Những chuyện ít biết về Tổng tuyển cử 1946 - Kỳ 2

Những chuyện ít biết về Tổng tuyển cử 1946 - Kỳ 2
TP - Diễn thuyết trước người dân, trả lời phỏng vấn báo chí về chương trình hành động của mình… những người ứng cử vào Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam mới đã khiến không khí trước ngày Tổng tuyển cử càng thêm sôi nổi, dân chủ.
Những chuyện ít biết về Tổng tuyển cử 1946 - Kỳ 2 ảnh 1

Cử tri Hà Nội bỏ phiếu tín nhiệm người xứng đáng tham gia Quốc hội khóa I

Điều đáng nói là có những chương trình hành động của các ứng viên cho đến bây giờ vẫn còn ý nghĩa thời sự.

Kỳ II: Vận động tranh cử trước giờ G

Bộ trưởng Vũ Đình Hòe: “Chương trình tranh cử chung: Kháng chiến, kiến quốc”

Ông Vũ Đình Hòe - Bộ trưởng Bộ Giáo dục - ứng cử tại Hà Nội. Tiểu sử của ông được giới thiệu trên báo Quốc hội: “Thuộc lớp cử nhân luật đầu tiên ở Đông Dương nhưng không vào quan trường hay công sở, dạy học từ năm 1935, vào Đảng Xã hội Quốc tế (Liên đoàn Đông Dương). Chủ nhiệm và chủ bút báo Thanh Nghị (1931-1945).

Kỳ I: “Báu vật” trong tờ báo mang tên “Quốc hội”

Tham gia phong trào giải phóng dân tộc của Mặt trận Việt Minh, danh nghĩa là đảng viên Việt Nam dân chủ đảng. Được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục trong Chính phủ lâm thời, tổ chức bình dân học vụ, mở trường Đại học Việt Nam. Đã thảo xong bản Dự án những nguyên tắc giáo dục mới và sẽ đem ra để Quốc hội duyệt y”.

Trả lời câu hỏi về dự đoán kết quả cuộc Tổng tuyển cử, ông Vũ Đình Hòe tỏ ra ngạc nhiên: “Câu hỏi đột ngột quá vì tôi thấy cuộc Tổng tuyển cử của ta khác  hẳn. Phải toàn thể quốc dân bầu cử và ứng cử, không phải đảng nọ, phái kia tranh cử mà dự đoán được kết quả đảng này thắng, đảng kia bại.

Người nào ra ứng cử cũng theo một chương trình chung: kháng chiến, kiến quốc. Và kết quả tôi chỉ biết: Những đại biểu được bầu đều là những người có đức, tài được tín nhiệm của toàn dân”.

Về bản dự thảo Hiến pháp, là thành viên Chính phủ, ông Vũ Đình Hòe cho biết có ý muốn sửa đổi thêm một vài điều. Ông nói thêm: “Tôi còn chắc Quốc hội sẽ cho Chính phủ bầu lên nhiều quyền đặc biệt để điều khiển cuộc kháng chiến kiến quốc. Tôi ra ứng cử ngoài chương trình chung còn có chương trình riêng gồm hai phần chính bao quát: Chống ngoại xâm, diệt nội phản; xây dựng nước Việt Nam mạnh và dân chủ.

Về giáo dục: 1. Lập nhiều trường. 2 - Tổ chức nền học thực nghiệp và chuyên nghiệp. 3 - Mở rộng đại học, gửi sinh viên đi du học ngoại quốc. 4 - Cấp học bổng cho học sinh nghèo, nâng cao đời sống giáo viên. 5 - Khuếch trương bình dân học vụ.

Ông Trịnh Văn Bô: “Dân trí phải được nâng cao”

Khác với ông Vũ Đình Hòe, ông Trịnh Văn Bô - ứng cử tại Hà Nội - xuất thân trong một gia đình tư sản dân tộc. Ông kế nghiệp hiệu buôn Trịnh Phúc Lợi, một hãng buôn thành lập lâu nhất của người Việt Nam, có xưởng dệt tơ hóa học và có chân trong Công thương cứu quốc đoàn.

Lúc ra ứng cử ông Trịnh Văn Bô đang là ủy viên xã hội trong Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội. Ông Bô dự đoán về kết quả cuộc Tổng tuyển cử: “Tất cả quốc dân hoan nghênh Tổng tuyển cử sẽ sốt sắng tham dự vào cuộc Tổng tuyển cử. Những đại biểu sẽ rất xứng đáng vì quốc dân vô cùng sáng suốt trong sự lựa chọn.

Tôi ra ứng cử với một chương trình chung, chương trình liên hiệp quốc gia. Nhưng riêng về phần tôi, tôi chú trọng về mặt xã hội. Dân trí phải được nâng cao, đời sống phải được nâng đỡ. Tôi sẽ theo một chương trình cải tạo xã hội để đại đa số được no ấm”.

