Lý Đại Bàng và những trận đánh lừng danh

Lý Đại Bàng và những trận đánh lừng danh
TP - Tôi gặp Lý Đại Bàng lần đầu tiên vào năm 1995. Khi đó, anh là một trong những gương mặt xuất sắc của thanh niên TP Hồ Chí Minh được bầu chọn nhân 20 năm ngày giải phóng miền Nam.
Lý Đại Bàng và những trận đánh lừng danh ảnh 1
Trung tá Lý Đại Bàng - một trong 30 gương mặt tiêu biểu của TP Hồ Chí Minh 30 năm sau ngày đất nước thống nhất

Tình trạng cướp giật đang có dấu hiệu gia tăng hiện nay tại một số thành phố lớn, khiến các cơ quan chức năng có ý tưởng thành lập lại các đội Săn bắt cướp (SBC) từng hoạt động rất hiệu quả vào những năm 80 của thế kỷ trước.

Chúng tôi xin giới thiệu gương mặt một anh hùng săn bắt cướp với những trận đánh lừng danh giữa thời bình.

Tôi gặp Lý Đại Bàng lần đầu tiên vào năm 1995. Khi đó, anh là một trong những gương mặt xuất sắc của thanh niên TP Hồ Chí Minh được bầu chọn nhân 20 năm ngày giải phóng miền Nam. 10 năm sau, tôi lại gặp anh trong danh sách 30 khuôn mặt thanh niên tiêu biểu của thành phố sau 30 năm ngày đất nước thống nhất.

Lý Đại Bàng lại là đại diện duy nhất của ngành công an TPHCM góp mặt trong liên hoan này. Sau đó, tôi còn gặp anh trong nhiều dịp tổng kết thi đua khen thưởng khác, kể cả dịp anh được tuyên dương Anh hùng LLVT vào năm 2005.

Thế nhưng, một cuộc phỏng vấn đầy đủ với Lý Đại Bàng thì vẫn là điều không thể. Hình như những người anh hùng, dù là anh hùng trên lĩnh vực nào thì cũng đều có nét giống nhau: đều chỉ quen làm chứ không quen nói, nhất là tự nói về mình.

Họa hoằn lắm mới thu xếp được một cuộc trò chuyện, "ép" được anh nói vài câu thì thú thực, chỉ là những câu nói chán ngắt, y như... báo cáo. Đại loại, Bàng bảo rằng, quá trình phấn đấu và trưởng thành của anh “luôn song hành với sự lớn mạnh, đi lên của cả thành phố mang tên Bác”.

Rằng “nhờ sự quan tâm của lãnh đạo, sự giúp đỡ của anh em, đồng đội” và “chiến công, thành tích là của chung tập thể”...v.v và v.v. Chấm hết. Đó là toàn bộ những gì mà Lý Đại Bàng gọi là “cung cấp tư liệu”.

Gợi chuyện này chuyện nọ, hỏi sâu vào những trận đánh, những chiến công cụ thể, anh cười thật thà và gãi đầu: “Lâu quá rồi, mình không nhớ nữa!”.

Cũng may là anh em, bạn bè, đồng đội của anh – vì không phải tự nói về bản thân – nên không kiệm ngôn như thế. Đầy tự hào về người đồng đội anh hùng, họ có thể cho tôi nghe vanh vách những trận đánh để đời của anh, những trận đánh thật sự ngay giữa thời bình.

Một ngày giữa năm 1984, Ban chỉ huy công an Q.5 bỗng nhận được hung tin về hai vụ cướp táo bạo. Vụ thứ nhất xảy ra tại góc ngã tư Hàm Tử – Nguyễn Thới Trung. Ngay giữa ban ngày, hai tên cướp xông vào một cơ sở bán bình ăc qui chĩa súng cướp xe gắn máy, sau đó buộc nạn nhân lột luôn nhẫn, dây chuyền nộp cho chúng.

