Cầu thị hay né tránh trách nhiệm?

Cầu thị hay né tránh trách nhiệm?
TP - Báo Tiền phong từng có bài: “Hành quyết “hậu duệ Lão Tôn” giữa lòng di sản”, đề cập đến một thực trạng nhức nhối hiện nay đang diễn ra ở DSTNTG Phong Nha-Kẻ Bàng (PN-KB). Đó là việc săn bắt, buôn bán, giết mổ loài linh trưởng, một trong những loài quý hiếm cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt.

Sau khi báo phát hành, ngày 14/3 UBND tỉnh đã có Công văn số 440/UBND do ông Phan Lâm Phương, Chủ tịch UBND tỉnh ký, yêu cầu các cơ quan chức năng phải điều tra làm rõ các nội dung của báo nêu và báo cáo cho UBND tỉnh và báo Tiền phong trước ngày 23/3.

Sau thời hạn mà ông Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu 5 ngày, ngày 28/3, Vườn Quốc gia PN-KB có Công văn số 267/VQG do ông Nguyễn Tấn Hiệp, Giám đốc Vườn ký gửi lãnh đạo báo Tiền phong.

Công văn này giải trình lại 3 vấn đề mà bài báo đã đề cập. Vấn đề thứ nhất: Việc bẫy bắt động vật hoang dã tại khu vực Trạm Kiểm lâm Trộ Mợng. Công văn này thừa nhận có hiện tượng người dân lén lút vào rừng đặt bẫy các loại thú (khoảng trên 40 người). Nhưng cũng chính trên công văn này lại khẳng định các loài linh trưởng ở khu vực này được bảo vệ khá an toàn (!?).

Vấn đề thứ 2: Vấn đề buôn bán các loại sản phẩm, các loài động vật hoang dã. Công văn cho thấy đã thực hiện tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, nghĩa là đã thành lập đoàn kiểm tra với đầy đủ thành phần.

Ở thời điểm vào kiểm tra những cơ sở nghi vấn thì “không có sản phẩm động vật hoang dã cất giữ, bày bán hay giết mổ...” và thông tin mà đoàn báo cáo trong công văn này là: “Chủ nhà hàng cho biết...và chủ nhà hàng nói rằng...”.

Xin hỏi ông Giám đốc Vườn: Liệu có kẻ buôn lậu và giết mổ động vật hoang dã nào lại “thật thà” khai báo đã buôn lậu và giết mổ động vật hoang dã. Và để biện minh cho việc săn bắt, giết mổ, buôn bán loài linh trưởng đang diễn ra ở đây, công văn “định tính” rằng: “Tuy nhiên, theo thông tin phản ánh thì các nhà hàng trên có buôn bán sản phẩm động vật hoang dã trong đó có thịt khỉ, nguồn hàng chủ yếu được vận chuyển từ Minh Hoá về” (cách nhà hàng kia 20-40 km-TG) nghĩa là khỉ này không phải khỉ của vùng di sản (?).

Vấn đề thứ 3: Thông tin về con số khỉ ép khô 11 tấn/năm. Bài báo nêu mấy năm trước, khi PN-KB chưa là DSTNTG. Địa điểm mà chương trình điều tra đa dạng sinh học Bắc Trường Sơn khảo sát cũng được chỉ rõ là Phù Minh và Phù Nhiêu, thế thì, không cớ gì gây hiểu lầm cho bạn đọc của báo.

Theo chúng tôi, công văn trên đề cập đến việc tiếp thu phê bình với tinh thần cầu thị cao. Nhưng, tinh thần của công văn vẫn chưa nhìn thấy thực trạng báo động và nguy cơ tiềm ẩn của nạn săn bắt, buôn bán, giết mổ động vật hoang dã nói chung và loài linh trưởng nói riêng đang diễn ra ở đây.

Với tinh thần bảo vệ di sản là nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi người, chúng tôi sẽ trở lại đề tài này với những chứng cứ, địa điểm, con người cụ thể vào một dịp thích hợp.

MỚI - NÓNG