Nhà thơ Xuân Diệu: “Tôi bênh vực quyền bãi miễn của dân”

Những chuyện ít biết về Tổng tuyển cử 1946 - Kỳ 2 ảnh 2
Nhân dân Nam Bộ đi bầu Quốc hội

Tiểu sử của ông Ngô Xuân Diệu - ứng cử tại Hải Dương - được đăng trên báo Quốc hội rất ngắn gọn, tuy nhiên có lẽ cũng chẳng cần phải nhiều lời vì thi sĩ Xuân Diệu vốn đã rất nổi tiếng. “Viết văn - viết báo- Giảng thuyết sư trường Đại học Văn khoa, biên tập viên cho các báo Tiên phong, Độc lập, La Republique, Sự thật. Đảng viên Việt Nam dân chủ đảng”.

Xuân Diệu phát biểu thẳng thắn quan điểm của mình về Tổng tuyển cử: “Trong nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, dân Việt Nam có một quyền lực tuyệt đối: Những cái gì đi trái với sự khao khát chân chính của dân, chọc gậy vào sự tiến tới của dân sẽ bị dân đè bẹp.

Quốc hội do Tổng tuyển cử bầu sẽ rất mạnh. Các đại biểu của dân sẽ phải tranh đấu nhiều. Nhưng cuối cùng, dân sẽ thắng. Vì có sự tiến hóa của loài người giúp sức. Vì bánh xe lịch sử đẩy hộ sau lưng ta. Bánh xe ấy sẽ nghiến nát mọi trở lực. Quốc hội sắp tới sẽ là một Quốc hội rất xông xáo và nếu cần sẽ là một Quốc hội cách mạng.

Trong Hiến pháp tôi sẽ bênh vực quyền bãi miễn của dân chúng. Có quyền ấy thì mới không ai ăn hiếp dân được. Không có gì khả ố bằng sự ăn hiếp dân. Nhưng dân sẽ không để cho ai ăn hiếp. Vì dân có những đại biểu xứng đáng, có tài lực”.

Khi được hỏi: “Ông có định bỏ văn chương để làm chính trị hay không?”, Xuân Diệu trả lời: “Làm chính trị với tôi là một bổn phận cấp bách hiện nay. Trong lúc cứu quốc này, tất cả dân tộc ta đều là những chiến sĩ, từ chị gánh rau đến anh bán phở tất cả đều phải làm chính trị, đều phải tỏ cái ý muốn của mình bênh vực cho một chính thể nào.

Tôi ra ứng cử để mong bênh vực cho dân chúng, để phá những chủ trương lạc hậu, khi độc lập đã yên, quyền dân đã vững, tôi ao ước trở lại với văn chương. Vì không phải ai cũng có đủ mọi tài. Mình nên chuyên chú đến cái chuyên môn của mình thì mới phát huy được năng lực tốt nhất của mình. Bây giờ thì ý muốn thắm thiết nhất của tôi là chống lại những cái gì phản tiến bộ, phản dân tộc”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên: “Ông quê ở Hà Tĩnh, có những lý do gì khiến ông ứng cử ở Hải Dương?” Thi sĩ cười, đáp: “Chung quanh vẫn nước non nhà…”

Nhà văn Vũ Ngọc Phan: “Chống ngoại xâm, chấn chỉnh nội trị”

Càng gần đến ngày Tổng tuyển cử, không khí náo nức của ngày hội lớn hiển hiện khắp nơi, từ các thành phố đến thôn cùng ngõ hẻm.

Nhà văn Vũ Ngọc Phan, ứng cử tại Hà Đông xúc động trước cảnh tượng ấy, ông phát biểu cảm tưởng của mình trên báo Quốc hội: “Cái cảm tưởng trước nhất của tôi là sự ồn ào tấp nập trước ngày Tổng tuyển cử sẽ hứa hẹn có nhiều người đi bỏ phiếu, cũng như đã có rất nhiều người ra ứng cử. Sự lựa chọn rồi cũng sẽ đích đáng. Lần này là lần đầu, ý dân được phát biểu tự do. Chúng ta sẽ có một Hiến pháp chính thức, một Chính phủ chính thức, đủ các nhóm, các Đảng sẽ có trong Quốc hội và nhờ đó thực hiện được một Chính phủ liên hiệp”.

Trả lời câu hỏi: “Nếu trúng cử, ông có chương trình gì không?” nhà văn Vũ Ngọc Phan nói ngắn gọn: “Trước hết, phải thân thiện với các nước đồng minh, còn trong nước phải đi mau tới sự đoàn kết hoàn toàn, để chống ngoại xâm và chấn chỉnh việc nội trị, và để đồng bào có đủ cơm ăn áo mặc và thoát nạn mù chữ”.

PGS Lê Mậu Hãn lật giở cuốn Lịch sử Quốc hội 1946 -1960 mà ông đã dày công biên soạn nói: “Việc nhiều người thuộc các thành phần giai cấp và đảng phái khác nhau tham gia ứng cử và công khai phát biểu quan điểm chính trị và chương trình hành động của mình trước quốc dân đồng bào và trên báo chí đã thể hiện một không khí thực sự dân chủ và tinh thần đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Có thể các ứng cử viên có những quan điểm chính trị và chương trình hành động khác nhau nhưng tất cả đều đầy tinh thần trách nhiệm và tâm huyết với đất nước và cùng vì mục tiêu chung của dân tộc lúc bây giờ: Kháng chiến kiến quốc. Chính điều này đã góp phần quan trọng vào thành công của Tổng tuyển cử 1946”.

