5 học sinh lớp 6 xin giải đề thi đại học 2007

5 học sinh lớp 6 xin giải đề thi đại học 2007
TP - Đề thi môn Toán của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2007 có thời lượng 150 phút được các em giải trong vòng 45 phút. Kết quả: 2 HS được 9,75 điểm; 1 HS được 7,75; 2 HS còn lại người thì được 8, người được 9.
5 học sinh lớp 6 xin giải đề thi đại học 2007 ảnh 1

Từ trái qua phải: Long, Hải, Sơn (ngồi trên) và Thắng, Linh (bên dưới) - Ảnh: Quý Hiên

Các em là 5 HS vừa học xong lớp 6 hiện đang theo học lớp học đặc biệt của thầy giáo Trần Phương (Trung tâm hỗ trợ nghiên cứu và phát triển các sản phẩm trí tuệ, Liên hiệp hội các hội khoa học Việt Nam).

Lớp học đặc biệt

Lớp có 5 học sinh: Nguyễn Minh Thắng, Lê Nguyễn Vương Linh, Hoàng Minh Sơn, Ngô Đặng Hải, Phạm Tiến Long. Các em đều sinh năm 1995, trừ Phạm Tiến Long (sinh năm 1996).

Tất cả đều vừa học xong lớp 6. Linh và Hải là HS trường THCS Hà Nội - Amsterdam, Long học ở trường THCS Trưng Vương, Sơn thì học ở một trường thuộc diện chẳng mấy “tiếng tăm” - THCS Ngô Quyền. Những trường đó đều ở Hà Nội.

Riêng Thắng là “công dân tí hon” của Thái Bình - HS trường THCS Lương Thế Vinh. Xuất thân của các em không có gì đặc biệt. Chẳng ai có bố mẹ là giáo sư, tiến sĩ.

Em Sơn có bố là lao động tự do, mẹ bán hàng lặt vặt ở nhà. Bố mẹ các em còn lại hầu hết đều là cán bộ, công nhân viên nhà nước hoặc là công nhân.

Để theo đuổi lớp học đặc biệt được đến thời điểm này, các em đã phải trải qua một quá trình “sàng lọc tự nhiên”. Thoạt tiên lớp có 15 HS. “Buổi thứ hai còn 12” - Long nhanh nhảu nói. “Buổi thứ 3 còn 10” - Thắng tiếp lời. Sau đó cả nhóm thảo luận một lúc để đưa ra kết luận: “Sau Tết thì còn 5 đứa chúng cháu”.

Long nhận xét: “Buổi đầu tiên tất cả chúng cháu đều “choáng”! Cô hãy tưởng tượng xem: Trong một buổi 4 tiếng đồng hồ chúng cháu phải giải quyết kiến thức đã được thầy khái quát và tổng hợp lại trong 30 trang A4.

Cứ mỗi buổi chúng cháu phải học chương trình môn Toán của một lớp, hết lớp 7 đến lớp 8 rồi lớp 9 lớp 10... Hiện nay chúng cháu đang học chương trình Toán lớp 12”.

Sau lời “trần tình” của Long thì cả nhóm nhao nhao: “Nhưng càng ngày chúng cháu càng thấy đỡ choáng hơn. Bây giờ thì thấy bình thường và thấy rất thích học”.

Mỗi tuần các em chỉ học một buổi (vào sáng Chủ nhật). Mỗi buổi học từ 3 đến 4 tiếng. Vậy mà chỉ sau 9 tháng, các em đã tiếp thu một khối lượng kiến thức khá lớn.

Mỗi buổi đến lớp, thầy Phương phát cho mỗi HS một tập phô tô bài giảng. Có khi mỗi bài học chỉ được thầy giới thiệu trong vài ba dòng với khoảng 3 - 4 phút thuyết trình. Sau đó các em phải tự học, tự tìm cách giải quyết vấn đề.

Linh kể: “Trong các buổi học, thỉnh thoảng thầy lại pha trò bằng những câu rất vui khiến chúng cháu cười nghiêng ngả”. Cuối buổi thầy cho bài tập về nhà để làm nhưng không bắt buộc phải làm hết. Thế nhưng bạn nào cũng đều cố gắng tranh thủ thời gian để làm được nhiều bài nhất.

Sơn cho biết: “Thường cháu làm bài tập thầy giao sau khi hoàn thành việc chuẩn bị bài vở cho buổi học hôm sau ở lớp đang học. Khoảng 11 giờ tối là cháu đã có thể đi  ngủ”.

Long nói: “Nhờ học ở đây, chúng cháu học được cho mình cách suy nghĩ, suy luận phù hợp để có thể ghi nhớ kiến thức một cách nhanh nhất”.

