Hà Tiên, Kiên Giang:

Phát hiện cây bao báp lâu đời nhất Việt Nam?

Phát hiện cây bao báp lâu đời nhất Việt Nam?
TP - Một cây bao báp cao hơn 20m, đường kính rộng trên 3m được coi là “vĩ đại” và lâu đời nhất Việt Nam vừa được phát hiện trên đồi lầu 3, phường Đông Hồ, TX Hà Tiên, Kiên Giang.
Phát hiện cây bao báp lâu đời nhất Việt Nam? ảnh 1
Cây bao báp tại TX Hà Tiên lâu đời nhất Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Tân, Bí thư Thị ủy Hà Tiên cho biết: “Chúng tôi đã hỏi nhiều người dân địa phương nhưng không ai biết cây bao báp được đưa đến Hà Tiên từ năm nào”.

Một cụ già 80 tuổi nói: “Khi tôi sinh ra thì đã thấy có cây đó rồi”. Theo nhận định của một số người thì cây bao báp này có tuổi thọ ít nhất đã trên 100 năm.

Cũng theo ông Tân, sở dĩ ít người biết đến cây bao báp này vì nó nằm trong khu hành chính và quân sự kéo dài liên tiếp qua nhiều thập kỷ luôn được canh phòng cẩn thận.

TX Hà Tiên bây giờ là mùa khô, cây bao báp đang rụng lá, “co” lại để đối chọi với nắng hạn khắc nghiệt.

Như vậy, với những thông tin được phát hiện thì cây bao báp ở TX Hà Tiên - vùng đất có lịch sử khai phá 300 năm nay, là cây có tuổi đời cao nhất và “hoành tráng” nhất Việt Nam tính đến thời điểm này.

Ông Nguyễn Hữu Hài, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Cty Công viên cây xanh TP Huế cho biết: Cây bao báp tại nhà hàng Cây Bao Báp, số 80 đường Mai Thúc Loan (TP Huế) được cha của ông là Nguyễn Hữu Đính,  một kỹ sư Thủy - Lâm mang từ Pháp về (có nguồn gốc từ châu Phi) khoảng năm 1950.

Hiện cây này cao khoảng 17m, đường kính 1m.  Tại TPHCM, hiện có 4 cây bao báp được du nhập từ châu Phi về (3 cây ở Thảo cầm viên và 1 cây ở Trường Đại học Sư phạm TPHCM), tuy nhiên nó chỉ mới được 10 tuổi.

Bao báp là một loài cây có sức sống mãnh liệt, “bụng” nó có thể chứa tới 120.000 lít nước nhằm đối chọi với thời tiết khô hạn kéo dài. Cây thuộc họ gạo (Bombacaceae), tên khoa học là Adasonia digitata L, chiều cao trung bình từ 10-20 mét, sống lâu tới 3.000 năm tuổi.

Cây bao báp là một biểu tượng tự hào của người dân châu Phi. Hạt bao báp chứa nhiều acid ta-ta-ríc và vitamin C, vỏ cây được dùng làm sợi, đan chiếu, rổ, mũ đi mưa, dây đàn và quần áo.

Lá bao báp tươi còn được sử dụng làm thuốc trị bệnh thận, hen, vết cắn của côn trùng. Khi chết, bao báp mục ruỗng từ bên trong và đây là chỗ trú mưa, nơi cư ngụ lý tưởng cho các bộ lạc người và muông thú.

Tại Huế cây bao báp đã được nhân giống thành công, chính quyền thành phố này đang dự kiến trồng loại cây đại thụ này dọc 2 bên đường Đào Tấn.  

MỚI - NÓNG