Quýnh quáng, nạn nhân chưa kịp thực hiện, một tên đã kê ngay nòng khẩu Colt 45 vào bụng anh ta bóp cò, sau đó vọt đi ngay. Ít hôm sau, tại ngã tư Hàm Tử - Lương Nhữ Học, chúng lại làm tiếp vụ thứ hai. Anh thanh niên bán thuốc lá chỉ còn biết đứng há hốc mồm trước hai họng súng đen ngòm chĩa ngay vào mặt mà không hề dám kêu, để mặc cho hai tên cướp đoạt chiếc xe máy dựng bên cạnh phóng đi mất dạng.

Từ nhận dạng và mô tả của quần chúng, Công an quận 5 đã điều tra ra được tung tích của hai tên sát nhân nhưng vẫn muộn, không ngăn được chúng hạ gục tiếp nạn nhân thứ 3.

Chúng là Nguyễn Văn Chính và Nguyễn Chính Thắng, hai “quái bay” lừng danh từ trước năm 1975. Đặc điểm chung của hai tên này là chúng thường xuyên “ăn bay” bằng hàng nóng (súng). Chúng chạy xe máy rất giỏi và bắn súng cực kỳ nhanh nhẹn, chính xác. Hễ bị nạn nhân nhìn thấy mặt là chúng không ngần ngại bắn ngay.

Ngoài ra, khi nào trong người chúng cũng thủ sẵn vài quả lựu đạn, sẵn sàng ăn thua đủ với những người đuổi bắt. Nhiệm vụ truy tìm và chặn đứng bàn tay tội ác của hai tên máu lạnh này, vì thế trở nên hết sức nặng nề, nguy hiểm.

Lý Đại Bàng và những trận đánh lừng danh ảnh 2
Trung tá Lý Đại Bàng (giữa) và các đồng đội họp bàn đánh án tại phòng PC17

Nhận nhiệm vụ này, toàn bộ đội SBC quận 5 của Lý Đại Bàng đều phải rong ruổi 24/24 giờ trên các ngả đường trong quận để đón lõng hung thủ.

Một hôm, khi đang cùng một đồng đội tên Dũng mai phục gần chợ Tân Thành, Lý Đại Bàng bỗng bất ngờ nhác thấy bóng dáng hai tên thanh niên chở nhau trên xe Honda bám theo một chị phụ nữ xách giỏ đi chợ.

Không kịp quan sát biển số xe, nhưng linh tính nghề nghiệp khiến Lý Đại Bàng đánh hơi ra ngay đó chính là hai tên cướp cả đội đang ráo riết truy lùng.

Chỉ một cái liếc ngang trao đổi, Dũng đã hiểu ngay, nhảy vội xuống xe rảo bước theo tên Nguyễn Chính Thắng cũng vừa rời xe của hắn theo chân chị phụ nữ vào chợ, trong khi Lý Đại Bàng canh chừng tên Chính đang ngồi chờ trên xe máy.

Ngay trước cửa chợ, hai tên cướp không mảy may chú ý đến hai thanh niên đang lúi húi mua vỏ xe cạnh đó. Nhoáng một cái, tên Thắng đã giật phăng chiếc giỏ xách của chị phụ nữ và tót ngay lên xe đồng bọn phóng vút đi. Lý Đại Bàng cũng vặn ga phóng theo ngay không để lỡ một giây.

Cuộc rượt đuổi như phim diễn ra với tốc độ chóng mặt. Khi vọt lên ngang tầm xe của hai tên cướp, anh bỗng buông tay lái, nhún người bay vọt sang xe đối thủ, ôm ngang người tên ngồi sau vừa thò tay vào bụng rút súng quật đổ hắn xuống đường.

Nếu chỉ tính trong thời gian làm lính , rồi sau đó được đề bạt làm đội trưởng SBC , đội trưởng  đội CSHS của Công an quận 5 và Công an TPHCM, anh đã trực tiếp phá trên 300 ổ nhóm và bắt giữ trên 400 đối tượng thuộc hàng hung hãn.

Cũng trong thời gian đó, anh đã tham gia cùng đồng đội trong việc khám phá gần 200 vụ án hình sự, tóm cổ thêm gần 250 tên tội phạm khác.

