Phản ứng về việc Nga ngừng thực hiện CFE

Mỹ và phương Tây bày tỏ sự thất vọng!

Mỹ và phương Tây bày tỏ sự thất vọng!
TPO - Sau khi Kremlin thông báo việc Nga ngừng thực hiện Hiệp ước các lực lượng vũ trang thông thường tại Châu Âu (CFE), Mỹ, NATO và một số nước Châu Âu đã lập tức bày tỏ sự thất vọng về quyết định trên của Nga.

>> Nga ngừng thực hiện CFE 

Trong một bản tuyên bố, phát ngôn viên Nhà trắng Gordon Johndroe nói: “Chúng tôi cảm thấy thất vọng về việc Nga ngưng sự tham dự của mình đối với CFE vào thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục có các cuộc thảo luận với Nga trong vài tháng tới, với cách thức tốt nhất nhằm theo đuổi vấn đề này, bởi nó là lợi ích của tất cả các bên có liên quan và đảm bảo cho an ninh tại Châu Âu”.

Trả lời phỏng vấn các cơ quan truyền thông có trụ sở tại Brussels, người phát ngôn của NATO James Appathurai cho rằng quyết định của Nga là “một động thái đáng thất vọng, một bước thụt lùi” bởi “NATO coi CFE là nền tảng quan trọng cho an ninh và ổn định của Châu Âu”

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cũng bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc” về việc Nga rút khỏi CFE: ”Hiệp ước này là yếu tố trung tâm cho việc giải trừ quân bị quốc tế. Đó là lý do tại sao chúng ta quan tâm một cách rõ ràng tới tuyên bố của Nga”.

Ông Steinmeier nói thêm rằng ông mong muốn Nga sẽ không có hành động nào đi xa hơn việc ngừng CFE và “trong vài ngày tới, chúng ta sẽ thấy những biện pháp cụ thể được đưa ra”.      

Cộng hòa Séc lấy làm tiếc về quyết định trên của Nga và nhìn nhận sẽ không có “những lý do thực sự” để điện Kremlin thực hiện động thái như vậy.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Séc Zuzana Opletalova bày tỏ: “Hiệp định CFE là một trong những nền tảng của an ninh Châu Âu và việc rút lui khỏi nó có nghĩa là đe doạ tới an ninh khu vực này”.

Ngoại trưởng Rumani phát biểu: ”Rumani coi CFE tượng trưng cho cơ sở của an ninh Châu Âu”. Rumani mong muốn đối thoại giữa các quốc gia tham dự CFE sẽ vẫn được duy trì và “tất cả các quốc gia sẽ tiếp tục tôn trọng các cam kết trong khuôn khổ của Hiệp ước”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ba Lan cho biết Ba Lan "lấy làm tiếc" về quyết định của Nga. Varsava hy vọng động thái này không đồng nghĩa với việc Nga  từ bỏ hoàn toàn hiệp ước CFE trong tương lai, do tầm quan trọng của Nga đối với an ninh châu Âu và thế giới.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Jyri Hakamies cho biết quan điểm của nước này coi quyết định rút khỏi CFE của Nga là hành động mang tính tiêu cực. Theo ông Hakamies, căng thẳng giữa các cường quốc lớn không bao giờ có lợi nhưng sự việc này cũng không nên bị cường điệu hóa quá mức.

Tại Oslo, Ngoại trưởng Na Uy Jonas Gahr Store bày tỏ “lấy làm tiếc” với thông báo của Moscow. Trong một tuyên bố, ông Store nói Hiệp ước CFE “là một công cụ quan trọng đã đóng góp cho an ninh và ổn định tại Châu Âu kể từ khi nó có hiệu lực năm 1992”.

Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt được truyền thông dẫn lời rằng hệ quả của việc Nga ngưng thực hiện CFE cần được phân tích.

Các nước trong vùng Baltic lân cận Nga như Latvia, Estonia…tin rằng quyết định của Nga đe doạ trực tiếp tới an ninh các nước thành viên NATO và trong khu vực Baltic. Họ hy vọng quyết định này sẽ không châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Ngoại trưởng Latvian Artis Pabriks cho hay nước này sẽ đứng về phía EU và NATO. Ngoại trưởng Estonia Urmas Paet thì miêu tả việc ngừng thực thi CFE của Nga giống như “tin xấu”.

Trước đó, Bộ ngoại giao Nga đã ra thông cáo báo chí nêu rõ:

”CFE được ký giữa hai khối: Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) và khối Hiệp ước Varsava năm 1990. Hiện nay, khối Hiệp ước Varsava cũng như Liên Xô không còn nữa, những đồng minh của Liên Xô trước đây giờ lại chuyển sang NATO.

Vì thế, Nga cho rằng sẽ không có ý nghĩa khi Nga bị hạn chế số lượng vũ trang trên các phần lãnh thổ của mình. Ngoài ra, Nga cho rằng “bản thân việc mở rộng NATO cũng đã thoát khỏi những giới hạn vũ trang mà CFE qui định”.

V. Linh
Theo Reuters, Xinhua

MỚI - NÓNG