Người quân tử men tường mà đi

Người quân tử men tường mà đi
TP - Năm 1962, vợ chồng Linh Chi sinh cháu thứ hai, chị Phúc vợ anh lúc đó đang là nhân viên cửa hàng gạo khu Hai Bà, lương tháng ba mươi bảy đồng, còn lương anh là gấp ba lương chị.
Người quân tử men tường mà đi ảnh 1

Gia đình đầm ấm, chiều hướng công tác đang có cơ phát triển vậy mà một hôm bỗng nhiên anh ngồi viết đơn xin ra khỏi biên chế Nhà nước, về nhà ngồi vẽ.

Bạn bè đều sửng sốt, thằng này không khéo sướng quá hóa dở mất rồi. Hỏi còn ai hơn nó chứ, nghĩ mà xem, người đời đang chỉ mong gặp được hai cái may mắn thì cả hai cái đó nó đều có đủ. Một là kiếm cô vợ ngành lương thực để không phải đêm ngày lo chuyện cơm áo, hai là sớm được tuyển vào biên chế chính thức ở nơi làm việc.

Ngày đó mỗi khi ra đường thấy ai đứng tần ngần buồn bã là người ta đều lấy làm ái ngại, rõ khổ, ngẩn ngơ như người mất sổ gạo thế kia. Sổ gạo cũng được chia làm nhiều loại, nhiều định mức rất nhiêu khê, làm việc nặng được ăn nhiều, việc nhẹ ăn ít, trẻ con lớn thêm vài tuổi làm đơn có chứng nhận được tăng thêm một cân nữa.

Một cặp vợ chồng son phải mang nhau ra tòa xin ly dị chỉ vì anh chồng mắc căn bệnh hiểm nghèo, đấy là ăn quá khỏe. Ở vùng ngoại thành có hai anh chàng cùng kéo đến chạm ngõ một cô gái nhà nọ. Một anh nom tươi sáng ngời ngời, lại vừa tốt nghiệp đại học, đang chờ công tác, một anh lũn cũn, rỗ hoa mắt lác, tối tối vẫn xách đèn đi dự lớp bổ túc ban đêm.

Thế và lực hai bên tưởng vậy đã rõ mười mươi, nhưng sự đời không dễ dàng như người ta tưởng, anh xấu xí được đón rước hồ hởi còn anh kẻng trai bị loại khỏi vòng. Nghĩ cũng phải, các cụ đã có câu tốt gỗ hơn tốt nước sơn, báu gì cái đẹp mã, tuy đỗ đại học nhưng chưa chui được vào cơ quan nào thì cũng có nghĩa là chưa có sổ gạo, ngồi đấy mang sách ra mà nhai.

Thằng kia tuy khó coi một chút nhưng đã chắc chân trong biên chế, nó lác thì nhìn đời bằng một con mắt, cũng chưa ai dám bảo là mù, chưa có bằng cấp thì rồi khắc được đắp cho bằng cấp, giờ ngồi ở lớp bổ túc công nông, sau sẽ vào ngồi ở giảng đường đại học, cho nên nhìn người là cần nhất phải có quan điểm vững vàng, cái mặt quá sáng sủa là còn phải ngờ, nó dễ là con nhà thuộc tầng lớp trên, dính vào lận đận suốt đời, rủ nhau ra bãi sông mà ở.

Cô gái ngồi thu lu trong buồng úp mặt vào tường khóc đúng ba ngày rồi cũng phải mò ra bằng lòng đi lấy chồng. Phận gái có thì, kén chọn lắm rồi chẳng may quá lứa, thành quả bom nổ chậm ở trong nhà mới là một cái họa lớn.

Đám cưới được cơ quan đứng ra tổ chức, đèn măng xông sáng trưng, hai chú chim câu cắt bằng giấy trắng dán lên mảnh phông đỏ, tên hai vợ chồng là hai chữ cái cắt lồng vào nhau đến khéo, các lọ hoa đặt trên bàn cũng toàn là hoa giả, làm bằng giấy nhuộm phẩm.

Ông thủ trưởng thay mặt nhà trai đứng lên phát biểu mặc áo đại cán kín khuy cổ, vừa nói tay vừa chém lia lịa. Đám trẻ con đứng bu kín xung quanh, chúng ngó đầu nhìn vào lố nhố, đàn cào cào thấy sáng từ đâu rào rào bay tới, chúng lao loạn xạ khiến mọi người cười rú lên vừa sợ vừa thích, thế là chị ấy đã đi lấy chồng.

