Huyền thoại về một niềm tin sống

Huyền thoại về một niềm tin sống
TP - Bị liệt hai chân từ năm lên 4 sau một trận ốm, trong lúc người lớn lắc đầu thở dài coi như đặt dấu chấm hết cho một phận người thì chị Trần Phương Liên âm thầm sống, vượt qua trùng trùng khó khăn để tốt nghiệp ĐH và hiện là giáo viên dạy tiếng Nhật nổi tiếng ở TP Huế.
Huyền thoại về một niềm tin sống ảnh 1
Trong một giờ dạy tiếng Nhật của chị Phương Liên ở ngôi nhà 75 Bến Nghé, thành phố Huế

Cuộc đời chị là cả một huyền thoại về niềm tin sống và sự công bằng trên cõi đời.

Chuyện chị trở thành giáo viên dạy tiếng Nhật nổi tiếng như bây giờ lại có căn nguyên từ một bài hát phản đối chiến tranh Việt Nam, gắn liền với một cô ca sĩ Nhật Bản mà chị tình cờ nghe được cách đây hơn 30 năm trong một căn hầm sơ tán....

Kỳ I: Viết thư cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng để... xin việc

Năm 1986, sau 5 năm tốt nghiệp khoa Sử Đại học Tổng hợp Huế nhưng đi xin việc đến đâu người ta cũng từ chối vì bị liệt hai chân, chị Trần Phương Liên quyết định gửi một bức thư cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc ấy với đại ý: Chị cần có một việc làm để cống hiến chút sức mọn của mình cho xã hội và cần được đối xử công bằng như mọi người có học khác.

Bây giờ, một công dân viết thư cho Thủ tướng là một việc bình thường, nhưng thời điểm năm 1986, đó là một chuyện... “động trời” và không phải ai cũng dám làm...

“Đời tôi chỉ có học là vui...”

Sinh năm 1958, là người “Huế rặt” nhưng bởi bố mẹ là cán bộ tập kết nên chị Liên được sinh ra ở Hải Phòng và lớn lên ở Hà Nội. Năm lên bốn tuổi, một trận sốt nặng đã làm đôi chân chị bại liệt hoàn toàn cho đến bây giờ. Từ đó, mỗi ngày chị đến trường trên… lưng bạn bè và đi sơ tán tránh bom máy bay Mỹ trên lưng bố mẹ.

Hơn 40 năm sau, hỏi lại cảm giác đầu tiên khi biết đôi chân mình bị bại liệt, chị bảo: Chỉ nhớ mang máng là hình như mình rất buồn vì thấy bạn bè đồng lứa suốt ngày ai cũng chạy nhảy vui đùa thỏa thích, trong lúc mình lại ngồi thu lu trong nhà. Và “sau này nghe ba mẹ mình kể lại là hồi đó họ rất buồn và thất vọng, họ nghĩ đời mình rứa là coi như chấm hết. Họ không tin rằng mình có thể sống và trở thành một người như bây giờ...”. 

Tuy vậy, suốt đời chị không thể nào quên được cảnh bạn bè phải cõng mình trên lưng mỗi ngày đến trường trong hai đợt sơ tán 1964 - 1968 và 1972 - 1973 để tránh máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc.

Lúc đó chị đã là một cô bé dậy thì: “Hàng ngày, nằm vắt trên lưng bạn bè đến lớp và về nơi sơ tán, hoặc khẩn cấp xuống hầm trú bom, mình mới thấm thía được nỗi đau của một người không có đôi chân. Đã có lúc trong đầu mình lóe lên ý nghĩ bỏ học để không phải làm khổ người khác, nhưng sau đó mình nghĩ lại, nếu bỏ cuộc trong lúc này là phụ lòng tốt của bạn bè, thầy cô, rứa là mình cắn răng tiếp tục đi học” - Chị nói.

Ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, chị theo ba mẹ về Huế và tiếp tục học hai năm cuối cấp 3 ở Trường THCS Hai Bà Trưng (Huế). Bỗng dưng chị rơm rớm nước mắt: “Thời gian đầu, ba mẹ đưa mình đến trường, nhưng thời gian sau, do ba mẹ quá bận rộn nên mình lại phải nhờ bạn bè ...cõng mình đến trường như thời còn đi sơ tán. Hai năm cuối cấp, đã không biết bao nhiêu lần mình khóc như mưa trên lưng bạn vì thương bạn, thương mình”.

Tốt nghiệp phổ thông, giấc mơ thi tiếp lên đại học của chị  bị chặn lại bởi bộ phận tiếp nhận hồ sơ  bảo chị không đủ sức khỏe để học đại học. “Nghe thế mình rất buồn nhưng không nản chí mà quyết tâm bằng mọi cách thi học cho bằng được” - Chị nói.

Cuối cùng một bác sĩ tên Cương ở Huế cảm phục nghị lực và sự hiếu học của chị nên ông... phê liều vào sổ khám bệnh: “ Phương Liên bị liệt hai chân nhưng đủ sức khỏe để học đại học”.

Vượt qua ải hồ sơ, chị thi đậu vào khoa Sử Đại học Tổng hợp Huế (bây giờ là Đại học Khoa học), nhưng theo quy chế của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, sức khỏe như Phương Liên lại... không được học đại học.

Thương người học sinh tuy tàn tật nhưng có hoài bão lớn lao, thầy hiệu phó của trường Đại học Tổng hợp Huế lúc ấy là ông Nguyễn Quốc Lộc, phải khăn gói ra tận Hà Nội gặp Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Nguyễn Đình Tứ để xin cho chị được theo học suốt 4 năm đại học.

Lần đầu tiên trong cuộc trò chuyện, chị thở dài cười thật buồn với thắc mắc của tôi rằng, điều gì đã khiến chị quyết tâm phải học cho bằng được dù gặp phải không ít khó khăn: “Thì em coi, đời chị có chi vui hơn ngoài việc học. Chỉ có vùi đầu vào học, đọc sách chị mới quên đi bệnh tật, quên đi những bất hạnh mà số phận chẳng may lại vận vào mình...”.

Cần được đối xử công bằng như những người có học khác...

Huyền thoại về một niềm tin sống ảnh 2
Bức thư chị Phương Liên gửi cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Phía trên, góc trái là di bút của cố Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh Bình Trị Thiên lúc ấy bố trí việc làm cho chị Liên

Tốt nghiệp đại học năm 1981, ngoài việc viết đơn xin việc gửi qua đường bưu điện, ba chị Phương Liên đã chở chị đi gõ cửa hầu như tất cả các cơ quan ở thành phố Huế để xin việc làm nhưng ở đâu cũng chỉ nhận được một cái lắc đầu do đôi chân chị bị tàn tật.

“Đó là những năm tháng buồn đau và thất vọng nhất của đời mình” - Chị nhớ lại: “ Tuy nhiên mình vẫn không mất niềm tin về một sự công bằng trên cuộc đời. Mình vẫn nuôi hy vọng mong manh rằng một ngày nào đó mình được xã hội thừa nhận”.

Và để có cái bỏ vào bụng để tiếp tục sống mà hy vọng, chị mở một quán nhỏ bán thuốc lá và xăng lẻ ở trước mặt nhà số 75 đường Bến Nghé bây giờ. Thời gian rảnh, chị nhận làm tất cả mọi việc từ đánh máy chữ thuê, đan len, bóc lạt...

Cuộc sống như thế kéo dài 5 năm, đến năm 1986, một người bạn cũ của chị làm ở ngành công an gợi ý chị thử viết thư cho Thủ tướng Chính phủ lúc ấy là bác Phạm Văn Đồng để trình bày hoàn cảnh và nhờ giúp đỡ xem sao.

