Lớp 6 giải đề ĐH : Nhiều bạn đọc muốn con theo học

Lớp 6 giải đề ĐH : Nhiều bạn đọc muốn con theo học
TPO - Nhiều ý kiến của bạn đọc trên cả nước đã gửi về tòa soạn bày tỏ nguyện vọng muốn có cho con em mình theo học tại Trung tâm này, bởi họ tự nhận thấy các em cũng có năng khiếu tương tự. Tuy nhiên cũng có những ý kiến trái chiều...

>> 5 học sinh lớp 6 xin giải đề thi đại học 2007

Lớp 6 giải đề ĐH : Nhiều bạn đọc muốn con theo học ảnh 1

Từ trái qua phải: Long, Hải, Sơn (ngồi trên) và Thắng, Linh (bên dưới) - Những HS lớp 6 giải đề thi môn Toán của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2007 chỉ trong vòng 45 phút (đề có thời lượng 150 phút ). Kết quả: 2 HS được 9,75 điểm; 1 HS được 7,75; 2 HS còn lại người thì được 8, người được 9.  Ảnh: Quý Hiên.

Trần Thị Kim Oanh

Nên có những trung tâm khuyến khích và đào tạo những HS có khả năng đặc biệt về trí tuệ như thế!

Kính gửi toà soạn báo Tiền Phong! Em là một độc giả thường xuyên của tờ báo TP, em rất đỗi tự hào khi nước Việt mình có những học sinh đặc biệt xuất sắc như Long, Hải, Phương, Linh, Thắng (Bài: 5 em học sinh xin giải đề thi toán đại học 2007).

Và quan trọng hơn là sự phát hiện và khuyến khích tinh thần ham học của các em của Thầy Phương mà cụ thể là Trung tâm hỗ trợ nghiên cứu và phát triển các sản phẩm trí tuệ, Liên hiệp hội các hội khoa học Việt Nam. Nhân báo TP có bài viết này, em cũng xin nói thêm một vài suy nghĩ nhỏ quanh hiện tượng này.

Hiện nay, em được biết, thông qua báo đài và thực tế có một số cháu bé trong độ tuổi mẫu giáo, tuy chưa đi học nhưng đã biết đọc và làm các phép tính đơn giản của hàng đơn vị. Ví dụ như trường hợp con trai của em là cháu: Nguyễn Quang Long. sinh ngày 25 tháng 4 năm 2003.

Cháu mãi đến 3 tuổi cháu mới biết nói nhưng đã nhận biết bảng chữ cái tiếng Anh và tiếng Việt từ khi mới 2 tuổi. Khi cháu bắt đầu nói thì đồng thời cháu cũng biết đọc luôn. Đặc biệt là cháu đọc mà không biết đánh vần, cháu có thể đọc và gõ máy tính cả những từ tiếng Anh đơn giản.

Bây giờ, cháu đã có thể đọc hết cả một quyển sách và làm các phép tính cộng trừ trong phạm vi hàng đơn vị. Cháu có khả năng nhớ được nhiều từ mới tiếng Anh, khả năng quan sát tốt...

Vậy cháu và một số cháu bé như cháu nữa (đã được báo chí đưa lên) thì liệu có nên có hình thức nào để duy trì và khuyến khích khả năng nhanh nhẹn về trí tuệ đó của các cháu!?

Em rất muốn con em và những em bé như vậy được quan tâm bằng những hình thức phù hợp để khả năng bẩm sinh của các cháu không ngày bị mai một đi.

Lê Viết Nam

Muốn đăng ký cho con tham gia lớp học đặc biệt này

Con tôi sinh năm 2000, năm nay mới học hết lớp 1. Năm cháu 4 tuổi, cháu đã biết tính tuổi của tất cả mọi người. Chỉ cần biết một người sinh năm bao nhiêu, cháu sẽ tính ra tuổi, hoặc tuổi bao nhiêu cháu sẽ tính ra năm sinh (bằng cách tính nhẩm), kể cả tuổi của Bác Hồ.

Khi bước vào lớp 1, qua một vài lần hướng dẫn của mẹ, cháu đã làm được hết cuốn bài tập toán thông minh lớp 1, sau đó đến lớp 2. Nói chung các bài tập về Toán cháu nắm bắt và làm rất nhanh.