Sunhasaba nơi Linh Chi công tác có trụ sở ở số nhà 32 đường Hai Bà Trưng, gian ngoài dành để bày sách báo ngoại văn, phần lớn là sách báo tiếng Nga và tiếng Trung. Gian trong là một galery bày đủ các loại tranh của rất nhiều họa sĩ gửi đến, tranh xếp thành đống ở các góc tường.

Trong cương vị là một họa sĩ chính, Linh Chi thường phải đi khắp thành phố, tìm tới nhà từng họa sĩ để chọn tranh. Rồi anh phải liên hệ với Hội Mỹ thuật, tiếp đại diện ban bảo vệ nội bộ, có lúc phải đạp xe lên tận Ủy ban Văn hóa đối ngoại trực thuộc Phủ Thủ tướng. Một cơ quan dính đến nhiều cơ quan, dính tới nhiều mối quan hệ, nhiều nguyên tắc, Linh Chi là người có uy tín trong công việc vì anh rất biết làm việc.

Từ galery bé nhỏ ấy những bức tranh của các họa sĩ ta đã theo nhau bay ra khắp thế giới. Khách ngoại quốc vào Hà Nội cũng thường lui tới nơi ấy lùng tranh. Tranh bán thu ngoại tệ, trả cho các tác giả bằng tiền đồng theo giá Nhà nước quy định, thế cũng đã mừng lắm.

Nhưng vẫn như thuở nào, Linh Chi thấy sốt ruột, một hai những chỉ mong thoát ra mọi ràng buộc để yên tâm ngồi vẽ. Anh cuốc bộ quanh Hồ Gươm nhiều buổi chiều, tự nhủ mình chỉ có thể là người sinh ra để sống với màu sắc, suốt đời lặn lội tìm kiếm những hình thái của cái đẹp bất diệt.

Cô gái đứng ở quầy sách tiếng Pháp một hôm tò mò hỏi anh, thế nào là cá tính riêng của một họa sĩ. Linh Chi trả lời cô bằng một câu mà người Pháp thường hay nói, trong hội họa, kỹ thuật thể hiện chính là cá tính của mỗi họa sĩ. Dang la Peinture, la technique c’est la personslité!

Trong khi Linh Chi quay về nhà thu mình trước giá vẽ thì cụ Hoa Bằng kia lại điềm nhiên bước ra cùng các bậc túc nho khác, bảo nhau lội vào đống sách Hán Nôm sắp bị mục nát, lội vào đấy vì một mong muốn cháy bỏng duy nhất là để mò tìm sắp xếp, để rà soát đánh giá, để dịch ra quốc ngữ, ngõ hầu làm sống lại những tư tưởng, làm sống lại những giá trị tinh thần rất quý báu mà tổ tiên từ nhiều thế kỷ qua đã vắt mình gửi lại cho con cháu mai sau.

Một sự quay về can đảm và một sự bước ra cũng can đảm, tất cả đều là những chuẩn bị cho lâu dài. Trong dàn đồng ca nhiều cung bậc khúc thức, họ là những người giữ bè trầm cùng với rất nhiều người vô danh khắp đất nước đang giữ bè trầm. Rất nhiều dự cảm, rất nhiều âm thầm gan góc, khiến ta giờ đây nhìn lại thật sự thấy phải kính nể.

Tôi chưa được đọc nhiều sách của cụ, nhưng chỉ qua một buổi chiều đồng hành, bóng dáng cụ hiện lên trên con đường mòn từ Láng dẫn sang Vòng Cót khiến tôi nhìn theo mà đã se lòng xúc động. Kỳ nghiêm hồ, ba tiếng ấy mới cứng cỏi làm sao, nhiều nhắc nhở và kiêu sa làm sao.

Giữa những vạt rau xanh rờn, giữa những ngổn ngang gò đống, bóng cụ chập chờn ẩn hiện, lấp lánh sáng, lung linh một chấm sáng. Trong Khâm Thiên đài có Lung Linh tự, Lung Linh tự chẳng qua cũng chỉ là một chấm sáng mà thôi, nhưng là một chấm sáng thiêng liêng ở một nơi trời đất thông nhau, trời đất mở ra tới vô cùng và gần nhau tới vô cùng.