“Bây giờ một công dân viết thư cho Thủ tướng là điều bình thường, nhưng thời điểm năm 1986 là một điều gì đó rất ghê gớm, là chuyện “động trời” - chị nói: “Tuy nhiên, sau một thời gian suy nghĩ, mình thấy không còn cách nào khác để cứu mình nên đành liều viết thư gửi Thủ tướng.

Bức thư viết đại ý: “Cháu là một người tàn tật, nhưng bằng nỗ lực vươn lên của bản thân cháu đã tốt nghiệp đại học. Ở Huế, cháu đến  xin việc nhiều cơ quan mà buồn thay, chẳng có nơi nào đồng ý nhận vào làm việc. Cháu cần có một việc làm để cống hiến chút sức mọn của mình cho xã hội và cần được đối xử công bằng như mọi người có học khác”.

Bất ngờ là chỉ một tuần sau khi gởi thư, chị đã nhận được hồi âm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Thủ tướng đã phê vào lá thư của chị với lời lẽ hết sức chân tình: “Anh Vũ Thắng. Mong anh giải quyết trường hợp đáng thương này…”. Dưới bức thư ký tên là Tô (một tên gọi thân mật khác của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng).

“Nhận được thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng mà mình không tin đó là sự thật. Mình không thể nào tin được một người bận trăm công nghìn việc như bác Phạm Văn Đồng lại có thời gian để trả lời thư cho một công dân tàn tật, bị xã hội ruồng bỏ như mình. Và sau khi biết chắc chắn đó là sự thật, lần đầu tiên trong đời, mình đã hét to lên, mình đã khóc không thể nào dừng lại được vì quá hạnh phúc” - chị nhớ lại.

Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Ông Vũ Thắng lúc ấy là Bí thư tỉnh Bình Trị Thiên không hiểu sao lại chỉ đạo UBND thành phố Huế giải quyết cho chị một công việc ở Hợp tác xã thủ công, cụ thể là một quầy bán hàng tại chợ Đông Ba.

Chị nhớ lại bằng một nghi vấn: “Có lẽ họ thấy mình bán thuốc lá ở đường Bến Nghé nên cho rằng mình là...tiểu thương, và công việc tốt nhất với mình là...bán hàng ở chợ Đông Ba chăng?”.

Sau khi bàn tới bàn lui với ba mẹ, chị cắn răng từ chối công việc bán hàng ở chợ Đông Ba với lý do: Một người tàn tật như chị không hợp và không thể làm việc buôn bán ở chợ.

“Lúc đó nhiều người cho là mình ngu, mình hâm. Họ nói nếu không buôn bán được thì cứ nhận đại đi một lô hàng, sau đó nhượng lại cho người khác có thể kiếm được mấy triệu đồng tiền chênh lệch (khoản tiền chênh lệch hàng triệu đồng vào năm 1986 là rất lớn).

Lúc đó mình rất đói rách, rất thèm tiền nhưng mình nghĩ, nếu làm thế là không đúng, là có lỗi với lòng tốt của bác Đồng. Rứa là mình quyết tâm không nhận và... trở về với việc bán thuốc lá, đan len, bóc lạt...” - Chị cười rất thanh thản.

Niềm vui và sự an ủi lớn nhất của chị là đứa con gái duy nhất - em Mai Hoài Giang, xinh đẹp và học rất giỏi. Năm học lớp 12  trường PTTH Quốc học, em đã đạt giải 3 quốc gia môn Anh văn và được tuyển thẳng vào Học viện Quan hệ Quốc tế.

Tại đây, Hoài Giang học giỏi và giành được suất học bổng du học. Hiện Mai Hoài Giang đang là sinh viên năm thứ ba tại Đại học Châu Á- Thái Bình Dương ở Nhật Bản.

Hoài Giang là kết quả của một mối tình rất đẹp giữa chị Liên và một người đàn ông xin được giấu tên. Chị bảo “thôi chuyện đã qua rồi, không nên gợi lại. Vả lại bây giờ người ta cũng đã có gia đình, vợ con...”

* Còn nữa

MỚI - NÓNG