Ba thế hệ mù xua bóng tối

Ba thế hệ mù xua bóng tối
TP - “Em vẫn như đang sống trong mơ. Cô ấy đã vực dậy niềm tin, làm cho em thay đổi hẳn cuộc đời…” - Lời tâm sự lẫn trong sương một chiều giữa xuân thổi vào túp nhà có bốn người đàn ông của ba thế hệ nối tiếp nhau bị mù.
Ba thế hệ mù xua bóng tối ảnh 1
Từ trái sang: Ông Ngữ và cháu nội; bà Thắng, Nhâm, Vân Anh và Ất trong một bữa cơm liên hoan của gia đình

Phía sau những đôi mắt ấy là tình yêu tuyệt đẹp của người vợ hiền. Lửa tình cháy nồng cùng nghị lực mạnh mẽ đã  thắp lên những phận đời tưởng chỉ toàn bóng tối…

1. Túp nhà lè tè, rộp vách nằm giữa những biệt thự sang trọng bên Quốc lộ 1 A thuộc xã Quỳnh Giang, Quỳnh Lưu (Nghệ An). Trong nhà, một người đàn ông xúc cơm từ trong chiếc nồi to ra tấm nilon, rắc men rượu lên rồi nhào trộn.

Ông là Nguyễn Hữu Ngữ - chủ nhân của đại gia đình này. Ông “nhìn” tôi hiền từ nhưng đầy ý chí: “Cố gắng mỗi tuần nấu vài nồi rượu để lấy bã hèm nuôi đàn lợn. Mình không thấy được nên gắng trộn nhiều, cơm và men rượu đều thì mới tránh hỏng nồi rượu”.

Sinh năm 1957, Ngữ bị mù khi mới lọt lòng mẹ. Ấy thế mà năm 16 tuổi vẫn tình nguyện lên đường tham gia Thanh niên xung phong. Sau ngày giải phóng anh tiếp tục cùng đoàn dân công đi đào đắp những công trình thủy lợi trong tỉnh.

Vác trên vai những tảng đất nặng trịch, người thanh niên khiếm thị này lẫm đẫm bước đi, cần mẫn, âm thầm. Là con thứ hai trong một gia đình có bảy anh em trai, mọi tình thương và sự lo lắng của gia đình đều dành cho Ngữ.

“Nhất là bố mẹ, rất sốt ruột việc tui sẽ không lấy được vợ, cuộc đời càng khổ sở hơn”- Ông kể. Thế nhưng, một điều bất ngờ đã đến: Trong những ngày đi dân công đó, năm 1982, tình yêu chớm nở với Ngữ.

Lớn hơn Ngữ 2 tuổi, cô gái Bùi Thị Thắng có khuôn mặt trái xoan xinh xắn, đã đem lòng yêu thương chàng trai mù. Trái tim trong lồng ngực hai đứa vừa mới xốn xang rạo rực thì gặp phải sự cố.

Người cậu của Thắng làm Chánh văn phòng UBND huyện ra sức phản đối. Ông cậu bảo: “Lấy người sáng còn chưa ăn ai nữa là… Sống với người chồng mù thì cái thân cháu sẽ khổ cực hơn ngàn lần”.

Như được thể, bạn bè, làng xóm lại “đổ dầu” thêm vào càng làm nỗi lòng hai đứa tan nát. Ngữ càng tự ti hơn: “Tôi như thế này, em sẽ khổ lắm. Em lấy người khác đi, đừng bận tâm đến tôi nữa”…

Đậy nắp vại cơm ủ rượu lại, ông Ngữ cười rạng rỡ: “Tui nói như rứa, bà ấy chỉ im lặng và khóc thật nhiều. Tui hiểu không có gì làm lay chuyển tình yêu của hai chúng tôi được”.

May sao bố mẹ bà Thắng cũng ủng hộ nhiệt thành. Ông dừng nụ cười: “Đến giờ vẫn cứ như mơ, quả là giấc mơ. Và bà ấy, tình yêu của bà ấy đã cho tôi tất cả…”- Nói vậy rồi ông ngẩng mặt cười rõ lâu.

2. Sinh đứa con trai đầu lòng năm 1982, đến lượt anh Ngữ là người khóc nhiều nhất. “Mình đã bị mù rồi tại sao nó mù theo? Tui đã làm lây sang con, làm khổ nó mất rồi”.

Dành hết tình cảm cho con rồi nỗi buồn cũng nguôi ngoai. Bao nhiêu năm, bao nhiêu lần bán đồ đạc, vay tiền để đưa các con đi bệnh viện chữa trị, ông không nhớ xuể. 

Nguyễn Hữu Nhâm - con trai đầu của ông Ngữ - lên 6 tuổi đã vượt 60 km vào TP Vinh xin nhập học trường khiếm thị. Ngoài giờ học văn hóa, Nhâm tận dụng mọi thời gian miệt mài học các nhạc cụ.

Được thầy giáo giúp đỡ cộng với quyết tâm, say sưa có khi đến quên ăn uống để học đàn, đến khi ra trường (tương đương chương trình Tiểu học ở trường phổ thông), Nhâm thạo gần 10 nhạc cụ.

