Viết tiếp "Chuyện một phần tư thế kỷ đi tìm người con gái VN"

'Cháu đã khóc khi nhận được thư của bác'

'Cháu đã khóc khi nhận được thư của bác'
TP - “Cháu đã khóc khi nhận được thư của bác. Cháu ngạc nhiên nhưng không hề có cảm giác xa lạ. Hai bác và các anh chị đã trở nên gần gũi trong cháu tự lúc nào không rõ'.

"Có phải vì lúc mẹ cháu đang mang thai cháu đã được cô Ina chăm sóc tận tình? Có phải vì lúc cháu vừa cất tiếng khóc chào đời có gia đình bác nâng niu với tất cả niềm thương mến?...” – Hồng Đức đã viết như vậy trong bức thư gửi ông bà Watzik.

'Cháu đã khóc khi nhận được thư của bác' ảnh 1
Rosi bây giờ

Đời thường của chị Vượng

Chị Nguyễn Thị Vượng dặn  tôi qua điện thoại: “Nhà chị ở phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân. Qua chùa Vạn Phước, rẽ vào hẻm bên phải, đi khoảng 200m thì hỏi nhà ông tổ trưởng người Bắc”.

Ông tổ trưởng người Bắc chính là anh Nguyễn Đình Chiến, chồng chị Vượng, bà con ở đây thường gọi chú Chiến Út. Bước qua gian hàng tạp hoá thì gặp được cả hai vợ chồng chủ nhà, không khí đon đả thân mật như được trở lại làng quê Bắc Bộ.

Giở tờ báo Tiền phong số ra ngày 16/4 chỉ bức ảnh trang nhất, tôi hỏi: “Chị có nhận ra ai đây không?”. Chị Vượng nheo mắt reo lên: “Bà Ina! Không già lắm so với trước”. Đôi mắt chị bắt đầu loáng nước…

>> Tấm lòng của vợ chồng người Đức với một cô gái Việt

>> Mong sao họ có ngày tái ngộ

Không còn gương mặt căng tròn sức trẻ của hơn 20 năm về trước, vóc dáng chị Vượng thêm nhỏ bé nhưng vẫn giữ được nét nhanh lẹ, sắc sảo. Cùng đi xuất khẩu lao động ở Đông Đức với chị Vượng thời ấy, anh Chiến từng đến thăm chị Vượng và gặp ông bà Watzik nên không xa lạ gì cặp vợ chồng nhân hậu này.

Kể từ hồi về nước năm 1985, chị Vượng có gửi thư cho ông bà Watzik nhưng ông bà chuyển sang Tây Đức sinh sống nên mất liên lạc: “Tôi không hề biết là bao năm nay ông bà vẫn đi tìm mình”.

Còn chị có giữ liên lạc với bố mẹ nuôi không? Chị Vượng gật đầu: “Tôi về nước được 2 năm thì mẹ nuôi mất, bố nuôi gửi thư báo tang, sau đó tôi lại nhận được thư của con trai ông bà báo tin bố nuôi mất. Cậu ấy nói rất tiếc vì lúc đó nhiều người thất nghiệp, tình hình khó khăn nên không thể bảo lãnh cho tôi sang chịu tang được”.

Chị Vượng nhớ lại về những con người nhân hậu nơi xứ lạ: “Bà Ina tình cảm lắm, chăm sóc tôi suốt 6 tháng tôi nằm viện. Khi mang thai, sức khoẻ của tôi rất yếu, cứ ăn vào lại nôn ra, bước ra hành lang là ngất xỉu, phải liên tục truyền đạm. Bác sĩ thử máu thấy sắc tím bầm, họ quyết định mổ chứ không để đẻ thường.

Sinh bé Hồng Đức được 6 tháng tôi bắt đầu đi làm theo ca ở nhà máy DDK chuyên về lắp ráp tủ lạnh. Thường thì cứ sáng thứ Hai bố nuôi Heinz cho xe đưa bé Đức đến nhà trẻ, chiều thứ Sáu ông lại cho xe rước bé về, hoặc các y tá, bác sĩ ở bệnh viện cũng thường gọi điện báo trước là đã đón Đức về nhà chăm sóc để tôi yên tâm làm việc. Rồi họ còn thuê nhà cho tôi ở mà không phải trả tiền…”.

Cho đến nay chị Vượng cũng không biết rõ ông Watzik thực ra làm nghề gì: “Tôi không dám hỏi, chỉ biết ông rất hay chụp hình, rồi đi đánh đàn ở nhà thờ, lúc đó cậu con trai cả của ông bà đã học lớp 3-4, đã biết đánh đàn piano, còn cô con gái mới 4 tuổi. Trong thư mới đây không thấy ông bà nhắc đến cậu cả, chẳng biết số phận cậu ấy thế nào?”.