Một khi gột rửa được cho mình thật sạch sẽ, trở thành một vẻ đẹp trí tuệ, con người có thể đứng trước Lung Linh tự mà chuyện trò cùng trời đất về những gì hệ trọng nhất. Suy cho cùng thì sự hệ trọng bậc nhất trong trời đất này cũng rất dễ hiểu, đó là chuyện mùa màng gặt hái, là mưa thuận gió hòa, là no ấm bình yên cho một xã tắc.

Tầm vóc một con người, nhân cách một con người có thể tìm thấy từ trong thành tựu sáng tạo, từ sự nghiệp của chính người ấy, nhưng rất có thể cũng chỉ cần nhìn vào cách sống, nhìn vào những hành vi ứng xử của người ấy. Cách sống giữa nhân gian, cách ứng xử trước thời cuộc, trước mỗi bước đi trên đường đời là sự bày tỏ nhân cách hết sức thành thật.

Cụ Vũ Tuấn Sán là một cử nhân Tây học nhưng cũng còn là một nhà Hán học, đã có lúc chính anh Bàng Sỹ Nguyên được ngồi nghe cụ giảng Kinh Dịch. Giảng ngay ở nhà cụ, một thầy một trò cùng ngồi trong một manh chiếu trải trên nền gạch mà lời vẫn vang lên hào sảng như thể đang đứng trên bục cao một tu viện nào. Sinh thời cụ Trần Văn Giáp, cụ Trần Lê Nhân đều đã từng khen cụ Sán có một nền tảng Hán học vững chãi.

Còn cụ Hoa Bằng có lần đã khen ông Xuân Diệu sức làm việc bằng nửa Viện Văn học, chứng cớ là nhà anh ấy đã cầm bút một mình bàn tới hầu hết các tác giả chủ yếu cận đại và cổ điển trong nền văn học nước nhà. Thế là một sức làm việc rất mạnh mẽ, nhưng thế cũng có thể hiểu là văn học mười thế kỷ vừa qua của chúng ta xem  ra cũng khiêm tốn thôi, không lấy gì làm đồ sộ cho lắm.

Nếu nó thật sự là lớn thì cho dù mạnh mẽ đến đâu cũng khó lòng kham nổi một công việc ôm trùm như vậy. Nghĩ đi nghĩ lại cũng chỉ thấy nhiều lắm là vài ba chục bóng người đáng kể, mà trong số ấy, trong số những người đứng ở hàng đầu vẫn chỉ thấy có Nguyễn Du là toàn bích hơn cả, Nguyễn Du lớn trong thơ Nôm, lớn trong thơ Hán, thơ chữ Hán của cụ mới thực là khuôn vàng thước ngọc, qua đó cụ đã tự khẳng định mình như một bậc thầy, ở đẳng cấp khó so sánh.

Hai lần đi sứ qua Trung Hoa cụ đã được người bên ấy dành cho một cách nhìn biệt nhãn, chuyến đi sau cụ được mời lưu lại thăm trấn Cảnh Đức và đã để lại bút tích của mình trong chiếc đĩa sứ miền Giang Tây.

Một bài thơ tứ tuyệt vịnh con nước mùa thu vơi cạn mà vời vợi, thăm thẳm nỗi nhớ nhà, thăm thẳm bóng chim trong đáy xa, lênh đênh một kiếp phong trần. Người thợ vẽ tranh trên sứ phất dăm ba nét phóng khoáng đủ gợi một con đò lênh đênh, đứng bên con đò lênh đênh là một ông già lòng khòng hai tay khoanh trong áo thụng râu tóc bơ phờ, ông lão nhìn vào chốn xa xôi.

Mấy chục năm trước nhà văn Kim Lân đã có trong tay chiếc đĩa đó. Ông kiếm được từ một ông đồ già ngồi mài mực viết chữ ở trước cổng chợ Hôm. Ông đồ đặt chiếc đĩa trước mặt mình như để đợi một người biết đến tìm mua.

Ngày hôm đó cũng tại đấy nhà văn còn bỏ tiền ra mua thêm được một chiếc chén hình chuông có vẽ tùng hạc bay, gọi là tùng phong phóng hạc, chén hạ ẩm, và một chiếc đĩa có bài thơ vịnh mây, vịnh núi của vua Càn Long.