Và rồi Nhâm trở thành thầy giáo dạy cho người cùng cảnh ngộ cho một dự án tại huyện miền núi Quỳ Hợp (Nghệ An).

“Chuyện tình cảm của em và vợ kể ra thì nhiều lắm, có lẽ kể mãi cũng không hết được. Không ngờ cô ấy yêu em đến như thế, giờ em vẫn không tin nổi” - Nguyễn Hữu Nhâm vịn vách đi ra hiên nhà “nhìn” xa xăm dưới ánh trăng và thổ lộ cho tôi nghe về chuyện tình yêu của vợ mình - cô Vân Anh. Nhà Vân Anh ở gần nơi Nhâm dạy học.

Được một người đàn ông giới thiệu và dẫn Nhâm đến nhà Vân Anh chơi. Cô gái trẻ này có nước da trắng, xinh xắn và “bị” nhiều thanh niên đắm đuối.

Vào nhà cô, Nhâm phải sờ soạng để lách qua những chiếc xe máy sang trọng dựng ngoài sân. Một tối nọ, cô bất ngờ nghe được lời tỏ tình của Nhâm.

Một thời gian sau Vân Anh nhận lời yêu, nhưng cả hai cũng nín thở chờ đợi phản ứng của bố mẹ cô. Hiểu được nỗi lòng của người khiếm khuyết, hiểu tình cảm của hai đứa, bố mẹ cô “gật đầu”.

Chỉ khổ nỗi, bạn bè cô số thì phản đối, số thì ái ngại: Đời mày thế mà khổ. “Kệ, em càng yêu anh ấy”!

Lễ cưới tổ chức năm 2003, và rồi bao nỗi nhọc nhằn, thử thách đè xuống Vân Anh lúc bấy giờ mới  19 tuổi. Từ một cô gái nhàn nhã, quanh năm với công việc bán vải ngoài chợ, về làm dâu phải học từ đầu.

Sáng sớm dậy nấu ăn; múc nước, nặn kem lên bàn chải cho chồng đánh răng; lấy khăn mặt, giúp chồng vệ sinh; bữa ăn thì gắp cho chồng… Vân Anh nói: “Đối diện với khó khăn nhưng em càng yêu anh ấy”.

Kết quả của tình yêu nồng cháy ấy là đứa con trai bụ bẫm ra đời cuối năm đó. Thế nhưng, cả nhà điếng người khi biết nó cũng không có được đôi mắt sáng.

3. Ba năm sau khi sinh người con đầu  bị mù, nỗi đau trong ông Ngữ lại tấy lên khi người con trai thứ hai (Nguyễn Hữu Ất) sinh ra cũng chịu cảnh như anh trai nó.

Năm 7 tuổi, Ất xin theo anh Nhâm vượt hơn 60 km vào trường mù để nhập học. Tại đây, không quản ngày đêm cộng với được anh Nhâm hướng dẫn, Ất cũng học thành thạo tất cả các nhạc cụ như anh mình.

Bước đầu là ghita, đến măngđôlin, đàn bầu, rồi ácmônica, oócgan... Và trống cũng là nhạc cụ không dễ gì học, nhưng Ất cũng đã đổ công đổ sức “khổ luyện thành tài”.

Học xong, Ất nằng nặc đòi về Quỳnh Lưu để học trường dành cho người sáng mắt, vì ở trường mù không có chương trình cho cấp học cao hơn. Các thầy cô giáo Phòng Giáo dục Quỳnh Lưu ngỡ ngàng bởi lần đầu tiên ngành giáo dục huyện nhà tiếp nhận một học sinh mù.

Dụng cụ học tập ra sao, truyền đạt kiến thức như thế nào, khi chữ nổi Brai không thầy cô giáo nào biết được. Đắn đo mãi, cuối cùng thì Phòng cũng có được quyết định cho em được học dự thính.

Ất buồn lắm và không thỏa được lòng khát học, khát vươn tới ánh sáng. Hai anh em kiên trì vượt hơn 60km gõ cửa Tỉnh hội Người mù, Sở Giáo dục để xin được là học sinh “chính quy”.

Thật may mắn, ước nguyện đã trở thành hiện thực, em được nhập học tại trường THCS Quỳnh Giang. Vì thầy cô ở trường sáng không biết được tiếng động của viết chữ nổi nên những buổi học đầu tiên, khi nghe tiếng lốc cốc phía dưới là lớp bị mắng “có người làm việc riêng ồn ào mất trật tự!”.

Khổ nhất là lúc kiểm tra bài tập hay các kỳ thi, em phải trả lời trực tiếp cho thầy cô chứ không thể viết ra giấy như các bạn khác...

Ất nhớ lại: “Những ngày đó là một thử  thách lớn, có lúc em tưởng không vượt qua. Có người còn bảo: “Học chi cho khổ, mù như rứa thì học cũng nỏ mần được chi”, rồi vật chất thiếu thốn đủ bề càng thêm mặc cảm. Hết bố, mẹ rồi chị dâu cứ động viên luôn”.

