Những thao tác giữ an toàn khi xảy ra động đất

Những thao tác giữ an toàn khi xảy ra động đất
TP - Cách tốt nhất để bảo toàn tính mạng khi có động đất lại là... ở yên trong nhà - PGS.TS Nguyễn Ngọc Thủy – Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện KHCN Việt Nam) - khuyến cáo.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Thuỷ lý giải, do động đất xảy ra trong khoảng thời gian rất ngắn, thường chỉ tính bằng giây, nên việc chạy ra khỏi nhà, đặc biệt là nhà cao tầng, không giải quyết được gì vì không đủ thời gian ra khỏi vị trí toà nhà sập xuống.

Thêm nữa, việc hàng nghìn người hoảng hốt cùng lúc bỏ chạy có thể góp thêm một lực dao động lớn khiến tòa nhà đổ sập mà không phải do động đất. Việc xô đẩy, giẫm đạp lên nhau để tìm đường thoát thân cũng có thể gây thương tích, thậm chí làm nhiều người thiệt mạng.

“Cách tốt nhất là ở yên trong nhà, chui xuống gầm bàn, gầm ghế, gầm giường để tránh gạch ngói, đồ đạc rơi đổ lên đầu. Khi đi ngủ thì phía trên đầu giường không nên để thứ gì để tránh rớt xuống. Nếu đang nằm trên giường mà thấy có động đất thì nên úp gối che lên đầu ngay lập tức - PGS Thủy nói - Đợi khi cơn chấn động qua đi thì nhanh chóng đi ra khỏi nhà để đề phòng những cơn dư chấn tiếp theo”.

Khi cảm thấy một cơn động đất xảy ra, không nên đi thang máy vì thang có thể bị va đập vào hai bên thành tường hoặc đứt gãy hoặc bị kẹt giữa chừng vì động đất thường gây mất điện. Với những người đang đi ngoài đường, nên tránh xa các đường điện, cột trụ, tường, nhà cao tầng, nhà kính, cây cao và các cấu trúc khác có thể sụp đổ. Thực tế cho thấy hầu hết thương vong liên quan đến động đất là do tường đổ, các mảnh kính bị vỡ và văng vào người.

Khi đang lái xe, cần táp vào lề đường và đừng cố vượt qua cầu vì có thể cầu bị sập. Nếu đang ở trên núi hoặc sườn đồi, cần tránh xa các vùng trượt dốc đứng vì ở đó có thể xảy ra lở đất. Còn với những người đang đi dọc bờ biển, cảm thấy một trận động đất khiến khó đứng vững thì điều này có thể đồng nghĩa với sóng thần sắp xảy ra. Cần nhanh chóng chạy xa khỏi bờ biển lên những chỗ cao hơn.

Ra ngay khỏi nhà sau động đất

Tại Việt Nam, các khu vực có khả năng xảy ra động đất là Hà Nội, Điện Biên, Lai Châu, Mường Lay, Mường La.

Tại Hà Nội, Thanh Trì là nơi có nền địa chất xấu hơn cả với tầng trầm tích dày gồm bùn, sét, cát và ngấm nước. Tầng đất xấu thu nhận dao động mạnh hơn nên những nơi như Thanh Trì có thể cảm nhận rõ ràng hơn khi có dư chấn hoặc động đất.

Nhà xây tại những khu vực này cần tuân theo quy phạm về kháng chấn để đảm bảo an toàn tuyệt đối khi có động đất.

“Tuy nhiên, cần ra ngay khỏi nhà sau khi động đất xảy ra” – PGS Thủy khuyên. Việc ra khỏi nhà cũng cần phải tuân theo một trình tự nhất định: Không chen lấn mà bình tĩnh đi theo thứ tự; không dùng thang máy mà dùng thang bộ.

Những người hoảng hốt sau cơn động đất có thể đang rất cần gọi điện về nhà cho người thân, nhưng các nhà chức trách khuyến cáo không nên gọi điện lúc đó vì đường dây có thể cần để phục vụ đàm thoại khẩn cấp phục vụ giải cứu thảm họa.

Để giảm thương vong sau động đất, tuyệt đối không quay lại các tòa nhà để tìm đồ đạc hay bất cứ lý do gì khác vì những dư chấn có thể xảy ra làm sụp đổ phần còn lại.

Cũng theo PGS Thủy, mặc dù Việt Nam thuộc loại trung bình yếu của thế giới trong hoạt động động đất, nhưng không vì thế mà chúng ta coi thường, đặc biệt trong điều kiện hiện nay chưa thể cảnh báo được thảm họa này. Để chuẩn bị “đón” động đất, những vật nặng cần được đặt ở những giá đựng thấp, kiểm tra độ chắc chắn, cất giữ những đồ dễ vỡ, chai lọ đựng chất hoá học có hại và những chất dễ cháy vào những ngăn tủ thấp và đảm bảo an toàn, tạo thói quen tắt bình gas khi không sử dụng.

“Tất cả mọi người đều nên  sẵn sàng đối phó với động đất bằng cách chuẩn bị sẵn một túi đồ gồm đèn pin, nước uống, kẹo, còi và cả thẻ ngân hàng nữa” – PGS Thủy nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG