Vụ nâng khống giá thiết bị BCVT: Thêm 18 cán bộ bưu điện bị đề nghị truy tố

Vụ nâng khống giá thiết bị BCVT: Thêm 18 cán bộ bưu điện bị đề nghị truy tố
TP - Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án nâng khống giá thiết bị bưu chính viễn thông (BCVT) của Nguyễn Lâm Thái và đồng bọn, liên quan đến 38 đơn vị bưu điện tỉnh, thành.

Trong số 23 cán bộ bưu điện bị khởi tố bổ sung, CQĐT đề nghị truy tố 18 bị can cùng về hành vi cố ý làm trái. Đó là các giám đốc, phó GĐ, trưởng, phó phòng thuộc Bưu điện 7 tỉnh: Cần Thơ, Bạc Liêu, Phú Yên, Bình Thuận, Vĩnh Long, Cà Mau, Trà Vinh.

Trong số này có các bị can: Ngô Quang Thạch (nguyên Giám đốc (GĐ) Bưu điện Cần Thơ), Lê Quang Trung (nguyên GĐ Bưu điện Bạc Liêu); Phạm Hồng Khanh (nguyên GĐ Bưu điện Phú Yên), Nguyễn Trường Canh (nguyên GĐ Bưu điện Bình Thuận), Lâm Minh Thuỷ (nguyên GĐ Bưu điện Trà Vinh), Dương Văn Thuần (nguyên GĐ Bưu điện Vĩnh Long), Phạm Minh Quang (nguyên GĐ Bưu điện Cà Mau).

Năm bị can còn lại đã được CQĐT đề nghị Viện KSNDTC xem xét, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Đó là ông Trần Tạo (nguyên GĐ Bưu điện Long An); Phạm Thị Trúc Mai và Phạm Khắc Não (nguyên Trưởng phòng Kế hoạch và Kế toán Bưu điện Long An); Võ Xuân Choàn (nguyên Trưởng phòng Đầu tư xây dựng Bưu điện Bình Thuận) và Ngô Quốc Việt (nguyên Trưởng phòng Kế toán Bưu điện Cà Mau), do hành vi của các bị can này chưa đến mức nghiêm trọng.

Riêng Bưu điện Hà Nam, bưu điện này đã ký 7 hợp đồng mua thiết bị, gây thiệt hại 1,09 tỷ đồng, song các cơ quan tố tụng thống nhất không tính hợp đồng kinh tế mua phù điêu trong thời gian diễn ra SEA Games 22 của Bưu điện Hà Nam vào phần thiệt hại của vụ án.

Do đó, mức thiệt hại của Bưu điện Hà Nam chỉ còn 911 triệu đồng, dưới mức 1 tỷ đồng, nên CQĐT cũng đề nghị không xử lý hình sự các cá nhân liên quan tại Bưu điện Hà Nam.

Theo kết quả giám định, tổng giá trị các hợp đồng mua bán thiết bị BCVT của các bưu điện trên với các Cty trong “tập đoàn CIP” của Nguyễn Lâm Thái và đồng bọn lên tới 18 tỷ đồng, thiệt hại cho nhà nước 14,3 tỷ đồng.

Cụ thể, Bưu điện Phú Yên gây thiệt hại 2,8 tỷ đồng, Bưu điện Bình Thuận thiệt hại 1,3 tỷ đồng, Bưu điện Trà Vinh thiệt hại 1,12 tỷ đồng, Bưu điện Cần Thơ thiệt hại 2,2 tỷ đồng, Bưu điện Cà Mau thiệt hại 2,1 tỷ đồng... Hiện các cá nhân liên quan ở các bưu điện trên đã nộp đủ số tiền 14,3 tỷ đồng khắc phục hậu quả.

Trước đó, CQĐT đã có kết luận điều tra vụ án, đề nghị truy tố 32 bị can về các tội: Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành séc giả, các giấy tờ có giá giả khác; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Như vậy, đến nay đã có tổng số 50 bị can trong vụ án bị đề nghị truy tố. 

MỚI - NÓNG