Ngày 6/1/1946, thời khắc lịch sử đã điểm. Báo Quốc hội ra số đặc biệt đăng lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên trang nhất: “Khuyên đồng bào nam nữ 18 tuổi trở lên, hôm nay tất cả đều đi bỏ phiếu để bầu những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội đầu tiên của nước ta”.

Bỏ phiếu ở một làng miền Trung

Những chuyện ít biết về Tổng tuyển cử 1946 - Kỳ 2 ảnh 3

Nhân dân lao động Hà Nội cổ động cho ngày Tổng tuyển cử 6/1/1946

Cụ Nguyễn Đức Kầm cho đến bây giờ vẫn còn nguyên vẹn cái cảm giác hồi hộp của một chàng thanh niên lần đầu tiên được đi bỏ phiếu.

Sáng hôm ấy Kầm dậy từ tinh mơ, mặc bộ quần áo tươm tất nhất, chạy ra đường làng. Kầm ngạc nhiên vì dường như cả làng đều dậy sớm như mình và nét mặt ai cũng ánh lên  niềm vui khó tả. Cờ, khẩu hiệu bay trong tiếng trống làng rộn rã đầy thúc giục.

Mới đầu giờ sáng, phòng bỏ phiếu đã đông chật người. Mọi người nhường cho bà cụ Nguyễn Thị Don 85 tuổi vào bỏ phiếu đầu tiên. Cụ Don run run đưa bút viết lên tấm thẻ cử tri trước sự ngạc nhiên của bà con lối xóm. Ai cũng đinh ninh cụ mù chữ, đánh vần tên mình còn khó....

Nhưng Kầm biết rằng từ khi biết sắp đến Tổng tuyển cử, cụ Don đã tranh thủ những lúc rảnh việc nhà, nhờ thằng cháu dạy  xóa mù cho mình. Cụ viết vào tấm thẻ cử tri của mình mấy dòng chữ: “Hồ Chí Minh”. Anh cán bộ phụ trách hòm phiếu giải thích: “Cụ ơi, Chủ tịch Hồ Chí Minh ứng cử ở Thủ đô Hà Nội, mình ở Nghệ An nên chỉ chọn những người ứng cử ở Nghệ An để bầu”.

Mấy phút sau, cụ Don bỏ lá phiếu vào thùng rồi nói to với dân làng đang vây quanh: “Đời tôi hơn 60 năm đi ở đợ, đi làm đày tớ cho người, chẳng ngờ lại có ngày biết viết chữ lên tờ giấy để chọn người tài đức. Tôi chết cũng nhắm mắt được rồi”.

Non trưa, chàng thanh niên Nguyễn Đức Kầm mới bỏ phiếu xong. Kầm đã được nghe chương trình hành động của một số ứng cử viên nên suy nghĩ rất kỹ trước khi viết tên họ lên tấm phiếu của mình.

Trong buổi sáng mùa xuân, Kầm đứng lặng đi vì vui sướng. Kầm đã nghe nhiều câu khẩu hiệu trước ngày trọng đại này và giờ đây càng thấm thía hơn ý nghĩa của nó: “Bổn phận chúng ta, quyền lợi chúng ta là phải dự  tổng tuyển cử. Hờ hững sẽ mang tội với lịch sử”, “Ai muốn đời mình ý nghĩa? Ai muốn dân tộc mình được mạnh. Hãy thận trọng tìm người ứng cử vào Quốc hội; “Mỗi lá phiếu của chúng ta là một viên đạn để diệt quân thù”…

Từ phút bỏ lá phiếu vào hòm, chàng thanh niên ấy cảm thấy đời mình ý nghĩa hơn và cảm giác ấy vẫn còn trong cụ già Nguyễn Đức Kầm ở tuổi bát tuần giờ đây đang ngồi đối diện với tôi để ôn lại cái ngày Tổng tuyển cử.

Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá về cuộc Tổng tuyển  cử năm 1946: “Đó là một kỳ tích phi thường. Tổng tuyển cử với tất cả các phương thức có thể nói là đạt tới những tiêu chí của những nền dân chủ tiên tiến đương thời.

Xét trên nhiều nội dung hoạt động cụ thể của Quốc hội thì đúng là Quốc hội hiện nay đang phấn đấu theo kịp… ngày xưa. Ví như trong bầu cử, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên chấp nhận quyền tự ứng cử một cách rộng rãi. Thủ đô Hà Nội có 70  ứng viên mà dân vẫn chọn được số người trúng cử chỉ bằng 1/10 số người ra ứng cử.

Chúng ta đều biết rằng những người được chọn này là hoàn toàn xứng đáng. Như vậy là do cách làm đúng và dân chủ thì chọn được nhân tài. Tỷ lệ nhân sỹ trí thức, các nhà công thương, không đảng phái rất cao”.

* Bài báo có sử dụng những tư liệu ở báo Quốc hội và một số tài liệu ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.

Ghi chép của Phùng Nguyên

MỚI - NÓNG