Chỉ trong tích tắc, khẩu súng đã bị anh đánh văng, tên cướp Nguyễn Chính Thắng bị Bàng bẻ quặt tay ra sau lưng và gí đầu xuống mặt đường nhựa.

Tên Chính hốt hoảng vặn tay ga chạy trối chết. Nhưng chạy đâu cho thoát? Những đồng đội khác của Lý Đại Bàng đã kịp thời có mặt tham gia cuộc truy đuổi. Sau mấy loạt đạn, trên bàn đạp, bắp chân tên cướp bỗng giật nảy lên, máu rắc xuống mặt đường.

Bàn giao tên bị bắt cho công an phường, Lý Đại Bàng tức khắc lần theo dấu máu truy tìm tên còn lại. Đến trước khách sạn Trung Mai, đột nhiên dấu máu biến mất, chỉ còn chiếc xe máy của tên cướp đổ vật bên đường.

Nhóm trinh sát tẽ ra hai ngả: hai trinh sát vào khách sạn tiếp tục tìm, Lý Đại Bàng một mình một xe lao vào con hẻm gần đó và ngoặt sang đường Phù Đổng Thiên Vương, vừa vặn nhận ra tên cướp mới leo lên một chiếc xích lô. Lại buông tay lái, bỏ xe, từ phía sau, anh tung một cú bay người đạp chiếc xích lô quay ngang.

Té vật xuống đường theo đà quay của chiếc xích lô, tên cướp vẫn kịp thò tay vào bụng chụp quả lựu đạn. Nhanh như điện, tay Bàng xỉa ngay một đường chặn ngang quả lựu đạn tên cướp vừa đưa lên miệng định cắn chốt.

Quyết ăn thua đủ, hàm răng tên cướp bập mạnh vào tay anh khiến máu tuôn xối xả, trong khi tay hắn quơ nhanh để rút chốt lựu đạn. Nhưng hắn vẫn không thể nhanh hơn bàn tay được tập dượt kỹ càng của Lý Đại Bàng.

Một tay bóp chặt tay cầm lựu đạn của tên cướp, tay kia vung lên trong khi miệng anh vẫn la chói lỏi để báo cho những người xung quanh lùi tránh ra xa. Nghe rắc một tiếng, tên cướp hộc ra một ngụm máu có lẫn mấy cái răng!

Trái lựu đạn chưa kịp rút chốt đã bị Bàng chụp gọn và ném xa ra ngoài vòng nguy hiểm. Tên cướp lại cho tay vào túi quần nhưng lại bị Bàng quật nhào và đè chặt, bàn tay đã nắm gọn báng khẩu rulô vẫn chưa kịp rút ra khỏi túi.

Đó không phải là vụ đầu tiên, cũng không phải vụ cuối cùng, chỉ là một  trận đánh đẹp trong rất nhiều những trận đánh đẹp mà Lý Đại Bàng là nhân vật chính.

Bàng khoác lên người bộ quân phục Công an nhân dân từ tháng 11/1977, khi anh vừa rời ghế nhà trường. Nếu chỉ tính trong thời gian làm lính, rồi sau đó được đề bạt làm đội trưởng SBC, đội trưởng  đội CSHS của Công An Quận 5 và Công an TPHCM, anh đã trực tiếp phá trên 300 ổ nhóm và bắt giữ trên 400 đối tượng thuộc hàng hung hãn.

Cũng trong thời gian đó, anh đã tham gia cùng đồng đội trong việc khám phá gần 200 vụ án hình sự, tóm cổ thêm gần 250 tên tội phạm khác.

Lý Đại Bàng và những trận đánh lừng danh ảnh 3
Tang vật của một vụ buôn bán ma túy bị

Trong số những tên tội phạm bị Bàng “lột số”, có không ít tên thuộc các băng nhóm khét tiếng hoành hành từ thời trước giải phóng. Chỉ cái danh xưng của chúng thôi nghe cũng đã rùng mình.

Đó là những tên cướp thuộc băng Tiêu “mù” do tên Trần Anh Tuấn cầm đầu, băng Nguyễn “tàn bạo” vừa nói ở trên, băng Hoàng “Cần Thơ", Tuấn “Côn Đảo”, Sinh “Phú Nhuận”, Tâm “nhập nha”... Hầu hết những tên cướp này đều tội lỗi chồng chất.

