Phía sau ánh hào quang: Bỏ nghiệp đi... học nghề

Phía sau ánh hào quang: Bỏ nghiệp đi... học nghề
TP - Tại Đại hội TDTT sinh viên ĐNA cuối năm 2006, báo chí đã lên tiếng về việc có quá nhiều VĐV đỉnh cao đang khoác áo đội tuyển phải mặc áo sinh viên ngay khi từ ASIAD Doha trở về.
Phía sau ánh hào quang: Bỏ nghiệp đi... học nghề ảnh 1
Mải mê theo đuổi trái bóng tròn, việc học hành của Lê Huỳnh Đức từng bị gián đoạn. Ảnh: Phạm Yên

>> Bài 5: Nước mắt lặn vào trong

Đó là một sự thật bởi với mỗi VĐV, chỉ có con đường theo học TDTT mới đảm bảo cho họ gắn bó với nghề sau khi giải nghệ. Nhưng con đường học hành cũng đầy gian nan, vất vả.

Những chuyện khó tin

Mới đây, cựu tuyển thủ Lê Huỳnh Đức mới chính thức nhập học ĐH TDTT cho dù từ mùa giải năm ngoái, Huỳnh Đức đã được làm trợ lý HLV. Ở tuổi 35, việc học của Lê Huỳnh Đức muộn màng là có lý do riêng. Chẳng là khi chuẩn bị vào học ĐH TDTT để bước vào con đường HLV chuyên nghiệp, Đức mới tá hỏa vì chưa lấy bằng cấp PTTH, chính xác là không học nên chưa có bằng.

Những năm tháng mải chạy theo trái bóng đã khiến Lê Huỳnh Đức quên mất việc cần phải học cho hết phổ thông. Đức đã phải đi học bổ túc và thật may mắn, giờ đây anh đã được học Đại học, cùng lớp với thủ môn CLB Bình Dương Nguyễn Thế Anh.

Tương tự như Lê Huỳnh Đức là Nguyễn Đức Thắng - cựu hậu vệ nổi tiếng của đội tuyển và Thể Công giải nghệ ở tuổi 30 sau Tiger Cup 2004. Công việc tiếp theo mà Thắng phải làm ngay là theo học nốt chương trình văn hóa THPT để có thể thi tuyển vào Đại học.

Lớp trẻ như Lê Tấn Tài cũng từng khóc dở mếu dở xin chứng nhận của VFF về chuyện phải phục vụ đội tuyển nên không có thời gian học, trớ trêu là trường văn hóa nơi Tấn Tài đăng ký học lại không chấp nhận việc “bỏ lửng” với bất kỳ lý do gì.

Nhưng không phải đã vào được đại học là đã yên. Nhiều VĐV mải thi đấu đã trở thành “vua nợ môn”, mà đã nợ môn nào thì lại phải mất tiền để học lại và thi trả nợ môn đó.

Cựu tuyển thủ bóng đá Phạm Như Thuần cũng phải mất 7-8 năm học mới “bơi” đến lúc tốt nghiệp. Anh em cầu thủ Lê Anh Dũng, Lê Đức Tuấn (HN.ACB) dù đang học tại chức ĐH TDTT nhưng chẳng bao giờ thấy có mặt ở lớp để rồi sát ngày thi, họ lại phải chuẩn bị kha khá tiền để.... học lại.

Bỏ nghiệp để học nghề

Giới VĐV cũng có nhiều người lấy được bằng cử nhân ngoài thể thao như danh thủ bóng đá Nguyễn Hồng Sơn có bằng cử nhân Luật, cựu tuyển thủ karate Vũ Quốc Huy có bằng tốt nghiệp ĐH Kinh tế Quốc dân, hai VĐV khác từng đoạt HCV SEA Games karatedo là Lê Hải Bằng đang học khoa Hóa ĐH Mở, Phạm Trần Nguyên học ĐH Sư phạm…

Nhưng đó chỉ là số ít, bởi đoạn trường đi học với VĐV đôi khi còn khổ ải hơn cả con đường họ đến với vinh quang trong thể thao.

Mai Hoàng Mỹ Trang là VĐV bóng bàn nổi tiếng nhưng ít ai biết rằng dù đã 19 tuổi nhưng cô chưa hoàn tất được chương trình lớp 11 do những chuyến tập huấn và thi đấu diễn ra liên tục trong khi bạn bè em đã vào đại học.

Khi nộp đơn để xin nghỉ tập luyện, Trang đã tâm sự rất thật cùng các thầy: “Em về để đảm bảo được tương lai sau này, em về để cuộc sống sau này của em ổn định không sống những ngày bấp bênh không nhìn thấy tương lai”.

Còn nữ VĐV thể dục dụng cụ từng đoạt HCV SEA Games Ngân Thương cũng từng nói: “Sau 10 năm gắn bó trọn vẹn với thể thao, bây giờ nếu được chọn lại tôi vẫn sẽ chọn nghiệp thể thao, nhưng quả thật nhìn lại những gì mình đã trải qua tôi thấy VĐV thể thao quả thật quá vất vả, thiệt thòi. Như đội TDDC của chúng tôi từ nhỏ đã phải xa gia đình, quanh năm ở trong 4 bức tường nhà tập, luôn đối mặt với nguy cơ chấn thương...

Tôi may mắn trụ lại được đến giờ với một số thành tích, trong khi nhiều bạn đã phải chia tay thể thao vì chấn thương mà chưa hề biết đến thành tích. Chúng tôi chỉ mong VĐV được quan tâm hơn nữa về mọi mặt, nhất là về học tập, đào tạo nghề - những thứ thiết thân để sau này có được một công việc ổn định. Nếu không được đào tạo làm HLV TDDC hay giáo viên thể chất thì có lẽ tôi cũng chẳng làm được gì khác”.

Trong những lý do Duy Bằng xin nghỉ tập cũng một phần muốn tập trung vào việc học Đại học, chuyên gia nhảy sào Lê Thị Phương cũng vậy.

MỚI - NÓNG