Gian khó, cản trở là vậy nhưng chỉ một thời gian ngắn, Ất đã làm cho mọi người phải ngạc nhiên về thành tích học tập của mình. Cô giáo Trần Thị Hòa là chủ nhiệm năm lớp 6 của Ất kể lại:

“Một lần em đã tìm đường lên tận văn phòng nhà trường để từ chối quyết liệt khi nghe tin nhà trường vừa có ý định sẽ ưu tiên, chiếu cố em trong một lần thi học kỳ”.

Năm học đầu tiên ấy, Ất đủ tiêu chuẩn được dự thi học sinh giỏi của huyện nhưng em chẳng được thi, vì không có hội đồng chấm thi dành cho học sinh mù.

Cũng vì không có hội đồng chấm thi cho người mù nên hết lớp 9, Ất không được thi tốt nghiệp và thi chuyển cấp lên bậc THPT. Buồn, Ất chẳng màng gì ăn uống.

Không có cách gì hơn, hai anh em mù vón vén mấy đồng tiền gọi điện đến Ban Tuyên giáo, Hội Người mù, Đài Tiếng nói Việt Nam... nhờ can thiệp. Rồi lại mò mẫm dắt nhau vào gõ cửa Sở Giáo dục...

Mất hàng tháng trời vật lộn với “cơn khát chữ”, em được nhập học dưới mái trường THPT Quỳnh Lưu I. Cô giáo Phan Sao Mai cho biết: “Môn tiếng Anh đối với em Ất chỉ có thể ghi chép vào... đầu mà thôi.

Nhiều từ vựng khó nhớ nhưng em lại thuộc và phát âm rất tốt. Bài kiểm tra thời gian một tiết của lớp nhưng với Ất chỉ làm và trả lời bằng miệng trong vòng 15 phút. Thi học kỳII em đạt điểm 9,2 môn tiếng Anh đứng nhất lớp”.

 Ất là học sinh khiếm thị nhưng chúng tôi luôn lấy tấm gương của em để giáo dục, khích lệ cho các học sinh sáng.

Không ít trường học đã mời em về nói chuyện và đã để lại nhiều cảm động - sự tuyên truyền, giáo dục tư tưởng cực kỳ hiệu quả…

Thầy giáo Hồ Tuấn Anh - Bí thư Đoàn trường THPT Quỳnh Lưu I

Cô giáo Lê Thị Thanh Tâm dạy môn toán, nói: “Ất không thể tham khảo qua sách, không quan sát được trên bảng... Vậy mà em là người hăng say phát biểu và giải bài tập tại lớp. 8,7 là điểm môn Toán tổng kết, em đứng nhì lớp”.

Từ năm 2000 đến nay,  Ất đoạt hơn 5 giải thưởng trong nhiều cuộc thi, được bầu chọn vào top “10 gương mặt trẻ xuất sắc nhất” của huyện Quỳnh Lưu.

Hiện nay, Ất là học sinh lớp 12 trường THPT Quỳnh Lưu I. Năm ngoái, cả nhà góp nhặt và vay mượn thêm tiền, đã mua được một chiếc đàn oócgan để ngoài giờ học em đi phục vụ đám cưới, hội nghị... kiếm thêm thu nhập cho gia đình và trang trải chi phí mỗi lúc ra Hà Nội khám, chữa mắt bởi thỉnh thoảng đôi mắt mù ấy vẫn bị sưng đau. 

Hàng đêm, ngồi một mình trong bóng tối, cậu học trò khiếm thị này lại lục bài vở... trong đầu ra để ôn tập. Chỉ còn vài tháng nữa là Ất thi tốt nghiệp THPT.

“Ước mơ cháy bỏng của em là được học khoa Công nghệ thông tin, nhưng nghe nói máy vi tính dành cho người khiếm thị đắt tiền lắm. Hoàn cảnh thế này, em lo sợ ước mơ chỉ là mơ ước mà thôi” - Ất tâm sự.

Rời căn nhà nhỏ rực sáng tình yêu và nghị lực, tôi thầm mong cho ước mơ của Ất thành hiện thực…

Dưới ánh đèn mờ, ngoài giếng, Vân Anh cùng mẹ chồng rửa bát, giặt đồ. Tranh thủ ngoài đồng đã cấy xong, ông Ngữ sửa soạn những bó đũa để ngày mai đưa đi bán dạo. Ất ngồi lặng lẽ học bài.

Một bé trai chừng ba tuổi tụt xuống giường, miệng đòi mẹ nhưng lại chạy về phía bố tại bởi đôi mắt của nó cũng bao phủ một màu đen. Nhâm dang tay ôm con vào lòng, nhấc bổng lên và ngoáy mặt vào bụng nó.

Thằng bé cười ngặt nghẽo rồi kêu lên: “Bố!”. Nghe thế, ông Ngữ, Ất cũng cười theo. Tiếng cười của bốn bố con ông cháu chẳng thể biết mặt nhau…

MỚI - NÓNG
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
TPO - Hoa hậu Ngọc Hân vừa nhận tin trúng tuyển với số điểm 14, xếp thứ 5 trong số các học viên của chuyên ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam.