Một phần tư thế kỷ tìm người con gái Việt Nam (Kỳ II)

Gia tài giàu có của cô gái nghèo Rosi

Gia tài giàu có của cô gái nghèo Rosi
TP - Chẳng ngờ tôi lại gặp bé Rosi ngày nào giữa Hà Nội. Câu chuyện của hai mẹ con họ của ngày hôm nay chắc hẳn cũng khiến cho gia đình ông Watzik rơi nước mắt...
Gia tài giàu có của cô gái nghèo Rosi ảnh 1
Gia đình ông Hienz - bố nuôi của Vượng và bé Rosi

>> Kỳ I: Thiên đường trong bệnh viện và cuộc “vượt cạn” ở xứ người

 

Những bức ảnh biết nói

Sau khi sinh Rosi, Vượng ở lại bệnh viện một tháng rồi ông bố nuôi người Đức thuê  một ngôi nhà để đón hai mẹ con về ở. Ngôi nhà nhỏ luôn vang lên tiếng cười của những người Đức lẫn người Việt Nam đến thăm mẹ con chị.

Gia đình ông Watzik trở thành những vị khách thường xuyên nhất. Cứ đến cuối tuần, ông Watzik lại lái xe chở vợ con đến nhà chị. Họ mang theo khi thì một món ăn đã nấu sẵn ở nhà, khi thì giỏ hoa quả… Watzik chẳng bao giờ quên máy ảnh. Ông say mê chụp ảnh bé Rosi như thể đó là một kỳ quan.

Ở phía đầu dây bên kia im lặng một lúc, hình như chị đang cố ghìm tiếng khóc. “Những bức ảnh của Watzik chụp Hồng Đức tôi còn giữ được nguyên vẹn. Tôi sẽ gửi cho anh. Nó sẽ nói thay cho tôi”…

Hai ngày sau, tôi nhận được thư chuyển phát nhanh của chị. Tôi mở ra và bị thu hút ngay bởi những tấm ảnh đen trắng chụp đã hơn hai mươi năm nhưng vẫn còn sắc nét, rõ ràng.

Những bức ảnh được dán trên tấm giấy màu đen được trang trí bằng hoa hồng. Chẳng cần phải có lời chú thích, tất cả các tấm ảnh đã tự kể về những khoảnh khắc đẹp như cổ tích của hai mẹ con bé Rosi.

Đây là bức ảnh bà Ina cùng các bác sĩ, y tá đang ở bên cạnh chị trong căn phòng ở bệnh viện. Họ trìu mến ngắm bé Rosi. Kia là ảnh người đàn ông to lớn râu quai nón đang ngồi cạnh Vượng trong căn nhà trọ của chị. Tay chị bế bé Rosi. Người đàn ông đó là Watzik. 

Một gia đình đang vui đùa với đứa trẻ trên bãi cỏ. Đứa trẻ có gương mặt của thiên thần. Đó là bức ảnh của Vượng với gia đình bố nuôi Hienz.  Ai chụp ảnh với mẹ con chị đều cười tươi.

Nhưng có khoảnh khắc mà tất cả những người ở bên mẹ con Vượng đều khóc. Máy ảnh của Watzik đã không chụp được cảnh này bởi vì bản thân ông cũng khóc. Đó là lúc mẹ con Vượng phải rời xa nước Đức để trở về Việt Nam…

Trong thời gian nằm viện và nghỉ đẻ, Vượng nhận được mỗi tháng 450 mác, tương đương nửa tháng lương. Khi đi làm trở lại ở nhà máy sản xuất tủ lạnh, chị được trả 800 mác/ tháng.

Mức thu nhập đó đủ trang trải cuộc sống cho hai mẹ con và dành dụm được chút ít. Cuộc sống cứ thế êm đềm trôi đi. Bé Rosi được gửi ở nhà trẻ.

Cuối tuần ông bà Watzik đến chơi rồi đón cả hai mẹ con về nhà họ. Nhưng lúc  Rosi lên 3 tuổi, đã bập bẹ được vài câu tiếng Đức thì mẹ con chị phải về nước vì thời hạn lao động ở CHDC Đức đã hết.

Nước mắt đàn ông

Nỗi buồn hiển hiện trên gương mặt của vợ chồng ông Watzik, của gia đình bố nuôi… khi họ nghe Vượng báo tin sắp về Việt Nam. Một sự chia tay đã được ý thức trước nhưng ai cũng cảm thấy đột ngột.

Gia đình ông Watzik đã mua tặng chị rất nhiều thứ: quần áo, giường cá nhân, chăn màn… Họ quan tâm, lo lắng cho chị như một thành viên trong gia đình sắp có chuyến đi xa.

Sân bay hôm ấy đông chật người. Các anh chị em công nhân cùng làm trong phân xưởng, gia đình bố nuôi, gia đình ông Watzik, những người bạn Đức…

Máy bay sắp sửa cất cánh. Ông bố nuôi Heinz ôm chặt chị không muốn rời. Ông khóc thành tiếng. Chị nhìn thấy những giọt nước mắt trên gương mặt ông Watzik. Người đàn ông râu quai nón này có lẽ cũng chẳng ngờ mình lại có phút yếu lòng như vậy. 

Tất cả đều khóc, trừ bé Rosi - Hồng Đức. Cô bé 3 tuổi hồn nhiên đưa bàn tay nhỏ xíu vẫy vẫy mà không biết rằng mình sắp xa nước Đức.

Vào thời điểm những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, từ biệt nước Đức về Việt Nam rất khó nói được câu “Hẹn gặp lại”, ngay cả thư từ, điện thoại cũng rất khó khăn.

Vượng cũng chỉ biết để lại mấy dòng địa chỉ nghe đã thấy xa vời vợi: Nguyen Thi Vuong - Xom Van Giang – xa Tan Tien – huyen Yen Dũng – tinh Ha Bac.

“Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương”, phút chia tay của cô công nhân Việt Nam đi xuất khẩu lao động ở Đức sao mà lưu luyến như rời xa đất mẹ, sao mà có vẻ “tử biệt sinh ly” đến thế.

Năm 1992, Vượng nhận được từ nước Đức tin người bố nuôi nhân hậu Hienz của mình đã qua đời - do con trai của bố nuôi gửi. Đó là tất cả thông tin mà chị nhận được từ nước Đức kể từ ngày về nước.

Sau sự kiện bức tường Berlin sụp đổ, nước Đức trải qua một cuộc “bể dâu” làm thay đổi cuộc sống của những người như ông bà Watzik.

Vượng đã viết thư sang mấy lần  nhưng chẳng thấy hồi âm. Rồi tâm trí của chị phải dồn hết vào gánh nặng áo cơm trong những năm tháng đời sống ở Việt Nam còn đang khốn khó.

Bươn chải giữa đời thường

Gia tài giàu có của cô gái nghèo Rosi ảnh 2
Mẹ con bà Ina Watzik đang chơi đùa với bé Rosi

Những ngày đầu về nước, không nhận được bất cứ tin gì của người yêu (bố đẻ của bé Hồng Đức), ít lâu sau đó, Vượng đã quyết định lập gia đình với một người đàn ông cũng đi xuất khẩu lao động ở Đức và đã thực lòng thương yêu chia sẻ với chị những đắng cay ngọt bùi xứ người.

Cả hai người bán hết hàng hóa mang về cũng chỉ đủ mua một ngôi nhà ở quê của Vượng. Sau đó, chồng xin vào làm ở nhà máy phân đạm Hà Bắc, vợ chạy chợ kiếm sống.

Đang làm việc trong một nhà máy hiện đại ở nước Đức với đồng lương cao nay trở về nước, hàng ngày chở một mẹt hàng xén ra giữa chợ quê nghèo dầm nắng dãi mưa để kiếm mấy đồng tiền lẻ nuôi con, chị không khỏi bị sốc.

Chị bảo tôi: “ Mình vốn là nông dân nên khổ quen rồi. Ngày đó, gia đình tôi không đến nỗi đứt bữa nhưng cũng gieo neo lắm. Năm 1992, vì cuộc sống quá khó khăn nên gia đình chuyển vào  TPHCM  lập nghiệp.

Vào đây mình cũng mở một quầy hàng tạp hóa bán nhì nhằng thôi, còn công việc của ông xã cũng chưa ổn định. Ngoài Hồng Đức, vợ chồng tôi sinh được một bé gái. Tuy nghèo nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc”.

Gặp Rosi ở Hà Nội

Hơn 20 năm đã trôi qua, bé Rosi ở nước Đức ngày ấy bây giờ thế nào? Tôi cũng chẳng ngờ mình lại gặp Hồng Đức ở Hà Nội. Đức đang làm việc cho một Cty sản xuất đồ nội trợ ở thủ đô.

Ngồi đối diện với tôi trong quán cà phê lúc Hà Nội đã về chiều, cô gái đó có gương mặt xinh xắn, nước da trắng, đôi mắt nâu hiền hậu. Tôi đưa cho Hồng Đức bài báo viết về câu chuyện của mẹ cô và những kỷ niệm với gia đình ông Watzik.