Nguyễn Văn Hoàng, tức Hoàng “Cần Thơ” nổi tiếng trong giới tội phạm vì tài “móc đổng” (giật đồng hồ). Bập được còng số 8 vào tay hắn và giong về trụ sở, Bàng hỏi: “Chiếc đồng hồ anh vừa giật khi nãy là chiếc thứ bao nhiêu?”. 

Thằng khốn này cười méo mó: “Dạ, thú thật thì tôi chịu. Đi cướp có ai đếm đâu cán bộ. Thú thực thì số đồng hồ, dây chuyền vàng đã cướp, gom hết lại chắc phải đổ đầy cả... thùng phuy!”.

Một thằng khác, tên Tuấn “Côn Đảo” thì thuộc hàng “tù con rạ”, số lần đi tù còn nhiều hơn số lần ghé thăm nhà nên hắn “không coi nhà tù ra cái đinh gì”. Trước giải phóng, hắn đã từng bị cảnh sát chế độ cũ tống ra lưu đày ngoài Côn Đảo, gắn chết với tên mà thành biệt danh...

Tội dày, bị bắt là cầm chắc ở tù mục xương, những tên này vô cùng liều mạng, đi đâu cũng giắt sẵn súng, lựu đạn, lưỡi lê để sẵn sàng chống trả. Tác oai tác quái một thời, nhiều lần còn tỏ ý đe dọa, thách thức công an, cuối cùng chạm mặt Lý Đại Bàng, chúng đều bị anh quật ngã.

Ngoài đời, tên anh có lúc đã được bọn tội phạm truyền tụng như một huyền thoại. Chúng kháo nhau: “Tay hình sự này có... “bùa Lỗ Ban, đạn bắn không thủng! Gặp chả là... tiêu đời!”. Vào tù, nhiều tên còn nằng nặc xin gặp cho bằng được anh, người hạ đo ván chúng.

Tên Nguyễn Văn Chính thậm chí còn tỏ ra hoài nghi tiếc rẻ: “Chỉ có ông tôi mới bị bắt, người khác thì đừng hòng”. Bàng chỉ cười: “Anh sai. Không có tôi thì sẽ có hàng trăm, hàng ngàn người khác tóm cổ anh. Chính vì suy nghĩ sai lầm như vậy nên anh mới có ngày hôm nay đấy!”.

Không một chút kiêu kỳ, đắc thắng, nhận định khiêm tốn nhưng xác đáng của Lý Đại Bàng đã khiến tên hung thần bị chinh phục. Hắn im lặng gục đầu.

Dáng người to ngang, nhanh nhẹn, cao 1m72, cộng với tính cương quyết, suy đoán thông minh, chắc chắn trong công việc và lòng quả cảm khi đối mặt với những tên tội phạm nguy hiểm nhất, Lý Đại Bàng đã được cả lãnh đạo lẫn anh em, đồng đội trong ngành công an tín nhiệm. Cứ hễ nơi nào nguy hiểm, khó khăn nhất là anh lại được điều đến, khi công việc đã trở nên ổn định, anh lại được điều đến chỗ mới còn khó khăn hơn.

Chỉ trong vòng hai năm (1990 - 1991), Lý Đại Bàng đã có tới... 15 lần nhận quyết định thay đổi vị trí công tác, từ Đội phó CSHS Q5 sang Đội trưởng CSHS khu vực 2 của thành phố, qua Đội trưởng Đội Đặc nhiệm lại đến Đội  trưởng CSHS quận...

Có khi đang từ chức vụ Đội trưởng, thành tích không ít nhưng được lệnh điều sang đội khác làm Đội phó, Lý Đại Bàng vẫn vui vẻ nhận ngay, không một chút băn khoăn gì việc chức vụ bị giảm đi một bậc. Anh bảo: “Công việc cần thì mình đến, miễn làm tốt là vui, chức tước có nghĩa gì đâu”.

