAND Đồng Nai. Hơn nữa, lâu lắm rồi Ole chưa gửi một xu nào về Đan Mạch cho vợ và 2 cô con gái.

Năm ngoái, bà Anette đã phải lặn lội từ Đan Mạch sang tìm chồng. Quá xót xa trước tình cảnh của chồng, bà khuyên ông về Đan Mạch sống nốt phần đời còn lại và chấp nhận mất hơn 1 triệu USD bị lừa đảo, nhưng Ole không chịu. 

Công nhân trong mỏ đá cho biết, hàng ngày Ole vẫn đi làm bằng chiếc xe máy mượn được của nữ phiên dịch tên Thủy, người cũng vì cảm thông với hoàn cảnh của Ole mà từ TPHCM lặn lội tới làm việc tại Hòn Thị.

Chiếc xe máy Trung Quốc rách nát của Ole trước đây giờ đã hỏng, phải xếp xó.

Hơn 3 năm qua, người dân ở một con hẻm cụt trên đường Hồ Xuân Hương, TP Nha Trang, đã quen với hình ảnh ông Tây tay xách nách mang thức ăn từ chợ về và tự nấu ăn, giặt giũ… trong căn phòng chật chội mà ông thuê trọ.

Và thỉnh thoảng lại thấy ông vắng nhà để ra Hà Nội theo kiện…

------------------------

Kỳ II: Hành trình theo kiện đòi lại hơn 1 triệu USD

MỚI - NÓNG