Việc học và làm toán của cháu là hoàn toàn tự động, không có sự dạy thêm hay hướng dẫn của người khác. Tôi muốn giới thiệu và nhờ Toà soạn liên hệ giúp xem cháu có thể tham gia lớp học nêu trên ngay từ lớp 2 được không ?

Thai Thu

Thưa Quí toà soạn, Sau khi đọc bài báo về 5 hoc sinh giải đề thi toán đại học năm nay và về lớp học đặc biệt của thầy Phương tôi cảm thấy rất vui. Tôi rất muốn tìm hiểu về lớp học này vậy xin Quí toà soạn có thể cho tôi biet mọi thông tin chi tiết về trung tâm của thầy Phương.

Lớp học này sẽ nhận các cháu từ mấy tuổi? Bao nhiêu tuổi thì có thể đào tạo các cháu theo cách này. Xin trân trọng cám ơn quí toà soạn.

Do Manh Hung

Chung toi rat cam kich ve thong tin 5 chau hoc sinh lop 6 giai duoc de thi toan cua lop 12. Nhung nhan tai nay nen duoc tiep tuc boi duong de sau nay cac chau se co dieu kien dong gop nhieu cho dat nuoc.

De nghi Bo GD-DT dap ung nguyen vong cua thay Phuong cho cac chau duoc thi thu Dai hoc cung thoii voi cac thi sinh khac (co the ngoi phong rieng). Xin chan thanh cam on qui bao.

Tên: Ngô đức Huy

Tôi có một đứa cháu, năm nay mới được 6 tuổi hiện đang học lớp một nhưng từ khi 4 tuổi cháu đã đọc viết thành thạo lên 5 cháu đã thuộc lòng bảng cửu chương và nhân 5 số với 5 số và thử lại, giờ đã lên lớp 1 cháu học rất xuất sắc nhưng điêù kiện gia đình không được tốt lắm, vả lại giáo trình để phát triển cháu không có nên không được hiểu sâu hơn. Mong toà soạn giúp đỡ.

Nguyễn Thị Thu Hiền

Tôi muốn cho con được gặp Thầy giáo Phương

Tôi có 2 cháu trai, 1 cháu sinh năm 1995, một cháu sinh năm 2001. Hai cháu đều biết đọc rất sớm. Cháu đầu biết đọc thông thạo lúc 2 tuổi, cháu thứ hai đọc thông lúc 3 tuổi. Cháu đầu còn biết làm toán rất sớm. Chưa vào lớp 1 cháu đã làm được toán lớp 2. Nhưng cháu thứ hai thì đến bây giờ (gần vào lớp 1 vẫn chưa biết làm toán).

Tô i có cảm giác các cháu càng ngày càng kém đi vì chúng tôi (Xin lỗi: kể cả các thầy cô giáo đã dạy chính thức trên lớp của cháu) và bố mẹ vẫn chưa biết cách khơi dậy và phát triển tiềm năng của cháu.

Tôi xin toà soạn cho tôi biết địa chỉ của thầy giáo Trần Phương hoặc giúp đỡ chúng tôi cho cháu được gặp Thày giáo. Chúng tôi vô cùng biết ơn toà soạn.

Phạm Thu Hằng

Tôi ủng hộ phương pháp học mới

Tôi đã đọc bài báo này và rất ủng hộ phương pháp học mới của thầy giáo Trần Phương. Tôi có con trai hiện nay đang học lớp 2, tôi rất muốn cho cháu được thử nghiệm phương pháp học mói của Thầy giáo.

Mục tiêu của tôi không phải để con tôi trở thành nổi tiếng hay để thi đỗ được Đại học mà điều tôi muốn là có 1 lớp học hướng dẫn học sinh học theo phương pháp học mới, Học sinh có thể chủ động tiếp thu kiến thức mà không bị phụ thuộc vào lối học sáo mòn hiện nay.

Tôi muốn biết từ lớp mấy thì cháu có thể tham gia được lớp học và điều kiện để được tuyển chọn vào lớp học là gì. tôi rất mong nhận được thông tin từ thầy Trần PHương.

Trần Trọng Uông

Giới thiệu 1 trường hợp đặc biệt

Qua bài viết "5 học sinh lớp 6 xin giải đề thi đại học 2007" thứ Năm, 07/06/2007, tôi có mấy ít lời kính gởi Toà soạn . Tôi hiện đang công tác tại Tỉnh Daklak, tôi có một người bạn đang ở tại TP HCM. Người bạn này có một người con trai 7 tuổi đang theo học lớp 1 trường Tiểu học Quốc tế Việt Mỹ tại Tp HCM, theo tôi đây là một trường hợp tương đối đặc biệt cần nghiên cứu, hổ trợ.