Mây trắng lớp lớp trong núi xanh, mây trắng lớp lớp ngoài núi xanh, núi xanh trong ngoài đều phủ mây trắng, mây trắng bay đi rồi chỉ còn núi xanh ở lại. Ông Kim Lân gói tất cả cất vào tủ, chỉ bỏ ra ngắm mỗi khi vắng khách, một mình thong thả với một mình. Ông vẫn lấy làm buồn vì đã bỏ nhiều công sức mà chưa kiếm nổi một chiếc chén thành vại có trôn phẳng gọi là chén đông ẩm, để đi với chiếc đĩa đề thơ Nguyễn Du.

 Tin ông Kim Lân có đồ quý không cánh mà bay, thế là ông Nguyễn Tuân mò đến liền. Ông đến luôn, lần nào cũng đòi được mang ra xem, Kim Lân hiểu lòng người bạn già mới bảo, ông đã thích thì tôi tặng cho ông, rồi xé tờ báo bọc thật kỹ từng kỷ vật. Đến lúc sắp về cõi vĩnh hằng ông Tuân lại mang tặng nó cho ông Phác, một người bạn chơi cây. Giờ nó trôi nổi đến đâu thì chịu không thể biết.

Hai chiếc đĩa là ở thời Thanh, còn chiếc chén hạ ẩm lại ở đời Thành Hóa nhà Minh. Khách sành chơi, sành săn đồ cổ hiểu như thế là cọc cạch, là mất giá, nhưng mấy ông nhà văn thì chỉ nghĩ đơn giản, phàm đã hiếm đều quý, phàm đã thuộc quá khứ đều là cổ. Cái khiến họ thấy bâng khuâng mỗi khi nhìn vào bộ chén đĩa cọc cạch đó chính là ở chỗ lòng họ thèm muốn được gặp lại bóng dáng xưa, bóng dáng văn hóa của những tháng năm một đi không còn trở lại.

Không nhìn được như thế thì bất quá mọi thứ gọi là đồ sứ cổ cũng chỉ là mảnh sành mảnh chĩnh mà thôi. Cái dáng xưa, cái dấu xưa nó nằm đâu đó trong một nửa câu thơ, trong một mảnh đồ cổ, trong một bậc thềm nhà và thật thảng thốt bất chợt, nó đang nằm trong lòng mỗi chúng ta.

***

Cụ Hoa Bằng là chỗ thân thiết với cụ Ngô Tất Tố từ nhiều năm trước Cách mạng tháng Tám, cả hai cụ đều cầm bút sớm vì đều sớm nặng lòng trước tình cảnh nước nhà. Một người nhìn thấu đáo kiếp sống đọa đầy của người dân quê với những tập tục tối tăm đang trói buộc họ. Một người yêu sử sách, ưa bàn đến các danh lam thắng cảnh, thường xuyên biết chăm nom tiếng Việt hồn Việt.

Xuất thân trong một gia đình khoa bảng vào buổi tao loạn, cụ tuy giỏi giang nhưng cũng không kịp thi cử gì, về điểm này có chỗ đồng cảm với cụ Tất Tố. Cụ Tất Tố cũng học giỏi, vác lều chõng dự khoa thi cuối cùng 1919, ở vòng loại dưới quê cụ đỗ đầu, dân trong vùng gọi cụ là Xứ Tố, nhưng đến lúc vào thi thật thì cụ bị đánh hỏng, rất nhiều người học hành giỏi giang lần ấy bị đánh hỏng, thôi có làm chi cái chữ nho.

Việc cụ trượt lại đâm hay, trong thâm tâm cụ rất mong đỗ đạt để ra làm quan giúp dân giúp nước, nhưng liệu chắc gì đã giúp được dân được nước một khi thành quan, cho nên rất có thể thấy là vì cụ trượt mà nước nhà có thêm một nhà văn lớn, một nhà báo rất lớn.

Ngày trước nhà tôi cũng có một ông học hành nghe nói giỏi lắm, nhưng không buồn nghĩ tới chuyện thi cử, suốt năm suốt tháng chỉ ngồi trên một cãi chõng tre, ôm giỏ ấm chè xanh đặt trên bàn trà. Người em trai lại khác hẳn, từ nhỏ đã thề phải học để ra làm quan. Năm ấy người em đỗ cao, trước khi lên đường nhậm chức, mặc áo thụng vào chào thầy mẹ và anh cả. Búng búng cái đóm tre ngâm, người anh thủng thẳng nói, bây giờ chú đủ lông đủ cánh để bay đi làm người ăn kẻ ở cho nhà người ta rồi.

