Đại sứ Tây Ban Nha Soledad Fuentes:

'Việt Nam cho tôi nhiều cảm hứng'

'Việt Nam cho tôi nhiều cảm hứng'
TP - Phòng làm việc của Đại sứ Tây Ban Nha tại Việt Nam Soledad Fuentes (trên tầng 15 tòa nhà thương mại Daeha Centre) được trang trí bằng vài bức họa đẹp mắt.
'Việt Nam cho tôi nhiều cảm hứng' ảnh 1
Bà Soledad Fuentes tại phòng làm việc

Thoạt nhìn, khách sẽ ngỡ đó là tác phẩm của một họa sỹ chuyên nghiệp nào đó. Nhưng thực ra, đó đều là những sáng tác của chính chủ nhân căn phòng.

Đến Việt Nam mới hơn một năm, nhưng khung cảnh Việt Nam đã khơi nguồn cảm xúc sáng tác cho bà Soledad Fuentes. 20 bức tranh khổ lớn là thành quả nghệ thuật của bà trong thời gian ở Việt Nam.

Việt Nam cho tôi nhiều cảm hứng

Gặp bà Fuentes trong vài chục phút, tranh thủ lúc nghỉ trưa. Bà tâm sự: “Tôi thích không khí tại Việt Nam. Việt Nam là môi trường lý tưởng cho tôi phát triển khả năng hội họa của mình. Khung cảnh Việt Nam thơ mộng luôn là nguồn cảm hứng hội họa đối với tôi”.

“Trước khi là nhà ngoại giao, bà đã từng là họa sỹ?”- Tôi hỏi. “Không. Mẹ tôi là họa sỹ, tôi được đi theo mẹ vẽ tranh ngay từ nhỏ vả lại được sống trong một môi trường hội họa như đất nước Tây Ban Nha nên có lẽ tôi có gien di truyền về hội họa” - Bà vui vẻ nói.

Cứ tới thứ Bảy, Chủ nhật, bà Soledad Fuentes lại xách giá vẽ đến các vùng nông thôn hay đi du ngoạn khắp Việt Nam để sáng tác. Bà cho biết, chính hội họa đã giúp bà vơi đi những mệt nhọc của công việc thường ngày và đem tới có niềm sinh khí mới cho một tuần làm việc sắp tới.

“Mặc dù tôi không vẽ về một Việt Nam cụ thể, vì tôi theo trường phái tranh trừu tượng, nhưng khung cảnh Việt Nam thơ mộng luôn là nguồn cảm hứng hội họa đối với tôi”

Đại sứ Tây Ban Nha tại Việt Nam, Soledad Fuentes

Bà Soledad Fuentes là nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Lớn lên trong gia đình nghệ thuật, bà đã học mỹ thuật ở Madrid, tham gia Hội Mỹ thuật, câu lạc bộ Màu nước và tham dự nhiều triển lãm chung trong giai đoạn từ 1978 đến 1984.

Do yêu cầu của nghề nghiệp, bà đã sống ở nhiều nước thuộc châu Á và châu Âu, điều đó cho phép bà tiếp xúc với nhiều kỹ thuật và loại hình thẩm mỹ khác nhau.

Bà sử dụng chủ yếu các kỹ thuật phối hợp của màu nước và của sơn dầu trong sự trừu tượng trữ tình, không ngừng thăm dò sự kết hợp giữa màu sắc và sự trong suốt. Những năm gần đây, bà đã tổ chức nhiều triển lãm cá nhân tại Pháp, Nauy và Áo.

Mặc dù công tác ngoại giao chiếm phần lớn thời gian, song đối với bà sáng tạo nghệ thuật là điều không thể thiếu và đó là một sự bổ sung cân bằng cho hoạt động ngoại giao.

Nghệ thuật Soledad ca ngợi thiên nhiên như những khu rừng, khu vườn, mặt nước, cỏ cây. Gần đây bà sáng tác trên chất liệu lụa truyền thống Việt Nam tại xưởng họa Văn Dương Thành.

'Việt Nam cho tôi nhiều cảm hứng' ảnh 2
Bên tác phẩm của mình

Ấn tượng Hà Nội

Đó là tên cuộc triển lãm chung giữa họa sỹ Việt Nam Văn Dương Thành và Đại sứ Soledad Fuentes. Hai người phụ nữ này đã gặp nhau ở một điểm: tình yêu hội họa và khát vọng giao thoa văn hóa.

Chỉ gặp nhau chưa đầy 6 tháng, nhưng dường như niềm say mê hội họa đã đưa hai người đến với nhau và cùng nhau mở một triển lãm tranh.

Tại cuộc triển lãm này, Fuentes đã trưng bày hơn 20 bức tranh sơn dầu và chất liệu tổng hợp, phần lớn mới sáng tác trong thời gian ở Việt Nam. Những bức tranh của bà thể hiện sức sáng tác dồi dào, một niềm say mê nghệ thuật mãnh liệt và một cây cọ vững vàng.

Triển lãm chung giữa Văn Dương Thành và Soledad Fuentes là sự chia sẻ kinh nghiệm cũng như cách nhìn về đất nước của nhau: Việt Nam - Tây Ban Nha trên tinh thần hữu nghị và hoà hợp.

Điều này được thể hiện trên các tác phẩm của mỗi nghệ sỹ, cho dù phong cách, kỹ thuật hay chất liệu sử dụng có khác nhau, nhưng cả hai đều có chung một ngôn ngữ hội họa, đó là màu sắc.

Từ sự hợp tác này, Văn Dương Thành đã sáng tác các tác phẩm về đề tài Tây Ban Nha - kiến trúc Madrid và cái nhìn về Dame de Elche nổi tiếng, còn bà Soledad Fuentes giới thiệu tác phẩm trừu tượng về các chủ đề ưa thích của mình, lấy cảm hứng tại Việt Nam.

Sau hơn một tuần dồn tâm trí cho cuộc triển lãm hội họa chung này, Đại sứ Fuentes lại trở về với công việc của nhà ngoại giao.

Bà lại bận rộn với các cuộc hội thảo xúc tiến thương mại, đầu tư, các dự án hỗ trợ giảng dạy tiếng Tây Ban Nha tại một số trường đại học tại Việt Nam. Bà cho biết:

“Với tư cách là đại sứ, tôi không chỉ muốn thúc đẩy giao lưu hội họa mà còn muốn tăng cường giao lưu văn hoá, kinh tế, chính trị giữa hai nước trong thời gian tới”. 

MỚI - NÓNG