Từ năm lên 3 tuổi cậu bé đã có một khả năng đặc biệt về trí nhớ, nhất là môn toán học , ngoại ngữ và nhiều thứ khác. Thứ gì cậu xem qua một lần là vài tháng sau có thể nhắc lại ít khi bị trật ví dụ : số điện thoại, biển số xe. Biết đọc biết viết, làm tính cộng trừ năm chưa đầy 4 tuổi. Năm lên 4 tuổi , một hôm cậu ta hỏi bố : phép nhân là gì vậy; Bố cậu bằng giải thích : à , ví dụ 4 nhân cho 3 là ta lấy 4 cộng 4 cộng 4 , cộng ba lần số 4. Khoản 5 phút sau; vậy là con hiểu rồi, cậu bé bảo : con sẽ đọc bảng nhân 8 cho ba nghe : 8 nhân 1 ...8 nhân 9 ... rồi 8 nhân 15 ...rồi 8 nhân 27, cứ theo lôgic của bổ dạy mà câu bé đọc 8 nhân đế dãy só6 hơn hai chữ số.

Rồi học lỏm tiếng Anh của chị (hơn cậu bé 6 tuổi) để rồi nhắc lại chị khi thấy chị đọc hoặc viết sai. Rồi một số hiện tượng khá đặc biệt về sử dụng máy vi tính ...Khi cậu lên 6 tuổi tất cả sách toán lớp 1, rồi lớp 2 , rồi lớp 3, cả lớp 4 bố cậu mua về, cậu mày mò và làm hết sạch.

Khi cậu lên 7 tuổi, bố cậu gởi vào trường Quốc tế Việt-Mỹ trên đường Cộng Hoà TP HCM . Cô gíáo rồi thầy Hiệu trưởng nhà trường có tiến hành kiểm tra riêng và công nhận cậu là trường hợp khá đặc biệt. Nhưng hki đề nghị được học thẳng lớp 2, thì nhà trường bảo là chưa có chính sách gi ải quyết cho bỏ lớp, nhảy lớp ???

Trong năm lớp 1 vừa qua, một lần cậu vớ được cuốn sách Vật lý lớp ... 7 của chị gái, cậu đọc ngấu nghiến trong 3 ngày là xong; rồi trong 1 lần ra sân đá bóng với bố cậu nói : " Con đố Bố, tại sao khi người ta đá quả bóng, bóng bay vào tường rồi dội ra , nhảy tưng tưng một hồi dưới sân rồi mới chịu nằm yên ??

Bố đành cười gãi đầu rồi trả lời lấp liếm : : à,à là tại quả bóng nó ... có hơi trong đó. Không phải, cậu bé bảo, rồi giải thích một hơi các hiện tượng vật lý trong cuống sách lớp 7 như một thầy giáo chính hiệu : "là do qua bóng bị 1 lực tác động, bay vào tường dội ra là do lực đàn hồi , quả bóng nhảy từ từ chậm lại kà do lực cản không khí và cuối cùng dừng lại là do lực ma sát" ??? . Có thể là tôi diễn giải hơi dài dòng, nhưng thực tế cậu bé cực kỳ thông minh và kỳ lạ (theo tôi). 

Bố nó có lên Sở giáo dục, rồi nhờ một số tờ báo tư vấn giúp một hướng đi cho cháu nhưng không có câu trả lời cụ thể. Trong năm lớp một, cậu bé học : ngoài chương trình lớp 1, cậu được dạy thêm tiếng Anh và Tiếng Nhật. Khỏi phải nói, kết quả năm học cậu chỉ có điểm trung bình thấp nhất của các môn là 9,5 , đa số là 10 .

Nhưng điều quan trọng hơn cả là cả một năm qua, khi về nhà không bao giờ cậu mở cặp lấy vở sách ra để học cả ??? Vô cùng nguy hiểm nếu cái "đặc biệt, kỳ lạ" ấy bị bào mòn và mất đi .

Kính đề nghị Toà soạn cho một lời khuyên, và nhất là làm sao giới thiêu trường hợp này đến thầy giáo Trần Phương (Trung tâm hỗ trợ nghiên cứu và phát triển các sản phẩm trí tuệ, Liên hiệp hội các hội khoa học Việt Nam). Hy vọng nhận được hồi âm.