Ở cương vị nào, anh cũng đều hoàn thành xuất sắc và hầu như chưa một lần để xảy ra sai sót, dù là trong lĩnh vực săn bắt cướp, trấn áp tội phạm hay bảo vệ yếu nhân.

Năm 2001, từ vị trí Phó Công an quận 5, Lý Đại Bàng được điều về làm Phó phòng Cảnh sát phòng chống các loại tội phạm về ma tuý. Trước một “mặt trận” mới, anh nhận việc mà không tránh khỏi chút lo lắng. Nhưng rồi nhiệt tình và trách nhiệm đã nhanh chóng đưa anh vào cuộc với một tần suất và hiệu quả rất cao.

Cùng với những tập thể CBCS PC17, anh đã chỉ huy và tham gia phá hàng chục vụ chuyên án ma tuý thuộc hàng “lớn nhất” trong cả nước như các chuyên án 403, 503, 603, 112 H, 098H, 217 T, 114E...

Nhiều vụ, lượng ma tuý được bọn tội phạm buôn bán lên tới hàng ngàn bánh heroin, hàng ngàn viên ma tuý tổng hợp, lượng tiền bạc phi pháp lên tới hàng triệu USD.

Mỗi băng nhóm ma tuý có tới hàng chục tên tội phạm cực kỳ gian manh, giảo quyệt, địa bàn phạm tội và lẩn trốn của chúng trải dài trên hàng chục tỉnh thành, ra cả nước ngoài...

Trong khi đó, lực lượng truy bắt còn mỏng, trang bị và điều kiện còn thiếu thốn, lắm lúc Bàng và anh em trinh sát phải lột cả dây chuyền bán đi để lấy tiền mua bánh mì ăn phục kích đối tượng, quyết không rời vị trí dù chỉ một phút. Những chuyến trinh sát, truy bắt dài ngày càng khổ hơn.

Để động viên anh em, Lý Đại Bàng và những thành viên khác trong Ban lãnh đạo phòng đã phải thường xuyên “ba cùng” với họ, khó khăn kham khổ chia đều không một chút phân biệt. Về nhà, vợ con thấy tư trang đã biến mất, có hỏi thì anh cũng chỉ gãi cổ cười trừ và lảng sang chuyện khác.

May cho anh, chị Hoa, vợ anh là một người phụ nữ chịu khó và đảm đang. Chị đã tự nguyện nghỉ việc ở cửa hàng dược huyện Củ Chi, về gắn bó với ruộng vườn, thay anh chăm sóc mẹ già và chăm sóc ba đứa con ăn học đến nơi đến chốn.

Với riêng anh thì chị có thể hoàn toàn yên tâm. Đi về như lốc cuốn, suốt ngày giáp mặt với công việc, với tội phạm, với cái xấu, nhưng anh luôn bình an. Đấu súng thì... có (Lý Đại Bàng thống kê được 6 trận) nhưng thói tật thì không.

Mỗi tội hút thuốc lá hơi nhiều, còn bia anh cũng chỉ uống nửa ly là kịch bờ tường! Mấy chục năm chung sống chị cũng chưa bao giờ  thấy anh phải xin nghỉ ốm. Câu cửa miệng “có gì đâu mà kể” của Lý Đại Bàng xem ra cũng đúng một phần.

Vì thế, nhắc đến anh, có nhà báo đã nói vui: “Cả đời Lý Đại Bàng chẳng có gì phức tạp cả, ngoại trừ những vụ án!” Phải tội, đúng 30 năm trong ngành công an thì cũng chừng đó năm Lý Đại Bàng sống xa nhà.

Rất nhiều lần, anh đã phải cùng đồng đội đón giao thừa ngoài đường phố, dù nhà anh ở Củ Chi,  cách trung tâm thành phố chỉ chừng 1 giờ chạy xe gắn máy.

Gần đến ngày kỷ niệm 10 năm  truyền thống của lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy (7/1997- 7/2007), tôi lại có dịp đến cơ quan của Bàng ở đường Huỳnh Mẫn Đạt quận 5.  Đầy tin cậy, Thượng tá Lê Thanh Liêm, Trưởng phòng PC17 lại chỉ sang người phó của mình: “Nhà báo muốn viết về chuyện làm án chống ma túy thì cứ sang gặp Lý Đại Bàng.