Công nghệ đào tạo học sinh giỏi

5 học sinh lớp 6 xin giải đề thi đại học 2007 ảnh 2
Từ trái qua hàng dưới: Long, Hải, thầy Phương; hàng trên: Sơn, Linh, Thắng trong một buổi học

Người thiết kế và trực tiếp giảng dạy lớp học đặc biệt trên là thầy giáo Trần Phương - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ nghiên cứu và phát triển các sản phẩm trí tuệ, Liên hiệp hội các hội khoa học Việt Nam.

Cả 5 HS trên đều được thầy Trần Phương biết đến qua showgame “Thần đồng đất Việt” (Đài truyền hình kỹ thuật số VTC tổ chức).

Thành tích của các em trong cuộc thi không phải đều nổi bật. Đại loại cũng chỉ cỡ thứ hạng nhất nhì của tuần hoặc của tháng... Chỉ duy nhất có Hải là lọt vào chung kết năm.

Tuy nhiên, các em đều là những HS giỏi ở trường - đặc biệt là môn Toán. Thầy Phương nói: “Tôi không chủ đích tìm những em xuất sắc nổi trội. Chỉ cần các em thông minh, có tư chất là đã có thể trở thành HS trong lớp học của tôi. Những em như thế ở nước ta có khá nhiều - khoảng 10% trong tổng số HS cùng lứa tuổi”.

Thầy Phương tổ chức lớp học trên nhằm mục đích “hiện thực hoá” ý tưởng của chính mình: xây dựng một công nghệ đào tạo để từ đó tạo ra những HS tài năng thực sự và có kiến thức giỏi toàn diện trong thời gian ngắn nhất.

Môn Toán chỉ là bước thử nghiệm đầu tiên. Để thực hiện công nghệ này, theo thầy Phương điều quan trọng số 1 là phải tạo cho HS niềm đam mê và yêu thích môn học. Từ đó HS sẽ có ý thức tự giác học.

Bên cạnh đó, việc dạy cho HS ý nghĩa của các phép toán, các khái niệm quan trọng hơn dạy cho HS nội dung của các phép toán, các khái niệm đó.

Xin giải đề thi môn Toán vào đại học

Mong muốn của thầy Trần Phương là trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ sắp tới, các HS của thầy sẽ được dự thi môn Toán cùng thời điểm với các thí sinh tham dự kỳ thi này.

Nếu quy chế không cho phép, các HS có thể sẽ bắt đầu làm bài thi sau khi môn thi kết thúc.

Để đảm bảo tính bí mật của đề thi với các em, các em sẽ được ngồi trong một khu vực được cách ly suốt thời gian thí sinh làm bài (có sự giám sát của cơ quan chức năng). Kinh phí cho việc này sẽ do Trung tâm chi trả.

Thầy Trần Phương nói: “Tôi muốn có một sự đánh giá  khách quan, trung thực về mô hình thử nghiệm của tôi.

Nếu các em đạt điểm từ 6 trở lên, tôi xem đó là một thành công để triển khai tiếp công nghệ đào tạo của mình trên diện rộng hơn”.

Thầy Phương nói: “Cái đích của tôi không phải là để tạo ra những HS đạt giải kỳ thi Olympic quốc tế. HS giỏi Toán quốc tế thì chỉ giỏi một môn. Còn tôi muốn HS của tôi học giỏi được nhiều môn nhất trong cùng một đơn vị thời gian.

Các em phải là những người có tính thích nghi cao. Khi vào đời, các em sẽ là những người thành công trong công việc. Tiêu chí của thành công là lương hàng trăm nghìn USD/ năm trở lên”.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, dù chỉ học trong một thời gian ngắn để có thể giải được các bài toán lớp 12, những HS lớp 6 của chúng ta không hề bị rơi vào tình trạng “nhồi nhét”.

Ở trường, các em học bán trú. Do đó, thời gian tự học hàng ngày ở nhà của các em chỉ gói gọn trong một buổi tối. Hải vẫn có thời gian chơi bóng rổ. Long vẫn thỉnh thoảng đi đá bóng. Sơn vẫn thường theo dõi phim hoạt hình trên tivi...

Ông Hoàng Văn Tùng (437 Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Nội) - bố của cháu Sơn cho biết: “Cả 2 vợ chồng tôi quan niệm, tự cháu thích và có khả năng học thì theo, bố mẹ không ép.

Chúng tôi đều không có điều kiện nên việc kèm cháu học hàng ngày được phân công cho chị gái cháu (hiện là SV năm 2 ĐH Hà Nội). Nhưng cháu ham học và tự giác lắm”.

Trao đổi với một số GV chủ nhiệm của các em thì được biết, ở trường các em đều là những HS giỏi toàn diện, hoạt bát, hoà đồng với bạn bè, tham gia tích cực các hoạt động tập thể.

Năm học vừa qua, Linh còn đạt giải ba môn tiếng Anh trong kỳ thi học sinh giỏi do trường tổ chức.                  

 >> Mọi ý kiến và phát hiện mới của bạn về hiện tượng này, hãy gửi về cho chúng tôi.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.