Cụ Bùi Kỷ sau khi đậu phó bảng cũng đâu có ra làm quan, cụ chọn nghề dạy học. Cụ Trần Lê Nhân người gốc làng Bát Tràng cũng vậy, đỗ cử nhân xong ở nhà học tiếp, học đến già, đã có những năm cụ đứng giảng ở nhà Khai trí Tiến Đức. Một lần Pháp cho người đến gợi ý muốn mời cụ ra làm thủ tướng chính quyền bù nhìn do ông Bảo Đại làm quốc trưởng, cụ bảo làm thế sao tiện, con trai đầu của tôi nó đang theo Cụ Hồ ngoài Việt Bắc kia kìa.

Người con ngày tiếp quản Thủ đô ngồi một chiếc xe lầm bụi tạt về thăm nhà, gặp con ông cụ hỏi, Cụ Hồ cho anh làm đến chức gì mà có ô tô đi? Người con ngượng ngùng thưa lại, thưa thầy con đang là một Cục trưởng. Ông cụ cười, cục gì thì từ lần sau về nhà cũng nhớ phải đi bộ, tránh đừng rầm rộ.

Đồn rằng cuốn Nho giáo của cụ Trần Trọng Kim trước khi mang in đã được cụ phó bảng Bùi Kỷ xem lại. Em vợ nhờ cậy thì anh rể không thể không giúp. Sau khi sách in ra cụ Phan Khôi đã viết bài khen, nhưng lại bị cụ Ngô Tất Tố có bài chê. Gặp nhau ngoài kháng chiến cụ Tố còn trách cụ Phan, viết thế mà khen được thì lạ thật, cụ Phan tặc lưỡi, cũng biết vậy, nhưng ở đời khen chê có gì là lớn lắm đâu.

Vào một năm đầu thập kỷ sáu mươi thế kỷ trước thành phố Hà Nội có lúc đã định chọn ngôi nhà cụ Phó bảng để làm nhà riêng cho ông đại sứ một nước nào đó. Biết chuyện ấy, Bác liền gọi hai vị Bí thư và Chủ tịch lên, vừa gặp Bác đã hỏi, Hà Nội hết nhà rồi hay sao mà các chú phải lấy nhà của ông cụ?

Lúc sắp qua đời, nằm ở nhà A Bệnh viện Việt Xô, cụ Phó bảng còn cầm bút viết lá thư bái biệt gửi lên Bác. Xem thế đủ thấy cách khu xử của các cụ nhuần nhị biết chừng nào.

Ngày Bác mất, báo Nhân Dân cho người đi tìm học giả Cao Xuân Huy để xin cụ có một đôi lời. Ông cụ đã viết thế này, “Cụ Hồ là người cần kiệm mà không hà tiện, bần hàn mà không lầm than, đầy đủ nhân trí dũng, đã có thể được gọi là một người lão thực”. Đấy là lời bàn của một học giả vốn là hậu duệ của một dòng tộc mấy đời làm quan Ngự sử dưới triều Nguyễn.

Một lần qua Mỹ nhà thơ Phạm Tiến Duật đã tìm đến thăm ông Bùi Diễm là con trai của cụ Phó bảng Bùi Kỷ. Ông Diễm nguyên là tổng biên tập một tờ báo tiếng Anh tại Sài Gòn những năm sau 1954. Vào thời kỳ đó sớm sớm các nhà báo phương Tây thường ngồi túm tụm với nhau bên những tách cà phê nóng trên tầng thượng mấy khách sạn lớn giữa lòng thành phố. Họ thăm dò nhau, trao đổi qua lại về đủ thứ chuyện thời cuộc, trong tay người nào cũng có cầm tờ báo vừa ra của ông Diễm. Với họ, đây mới chính là một người bạn tin cậy nhất.

Lúc gặp nhau anh Duật hỏi, thưa anh, liệu anh có thể nói thâu tóm chỉ bằng vài câu nước Mỹ là thế nào được không? Ông Diễm trả lời luôn, tôi qua bên này là để kế nhiệm ông Trần Văn Chương, làm đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Hoa Kỳ.