Lê Hiếu

Chúng ta đã nhận thấy rằng không phải cứ đến tuổi là đi học và cứ đi học là được lên lớp. Báo chí gần đây đã nêu khá nhiều tấm gương về học tập. Học chỉ có chưa đầy 20 tuổi nhưng đã có được nhưngc tấm bằng đại học hoặc cao hơn nữa.

Vậy họ đã làm thế nào để đạt được điều đó. Tôi thiết nghĩ Bộ giáo dục và đào tạo cần xem xét lại phương pháp và cách thức giáo dục để những tài năng đất nước có cơ hội sớm được nở hoa.

Lê Thị Hương Lý

Cần phải khuyến khích cho lớp học này

Hôm nay được đọc bài báo này, tôi thấy chất lượng thực tế của việc dạy học cũng như công cụ trưởng thành cho các em trong tương lai là đã bước ngoặt cao.Cần phải có suy nghĩ đào tạo kiến thức thực tế cho các em như vậy và rất cần được phát huy.

Tôi thực sự đáng khâm phục Thầy giáo vì để có một chương trình liên hoàn cho các em như vậy thì Thầy cần phải có một hệ thống vững chắc và bài bản về kiến thức để truyền đạt cho các em. Điều tôi muốn biết hiện tại là : Thông tin và liên lạc với tổ chức trên .

Trần Đức Kiên

Tôi rất đồng ý với cách giảng dạy của thầy Phương, đó là phương pháp rất mới ở Việt Nam nhưng đã được áp dụng rất lâu ở các nước phương Tây nó sẽ tạo cho con người nhìn nhận một vấn đề một cách toàn diện, tự tin.

Học sinh sẽ có kiến thức tổng thê và thực tế mà không cần mất quá nhiều thời gian cho việc học. Tôi hy vọng phương pháp này sẽ được nhân rộng trong thời gian sớm nhất, tạo điều kiện cho học sinh từ bậc tiểu học đến bậc đại học phát triển chủ động không máy móc. 

Vũ Hải Tùng

Tôi nghĩ chuyện này thật khó tin. Mỗi tháng học xong chương trình 1 lớp nếu vậy có lẽ cuối năm nay nước ta sẽ có thêm 6 tiến sĩ toán học. Đây có lẽ là một kiểu nuôi gà nòi thôi. Cần kiểm tra xem các em có hiểu bản chất không.

Rất nhiều gà nòi của chúng ta đoạt giải olympic quốc tế nhưng sau này có bao nhiêu người trở thành những nhà khoa học nổi tiếng thế giới, có những nghiên cứu để thế giới ghi nhận?

Đắc Nguyễn

Có nên cổ súy lối học nhồi nhét?!

Là một độc giả thường xuyên của quý báo, tôi rất đề cao vai trò của báo trong việc xây dựng một môi trường giáo dục tốt hơn, với việc nâng cao việc học và thi cử.

Hôm nay, tôi có đọc bài viết "Học sinh lớp 6 giải thành công đề tốt nghiệp THPT"; và cảm thấy rất lo ngại vì có vẻ như đây là một kiểu cổ súy cho nếp học nhồi nhét. Hơn chục năm trước, tôi cũng là một học sinh xuất sắc, học lớp chuyên và đi thi đủ các kiểu học sinh giỏi.

Chúng tôi luôn được học trước chương trình và như vậy chúng tôi luôn hơn các bạn cùng trang lứa không học chuyên; mọi người gọi cái hơn đó là "giỏi hơn". Kỳ thực chúng tôi phải học chương trình lớp 8 trong 1 học kỳ, chương trình lớp 9 trong học kỳ còn lại của lớp 8. Lên lớp 9 chúng tôi học gần hết chương trình lớp 10. Và khi kết thúc THPT, tôi đã hoàn thành toàn bộ giáo trình đại học của môn học đó.

Như vậy là tôi đã giỏi hơn các bạn khác? Không phải vậy, tôi chỉ được học (hay nhồi nhét thì đúng hơn) những kiến thức của các lớp cao hơn để có thể trở thành học sinh giỏi. Những bài "lớp chuyên" của chúng tôi thì 1-2 năm sau các bạn khác cũng làm được khi học đến đúng chương trình.