Hết thời hạn lao động ở Đức, bố mẹ nuôi và ông bà Watzik đề nghị với chị Vượng hay là để bé Rosi ở lại Đức để mọi người nuôi, ai cũng coi Rosi như con đẻ, nhưng chị Vượng không thể xa con.

Thế là bé Đức- tức Rosi theo mẹ về Việt Nam, khi chị Vượng và anh Chiến nên duyên vợ chồng, năm 1987 bé gái thứ hai tên Việt ra đời, cũng bởi gia đình muốn trọn vẹn tình nghĩa với 2 nơi: Nước Việt và nước Đức.

'Cháu đã khóc khi nhận được thư của bác' ảnh 2
Vợ chồng chị Vượng hiện nay

Cuộc sống ở quê khó khăn quá nên năm 1992 vợ chồng chị Vượng bán nhà chuyển vào TP HCM, phải vay thêm bạn bè, họ hàng mới mua được một mảnh đất khoảng 50 m2 ở Bình Tân khi ấy còn hoang vắng lắm, nay vẫn chưa cất lên thành cái nhà hẳn hoi được: Tường thì mượn của nhà bên cạnh, đôi chỗ che chắn bằng tôn, riêng cái nền phải bồi không biết bao nhiêu đất mới đỡ bị trũng.

Đức đang học kế toán thì bị bệnh hen phế quản, chạy chữa nhiều tiền mà chưa khỏi, ra Bắc điều trị một thời gian mới đỡ chút ít, chị Vượng tính cuối tháng này để Đức lại vào Nam, học tiếp hoặc tìm thêm việc làm. Cô em gái Việt giờ cũng học kế toán, tranh thủ dạy thêm.

Chị Vượng thở dài: “Nay nối lại được tin tức của ông bà Watzik, chúng tôi muốn mời ông bà sang Việt Nam chơi lắm mà không đủ khả năng tài chính, nhưng nếu ông bà có điều kiện sang được vào mùa thu này thì quả là tốt quá”. Hỏi sẽ chuẩn bị gì để đãi khách quý, chị Vượng cười: “Có gì thì đãi nấy, tấm lòng chân thành thôi”.

Mới đây nghe tin có người lạ về tận quê Bắc Giang tìm kiếm, chị Vượng đã lo nếu là người xấu tưởng mối quan hệ với gia đình người Đức “béo bở” quá mà có ý lừa gạt gì chăng? May quá, đó là người cũng từng ở Đức, biết chuyện của chị Vượng nên xúc động, muốn tìm gặp để chia sẻ và cho số điện thoại của gia đình Watzik hiện nay. Cũng có người chưa hiểu hết chuyện, mới nghe tin có cặp vợ chồng người Đức mong ngóng được gặp lại chị Vượng thì đã cho là Chị Vượng “trúng” rồi, từ nay có nguồn tài trợ rồi.

Nhưng chị Vượng lại mong tìm thêm được những ân nhân đã giúp đỡ mẹ con cô hồi ở Đức: “Ở nhà máy nơi tôi làm việc lúc đó chỉ có khoảng 20 công nhân Việt. Có 2 anh kỹ sư Năng và Khôi là đội trưởng đồng thời phụ trách nhóm chúng tôi. Cả 2 anh đều tận tình giúp đỡ tôi, chỉ bảo mọi đường đi nước bước để được ở lại và sinh con tại Đức, họ cũng chính là nhịp cầu nối tôi đến với bố mẹ nuôi, gia đình ông Watzik và bệnh viện nhân ái đó.

Sau này nhiều người Việt sang Đức lao động hơn, 2 anh về nước tôi cũng bị mất liên lạc. Nghe nói anh Khôi có theo gia đình vào Nam nhưng tôi không rõ địa chỉ ở đâu, tôi mong có ngày gặp lại 2 anh để được nói lời cám ơn một lần nữa. Gia đình bố nuôi, gia đình Watzik, những y tá, bác sĩ ở bệnh viện nơi bé Đức chào đời, bà chủ nhà ở Đức… là những ân nhân mà tôi luôn tâm niệm: Ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây”.

Bức thư của Rosi gửi gia đình ông Watzik

Mấy ngày hôm nay Hồng Đức sống trong tâm trạng thật khó tả, vui, xúc động và đan xen những bâng khuâng hoài niệm về  một thời  tưởng như đã trở nên mờ mịt trong ký ức.

Bạn bè, các đồng nghiệp ở Cty hình như đã cảm thấy thú vị lẫn ngạc nhiên khi câu chuyện của mẹ con Đức được đăng trên báo Tiền phong. Đức vốn  ít nói và càng ít kể về mình. Sau khi bề bộn công việc của một ngày đã lắng xuống, Rosi  ngồi vào máy tính và gõ những dòng thư tới một địa chỉ ở nước  Đức:

“Bác Watzik  kính mến!