Cả một kho!”. Tôi không hoài nghi gì chuyện đó. Khổ một nỗi, mười lần tìm gặp thì hết chín lần “cái kho” ấy... đang bận! Khi thì đi trinh sát, lúc lại là chuẩn bị phá án, “cái kho” di chuyển liên tục.

Tìm hoài không gặp, anh sĩ quan trực ban cũng ái ngại giùm cho tôi, bảo: “Ông ấy bay như chim!” .  Hèn chi người ta chẳng gọi anh là “Đại Bàng trên đường phố”. Cái tên vận vào cuộc đời, quá khớp.

Rồi thì cũng gặp. Vẫn là con người to ngang ấy nhưng đã dày dạn hơn rất nhiều. Bên cạnh sự xông xáo ngày nào, giờ đã có thêm một Lý Đại Bàng điềm tĩnh, cẩn trọng, đầy phong độ chỉ huy.

Phong độ ấy hình thành nên sau cả trăm trận đánh lớn nhỏ khác nhau, phá rã hàng trăm ổ, nhóm ma túy khét danh. Anh bảo, trên mặt trận mới này, 95% thắng lợi phụ thuộc vào bản lĩnh nghiệp vụ, gồm cả tri thức, kinh nghiệm, sự nhạy bén và lòng kiên trì...

Còn nếu chỉ có lòng can đảm thì may ra chỉ nắm 5% cơ hội. Tất nhiên, can đảm là thứ không thể thiếu, nhưng hoàn toàn không được phép đánh đồng nó với sự liều lĩnh.

Trong chuyên án  phá đường dây ma tuý do hai đối tượng cộm cán Hải “luận”, Hạnh “cầm” cầm đầu, Lý Đại Bàng đã có một quyết định hết sức bất ngờ.

Sau một thời gian dài mai phục, anh cùng 3 CBCS khác đã có mặt đúng vào phút bọn tội phạm đang chuyền tay nhau hết bánh hêroin này đến bánh heroin khác từ xe hơi vào kho. Từ vị trí mai phục đến nơi tập trung của bọn tội phạm chỉ 30-40m.

Anh em liên tục đưa mắt dò hỏi xin Bàng tấn công bắt quả tang vì cảm thấy cơ hội quá “ngon”. Đáp lại, anh chỉ im lặng, sau đó ra lệnh... rút. Sau đó 4 tháng, toàn bộ đường dây này đều bị bóc dỡ và bắt gọn với hàng chục tên cùng đầy đủ bằng chứng phạm tội buôn bán gần... 1 tấn heroin cùng không ít súng, lựu đạn.

Đến lúc đó, anh em trinh sát mới thấy rõ ở anh bản lĩnh một cán bộ chỉ huy. Hôm đó, công an chỉ có 4 người, tội phạm những 9 tên, vũ khí đầy đủ, nếu phát lệnh tấn công thì không những chỉ ăn non mà chuyện đổ máu cho cả đôi bên cũng là điều không thể tránh.

Thắng lợi, nếu có, cũng sẽ không trọn vẹn! Đối với anh, tránh đổ máu là yêu cầu hàng đầu. Ngay cả với những tên tội phạm nhiều lần đáng tử hình cũng phải cố giữ chúng nguyên vẹn để giao cho pháp luật trừng trị. Không ai được quyền thay pháp luật xử tội kẻ khác.

Vả lại, tội phạm có nguy hiểm đến mấy, trước hết họ cũng là những con người, chuyện sinh mạng không thể xem nhẹ! Lý Đại Bàng ít nói và không mấy khi chịu nói, nhưng quan niệm của anh về con người, về nghề lại hàm chứa cả một chiều sâu đầy nhân bản rất đáng để trân trọng và suy ngẫm. Đó cũng là triết lý đã hình thành nên phẩm chất của một người anh hùng...

Ghi chép của Nguyễn Đức

MỚI - NÓNG