Theo bài viết "Học sinh lớp 6 giải thành công đề tốt nghiệp THPT", tôi không thấy thày Trần Phương làm được gì hơn ngoài việc nhồi nét một cách khủng khiếp cho các học trò. Thày có nói "không nhằm mục đích tạo ra các học sinh giỏi đi thi Olympic", vậy các em được gì khi học nhồi nhét như vậy; ngoài việc học nhanh hơn các bạn khác?

Tôi không phủ nhận các em rất giỏi để có thể tiếp thu các kiến thức nhanh như vậy. Tuy nhiên, vấn đề là có cần thiết như vậy không? Tôi không phải là người làm trong ngành sư phạm, nhưng theo tôi hiểu, chương trình học các cấp được đưa ra để phù hợp với các em trong từng độ tuổi, phù hợp với khả năng tư duy, tiếp thu và nhận thức. Học nhanh lên như vậy liệu có tốt chăng?

Nếu tốt, phải chăng chúng ta nên cho học sinh học đọc và viết ngay từ khi 3 tuổi, nên học Vật lý ngay từ lớp 3, học Cơ học ngay từ lớp 5? Một ví dụ khác là việc tôi có con nhỏ và thực sự thấy rất buồn khi các em nhỏ 5 tuổi học ngày đêm toán và tập viết để thi vào trường điểm. Các em có thực sự có thể tiếp thu quá nhiều như vậy?

Có thể ý kiến của tôi trong bức thư này là phiến diện vì chưa có đủ thông tin về cách dạy và học của "lớp học đặc biệt" của thày Trần Phương. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng nếu không có thông tin mang tính tích cực hơn, bài báo sẽ có thể gây một tâm lý cổ vũ cho việc học nhồi nhét. Các em học sinh, các bậc phụ huynh liệu có coi đó là "thành tích" để phấn đấu noi theo?

Nhìn ra bên ngoài, khi việc học ở các quốc gia phát triển thường nhấn mạnh vào khả năng, năng lực của từng cá nhân, đặc biệt là khả năng sáng tạo. Chúng ta sẽ có thể phát triển một nền giáo dục lành mạnh, một lứa các em học sinh sáng tạo và giỏi thực sự để có thể "thành công trong công việc khi vào đời" với cách học nhồi nhét như vậy?

Tôi tin các em của lớp học đó sẽ ít nhiều thành công, vì các em thực tế là các học sinh có tư duy tốt. Nhưng không có nghĩa "công nghệ đào tạo" đó sẽ đem lại thành công cho các em khác. Không thể có chuyện cứ học toàn bộ chương trình 12 năm học trong vòng 5-6 năm thì sẽ trở thành người giỏi, người thành công.

Có thể mục tiêu của thày Trần Phương là tốt, có thể mục tiêu của bài báo là tốt, để động viên các em học hành. Nhưng cần xét rộng ra để chúng ta có cái nhìn đúng đắn hơn về vấn đề. Kính thư, Tất Đắc.

Nguyen Ngoc Huy

Chín ép, không nên !

Tôi xem hiện tượng này cũng giống như việc "ép xung" trong lĩnh vực IT. Nếu "phần cứng" tốt thì việc ép xung sẽ mang lại hiệu quả, máy tính chạy nhanh hơn khả năng vốn có của nó. Trái lại, nếu phần cứng không đáp ứng nổi thì hệ thống sẽ sụp đổ. Máy tính thì như vậy, còn với con người ai có thể lường trước được thí nghiệm này sẽ để lại hậu quả gì cho các em sau này ?!

Nguyen Van Nam

Hoc nhu the co qua nang voi cac em khong ?

Em la mot hoc sinh cap 3 nhung em thay rat bat ngo ve viec 5 em hoc sinh lop 6 lai dat duoc nhung thanh tich nhu the nhung khong biet doi voi cac em co luc nao cac em cam thay cach hoc nhu the la nang qua khong em.

Mong thay cho em biet phuong phap lam sao de cho cac em co hung hoc va cach truyen dat mot luong kien thuc lon nhu the den cac em duoc.

Chúng tôi sẽ chuyển các ý kiến của độc giả muốn trao đổi với thầy giáo Trần Phương để có hình thức trả lời bạn đọc trong thời gian sớm nhất.

Bạn đọc có thể đóng góp ý kiến về vấn đề này tại đây.

>> Tiếp tục cập nhật...

MỚI - NÓNG