Đức chăm chú đọc, cô mỉm cười khi nhìn thấy ảnh mình - bé Rosi bụ bẫm. Đức bảo: “Bây giờ em chẳng có chút ký ức nào về nước Đức về còn bé quá. Em chỉ nghe kể lại và nhìn những tấm ảnh mà mẹ cất giữ thôi”.

Hồng Đức cười tươi khiến tôi liên tưởng tới nụ cười của bé Rosi trong ảnh mà ông Watzik chụp. “Mẹ kể rằng khi về quê Bắc Giang em chỉ nói tiếng Đức không biết nói tiếng Việt.

Thấy ông bà ngoại ăn trầu, răng đen em chê bẩn. Nhà nấu bằng rơm, khói bốc lên cay mắt làm bé Rosi khóc nhè. Dù không cảm nhận được gì ở nước Đức nhưng khi đã khôn lớn, em biết ơn những tình cảm mà gia đình ông Watzik đã dành cho mẹ con em.

Tình cảm đó hình như đã ngấm vào em cùng sữa mẹ. Và bây giờ ngay cả địa chỉ e-mail của mình, em cũng lấy là Rosi”.

Hồng Đức lớn lên trong những năm tháng gia đình khó khăn. Nhưng em luôn chăm ngoan, học giỏi và làm nhiều việc để giúp đỡ bố mẹ. Có những lúc Đức đã phải đi xe hương, bán hàng để kiếm thêm ít tiền ăn học.

Sau khi tốt nghiệp trường Tài chính - Kế toán, sức khỏe giảm sút khiến Đức phải ra Hà Nội chữa bệnh. Sức khỏe hồi phục, Đức quyết định xin việc làm ở thủ đô.

Ăn cơm bụi, ở nhà thuê, sống cảnh xa gia đình trong khi sức khỏe chưa ổn định, cô gái này cũng có những lúc buồn và bi quan về cuộc sống. Những lúc ấy, những kỷ niệm về tình người ở nước Đức ngày nào trở thành một chỗ dựa tinh thần của Rosi hôm nay.

Ngày trước, mẹ vẫn kể cho Rosi nghe câu chuyện về bố nuôi của mẹ, về gia đình ông Watzik như kể chuyện cổ tích vậy.

“Em thấy ấm áp, vững tin hơn khi nhớ lại câu chuyện đó. Mọi khó khăn hay nỗi đau đều có thể vượt qua nếu nhận được hơi ấm tình người.  Nó xoá nhòa những khoảng cách về địa lý, chủng tộc con người đến với nhau.

Câu chuyện của mẹ em với gia đình ông Watzik, đã chứng minh điều đó. Và có lẽ đó là tài sản tinh thần quý giá nhất của em. Em thấy mình giàu có với gia tài tinh thần đó dù vật chất em rất nghèo”.

Niềm vui của chị Vượng như phả vào ống nghe điện thoại bên tai tôi. Chị bảo: “Nhận được tin gia đình Verne Watzik đang muốn tìm gặp mình, mấy ngày hôm nay tôi sống trong cảm giác rất khó tả. Tôi muốn viết thư cho họ nhưng không có địa chỉ. Tôi nhờ anh chuyển cho tôi bức thư ngắn này tới ông bà. Tôi đọc cho anh ghi nhé:

Ông bà Verne Watzik kính mến!

Tôi đã khóc khi biết tin ông bà đang muốn tìm gặp tôi. Hơn hai mươi năm đã trôi qua, nhưng tôi không thể nào quên những tình cảm mà gia đình ông bà đã dành cho tôi.

Tôi không bao giờ quên những kỷ niệm với gia đình ông bà. Tôi  nhớ các cháu nhỏ của nhà ta lắm. Bây giờ chắc  hai cháu đã lớn lắm rồi? Mỗi  lúc buồn tôi lại đưa những bức ảnh mà ông đã chụp cho tôi và bé Rosi ra để ngắm. Lúc đó mọi nỗi buồn đều tan biến hết.

Tôi và Rosi  mong một ngày được đón gia đình ông bà trên đất nước tôi. Tôi tin ông bà sẽ cảm nhận được tình cảm của người Việt Nam cũng như tôi đã cảm nhận được tình cảm của những người Đức nhân hậu tuyệt vời đã dành cho mình. Tôi cầu mong ngày gặp lại gia đình ông bà...”.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.