Hết nhiệm kỳ đó được mời ở lại làm cố vấn cao cấp tại Liên Hiệp Quốc, đã có trên ba chục năm sống ở Mỹ vậy mà tôi vẫn chưa hiểu nổi nước Mỹ. Anh Duật lại hỏi, chiến tranh Việt Nam chấm dứt khá lâu rồi, liệu đã tới lúc người Việt ở cả hai phía có thể ngồi lại chuyện trò với nhau trong cùng một mâm được chưa? Nghĩ hồi lâu ông Diễm mới nói, e rằng khó, có lẽ phải chờ đến lớp con cháu chúng ta, họ sẽ khôn ngoan hơn.

Rồi hai người quay sang nói chuyện về Hà Nội. Trở về chuyện Hà Nội bao giờ cũng dễ gần gụi và bao giờ cũng thú vị. Hà Nội hôm nay, Hà Nội thuở xưa, Hà Nội của mỗi người trong chúng ta, rất riêng tư mà cũng rất chung.

Thời gian đi như ngựa lồng, thời thế đổi thay liên miên, những triều đại huy hoàng, những triều đại tàn lụi, thế kỷ nào cũng lắm vật vã, chỉ những góc thành cổ kính là vẫn còn đứng nguyên đó, chỉ những con đường là vẫn rợp bóng cây. Và từ trong những tiếng trẻ rao đêm, từ trong những tiếng chào thưa lảnh lót của mấy bà mấy chị, ta đang nghe thầm một lời nhắn nhủ dịu dàng.

Sông Hồng hạ về nước lên thu qua nước rút, bơ vơ bờ bãi, bơ vơ đám người, Hà Nội vẫn thế, lam lũ mà yêu dấu. Cuối năm 1945 cả nước gấp rút chuẩn bị tổng tuyển cử. Những ngày đó Bác Hồ thường cho một thư ký riêng của mình xuống liên lạc với cụ Nguyễn Văn Tố để trao đổi công việc. Nhà riêng cụ Tố ở phố Hàng Bạc.

Cụ vốn đã đỗ cử nhân Hán học lúc mới ngoài hai mươi tuổi, qua Paris học tiếp bốn năm rồi về nước làm việc trong Viện Viễn Đông Bác cổ. Là một trí thức yêu nước, cụ đã từng đứng ra tổ chức phong trào truyền bá chữ quốc ngữ được cả nước hưởng ứng mạnh mẽ. Nhiều năm cụ đi đi về về trên những con đường quanh co của khu phố cổ, bất kể mưa hay nắng bước ra khỏi nhà là cụ mang ô.

Bóng một người đàn ông thấp nhỏ áo the khăn đóng đi men dưới mái hiên những ngôi nhà già nua đã thành một ấn tượng khó phai mờ trong đầu người dân Hà Nội, họ yêu quý gọi cụ là cụ Phán men.

Mỗi lần tới nhà cụ bàn việc, khi đứng dậy để ra về bao giờ người thư ký cũng không quên rút từ trong cặp ra một chai rượu ngon và nói, thưa cụ, Bác cho tôi mang chai rượu xuống biếu cụ. Cụ Tố nhận rượu và cảm ơn.

Đến lần tặng rượu thứ ba, vừa đưa tay ra nhận rượu cụ Tố vừa nhỏ nhẹ nói, nhờ anh về thưa lại là Cụ hiểu lầm tôi rồi đấy. Người thư ký vội về thưa lại, Bác ngồi yên lặng hút thuốc. Rồi Bác quay ra hỏi, ông cụ trách vậy ý chú thì sao?

Người thư ký nói, thưa Bác hình như cụ Tố không uống rượu. Bác Hồ bật cười, phải, chúng ta đã nhầm. Phán men không phải là phán rượu, đây là người men tường mà đi, quân tử nép tường mà đi, chú biết ai đã nói thế không, là Khổng Tử nói đấy.

Trong những bức tranh phố cổ của họa sĩ Bùi Xuân Phái, có bức vẽ một người đàn ông áo the khăn xếp mang ô đen đứng nép mình bên những bức tường gạch loang lổ hoang phế vào một chiều đông vắng lặng. Hà Nội hiện ra trong tranh của ông buồn một cách sang trọng.

Hà Nội, tháng 6 năm 2007

Tùy bút của Đỗ Chu

MỚI - NÓNG