Đại trai đàn bình đẳng chẩn tế tại Sóc Sơn

Đại trai đàn bình đẳng chẩn tế tại Sóc Sơn
TPO - Sáng nay (20/4), hơn một vạn tăng ni, Phật tử đã đổ về Chùa Non, Sóc Sơn, Hà Nội để tham dự Đại trai đàn bình đẳng chẩn tế và Đại lễ cầu Quốc thái dân an do Thành hội Phật giáo Hà Nội phối hợp với Thiền sư Thích Nhất Hạnh cùng Tăng đoàn làng Mai tổ chức.
Đại trai đàn bình đẳng chẩn tế tại Sóc Sơn ảnh 1
Dòng người đổ về chùa Non, Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Lan Anh

Đây là Đại trai đàn thứ ba và cũng là cuối cùng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong chuyến trở lại Việt Nam lần thứ hai. Từ ba giờ sáng, các phái đoàn tăng ni Phật tử đã tề tịu về đây rất đông. 

Đại trai đàn bình đẳng chẩn tế tại Sóc Sơn ảnh 2
Đại trai đàn chẩn tế tại chùa Non. Ảnh: Lan Anh

Đúng 9 giờ, lễ khai Bạch Phật mở đầu cho Lễ cầu nguyện Quốc thái dân an được tiến hành. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã pháp thoại cầu siêu cho những vong hồn đã khuất. Trong suốt ngày hôm nay, một loạt các nghi lễ cầu siêu sẽ được diễn ra như lễ cúng Phật đại khoa, cúng chúng thực, cúng Ngọ trai, cúng Qui vong và kết thúc bằng Trì  tĩnh lúc 22 giờ.

Đại trai đàn bình đẳng chẩn tế tại Sóc Sơn ảnh 3
Hơn một vạn người tới nghe Thiền sư Thích Nhất Hạnh thuyết giảng. Ảnh: Lan Anh

Đoàn thiền sinh, cư sĩ Làng Mai gồm hơn 130 người với các quốc tịch khác nhau như  Mỹ, Pháp, Thuỵ Điển, Canada, Australia, Hà Lan, trong đó đông nhất là Pháp. Hầu hết các thiền sinh đều  lần đầu đến Việt Nam, nhưng họ đều bày tỏ sự vui mừng và hạnh phúc khi được tới thăm đất nước Việt Nam tươi đẹp, hiếu khách.

Đại trai đàn bình đẳng chẩn tế tại Sóc Sơn ảnh 4 Đại trai đàn bình đẳng chẩn tế tại Sóc Sơn ảnh 5

Trời  bỗng mưa lây rây  từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc lễ cầu siêu.

Trong, ngoài chùa Non luôn kín đặc người ngồi nghe pháp thoại.

Đại trai đàn bình đẳng chẩn tế tại Sóc Sơn ảnh 6
Thiền sinh quốc tế của Đoàn tăng thân Làng Mai: "Các bạn phải tự hào vì có đất nước tươi đẹp thế này ". Ảnh: Lan Anh

Thượng toạ Thích Gia Quang, Phó Ban Phật giáo quốc tế Trung ương nhận định, chuyến trở về của Thiền sư Thích Nhất Hạnh mang một ý nghĩa to lớn. Nó không chỉ là việc tổ chức đại trai đàn chẩn tế ở ba miền Bắc- Trung- Nam, mà còn mang tình cảm của người Việt Nam nước ngoài với người Việt Nam trong nước.

Thượng toạ Thích Gia Quang cho biết, để có được thành công trong đại lễ trai đàn lần này, mọi công tác chuẩn bị đã phải được tiến hành từ cách đây 4 - 5 tháng.

Trong thời gian ra Bắc, Thiền sư Thích Nhất Hạnh và đoàn tăng thân Làng Mai đã tới thăm TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Hà Nội, Ban Tôn giáo Chính Phủ.

Sau ba ngày tham gia Đại trai đàn chẩn tế được tổ chức tại chùa Non và Học viện Phật giáo Việt Nam  từ ngày 20/4 đến ngày 22/4, đoàn sẽ đi thăm và đảnh lễ Ban Trị sự tỉnh hội Phật giáo Ninh bình, khai mạc khoá tu cho Tăng Ni và Phật tử chùa Đồng Đắc, tham quan nhà thờ Đá, cố đô Hoa Lư.

Trong thời gian ở Hà Nội, đoàn sẽ đi tham quan chùa Một Cột, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, dạo hồ Hoàn Kiếm, thuyết pháp tại Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài với chủ đề "Tuệ giác của đạo Phật trong truyện Kiều", pháp thoại cho người nước ngoài tại khách sạn Melia, chia sẻ với Tăng ni sinh trường Trung cấp Phật học Hà Nội tại chùa Bằng A, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Ngày 9/5 đoàn sẽ rời Việt Nam đi Hồng Kông và Thái Lan.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh, pháp danh Trừng Quang, xuất gia tu học năm 16 tuổi. Năm nay Thiền sư 82 tuổi đời, 62 tuổi đạo.

Tác phẩm Đường xưa mây trắng của ông đang được tỉ phú người Ấn Độ Bhupendra Kuman Modi dựng thành phim với kinh phí lên tới 120 triệu USD. Đây là một thiên anh hùng ca để giới thiệu Đạo Phật như một con đường tâm linh hướng dẫn thế giới trong thiên niên kỷ mới.

MỚI - NÓNG