Cháu đã khóc khi nhận được thư của bác. Cháu ngạc nhiên nhưng không hề có cảm giác xa lạ. Hai bác và các anh chị đã trở nên gần gũi trong cháu tự lúc nào không rõ. Có phải vì lúc mẹ cháu đang mang thai cháu đã được cô Ina chăm sóc tận tình? Có phải vì lúc cháu vừa cất tiếng khóc chào đời đã có gia đình bác nâng niu với tất cả niềm thương mến?

Phải rồi, dẫu kí ức của một đứa trẻ lên ba rất mờ nhạt, nhưng cháu vẫn nhớ lờ mờ một người đàn ông râu quai nón gương mặt phúc hậu vẫn thường ẵm cháu vào lòng, vẫn thường ngắm ống kính máy ảnh để chụp bé Rosi.  Người đàn ông đó chắc chắn là bác Watzik rồi. Nhìn ảnh bác bây giờ, tuy có già hơn nhưng cháu vẫn thấy quen thân lắm.  Những gì đã đi vào trí nhớ của một đứa trẻ lên 3 thì sẽ theo nó suốt đời bác Watzik ạ.

Bây giờ nhìn ảnh cháu hai bác có nhận ra đó là bé Rosi ngày nào. Cháu thay đổi nhiều quá phải không ạ, hơn 20 năm trôi qua rồi. Bác biết không, sau khi về nước, bố mẹ đã phải kiếm sống rất chật vật để nuôi cháu nhưng vẫn thường nhắc tới hai bác và những kỷ niệm ở nước Đức. Gia đình cháu rất vui khi đón gia đình bác đến thăm vào mùa thu này. Người Việt Nam có câu “hẹp nhà rộng bụng”, nhất định gia đình bác sẽ cảm nhận được sự hiếu khách và những tình cảm nồng ấm ở Việt Nam.

Bác biết không, cuộc sống của một cô gái tuổi hai mươi như cháu có cũng nhiều vui buồn lắm. Có lúc cháu đã chán nản, thậm chí tuyệt vọng. Những lúc đó, cháu nhớ lại câu chuyện của mẹ con cháu trên nước Đức. Câu chuyện đó không có gì ly kỳ mà hết sức đời thường nhưng nó làm cho cháu tin vào hai chữ TÌNH NGƯỜI. Chính niềm tin đó làm khiến cho cháu tin yêu cuộc đời này. Và nếu như gia đình cháu và gia đình bác gặp nhau ở mùa thu Việt Nam tới đây  thì với cháu đó là một câu chuyện cổ tích có hậu.

Cháu mong ngày gặp hai bác, chị Tabea và anh Thomas. Cháu muốn nghe hai bác kể về cuộc sống của mình sau khi nước Đức thống nhất. Anh Thomas đã lập gia đình chưa? …”.

Ít ngày sau, Hồng Đức nhận được thư của ông Watzik. Ông báo một tin khiến cô bật khóc: Thomas đã chết năm 1990. Thomas - cậu bé với nụ cười ngây thơ rạng rỡ, bế bé  Rosi ngày nào đã không còn nữa.

Rosi bỗng trở nên triết lý: “Cuộc sống nhiều mất mát, khổ đau đã xích con người lại gần nhau hơn. Em mong mùa thu đến sớm”.

Cuộc điện thoại từ nước Đức

Trưa qua (18/4), nghe chuông điện thoại nhà mình reo, chị Vượng cầm máy, phía đầu dây bên kia một giọng nói bằng tiếng Đức vang lên. Đó chính là bà Ina Watzik!

Hơn hai mươi năm trôi qua, chị vẫn nhớ như in giọng nói của bà Ina. Và dẫu cho lúc ban đầu chị nói bằng tiếng Việt, bà Ina vẫn nhận ra giọng Vượng. Trong giây lát, bà Ina xúc động chẳng nói nên lời. Thế rồi bà kể cho chị nghe về gia đình mình, nhắc lại những kỷ niệm với các bác sĩ, y tá ở bệnh viện trước đây.

Bà hỏi chị Vượng về Hồng Đức, về cuộc sống ở Việt Nam... Họ tâm tình với nhau nhiều điều, duy có một chuyện chị Vượng không dám hỏi và bà Ina cũng chẳng nói đến: đó là cậu bé Thomas ngày nào nếu như còn sống thì đã ngoài 30 tuổi. Qua điện thoại khó tâm sự nhiều, hai người phụ nữ hẹn gặp nhau vào mùa thu này ở Việt Nam.

MỚI - NÓNG